Cơn sốt "sống một đời khác" qua trò chơi thám tử ở Trung Quốc

CẢNH CHÁNH 12/08/2022 07:55 GMT+7

TTCT - "Kịch bản sát" là hình thức giải trí hội nhóm không phải dán mắt vào màn hình và yêu cầu sử dụng cả trí não lẫn có vận động đang thu hút cả người trẻ lẫn trung niên ở Trung Quốc. Do phát triển quá nhanh, mô hình này đã dẫn đến nhiều bất cập buộc cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý.

Cơn sốt sống một đời khác qua trò chơi thám tử ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Người chơi chuẩn bị tham gia kịch bản "Ngôi nhà ma ám" tại một studio "kịch bản sát" ở Thượng Hải. Ảnh: AFP

Kịch bản sát (KBS, phá án mạng theo kịch bản) là một phiên bản của trò chơi nhập vai thám tử (murder mystery machine) của phương Tây, xuất hiện lần đầu vào năm 2016 ở Trung Quốc, cơn sốt dần dần thịnh hành tại nước này khi chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng Who’s the Murderer? (Ai là kẻ sát nhân) được công chiếu. Đến năm 2021 trò chơi KBS lại rộ lên, và nay đang trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ Trung Quốc.

Cách chơi rất đơn giản: trò chơi thường diễn ra trong phòng kín hay trong phim trường; 5-6 người chơi mặc trang phục tương ứng với phối cảnh ngồi quanh một cái bàn, cầm kịch bản, cùng nghiên cứu phân tích manh mối, suy luận để tìm ra hung thủ. Tất cả hoạt động đều dựa trên một kịch bản được viết chặt chẽ, tạo câu chuyện thú vị cho mỗi nhân vật, người chơi có cơ hội diện những trang phục và hoàn toàn nhập vai vào nhân vật.

TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG KHÁC BIỆT

Sau khi giao nộp điện thoại cho tiểu nhị, thay bộ Hán phục, Trương Doanh (thế hệ 9X) bước vào một căn phòng với phong cách cổ kính, trở thành nhân vật nữ hiệp Liễu Di Mặc trong kịch bản Mộc Vân Trang. Sau đó cô sẽ cùng 7 bạn trẻ mới quen hóa thân thành hiệp khách, giải mã bí ẩn đằng sau cái chết của trang chủ. Sau khi chơi xong, Trương Doanh đã làm quen được với cô gái thủ vai chị họ trong kịch bản, vì cả hai đều có cùng sở thích nên có nhiều chuyện để tâm sự. Từ năm 2019 đến nay, Trương Doanh đã chơi hơn 20 kịch bản, theo Báo Thanh Niên Trung Quốc.

Một trò chơi có thời gian từ 3-4 tiếng, có thể chơi theo nhóm bạn hoặc theo dạng nhóm khách lẻ vào vai nhân vật khác nhau để cùng thám hiểm trải nghiệm. Họ có thể hóa thân thành tướng quân, hiệp khách, cảnh sát hoặc nhân viên phòng cháy chữa cháy… không khác gì như đang đóng phim. Khách hàng chủ yếu ở độ tuổi 20-35.

Cơn sốt sống một đời khác qua trò chơi thám tử ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Người chơi trong một kịch bản cổ trang. Ảnh: Kenrick Davis/Sixth Tone

Khi hỏi về lý do say mê trò chơi này, một người chơi hơn 40 tuổi, mỗi tuần đều đến chơi KBS, có khi còn dẫn theo đứa con mười mấy tuổi, nói rằng khi đến một tuổi nào đó ngoài công việc bạn bè, không còn thú vui nào khác, trò KBS giúp cô tạm thời quên đi cuộc sống thường ngày, là cách để giảm stress.

Khi nhập vai, người chơi sẽ cười, khóc, căng thẳng, nghi ngờ, đố kỵ, suy luận, động não liên tục, khiến họ quên đi thực tại, trải nghiệm một thế giới khác. Thậm chí có người chơi 7-8 lần/tháng, coi như một cách để giảm tải. Người chơi cho biết vui nhất là khi DM (người điều khiển trò chơi) công bố kết quả, thân phận thật sự của từng người được công bố, từng mảnh ghép làm nên bức tranh hoàn thiện. Kết cục của mỗi trò chơi thường tùy thuộc vào lựa chọn của người chơi.

Quách Đại Phúc trước khi trở thành nhà biên kịch KBS cũng là một người chơi lâu năm, anh đã chơi hơn 300 kịch bản, sau đó anh cùng bạn bè mở văn phòng viết kịch bản KBS. Anh từng viết kịch bản về người trầm cảm để người chơi có thể hiểu hoàn cảnh của một người trầm cảm và tính nhân văn trong cộng đồng; anh còn viết kịch bản về câu chuyện của gia đình 3 thế hệ, giúp người chơi nhớ lại những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình. Anh muốn giúp người chơi trải nghiệm một cuộc sống khác, qua đó suy ngẫm về cuộc đời mình để tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc sống.

Darry là một ông chủ tiệm KBS, anh mở cửa tiệm đầu tiên vào tháng 8-2019 ở Trùng Khánh. Tiệm anh có nhiều khách quen, có một thầy giáo cấp II mỗi cuối tuần đều dẫn học sinh đến chơi, lý do các em nhà ở ngoại thành cuối tuần không về nhà nên thầy muốn các em tham gia trò chơi tăng cường giao lưu, giúp các em có cơ hội trải nghiệm học cách viết văn. Sau khi trò chơi kết thúc, thầy đều cập nhật bài văn của học sinh. 

Một học sinh viết: khi đóng vai nhân vật có hai thân phận, đến cuối trò chơi nhân vật phải chọn 1 trong 2 thân phận để tiếp tục sống, em đã quyết định từ bỏ thân phận con gái nhà giàu, chọn thân phận thật sự, mặc dù thua cuộc nhưng qua câu chuyện giúp em tìm lại thân phận thật của mình, sống một cuộc đời trong sáng. Darry cho biết anh không ngờ kinh doanh tiệm trò chơi không chỉ có thể kiếm tiền mà còn giúp trẻ có những trải nghiệm thú vị.

Còn theo Viên Hàng, người sáng lập Tiệm thám tử FB, trò chơi KBS thỏa mãn nhu cầu giao tiếp xã hội của giới trẻ, giúp họ có cơ hội giao tiếp trực tiếp với nhiều người, kéo họ xa rời màn hình điện thoại hay vi tính.

Chia sẻ trên Tân Kinh Báo, người chơi tên Niko nói ban đầu cô chơi KBS vì mê làm thám tử, thích cảm giác hồi hộp trong quá trình điều tra, cảm thấy vui và thú vị khi giải mã được bí mật. Cho đến khi chơi kịch bản tình cảm "Đảo U linh", cô phát hiện trò này còn mang đến cho cô những cảm nhận mới về gia đình. Trong kịch bản yêu cầu mỗi người phải viết một bức thư cho ba, và lần lượt đọc bức thư cho mọi người cùng nghe. Mọi người đều viết ra những lời chưa từng nói với ba, khi đọc xong thư, ai nấy đều rất xúc động.

NHIỀU BẤT CẬP CẦN CHẤN CHỈNH

Cuối tháng 6 vừa qua, 5 cơ quan gồm Bộ Văn hóa du lịch, Bộ Công an, Bộ Quản lý phản ứng nhanh, Bộ Xây dựng nhà ở thành phố nông thôn, Tổng cục Giám sát thị trường Trung Quốc cùng ban hành thông tư quản lý cơ sở kinh doanh giải trí trò chơi KBS, nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên. Theo đó, các tiệm KBS phải quy định tuổi cho người chơi, phải có biện pháp phòng tránh gây nghiện ở trẻ; chỉ được phép phục vụ trẻ vị thành niên vào các ngày lễ tết, cuối tuần, nghỉ hè. Thông tư yêu cầu quản lý về nội dung kịch bản, yêu cầu các điểm kinh doanh KBS phải có định hướng đúng đắn, nội dung lành mạnh.

Nhà chức trách phải siết chặt quản lý, bởi việc bùng nổ của trò chơi kéo theo nhiều hệ lụy. Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng Thượng Hải cho biết năm 2021 họ tiếp nhận nhiều vụ kiện liên quan đến KBS như thiết bị bảo hộ an toàn không đầy đủ, nội quy không rõ ràng, dịch vụ hậu mãi hay giải quyết hoàn tiền không kịp thời…

Trước đây từng xảy ra việc người chơi nữ được giao nhiệm vụ tìm ra kẻ đã cưỡng hiếp mình, người chơi cảm thấy ngại khi phải kể tình tiết nhạy cảm với người lạ, cho rằng trò chơi thiếu tôn trọng với khách hàng nữ. Tiểu Bình thì từng nhận được một roi da, kịch bản ghi là có thể phát huy tác dụng đặc biệt với người chơi khác, các bạn chơi khác nghe xong đều cười to. Một số kịch bản vì muốn thu hút khách đã xây dựng theo phim kinh dị, tạo ra bầu không khí cực kỳ kinh hoàng, nên khó tránh khỏi có những người bị sốc sau khi trải nghiệm.

Theo Tân Hoa xã, một người chơi họ Lưu bị thương do hoảng loạn trong khi tham gia trò chơi đã kiện chủ tiệm ở Trùng Khánh. Bồi thẩm đoàn cho rằng bị cáo có nghĩa vụ cung cấp biện pháp an toàn cần thiết cho nguyên cáo; còn nguyên cáo đã ký tên vào yêu cầu cần thiết khi chơi cũng phải có nghĩa vụ chú ý an toàn bản thân. Cuối cùng, tòa phán quyết cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm, bị cáo bồi thường cho nguyên cáo 100.000 tệ.

Cơn sốt sống một đời khác qua trò chơi thám tử ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Người tham gia trong một buổi chơi "kịch bản sát". Ảnh: AFP

Kịch bản là yếu tố quyết định thu hút khách hàng, giá thành một kịch bản từ 300 - 8.000 tệ, phát hành một kịch bản có chất lượng nhà đầu tư có thể lãi mấy trăm ngàn tệ. Như một tiệm KBS ở Bắc Kinh, thường thay đổi kịch bản 3 ngày/lần, chi phí cho việc mua kịch bản lên đến mấy trăm tệ/năm. Đã xuất hiện tình trạng ăn cắp kịch bản, các tiệm bài trí giống nhau, hay DM thiếu chuyên nghiệp…

Ngay từ tháng 9-2021, Tân Hoa xã từng có bài chỉ ra những bất cập của các tiệm KBS như sử dụng kịch bản hay thiết kế phòng chơi mang tính bạo lực, kinh dị để thu hút giới trẻ. Nhiều tiệm không ghi chú độ tuổi người chơi, nội quy quản lý còn nhiều lỗ hổng. Nhiều tiệm được thiết kế ở tầng hầm hoặc nơi hoang vắng nhằm tăng yếu tố rùng rợn nhưng lại bài trí sơ sài, vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy, nội dung kịch bản không hoàn chỉnh.

Ngày 14-7, Hiệp hội CCEA cùng với các nhà kinh doanh ngành trò chơi KBS cũng kêu gọi chấn chỉnh ngành giải trí KBS, phải có định hướng cho nội dung kịch bản, xây dựng tiêu chuẩn rõ ràng cho việc bảo vệ trẻ vị thành niên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn quản lý kinh doanh.

Theo số liệu của Hiệp hội Giải trí văn hóa Trung Quốc, hiện nước này có 30.000 tiệm KBS, trong đó khoảng 5.000 tiệm dạng phim trường, quy mô thị trường trò chơi này vô cùng lớn. Theo báo cáo của iiMedia Research Group, người chơi chủ yếu từ 20-35 tuổi, chiếm 83,86% người chơi. Năm 2020 quy mô ngành giải trí KBS đạt 11,74 tỉ tệ, năm 2021 là 17,02 tỉ tệ; dự kiến năm 2022 sẽ đạt 23,89 tỉ tệ, tăng 40,4%; dự kiến năm 2025 đạt 44,81 tỉ tệ.

Du lịch kết hợp trò chơi KBS được xem là sản phẩm du lịch mới ở Trung Quốc, qua đó giúp phát triển ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú và sản phẩm du lịch liên quan. Không chỉ có kịch bản, đạo cụ, phục trang, còn có một DM có tâm, trò chơi với bối cảnh văn hóa Đôn Hoàng vừa ra đời đã thu hút rất nhiều người chơi đăng ký. Giờ không chỉ có xe cắm trại + KBS, mà còn có du thuyền + KBS, viện bảo tàng + KBS…, theo tờ Pháp Chế Nhật Báo. Do kịch bản hấp dẫn kết hợp với phong cảnh đẹp, nhiều người từ các địa phương khác cũng đến để chơi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận