Cơn khát y tá toàn cầu

D.KIM THOA 13/08/2022 06:00 GMT+7

TTCT - Nghề y tá vốn đã nặng nhọc, đãi ngộ thấp, và đầy sức ép. Đại dịch COVID-19 càng khiến tình hình thêm căng thẳng, và tình trạng bỏ việc hàng loạt đã diễn ra không chỉ ở Việt Nam.


Cơn khát y tá toàn cầu - Ảnh 1.

Ảnh: The New York Times

Một nghiên cứu đăng vào tháng 5-2022 trên tạp chí y khoa The Lancet cho biết toàn thế giới hiện đang thiếu tổng cộng khoảng 30,6 triệu y tá và nhân viên hộ sinh. Howard Catton, giám đốc điều hành Hội đồng điều dưỡng thế giới (ICN), cho biết nếu chỉ tính riêng y tá/điều dưỡng, thế giới đang thiếu khoảng 12-13 triệu người, gấp đôi so với năm 2020.

Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 3 năm qua giống như giọt nước tràn ly với không ít nhân viên y tế vốn đã căng thẳng, mệt mỏi vì công việc quá nhiều sức ép, mà lương bổng phần lớn chưa thỏa đáng. Tình trạng bỏ việc trong ngành này được ghi nhận tại nhiều nước. 

Ngay cả những quốc gia nổi tiếng về "xuất khẩu y tá" như Philippines cũng đã kêu gọi các nước giàu phải tự đào tạo nguồn lực này để không khiến người dân của họ thiệt thòi vì không đủ số y tá chăm sóc trong nước.

Y tá vẫn tiếp tục nghỉ việc

Một ví dụ cho tình trạng này là Singapore. Theo báo The Straits Times (ST), số y tá nghỉ việc tại quốc đảo sư tử đã tăng lên mức kỷ lục, gây thiếu hụt y tá nghiêm trọng tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công, dù tình trạng này cũng xuất hiện cả ở bệnh viện tư.

Chị Nadiah Noraswan, 36 tuổi, đã làm y tá trong cả bệnh viện công lẫn tư, nói với ST: "6 tháng qua, bản thân tôi đã chứng kiến 7 trường hợp xin nghỉ việc". 

Mặc dù không phải tất cả đều nghỉ hoàn toàn, vì một số chuyển sang bệnh viện khác hoặc những trung tâm vắc xin, nhưng dù thế nào, khi họ nghỉ việc, bệnh viện sẽ phải tức tốc kiếm người thay thế, và điều đó không đơn giản lúc này.

Phát biểu trước quốc hội ngày 2-8, bà Rahayu Mahzam, thư ký phụ trách y tế tại Nghị viện Singapore, cho biết so với năm 2020, tỉ lệ y tá nghỉ việc đã tăng cả trong nhóm y tá "bản xứ" và "nhập khẩu". Cụ thể, 7,4% y tá trong nước đã nghỉ việc trong năm 2021, cao hơn 5,4% của năm 2020. Tỉ lệ này ở các y tá "ngoại" tăng hơn gấp đôi, lên đến 14,8% năm 2021.

Một người phát ngôn của Bộ Y tế Singapore cho biết trong quý 1-2022, tỉ lệ nghỉ việc của y tá ở tất cả các bệnh viện là 4,4%, cao hơn một chút so với cùng kỳ 3 năm trước - khi tỉ lệ nghỉ việc của y tá rơi vào khoảng 2,7-3,3%. Singapore, giống như nhiều nước phát triển, phụ thuộc đáng kể vào lực lượng y tá người nước ngoài: hơn một nửa số y tá mới tham gia công việc này tại Singapore năm 2020 không phải người Singapore.

Một số y tá nước ngoài tới Singapore làm việc như bước đệm để tìm cơ hội tốt hơn ở những nước khác. Cũng có những người tới Singapore làm việc rồi hồi hương để có cơ hội thăng tiến và tăng thu nhập trong sự nghiệp - kinh nghiệm làm việc tại môi trường đòi hỏi cao như Singapore sẽ mang lại nhiều lợi thế cho họ.

Tuy nhiên như đã nói, không chỉ y tá "ngoại" bỏ việc. Ngay cả y tá "nội" cũng đã nghỉ việc nhiều hơn hẳn - mức 7,4% năm 2021 là cao nhất trong ít nhất 5 năm qua. Lý do của họ khá đa dạng, ngoài một số người đã lớn tuổi muốn nghỉ hưu sớm, số khác bỏ việc để lo cho gia đình hoặc không chịu nổi áp lực, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Một y tá giấu tên đang làm việc tại một bệnh viện công ở Singapore kể với ST rằng một số đồng nghiệp của chị quyết định nghỉ việc vì không thể cân bằng giữa áp lực từ các ca trực và trách nhiệm gia đình. 

"Các ca trực có thể từ 7h sáng tới 3h chiều hoặc 9h tối tới 7h sáng hôm sau. Họ bỏ việc vì có con nhỏ hoặc cha mẹ già phải chăm sóc, với các ca trực như vậy, họ không thể chăm lo cho người thân", y tá này cho biết.

Một y tá khác có thâm niên 13 năm làm việc ở bệnh viện công cho biết 2 năm qua là khoảng thời gian bệnh viện rất căng thẳng vì dịch bệnh. 

Dù dịch lúc này đã dịu, bệnh viện nơi chị làm vẫn đang thiếu y tá. "Các y tá có thể không được nghỉ phép thường niên hay nghỉ phép để lo cho gia đình... Khi thiếu nhân viên, y tá đang nghỉ phép cũng có thể bị gọi đi làm việc", nữ y tá này chia sẻ.

Để cố gắng giữ chân y tá ở lại với nghề, mới nhất tuần qua, Chính phủ Singapore đã công bố sẽ thưởng hơn 25.000 y tá đang làm việc trong khối y tế công khoản thưởng đặc biệt bằng tiền mặt tương đương 1,7-2,1 lần một tháng lương cơ bản của họ. 

Với phần thưởng này, Bộ Y tế Singapore muốn tri ân sự đóng góp của đội ngũ y tá, đồng thời động viên họ tiếp tục làm nghề. Theo ST, tiền thưởng sẽ được trả làm 3 đợt khác nhau, lần trả cuối cùng sẽ là vào tháng 9-2023.

Đào tạo, giảm tải và giữ chân

Giáo sư Teresita Irigo-Barcelo, nguyên trưởng khoa tại Trường Y tá, Đại học Centro Escolar ở thủ đô Manila, Philippines, nguyên chủ tịch Hiệp hội Y tá Philippines, không đồng ý với việc các nước giàu ráo riết "săn đầu người" với mảng nhân lực y tá ở những nước còn khó khăn như Philippines. "Đất nước chúng tôi cũng cần các y tá để chăm sóc cho người dân - bà Irigo-Barcelo nói - Chúng tôi cũng đang thiếu y tá".

Theo ông Catton, các nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Anh... đang phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lực lượng lao động này. Đáng nói hơn, họ đều là những nước không có kế hoạch thỏa đáng để chủ động đào tạo nhân lực ngành này trong nước. "Có tình trạng thiếu đầu tư lâu nay trong đào tạo y tá", ông nói.

Ông Catton phân tích: các nước thu nhập cao vốn trước nay luôn yên tâm sẽ luôn tuyển đủ y tá nước ngoài, song cách tiếp cận vấn đề như vậy đang ngày càng nhiều rủi ro khi tình trạng thiếu hụt y tá diễn ra khắp nơi, mức độ cạnh tranh trong tuyển dụng tăng mạnh, trong khi đó nhân lực y tá ngày càng sụt giảm do tuổi tác và tỉ lệ bỏ việc ngày càng nhiều.

Ở nhiều nước phát triển, các hiệp hội nghề nghiệp và chính quyền cũng đã bắt đầu nhận ra việc tự chủ nhân lực y tá là điều cần thiết. Tại Úc, theo báo Sydney Morning Herald, Hiệp hội Y tá chăm sóc sức khỏe ban đầu Úc (APNA) - tổ chức đại diện cho khoảng 91.000 y tá làm việc bên ngoài các bệnh viện - cho rằng chính phủ liên bang nên chú trọng hơn nữa công tác đào tạo y tá trong nước để kịp thời có đủ lực lượng kế cận cho ngành này.

Không chỉ đào tạo bổ sung, bà Kylie Ward, chủ tịch Trường cao đẳng Điều dưỡng Úc, cho rằng cần nâng lương cho điều dưỡng chuyên chăm sóc người cao tuổi để tạo thêm sức hấp dẫn với ngành này. 

Cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Úc Anthony Albanese thông báo Chính phủ Úc đang nỗ lực thông qua dự luật quy định mức lương tối thiểu bắt buộc cho y tá tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi và tính toán triển khai quy định visa mới để có thể thu hút thêm y tá từ nước ngoài.

Tăng lương để giữ chân y tá là lựa chọn của nhiều nước hiện nay. Bộ Y tế Singapore cho biết mức lương cho y tá của nước này đã tăng 5-14% trong hai năm qua. 

Quốc gia này cũng đang tính tới nhiều giải pháp khác giúp nâng cao năng suất làm việc ở mảng y tá/điều dưỡng - bao gồm tinh gọn quy trình chăm sóc, ứng dụng tiến bộ công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo hỗ trợ nhân viên y tế, giảm tải các nhiệm vụ hành chính không liên quan tới chăm sóc trực tiếp cho người bệnh, theo báo cáo trình bày trước quốc hội ngày 2-8 của bà Mahzam. Bà lấy ví dụ về phần mềm Nursing Software Suite có thể giúp người bệnh tự kiểm tra kết quả khám, thuốc men, lịch hẹn xét nghiệm và gửi các yêu cầu tới nhóm chăm sóc.■

Năm 2020, WHO dự báo toàn cầu thiếu hụt khoảng 6 triệu y tá, tức gần 1/4 tổng số y tá đang hành nghề trên thế giới (vào khoảng 28 triệu người). Những nơi thiếu hụt trầm trọng nhất là châu Phi, Mỹ Latin, Đông Nam Á và vùng đông Địa Trung Hải.

Đại dịch khiến tình hình tồi tệ hơn rất nhiều: số lượng y tá thiếu hụt tăng gấp đôi. 180.000 nhân viên y tế thiệt mạng vì COVID-19 từ tháng 1-2020 tới tháng 5-2021, theo WHO, trong khi không biết bao nhiêu người đã nghỉ việc vì kiệt sức và áp lực công việc.

Hội Y tá và hộ lý Anh cho biết hơn 27.000 y tá và hộ lý đã bỏ việc ở nước này trong vòng một năm tính tới tháng 3-2022, tăng 13% so với năm trước.

Ở Mỹ, khoảng 15% y tá đã bỏ việc trong năm đầu đại dịch, theo một khảo sát của McKinsey & Co, 1/5 các y tá còn làm việc nói họ sẽ nghỉ nếu phải làm công việc chăm sóc bệnh nhân trực tiếp vào năm tới.

Nhưng tình hình ở Mỹ đã là rất tốt so với hầu hết các nước khác: họ vẫn duy trì được tỉ lệ 16 y tá cho mỗi 1.000 dân, vào loại cao nhất thế giới (mức trung bình toàn cầu chỉ là 4/1.000).

Tình hình dẫn tới căng thẳng giữa các nước thu nhập thấp và các nước giàu về nguồn nhân lực quý giá này. Số liệu chính thức của Zimbabwe chẳng hạn, cho thấy năm 2021, họ mất gần 1.800 y tá, tức hơn 10% toàn bộ lực lượng y tá làm việc trong các bệnh viện công.

Hầu hết những người này chuyển sang làm việc ở Anh, nơi vốn đã có tỉ lệ 10 y tá/1.000 dân (Zimbabwe chỉ là 1,3/1.000 dân).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận