Con diều

TTCT - Thả diều mà cũng chết! Dân làng từ ngõ trên xóm dưới chép miệng, thở ra. Thả diều mà cũng chết, thật hết biết. Mấy bà hàng cá, hàng thanh long, hàng tạp hóa lặp lại trong lúc buôn chuyện.

Thả diều mà cũng chết, chuyện như đùa. Mấy ông nơi bãi bia, quán rượu đưa hai tay lên trời tỏ vẻ thương tâm. Thả diều mà cũng chết sao con? Cô giáo Hiền luôn miệng thì thào câu hỏi ấy với mặt nước.

Thả diều... chết à? Tôi không ngạc nhiên mấy. Tôi không phải chủ mưu của chuyện tày trời này, tôi vô tội, chắc chắn thế. Nhưng lương tâm tôi không yên được nữa, vì tình làng nghĩa xóm, dù tôi là một gã hàng xóm miệng hến, im lặng ngay cả khi sự việc đã rồi. Thật ra, tôi có nói “nguy hiểm quá”, nói một mình lúc cái giếng vừa xây xong.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Mấy tờ giấy dán hồ ghép nối nhòe mực, nhòe chữ của thằng Lộc đã rã, chỉ còn vài gợn trăng trắng lều phều trên mặt giếng. Hai cọng tre chéo hình chữ X là khung cánh diều còn lại không chìm được vì sợi dây vướng theo thành giếng. Đã mở cửa mả cho thằng Lộc mà không ai dám đụng đến con diều trơ xương ấy, ai cũng sợ chết điếng khi có việc đến gần giếng phải soi mặt mình xuống nước.

Trẻ nhỏ chết linh lắm. Ba hồn chín vía... về đây chứng giám... Tay thầy tụng mặt bấm ra sữa nhưng ánh mắt sắt lại vừa tung gạo muối tứ hướng vừa vang vang giọng nghiêm trọng làm cho ai nấy đều nổi da gà.

Không được đến gần giếng! Không được chạy nhảy! Không được thả diều! Lệnh của các bậc cha mẹ truyền râm ran từ ngõ trên xóm dưới. Tất cả diều lớn, diều bé, diều giấy, diều vải, phụng diều, điệp diều, có sáo hay không có sáo đều bị lôi ra đốt rụi. Cấm nói đến diều! Trẻ nhỏ co ro, cả mùa hè co ro. Không có gì tẻ nhạt và ngu ngốc bằng mùa hè mà cứ co ro ru rú trong nhà.

Lão Lợi, chủ của cái giếng, siêu giếng tưới thanh long, đường kính sáu mét, thành giếng năm tấc ấy, lúc uống rượu trong lễ cúng mở cửa mả cho thằng Lộc chợt bật khóc hu hu. Lão khóc làm cho những đôi mắt xung quanh ráo hoảnh. Mấy người cùng lúc nhổ nước miếng phẹt xuống đất. Mấy người hỉ mũi quay đi.

Bức hình thờ thằng Lộc áo trắng khăn quàng đỏ trên bàn thờ không động tĩnh gì nhưng con ngươi trong mắt nó hình như nghe tiếng khóc ấy nên nở rộng ra, ai ngang qua từ hướng nào cũng thấy nó nhìn theo ám ảnh. “Cứ thấy nó nhìn mình là bụng dạ rối bời lên, tay chân bủn rủn muốn rụng rời xuống đất”, mấy bà hàng xóm thầm thì vào tai nhau rồi gục đầu bước đi.

Cô giáo Hiền dường như máu trong tim đã bốc hơi hết ra ngoài, dường như hồn đã bay đi rồi, chỉ xác rũ, xác héo, xác co, nhìn mãi mặt nước, nhìn đến bơ vơ mắt, dại khờ mắt, thều thào những lời nói vu vơ buốt đau một góc sân, một góc trời. Nhìn mãi theo một cái gì đó đã trôi qua rồi, đi rồi, qua rồi...

Cô giáo Hiền cứ ngồi mê man nhìn. Lạnh lắm con ơi! Lâu lâu tiếng gọi khản đục ấy lại thảng thốt gieo nhói những cây kim nhọn vào tim tôi. Mấy ngày nay, tôi làm việc gì cũng bị chia trí, làm như thời gian còn lại là thời gian tôi chờ đợi, dỏng tai lắng nghe cái tiếng “con ơi” ấy nhói lên. Nhìn cô giáo Hiền và đợi cái tiếng thảng thốt ấy, tôi như thấy thằng Lộc hiện ra trước mặt, nó lớn hơn rất nhiều so với cuộc đời thực nó đã sống, nó sáng hơn rất nhiều so với cuộc đời thực nó đã sống.

Từng bước chân tung tăng của nó trở thành những chuyển động ngây thơ duy nhất trong làng. Từng cái vòng tay, cúi đầu lễ độ của nó trở thành hình ảnh ấn tượng của đức vâng lời, vốn còn quá ít ỏi trong đám thanh thiếu niên ngày nay. Con diều của thằng Lộc cũng hồn vía hơn, làm như cứ chờn vờn lượn lượn ám ám mãi trên góc trời. Vậy mà thằng Lộc đã đi rồi. Thả diều mà cũng chết! Tôi không phải chủ mưu của chuyện tày trời này, tôi vô tội, chắc thế.

Trong tuần đầu, nó còn quẩn quanh xóm làng, chưa đi được đâu. Tay thầy tụng với bộ mặt sữa hóa đá nói với mấy người đào huyệt được mời tới uống rượu tạ ơn giúp đỡ, làm mấy khuôn mặt ấy biến dạng vì sợ sệt. Không ai thổ lộ câu nào, không cử chỉ nào nhưng rượu chợt ít lại, vòng ly chậm hẳn. Góc sân che chiếc bạt xanh chợt bị áp sắc sạm tối, không gian trĩu xuống.

Người ta đồng loạt ngoái nhìn ra giếng, đâu như hình ảnh thằng Lộc nắm cái vỏ chai nước suối quấn dây diều, mắt nhìn lên trời, chân chạy tung tăng đang hiện ra. Có điều gì làm đờ đẫn bối rối những đôi mắt ấy. Cái chết của thằng Lộc không phải chôn nhẹm là xong, không mở cửa mả là xong. Tội lỗi của người lớn sờ sờ ra đó. Thả diều mà cũng chết! Người ta nói với nhau về cái gọi là “người lớn” chung chung như thế để át những ray rứt trong lòng mình.

Một làn sóng vừa dâng lên từ cái giếng ấy sau lễ cúng mở cửa mả của thằng Lộc. Người ta bàn tán về lão Lợi. Bùng khắp ngõ trên xóm dưới những ngọn lửa giận dữ, những lời nguyền rủa. Người ta nói lão Lợi vì keo kiệt, hám lợi đã đặt bẫy giết chết con nít, chỉ nói cho bõ tức chớ không ai dám buộc tội, ai cũng thấp cổ bé miệng. Người ta chẻ nhỏ từng đoạn trong cuộc đời của lão Lợi rồi bình luận, nhận xét.

Vợ chồng lão Lợi chân ướt chân ráo về đây với nghề làm bánh tráng. Sau khi có cái chức thôn trưởng, lão bỏ nghề làm bánh tráng, áo trong quần, cặp da đen, hằng ngày đi đi về về họp họp hành hành với mấy tay khoán đất trồng rừng. Nghe nói lão chia phần được mấy lô rẫy thu được của dân khố rách áo ôm trong bìa rừng.

Lão “đi đêm” sao đó mà làm được sổ đỏ, rồi chuyển nhượng hợp pháp cho dân đầu cơ bất động sản trên thị trấn. Ẵm một đống tiền lão mua cho thằng con trai cái xe mười bảy chỗ bóng lộn làm dịch vụ du lịch, cưới hỏi, còn lại lão mua lô đất trồng thanh long ở xóm Miếu sát ranh nhà cô giáo Hiền. Lão Lợi bây giờ thân thế dữ lắm, người ta thầm thì với nhau như vậy.

Xóm Miếu nằm ở lô bảy, cuối đường, chợt xôn xao vì chiếc xe xúc đất tay chân kềnh càng lù lù tiến vào. Nó đến đào cho ông thôn trưởng cái giếng đường kính đến sáu mét để tưới khu vườn hai ngàn trụ thanh long. Dân cả xóm tụm năm tụm bảy trước nhà cô giáo Hiền trầm trồ: Nhất giếng! Siêu giếng! Rộng hơn cả đám ruộng!

Tiếng ục ào đều đều, tiếng rì rì đều đều chẳng trầm bổng gì hay ho nhưng cái cánh tay xúc vục một lần cả khối đất của nó hấp dẫn những người năm bảy đời nay chỉ quen cầm cuốc. Khi chiếc xe to tê kỳ dị ấy đi rồi, cô giáo Hiền chợt thấy lo lắng. Đi dạy về cô cứ đứng tần ngần nơi cái thành giếng cao chỉ năm cục gạch quành một đường sát ranh sân nhà mình. Cô định nói gì đó với lão Lợi nhưng chần chừ mãi rồi thôi. Không khéo lão ấy nghĩ mình thấy người ta giàu lên rồi ghen ghét, ganh ăn tức ở.

Cô sợ lắm cái miệng của vợ lão Lợi, cái miệng bù lu toang hoác của kẻ cho vay nóng mười lăm phân ấy đụng tí gì là cả làng điếc tai, con rắn qua miệng mụ còn thành hình vuông huống chi chuyện này! Cả nghĩ thế nhưng lần nào, ngày nào cô cũng dừng xe đạp ngay chỗ thành giếng quành một đường cong cao năm cục gạch ấy, dừng lại tần ngần rồi thở dài dắt chiếc xe đạp vào nhà.

Đầu hè, một em học sinh vừa đậu đại học, tranh thủ làm mướn mấy ngày lấy tiền nộp học phí, đường về giác khuya em học sinh ấy bị xe tông chết. Đang đi làm thêm, cô giáo Hiền đánh rơi trái thanh long đang vuốt cánh, hớt hải chân nam đá chân chiêu chạy một mạch về nhà. Tim cô như muốn vọt ra ngoài. Nhìn thấy thằng Lộc co ro nằm ngủ, cô mới thở ra, nhẹ người.

Cô thường kể với người bạn hàng xóm những cơn ác mộng ngập nước của mình từ ngày có cái giếng. Trong mơ, cô thấy mình đứng ngâm mình trong nước trong khi thằng Lộc tung tăng thả diều trên sân. Cô cứ đứng đợi ở đó để cứu con cho đến khi da cô teo tóp nhăn nheo, tay chân run giật lên vì lạnh, đôi môi đánh lập cập vì lạnh. Ngay lúc ấy, thằng Lộc đang chạy thì vấp chân vào thành giếng lộn đầu xuống nước.

Cô chồm tới đón con nhưng tay chân cứng đơ ra, cô bất lực đứng nhìn những bọt bong bóng và những bọt máu cuối cùng của con nổi lên mặt nước. Cô đã nhiều lần chết ngất trong mơ từ ngày có cái giếng của lão Lợi.

Vậy mà thằng Lộc đã đi thật. Thả diều mà cũng chết. Chiếc dép của thằng Lộc văng úp sấp trên sân. Con diều nổi lều phều trên mặt giếng. Cô giáo Hiền đi dạy về, dừng xe đạp ngay chỗ thành giếng cao năm cục gạch ấy. Chiếc xe đạp ngã ra, máu trong tim bốc hơi hết ra ngoài. Cái xác rũ, xác héo, xác co ấy chuồi xuống. Hàng xóm chạy lại, hiểu ra, kêu cứu.

Cả làng đã có mặt quanh giếng. Lặn. Hụp. Ngoi lên phì phò. Lại lặn hụp. Mấy người nữa để nguyên dép, nguyên áo quần nhảy xuống. Giếng sâu quá, không ai đủ hơi. Người ta hộc tốc đi mời ông thợ lặn ở xóm trên. Lặn. Hụp. La ó om sòm quanh giếng. Cô giáo Hiền tỉnh lại đòi nhảy xuống giếng theo con. Hai người đàn bà kềm hai bên loạng choạng xốc nách ra sức giữ. Cuối cùng cô Hiền cũng được ra thành giếng với hai người đàn bà, mắt trắng dã.

Cái xác tím tái nhưng người ta vẫn vác nó lên chạy xốc nước, người này mệt thì người khác thay, người khác mệt thay người khác nữa, nước vẫn không hộc ra, dường như người ta làm vì người sống chớ không phải vì người đã chết. Thằng Lộc, đứa con trai duy nhất của cô giáo Hiền, đã chết rồi, chết thật rồi, tím tái. Không ai tin nổi thả diều mà cũng chết!

Con diều nổi lều phều trên mặt giếng. Lúc ấy, tôi có tham gia trong nhóm người lặn nhưng không đủ hơi. Để lâu trong nước, thằng Lộc đã đi rồi, tím tái. Cả tháng rồi mà một góc sân, cô giáo Hiền vẫn ngồi, vẫn thảng thốt “lạnh lắm con ơi”. Nghe nói có người thấy trong tuần đầu, đêm nào thằng Lộc cũng về tung tăng thả diều trước sân. Có người còn thấy nó viết gì đó vào những mảnh giấy nhỏ, liếm nước miếng dán móc vào dây diều, nó gửi thư cho diều, chắc nó gửi ước mơ của nó cho con diều.

Con nít tuổi này nhiều ước mơ lắm. Con diều vẫn còn trong lòng người dân xóm Miếu, vậy mà thằng Lộc đã đi rồi, tím tái. Không phải tôi chủ mưu chuyện tày trời này, tôi không có tội, hình như là thế, tôi cũng không dám chắc.

Không dưng mà nhà văn thấy bất an đến mức phải viết ra một câu chuyện như thế này. Nước lũ, lội sông, nhiễm điện, cây rơi, tường đổ, “hố tử thần”... Cái chết rình rập, cái chết có mặt ở khắp nơi, đêm và ngày. Các em, tuổi thần tiên, tuổi đến trường, ai sẽ yên ổn và ai thành vắn số?

Thả diều mà cũng chết! Không có chuyện thủ pháp phải như thế nào trong thiên truyện khá ngắn này. Nhưng, khi đay đi đay lại câu văn ấy trong suốt tác phẩm, tác giả đã làm cho nỗi bi thương hiệu quả hơn, vì vậy chân dung của cái ác cũng lạ lùng hơn. Không thể có phiên tòa, không có trừng phạt, nhưng người vô tội cũng thấy mình có tội...

Chắc chắn Nguyễn Hiệp sẽ lại được tin yêu, bởi anh biết gửi đến độc giả sự cẩn trọng của một nhà văn viết kỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận