Con đường diệt vong của giống người khôn ngoan

HẠNH NGUYÊN 18/11/2018 23:11 GMT+7

TTCT - Liệu loài người có trở thành giống loài thông minh đầu tiên trong lịch sử tự gây ra sự tuyệt chủng của chính mình?

Hoàn toàn có thể, nếu chúng ta không chấm dứt các hoạt động tàn phá sự đa dạng của sinh học, và đạt được các thỏa thuận trong vòng hai năm tới để ngăn chặn “kẻ giết người thầm lặng” là biến đổi khí hậu.

Cristiana Pașca Palmer, giám đốc chương trình đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc, vừa lên tiếng cảnh báo con người cần nhanh chóng đạt được một thỏa thuận mới với thiên nhiên trong vòng hai năm tới. Nếu không, con người sẽ là giống loài đầu tiên tự ghi nhận sự tuyệt chủng của chính mình.

Cristiana cho rằng người dân ở tất cả các quốc gia đều cần tạo áp lực với chính phủ của mình để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng toàn cầu vào năm 2020, nhằm bảo vệ các loài côn trùng, chim, thực vật, và các loài có vú vốn dĩ rất thiết yếu cho việc sản xuất ra thực phẩm, nước sạch và cô lập carbon cho toàn thế giới.

Vấn đề lớn 

Vậy đa dạng sinh học (biodiversity) là gì và vì sao nó quan trọng? Đa dạng sinh học là sự mô tả về sự sống giàu có trên Trái đất, từ các giống loài đơn lẻ tới toàn bộ các hệ sinh thái. Nhưng những sự mất mát đa dạng sinh học khổng lồ ở quy mô toàn cầu đang trở thành cơn khủng hoảng hiển nhiên, tương tự và thậm chí có thể vượt qua hiện tượng thay đổi thời tiết.

Nạn phá rừng, săn bắn bất hợp pháp, phát triển trang trại quy mô nông nghiệp và ô nhiễm là nguyên nhân khiến hệ sinh thái tự nhiên của hành tinh đang thay đổi mạnh mẽ, và tạo ra những hậu quả khủng khiếp cho loài người.

Sự mất mát đa dạng sinh học chính là kẻ giết người thầm lặng - Cristiana nói với tờ The Guardian - Hiện tượng này khác với biến đổi khí hậu - vốn là hiện tượng gây ra ảnh hưởng tới cuộc sống khiến chúng ta ai cũng cảm thấy mỗi ngày. Với hiện trạng mất mát của đa dạng sinh học, con người không cảm nhận được rõ ràng, bởi vậy nên thời điểm chúng ta cảm thấy đa dạng sinh học đang biến mất thì có thể đã quá trễ”.

Pașca Palmer là thư ký của Hiệp định Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học - tổ chức thế giới chịu trách nhiệm về duy trì các hệ hỗ trợ sự sống tự nhiên mà loài người phụ thuộc để sinh tồn.

Tổ chức gồm 195 thành viên này và EU sẽ họp tại Sharm el Sheikh (Ai Cập) từ ngày 17 đến 29-11 này để thảo luận về khung chương trình mới, nhằm duy trì các hệ sinh thái toàn cầu cũng như đời sống hoang dã. Sau đó sẽ là hai năm diễn ra các cuộc thương thuyết, mà Pașca Palmer hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận toàn cầu mới tại hội nghị tiếp theo ở Bắc Kinh năm 2020.

Các nhà khoa học cảnh báo sự biến mất của đa dạng sinh học chính là mối đe dọa lớn tới sự tồn tại của nền văn minh.

Theo báo cáo của WWF, với sự tham gia của 59 nhà khoa học khắp thế giới, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và nguồn tài nguyên đang phá hủy mạng lưới của sự sống, vốn cần nhiều tỉ năm mới hình thành và cuộc sống của loài người phụ thuộc hoàn toàn vào đó, từ không khí, tới nước và mọi thứ khác.

Chúng ta đi mộng du về phía vách đá - Mike Barrett, giám đốc điều hành mảng khoa học và bảo tồn tại Tổ chức WWF, nói. “Điều này vượt lên trên việc mất mát những kỳ quan thiên nhiên, dù đúng là như vậy. Vấn đề là thực tế này khiến tương lai của loài người đang gặp mối nguy hiểm hơn. Thiên nhiên không chỉ là thứ “có thì hay” - thiên nhiên chính là hệ thống trợ lực cho cuộc sống chúng ta”.

Tất nhiên, con số 60% cần được hiểu cho đúng, rằng đây là mức giảm của quy mô các quần thể động vật có xương sống, chứ không phải con số tuyệt đối (số lượng), nhưng tính chất nghiêm trọng của vấn đề vẫn rất lớn.

Sắp hết thời gian rồi - giáo sư Johan Rockström, chuyên gia về bền vững toàn cầu tại Viện Potsdam về nghiên cứu ảnh hưởng khí hậu ở Đức, nhận định - Chỉ bằng cách giải quyết các vấn đề lớn về các hệ sinh thái và khí hậu thì chúng ta mới có cơ hội bảo vệ hành tinh ổn định cho tương lai của loài người trên Trái đất”.

Nhiều nhà khoa học tin rằng thế giới đã bắt đầu chạm ngưỡng tuyệt chủng đa số lần thứ 6, và là đợt đầu tiên do một loài gây ra - giống Homo sapiens (người khôn ngoan). Những phân tích gần đây đã cho thấy loài người đã tiêu diệt 83% các loài có vú, và 1/2 thực vật kể từ thời văn minh. Tức là, ngay cả khi sự phá hủy có chấm dứt ở thời điểm hiện tại cũng phải cần từ 5-7 triệu năm nữa để thế giới tự nhiên có thể phục hồi.

Sự thờ ơ và ích kỷ 

Con người chỉ xuất hiện trên Trái đất tầm 200.000 năm, chỉ là cái chớp mắt so với lịch sử hành tinh 4,5 tỉ năm. Nhưng chúng ta gây tác động lên Trái đất nhiều hơn bất kỳ loài nào. Phá rừng, làm cạn kiệt sông suối, làm đại dương ngộp thở với rác thải nhựa, và đẩy nhiều loài tới bờ tuyệt chủng.

Trong bối cảnh ấy, các nhà bảo tồn đang rất hi vọng về một thỏa ước đa dạng sinh học, với sức nặng tương tự Thỏa thuận về khí hậu Paris.

Tuy nhiên, hiện đa dạng sinh học nhận được rất ít sự chú ý, cho dù nhiều nhà khoa học đã khẳng định hậu quả của việc sụp đổ đa dạng sinh học cũng đe dọa tương tự với sự tồn tại của loài người. Hai thỏa thuận trước đây về đa dạng sinh học, vào năm 2002 và 2010, đều không xuất phát từ sự thiệt hại tồi tệ nhất về sự sống trên Trái đất kể từ khi loài khủng long tuyệt chủng.

Tám năm trước, theo Các mục tiêu đa dạng sinh học Aichi, các nước đã hứa sẽ giảm một nửa sự biến mất của môi trường sống tự nhiên, đảm bảo việc đánh bắt cá bền vững tại mọi vùng nước, và mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên từ 10% lên 17% diện tích đất trên thế giới vào năm 2020.

Nhưng nhiều quốc gia đã không thực hiện được những cam kết này. Ngay cả những nước tạo ra nhiều khu vực được bảo vệ cũng làm rất ít để khiến các khu vực đó thực sự được an toàn. “Các khu bảo tồn trên giấy” có thể được tìm thấy từ Brazil tới Trung Quốc.

Vấn đề đa dạng sinh học cũng rất ít xuất hiện trên các chương trình nghị sự chính trị. So với các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, rất ít người đứng đầu chính phủ tham dự các hội nghị về đa dạng sinh học. Pașca Palmer cho rằng hi vọng rất mong manh.

Một số loài ở châu Phi và châu Á đã hồi phục (cho dù đa phần là giảm số lượng), và tỉ lệ phủ rừng ở châu Á đã tăng 2,5% (cho dù ở những châu lục khác lại đang giảm với tốc độ nhanh hơn). Các khu vực biển được bảo vệ cũng mở rộng hơn.

Nhưng nhìn chung, bức tranh rất đáng lo ngại. Các tỉ lệ cao về sự mất mát đa dạng sinh học do phá hủy môi trường sống, ô nhiễm hóa học, các loài xâm lấn sẽ tăng nhanh trong 30 năm tới, do biến đổi khí hậu và dân số con người tăng nhanh.

Vào năm 2050, châu Phi dự kiến sẽ mất 50% loài chim và động vật có vú, còn các loài cá ở châu Á sẽ hoàn toàn biến mất. Sự biến mất của các loài thực vật và đời sống biến đổi sẽ giảm khả năng hấp thu carbon của Trái đất.

Báo cáo cho thấy loài người đã triệt tiêu 60% quy mô các quần thể động vật kể từ năm 1970. “Các con số rất choáng váng - vị cựu bộ trưởng môi trường Romania nói - Tôi hi vọng chúng ta không phải là giống loài đầu tiên tự ghi nhận sự tuyệt chủng của mình”.

Dù các chính phủ tỏ ra không mặn mà gì với mối đe dọa sống còn này, bà cho rằng mình vẫn lạc quan về cái gọi là “hạ tầng sự sống”. Một lý do để hi vọng là sự gặp gỡ giữa các mối quan ngại về khoa học, và sự chú ý ngày càng tăng từ cộng đồng kinh doanh.

Tháng trước, các cơ quan hàng đầu của Liên Hiệp Quốc về khí hậu và đa dạng sinh học cùng các nhà khoa học đã gặp nhau. Họ nhận thấy các giải pháp dựa trên tự nhiên, như bảo vệ rừng, trồng cây, phục hồi đất và quản lý đất - có thể giúp cung cấp 1/3 sức hấp thu carbon cần thiết để giữ cho nhiệt độ Trái đất ẩm trong tham biến của thỏa thuận Paris.

Trong tương lai, hai nhánh tổ chức của Liên Hiệp Quốc về khí hậu và đa dạng sinh học sẽ có những đánh giá chung. Bà cũng lưu ý rằng dù chính trị ở một số nước đang dịch chuyển theo hướng sai, thì vẫn có những tiến bộ tích cực như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gần đây đã trở thành lãnh đạo thế giới đầu tiên ghi nhận vấn đề khí hậu không thể giải quyết mà không chấm dứt tình trạng biến mất đa dạng sinh học. Điều này sẽ nằm trên lịch trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới ở Pháp.

Mọi thứ đang chuyển động. Có rất nhiều thiện chí. Chúng ta phải biết về mức độ nguy hiểm, nhưng không nên tê liệt hành động. Mọi thứ vẫn ở trong tay, nhưng lựa chọn hành động đang hẹp dần. Chúng ta cần những cam kết ở mức cao hơn từ cả tầng lớp chính trị gia và người dân”.

Nguyên nhân lớn nhất là sự phá hủy các môi trường thiên nhiên, chủ yếu là để làm đất trang trại. 3/4 diện tích đất trên Trái đất đang bị ảnh hưởng lớn bởi các hoạt động của con người.

Tiếp đó là giết động vật để có thức ăn - 300 loài có vú đang bị ăn đến mức gần tuyệt chủng - trong khi đại dương bị đánh bắt quá nhiều, với hơn 1/2 hiện đang bị đánh bắt theo dạng quy mô công nghiệp. Khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất là Nam và Trung Mỹ, với 89% loài có xương sống, chủ yếu do phá hủy các khu vực rừng rộng lớn với đời sống hoang dã phong phú. Loài người chỉ chiếm 0,01% của mọi sự sống nhưng đã tiêu hủy 83% các loài có vú hoang dã.

Mẹ thiên nhiên đang bị phá hủy với tốc độ nhanh chưa từng có vì những lợi ích ngắn hạn - khiến con người phá hủy môi trường chỉ đơn giản là vì kiếm sống, và các lối sống không bền vững của chúng ta nhằm sở hữu nhiều hơn nhu cầu của mình là nguyên nhân của tất cả nỗi thống khổ trên hành tinh này. ■

Nhà linh trưởng học Jane Goodall đã lên tiếng cảnh báo về thực tế không xa, rằng loài người có thể trở thành giống loài thông minh nhất từng có mặt trên Trái đất đã tự tay phá hủy căn nhà duy nhất của chính mình. 

Bà cho rằng vì nhiều chính trị gia, doanh nghiệp, cũng như cá nhân... thường có xu hướng quyết định dựa trên việc “liệu điều này có ảnh hưởng đến tôi ngay bây giờ, hay cuộc họp cổ đông sắp tới, hay chiến dịch chính trị sắp tới”, thay vì “liệu điều này có ảnh hưởng tới thế hệ tương lai không?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận