Công nghệ cao - những cam kết chưa được thực hiện

GIÁNG HƯƠNG 19/12/2011 20:12 GMT+7

TTCT - Suốt hơn một thập niên qua, những nguồn lực ngân sách, đất đai... rất lớn đã được đổ vào hai khu công nghệ cao quốc gia tại TP.HCM và Hà Nội trong hi vọng tạo dựng nền tảng, thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao cho đất nước, góp phần quan trọng nâng cao năng lực nghiên cứu nội sinh của VN.

Sắp tới, một nguồn lực lớn hơn nữa sẽ tiếp tục đổ vào đây. Những nguồn đầu tư lớn này đã mang lại gì cho đất nước?

Phóng to
Dự án Misa chiếm 20.000m2 trong phân khu dịch vụ - tổng hợp, nay vẫn là khu đất trống đầy cỏ dại (ảnh chụp đầu tháng 11-2011 tại Khu CNC Hòa Lạc) - Ảnh: Giáng Hương

Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc được thành lập đã 13 năm (năm 1998), đặt tại huyện Thạch Thất (Hà Tây, nay là Hà Nội) với quy hoạch 1.680ha. Còn Khu CNC TP.HCM đặt tại quận 9 với diện tích 913ha, đã qua chín năm triển khai.

Những dự án cỏ mọc

Để có được quỹ đất rộng lớn giao cho các nhà đầu tư với giá thuê rất thấp, ngân sách nhà nước phải chi một khoản khổng lồ cho đền bù giải tỏa, tái định cư, đồng thời phải chấp nhận những tác động nhất định về mặt xã hội do di chuyển rất nhiều hộ gia đình vốn sinh sống ổn định lâu năm trên những vùng đất này. Tại Khu CNC TP.HCM, để có được quỹ đất hơn 900ha, hơn 3.000 hộ phải di dời giải tỏa, tái định cư. Con số này ở khu CNC Hòa Lạc là hơn 1.200 hộ dân. Tuy tất cả đều được đền bù đất đai, chăm lo nơi ở mới... nhưng đây là một sự hi sinh không nhỏ của nhiều người dân vì mục tiêu phát triển CNC của quốc gia, như cả hai khu CNC nhìn nhận.

Cuối tháng 10, chúng tôi đến Khu CNC Hòa Lạc, chứng kiến hình ảnh nhiều dự án dựng bảng quy hoạch khẳng định mình là chủ những khu đất hàng chục nghìn mét vuông nhưng không hề có dấu hiệu của hoạt động xây dựng, cỏ mọc um tùm cho những chú bò thong dong gặm.

Dự án đầu tư mở rộng quy mô phòng thí nghiệm trọng điểm - bể thử tàu thủy (Viện Khoa học tàu thủy VN, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy) thuộc khu nghiên cứu và phát triển (R&D) Khu CNC Hòa Lạc được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 1-2009 với vốn đăng ký hơn 1.400 tỉ đồng, diện tích 25ha chỉ hoàn tất... hàng rào, mặt bằng cũng chưa được san lấp. Cách đó không xa, có hai tòa nhà không biết đã xây dựng từ bao giờ, đang bỏ trống, rêu mốc phủ đầy...

Dự án Misa Hòa Lạc do Công ty cổ phần Misa làm chủ đầu tư được cấp 20.000m2 cho mục đích xây trung tâm phát triển phần mềm, trung tâm tích hợp dữ liệu dự phòng (được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 8-2008 với vốn đăng ký hơn 280 tỉ đồng) nhưng ngoài tấm bảng công bố dự án đã cũ, cả khu đất cỏ mọc đến ngang thắt lưng.

“Láng giềng” của dự án Misa là Trung tâm bưu chính viễn thông Hòa Lạc do Viễn thông Hà Nội đại diện chủ đầu tư, trên bảng quy hoạch công bố dự án còn khuyến cáo “không trồng cây, hoa màu...” trên khu đất này song cỏ vẫn mọc xanh tốt.

Theo Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, các dự án lớn dựa vào vốn ngân sách hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước thì triển khai chậm. Các dự án sản xuất quy mô nhỏ, liên doanh hoặc FDI, thì triển khai tốt hơn.

Những cam kết chưa được thực hiện

Đã qua tới 13 năm hình thành và phát triển, nhưng nay hạ tầng khu CNC Hòa Lạc vẫn còn rất sơ sài, giải phóng mặt bằng chưa xong (hiện còn khoảng 50% diện tích phải thu hồi). “Đây là một trong những chuyện khó nhất” - ông Phạm Đại Dương, phó Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, nói và khẳng định do thỏa thuận giải ngân vốn ODA xây hạ tầng của khu là vào tháng 3-2013 nên “giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trước thời hạn này, cụ thể là yêu cầu phải xong vào cuối năm 2012”.

Ông Dương cũng cho hay để giải tỏa phần diện tích còn lại cần khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng. Theo Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, khu chưa có đường dây tải điện riêng cho các nhà đầu tư, mà dùng chung với hệ thống điện chiếu sáng toàn khu và hiện đang dùng nước giếng khoan.

Còn tại Khu CNC TP.HCM, ban quản lý cho biết giai đoạn 1 (300ha) cơ bản đã định hình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư, các dự án thường bị kéo dài thời gian và chậm tiến độ. Khu này nhìn nhận việc “không đáp ứng mặt bằng” (ngay cả giai đoạn 1 hiện còn khoảng 6ha chưa giải tỏa được, giai đoạn 2 còn gần 40ha), đất đai thu hồi không đồng bộ và bàn giao triển khai các dự án còn lỗ chỗ.

Cái vỏ hạ tầng ì ạch đã thấy rõ, vậy còn cái ruột, tức chất lượng các dự án đầu tư đã được thu hút vào đây, trong đó yếu tố hàng đầu là hàm lượng R&D? Tại Khu CNC TP.HCM, phân tích 24 dự án đi vào hoạt động, chỉ năm dự án triển khai hoạt động R&D với chi phí dao động rất lớn, từ 2-38%. Và thống kê cũng cho thấy chỉ ba doanh nghiệp chi cho hoạt động này ở mức nghiên cứu cải tiến sản phẩm.

Các báo cáo chính thức về giai đoạn 1 Khu CNC TP.HCM không đi đến kết luận nào về thành công hay hiệu quả thể hiện qua chất lượng từng dự án đầu tư. Và về hàm lượng R&D (suất đầu tư cho R&D, tỉ lệ nhân sự làm R&D, giá trị sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ) cũng vậy. Ban quản lý Khu CNC TP.HCM khẳng định R&D được đặt ra như một tiêu chí quan trọng khi thẩm định, xem xét dự án đầu tư, nhưng đến nay hàm lượng này chưa thể hiện rõ trong sản phẩm CNC của các doanh nghiệp và rất ít nhà đầu tư triển khai thực hiện như cam kết ban đầu.

Đây cũng chính là kết luận của Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN) khi kiểm tra việc thực hiện cam kết R&D tại Khu CNC TP.HCM: “Phần lớn doanh nghiệp chưa thực hiện”. Kết luận này còn nhấn mạnh việc cam kết thỏa thuận bằng văn bản giữa Ban quản lý Khu CNC TP.HCM và nhà đầu tư về “chi cho R&D của dự án” và “số lao động có bằng đại học trở lên trực tiếp tham gia R&D” chưa được thực hiện.

Khi Luật công nghệ cao có hiệu lực (1-7-2009), Ban quản lý Khu CNC TP mới đã xây dựng “bản cam kết thực hiện các chỉ tiêu cho hoạt động R&D” trong hồ sơ đăng ký cấp phép đầu tư (từ năm 2010) dựa trên các tiêu chí quy định tại điều 18 luật này. Và cuối tháng 11 vừa qua, Ban quản lý Khu CNC TP.HCM cho biết sẽ kiểm tra các dự án đầu tư đang hoạt động tại khu (từ ngày 29-11 đến 15-12), nhằm “tăng cường quản lý đầu tư sau cấp phép”.

Đây cũng là đợt kiểm tra đầu tiên cả về rà soát tiến độ đầu tư theo giấy chứng nhận đã cấp; tình hình hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp, dây chuyền công nghệ, các hoạt động về R&D theo cam kết của dự án; thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc triển khai các dự án... sau gần một thập niên khu này đi vào hoạt động.

Tại Khu CNC Hòa Lạc, ban quản lý khu chỉ đánh giá chung rằng các dự án (tập trung vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin, sinh học, y học, điện tử, tự động hóa...) là “đảm bảo quy định về tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm CNC”. Tại đây, quy hoạch khu R&D - nơi được Bộ KH-CN đánh giá là hạt nhân trong việc phát triển toàn khu - chiếm gần 230ha, mới cấp phép cho sáu dự án với gần 20ha. Trong đó, dự án đầu tư mở rộng quy mô phòng thí nghiệm trọng điểm - bể thử tàu thủy có vốn đầu tư lớn nhất với hơn 1.400 tỉ đồng song các hoạt động, kể cả xây dựng rất đìu hiu, đất đai bỏ trống mênh mông.

Bộ KH-CN đã quyết định tạm dừng cấp phép các dự án đầu tư vào khu R&D trong khi chờ định hướng phát triển, đồng thời rà soát tất cả dự án đầu tư vào đây để nếu cần, điều chỉnh cho phù hợp định hướng và quy hoạch.

Tự nhìn nhận

Khi tự nhìn nhận, Khu CNC TP.HCM nhấn mạnh một trong những “mặt được” của giai đoạn 1 (đã hoàn thành) là thu hút được các dự án sản xuất, dịch vụ công nghiệp CNC, trong đó có những tập đoàn lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu xuất khẩu... Khu này cũng cho rằng “đã tạo được nền tảng bước đầu” cho chùm hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo - được cho là mục tiêu chiến lược của khu CNC để chuẩn bị thiết kế cho giai đoạn phát triển lâu dài. Song, “do chưa sẵn sàng về đất và hạ tầng nên bỏ lỡ một số cơ hội thu hút các tập đoàn lớn, chưa thu hút được những dự án từ lĩnh vực vật liệu mới”.

Cần nói thêm rằng chính quyền TP.HCM khi tạo những điều kiện ưu đãi rất lớn cho khu này đã đặt ra một chỉ tiêu cụ thể: đạt 4,5 tỉ USD giá trị sản xuất (trong đó có 3,5 tỉ USD giá trị xuất khẩu) trong năm năm 2006-2010. Mong muốn này đã không đạt được (xem bảng thống kê). Chưa kể một vấn đề không nhỏ khác là “chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước đủ mạnh để đi thẳng vào CNC” nhằm tạo năng lực nội sinh như chính Ban quản lý Khu CNC TP.HCM thừa nhận.

Khu CNC Hòa Lạc - với thực trạng hiện tại - đã phải nhìn nhận bức tranh manh mún, chắp vá sau 13 năm đầu tư. Nguyên nhân chính, theo ban quản lý khu, là do vốn cấp cho đầu tư xây dựng hạ tầng và giải phóng mặt bằng chưa đạt được 15% tổng nhu cầu vốn. Tổng diện tích đất đã được cấp phép rất thấp, chỉ khoảng 15% (hơn 200ha). Số vốn đăng ký đầu tư nhiều song kết quả triển khai rất chậm.

Trong tổng số 53 dự án đã cấp phép, có 29 dự án triển khai (17 dự án đi vào hoạt động). Việc chưa có dự án sản xuất CNC nào có quy mô đăng ký đầu tư vào khu này, trong khi nhiều dự án quá thời hạn triển khai nhưng không triển khai được, một số dự án phải thu hồi giấy phép đầu tư... đã được nhìn nhận như một thất bại.

Ưu đãi và yêu cầu

Ưu đãi: Ở cả hai khu CNC đều có “mức ưu đãi đầu tư cao nhất dành cho các dự án CNC”. Tại Khu CNC Hòa Lạc, 1m2 đất cho thuê trong 50 năm có giá khoảng 35 USD (tương đương 0,7 USD/m2/năm). Mức giá ở các khu công nghiệp hơn gấp đôi mức này. Ông Phạm Đại Dương - phó Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc - nói do giá thuê đất rẻ nên ai cũng muốn thuê rộng.

Khu CNC TP.HCM đã lấp đầy 300ha giai đoạn 1 với giá thuê 0,6-1 USD/m2/năm - mức giá ưu đãi khó tìm được ở đâu khác.

Nhà đầu tư CNC được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm, trong đó bốn năm đầu được miễn thuế (0%) và chín năm tiếp theo được giảm 50% (tức còn 5%). Họ cũng được miễn thuế nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dụng để tạo tài sản cố định, nguyên vật liệu xây dựng, tài sản cố định trong nước chưa sản xuất được, bán thành phẩm, linh kiện nhập khẩu để gia công thành thành phẩm.

Điều kiện: Theo Ban quản lý Khu CNC TP.HCM, để được hưởng những ưu đãi nói trên các dự án phải thỏa mãn những tiêu chuẩn để được gọi là một dự án CNC. Theo đó, tổng chi cho hoạt động R&D thực hiện tại VN trong ba năm liên tiếp chiếm không dưới 1% tổng doanh thu hằng năm và trên 1% từ năm thứ tư; doanh thu bình quân từ các sản phẩm CNC trong ba năm liên tiếp không dưới 60% tổng doanh thu của dự án và không dưới 70% kể từ năm thứ tư; số lao động có bằng đại học trở lên trực tiếp tham gia R&D của dự án phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động của dự án...

Thống kê sơ bộ về kết quả hoạt động Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Khu công nghệ cao TP.HCM

Nhu cầu vốn

Một số kết quả hoạt động

Khu CNC TP.HCM

(quy hoạch 913ha)

Tính đến tháng 9-2011 tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỉ đồng (đền bù giải tỏa hơn 3.800 tỉ đồng, còn lại xây dựng
hạ tầng)

- Tổng diện tích đất đã thu hồi 755ha.

- Cấp phép đầu tư đến tháng 9-2011 là 55 dự án (29 dự án trong nước và 26 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỉ USD (trong đó FDI hơn 1,6 tỉ USD). Có 24 dự án đi vào hoạt động.

- Vốn đầu tư thực hiện 580 triệu USD. Giá trị sản xuất: hơn 1,4 tỉ USD. Giá trị xuất khẩu: hơn 1,4 tỉ USD. Giá trị nhập khẩu: 1,051 tỉ USD.

- Lao động hơn 16.000.

Khu CNC Hòa Lạc

(hơn 1.500ha)

Gần 18.000 tỉ đồng (ngân sách 8.600 tỉ đồng và vay ODA hơn 9.200 tỉ đồng). Ðã cấp hơn 2.100 tỉ đồng (trong nước hơn 2.000 tỉ và ODA 76 tỉ đồng), nhu cầu vốn 2012-2015 gần 16.000 tỉ đồng.

- Hoàn thành 19km đường giao thông và hệ thống thoát nước.

- Tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng hơn 840ha/hơn 1.500ha.

- Hoàn thành nhà máy xử lý nước thải công suất 6.000m3/ngày đêm.

- Ðã cấp phép 53 dự án với tổng vốn đăng ký gần 22.000 tỉ đồng với diện tích đất đã cấp gần 220ha.

- Có 17 dự án đi vào hoạt động với doanh thu nội địa hơn 415 tỉ đồng và doanh thu xuất khẩu hơn 794 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 74 tỉ đồng.

- Lao động hơn 4.000 (năm 2010).

__________

“Hiện tại chúng tôi chưa quan tâm lắm việc kêu gọi đầu tư vì hạ tầng chưa xong, điện nước chưa đủ. Thời điểm này sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng. Ba năm nữa, khi mọi thứ đã xong sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư” - TS Nguyễn Văn Lạng, thứ trưởng Bộ KH-CN, trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, nói với TTCT.

Phóng to
Nhà máy xử lý nước thải 6.000m3/ngày đêm trong Khu CNC Hòa Lạc hoàn thành đã lâu nhưng chưa hoạt động - Ảnh: Giáng Hương
Phóng to
TS Nguyễn Văn Lạng - Ảnh: Giáng Hương

TS Nguyễn Văn Lạng cho biết: Mọi việc đều có lý do của nó. Khi vừa khởi sự Khu CNC Hòa Lạc thì đụng cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên ở châu Á. Khi bắt tay thực hiện giai đoạn 1 lại rơi vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu. Về chủ quan, trong nước chưa có kinh nghiệm trong tìm kiếm xây dựng mô hình khu CNC cũng như các chính sách ưu đãi đi kèm phù hợp điều kiện VN.

Nhưng Khu CNC Hòa Lạc từ năm 2007 đến nay đã thay đổi căn bản. Theo lộ trình, đến hết năm 2015, toàn bộ hạ tầng của khu hơn 1.500ha sẽ hoàn thành. Làm khu CNC không thể sốt ruột được, nếu không sẽ trả giá đắt. Phải xem khu CNC là một thành phố khoa học, hoàn toàn khác một khu công nghiệp bình thường.

* Với 13 năm, so với mục tiêu tự đặt ra, Khu CNC Hòa Lạc đạt được những điều này chưa, theo ông?

- Ở VN, những dự án quy mô thường gặp mấy cái khó: khó nhất là giải phóng mặt bằng, kế đến là nguồn tài chính. Phải đầu tư hàng tỉ USD, nhưng trong tình hình này không phải là việc dễ dàng. Những cái chậm trong giai đoạn vừa qua chủ yếu là do hai cái khó nhất này tạo ra. Đến nay, những nút thắt này cơ bản đã được tháo gỡ, song đương nhiên khó khăn trong giải phóng mặt bằng vẫn là câu chuyện dài, vẫn do giá cả đền bù, tái định cư, chính sách đất đai thay đổi...

* Để được duyệt cấp phép, nhà đầu tư nào cũng cam kết tỉ lệ đầu tư R&D - điều cốt lõi để nói dự án CNC có hiệu quả hay không - song nhiều dự án không thực hiện đầy đủ cam kết này, thậm chí chỉ lắp ráp một số sản phẩm vẫn thâm dụng lao động phổ thông... Thực hư điều này ra sao?

- Luật hiện hành quy định rõ các chủ dự án phải cam kết và thực hiện các cam kết, trong đó có cam kết về đầu tư cho R&D. Hằng năm, chúng tôi đều đánh giá từng dự án, cũng đã nhận thấy một số dự án làm theo kiểu lắp ráp có vốn đầu tư nước ngoài thì phần đầu tư cho R&D là rất ít. Cũng cần thấy thêm một khía cạnh nữa, thực chất có đầu tư cho R&D nhưng phần này họ hoàn toàn để ở công ty mẹ, không mang vào dự án đầu tư tại VN. Đấy là một thực tế đòi hỏi cần có biện pháp đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư vào khu CNC vốn được ưu đãi tối đa về đất đai, thuế... Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, đương nhiên việc kiểm tra, thanh tra phải sờ đến thôi, phải thổi còi và xử lý đúng mức.

* Thưa ông, vì sao tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án đầu tư khá lớn nhưng số giải ngân chiếm tỉ lệ khiêm tốn?

- Vấn đề này không chỉ gặp phải ở các dự án tại khu CNC, nhiều dự án đầu tư nằm trong tình trạng này. Cuối năm nay, chúng tôi mới có báo cáo chung tình hình triển khai các dự án, tuy nhiên nhìn chung có dự án giải ngân gần như 100%, nhưng cũng có dự án tỉ lệ này đạt không cao. Với nhóm doanh nghiệp trong nước, trừ Viettel và FPT, thì những dự án đầu tư nhóm này triển khai khá chậm. Chúng tôi thông báo đến lần thứ ba, dự án nào không triển khai đều bị thu hồi.

* Sau 12 năm, số vốn đầu tư cho hạ tầng giải ngân được khoảng 14%. Con số thấp như vậy do không cấp đủ tiền hay có tiền nhưng không giải ngân được?

- Giai đoạn vừa qua, riêng phần vốn ODA của Nhật chưa triển khai, còn vốn ngân sách trong nước đã chi hơn 2.000 tỉ đồng và chưa bao giờ chúng tôi không giải ngân hết nguồn vốn này. Trong đó, trên 50% vốn ngân sách chi cho giải phóng mặt bằng, còn lại đầu tư cho hạ tầng rất ít, chỉ khoảng 1.000 tỉ đồng. Năm nay sẽ là năm đầu tiên triển khai kế hoạch giải ngân hơn 1 tỉ yen vốn ODA của Nhật dành đầu tư hạ tầng khu CNC, trước mắt sẽ sử dụng gói khoảng 360 triệu USD cho ba năm (2013-2015).

* Bộ trưởng Bộ KH-CN mới đây yêu cầu tạm thời dừng thu hút đầu tư vào phân khu R&D Khu CNC Hòa Lạc. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

- Trước đây việc mở rộng phân khu R&D với mong muốn thu hút các dự án đầu tư và xây dựng nơi đây trở thành hạt nhân, trái tim của khu CNC. Hiện còn mười dự án đầu tư vào đây đang được xem xét. Tuy nhiên, đang trong lúc trình Thủ tướng điều chỉnh, hạ tầng đang xây dựng, thu hút nhiều dự án quá, không đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư thì cũng không ổn. Chấp nhận chậm một tí để điều chỉnh quy hoạch, làm hạ tầng hoàn chỉnh, thu hút đầu tư cũng không muộn.

* Thưa ông, có nhiều băn khoăn về tình trạng dây chuyền máy móc công nghệ đã được khai thác ở một số quốc gia, đến giai đoạn cho tỉ suất lợi nhuận thấp lại mang vào VN đầu tư với danh nghĩa CNC để hưởng ưu đãi. Ông có thể chia sẻ gì về vấn đề này?

- Nói như thế chưa hẳn là đúng. Đối với những quốc gia như chúng ta thì xu hướng các máy móc, công nghệ được đầu tư không phải là thứ tiên tiến nhất của thế giới. Đấy là điều gần như tất yếu, chứ không phải bảo nhà đầu tư mang cái gì vào đầu tư là họ mang vào cho ta ngay.

Tuy nhiên, chúng ta có những cơ chế kiểm soát. Thủ tướng đã có quyết định thể hiện rõ 76 loại công nghệ được ưu tiên thu hút vào khu CNC. Nhưng với Khu CNC Hòa Lạc, nói thật là hiện tại chúng tôi chưa quan tâm lắm việc kêu gọi đầu tư vì hạ tầng chưa xong, điện nước chưa đủ. Do vậy, thời điểm này sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng. Sau ba năm nữa, khi mọi thứ đã xong sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư.

__________

“Quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư có câu chuyện có thể tạo nên sự ngộ nhận rất cần được lưu tâm và điều chỉnh” - PGS.TS Lê Hoài Quốc, trưởng Ban quản lý Khu CNC TP.HCM, chia sẻ với TTCT và cho rằng cần có chủ trương siết chặt những cam kết của các nhà đầu tư.

Phóng to
Nhiều diện tích đất vẫn còn bỏ trống ở Khu công nghệ cao TP.HCM (ảnh chụp tháng 11-2011) - Ảnh: Thuận Thắng
Phóng to
PGS.TS Lê Hoài Quốc - Ảnh: Thanh Đạm

Ông cho biết:

Điểm lại gần 10 năm làm khu CNC, chúng tôi thấy những cái được: chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp thế giới thấy VN là một trong những nơi lý tưởng để đầu tư lĩnh vực CNC. Sự có mặt của các tên tuổi như Intel tại Khu CNC TP.HCM minh chứng cho điều này. Một trông đợi khác là các dự án đầu tư sử dụng nguồn lao động nội địa để người VN tiếp cận được các phương pháp quản lý, điều hành, đào tạo đội ngũ... Tuy nhiên, ở góc độ chính sách, có được điều này là do chúng ta đã đưa ra những ưu đãi gần như cao nhất về đất đai, thuế... cho các dự án trong khu CNC.

“Nếu không có một chiến lược tốt để phát triển năng lực nội sinh, vươn lên làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ mới, thì kỳ vọng có được một nền sản xuất với công nghệ tiên tiến được lan tỏa từ các khu công nghệ cao cũng chỉ là kỳ vọng”.

* Ông có cho rằng đầu tư vào khu CNC có “ra tấm ra miếng” hay không phụ thuộc vào mức độ phát triển của R&D?

- Tôi cho rằng mục tiêu quan trọng hàng đầu của việc đổ một nguồn lực lớn của đất nước vào đầu tư các khu CNC là nâng cao trình độ công nghệ, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa, kể cả tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu. Đấy là cái đích, cũng là thước đo hiệu quả cho mục tiêu đầu tư này.

Cũng nên nhìn vào ngành dệt may để thấy những bài học tạm gọi là “được và mất”. Ngành này xuất khẩu 12 tỉ USD nhưng giá trị nhập 10 tỉ USD. Nếu không nhận rõ “được và mất” trước mắt cũng như lâu dài thì không khéo một số dự án xem khu CNC là “miền đất hứa” hay “thiên đường” của những dự án lắp ráp, gia công tầm cỡ thế giới. Và ở đấy vẫn mãi làm ra những sản phẩm, hàng hóa với giá trị gia tăng thấp, trong khi nhiều quốc gia giữ công nghệ nguồn vẫn “sống khỏe” nhờ giá trị gia tăng của những gì họ làm ra. Ở các khu CNC mà không có R&D hoặc đầu tư này đạt tỉ lệ thấp hơn tiêu chí thì cần xem lại mục tiêu và sự cần thiết cho những đầu tư này.

Tuy nhiên, có đầu tư cho R&D hay không, mức độ đầu tư đến đâu tùy thuộc vào yêu cầu phát triển của dự án, sự tồn tại của doanh nghiệp trong bối cảnh cụ thể. Công ty Nanogen ở Khu CNC TP.HCM bỏ ra đến 38% doanh số cho R&D, đó là chuyện sống còn của họ. Do đó, nghiên cứu phát triển để cải thiện chất lượng, đưa ra dòng sản phẩm mới là xu hướng bắt buộc đối với nhà sản xuất nói chung, đặc biệt là những sản phẩm CNC.

* Thực tế có những dự án hưởng đầy đủ các ưu đãi dành cho dự án CNC song không đầu tư R&D như cam kết, thậm chí không cam kết thực hiện quy định này. Đây có được coi là một dạng “núp bóng” CNC không, thưa ông?

- Trong quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư có thể tạo ra sự ngộ nhận rất cần được lưu tâm và điều chỉnh để thúc đẩy phần nghiên cứu phát triển, dần tiến tới làm chủ công nghệ. Điều cần là tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp nội địa và có chính sách khuyến khích để tạo sự liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài với trong nước để dần tiếp cận công nghệ nguồn, thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa triển khai các nghiên cứu triển vọng trong nước.

Khu CNC TP.HCM đã cảm nhận được thực tế một số dự án vào đây để “khai thác” các ưu đãi và lao động giá rẻ, trong khi họ vẫn duy trì phần R&D ở nước sở tại, nên giờ đây phải dần điều chỉnh vấn đề này để đạt mục tiêu thúc đẩy R&D như mong đợi. Ở những dự án này họ luôn có nhu cầu cần nguồn lao động phổ thông lớn, có sức khỏe, mắt sáng và đôi tay khéo léo... Nên đây là những dự án thiên về giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động này nhiều hơn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển CNC.

Câu hỏi về việc ta được những gì sau quá trình đầu tư và ưu đãi CNC vừa qua cần được suy nghĩ một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Đúng là đã có một số sản phẩm CNC nhưng nếu chỉ nhờ vào những đầu tư nước ngoài, cá nhân tôi cho rằng đấy không phải là điều mong đợi khi đầu tư các khu CNC. Điều mong đợi là sản xuất những sản phẩm CNC trên nền tảng của những nghiên cứu và phát triển được triển khai tại nội địa, như vậy mới mong góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và chất lượng nguồn nhân lực của chính mình.

* Khu CNC TP.HCM đã cấp phép 55 dự án (tính đến tháng 9-2011), 24 dự án đi vào hoạt động nhưng chỉ có 5 dự án triển khai R&D theo cam kết... Con số này có quá xa mong đợi không, thưa ông?

- Con số này chưa đáp ứng mong đợi nên cần siết chặt những cam kết của các nhà đầu tư. Về phần mình, chúng tôi cũng thấy trách nhiệm trong việc tạo điều kiện cho các mối liên kết, hợp tác giữa các nhà đầu tư với những trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước để tạo ra sản phẩm cung ứng tại chỗ. Ngay bây giờ chúng ta cần có những chính sách, biện pháp cải thiện mới hi vọng đáp ứng mục tiêu đào tạo nhân lực, nâng cao giá trị gia tăng của những sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

* Có những chế tài nào dành cho việc không thực hiện các cam kết như ông vừa nói?

- Luật và các quy định hiện hành đã có, nếu sau một thời gian triển khai dự án mà không thực hiện các hoạt động R&D cũng như các cam kết khác thì những ưu đãi sẽ bị thay đổi. Nhưng quan trọng là phải tổ chức hậu kiểm, đến từng dự án để kiểm tra, đánh giá. Chúng tôi đang làm điều này.

Những dự án được cấp phép trong vài năm gần đây đã được các hội đồng thẩm định xem xét kỹ hơn về hàm lượng công nghệ, nhu cầu sử dụng lao động có trình độ đại học và sau đại học, buộc phải làm nghiêm việc thực hiện các cam kết xuất phát từ cả hai phía. Quan trọng là làm sao có những cam kết sử dụng tối đa nguồn lực trong nước (tài nguyên, con người...), chứ các dự án có làm R&D nhưng nhà đầu tư mang hoàn toàn nguồn lực từ bên ngoài vào thì chúng ta cũng sẽ không thụ hưởng được những thành quả do chính mình bỏ nguồn lực, tài nguyên đầu tư.

“Rất nhiều người dân đã hi sinh cho mục tiêu phát triển công nghiệp nói chung và CNC nói riêng. Nếu các dự án sử dụng đất cho mục tiêu này không đáp ứng được yêu cầu phát triển CNC, vẫn cứ mãi gia công, lắp ráp, thâm dụng lao động... thì đấy có thể coi là một lãng phí lớn. Điều này hoàn toàn đúng. Với những dự án thâm dụng lao động sẽ phải nhắc nhở trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau để yêu cầu nhà đầu tư phải có lộ trình điều chỉnh thích hợp, đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài của các bên.

Thực tế, chúng tôi đã có quan tâm chấn chỉnh nhưng chưa thật triệt để. Sau đợt kiểm tra đang tiến hành, Ban quản lý khu sẽ có những quyết định cần thiết để cải thiện tình hình. Chúng tôi sẽ làm hết sức và trách nhiệm để tình hình được cải thiện, nếu không thì những mong đợi như sức lan tỏa, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực... chỉ dừng lại ở mong muốn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận