Cơn đau đầu về thuế của các quốc gia

HẠNH NGUYÊN 16/06/2016 01:06 GMT+7

TTCT - Được xem là tương lai và tạo ra những công ty “kỳ lân” có giá trị khổng lồ chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng nền kinh tế chia sẻ lại đang không chia sẻ lợi nhuận cho ngân khố các quốc gia.

Kinh tế chia sẻ phát triển, nhiều quốc gia đau đầu vì không tìm ra cách đánh thuế
Kinh tế chia sẻ phát triển, nhiều quốc gia đau đầu vì không tìm ra cách đánh thuế

Nghiên cứu của Công ty Pricewaterhousecoopers năm 2015 cho biết 19% người trưởng thành ở Mỹ có tham gia vào kinh tế chia sẻ, hoặc với tư cách là người mua hoặc là người bán. Trong số người bán, cứ 1 trên 4 người là trên 55 tuổi. PwC ước tính quy mô của kinh tế chia sẻ là 15 tỉ USD, và sẽ tăng lên 335 tỉ USD vào năm 2025.

Song, tham gia nền kinh tế chia sẻ không chỉ đem lại toàn màu hồng, có những rủi ro nhất định. Reid Cramer - giám đốc của Asset Building Program trong tổ chức phi chính phủ New America tại Washington, D.C - cho biết các chủ nhà Airbnb và tài xế Uber phải lãnh trách nhiệm của chủ sở hữu, mà vốn dĩ bình thường sẽ do công ty đảm nhận, trong đó có khấu hao tài sản xe hay nhà ở của họ.

Họ cũng không có bảo hiểm sức khỏe hay các phúc lợi khác. “Rất nhiều rủi ro đang được chuyển từ các tổ chức lớn sang các cá nhân” - ông cho biết.

Hiệu quả trong việc kết nối các công nhân thông qua ứng dụng Internet sẽ khiến giá thành dịch vụ giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm, trong khi lợi nhuận mới được tạo ra sẽ vào hết túi một vài công ty ở thung lũng Silicon, nơi đang tạo ra các nền tảng này, và những cổ đông của họ.

Theo Cramer: “Đó là một cách để tạo ra dòng tiền và tham gia vào nền kinh tế bán thời gian, công việc này có thể rất hữu ích cho những người muốn tiếp tục lao động khi đã lớn tuổi”.

Muôn màu lách thuế

Nhưng nền kinh tế chia sẻ không nhất thiết phải đồng nghĩa với chia sẻ lợi nhuận. Giờ đây, Airbnb và Uber đang tiến dần tới thời điểm có lợi nhuận, các cơ quan thuế vụ sẽ làm gì? Mỗi lần Ian Haines cho thuê căn phòng của mình ở thành phố cảng Albany của Úc, Airbnb lấy 13% tổng số tiền cho thuê.

Haines cho biết anh rất cẩn thận khi trả thuế trên số tiền kiếm được từ Airbnb, vì công ty có trụ sở ở San Francisco có thể sẽ báo cáo các khoản giao dịch về Chính phủ Úc. Nhưng với Airbnb, mọi chuyện không phải như thế.

Bởi vì công ty quản lý tài chính thông qua các đơn vị ở Ireland và các nơi tránh thuế (tax havens) như Jersey ở The Channel Islands, chỉ có một phần nhỏ trong doanh thu của công ty có thể bị đánh thuế ở Mỹ hay Úc.

Tài liệu về các quy định ở nước ngoài của Airbnb cho thấy công ty này có mạng lưới các công ty con nhiều hơn so với những gì họ thừa nhận, hơn 40 công ty, có thể giúp công ty giảm được số tiền phải trả thuế ở Mỹ và các quốc gia khác.

Đây là thách thức mà Airbnb, Uber và những công ty hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ, đang đặt ra đối với các cơ quan tài chính của các quốc gia. 

Trong 5 năm qua kể từ khi lĩnh vực này bùng nổ, một số quốc gia đã chiến đấu dữ dội để buộc các công ty thuộc nền kinh tế chia sẻ phải chơi cùng thứ luật định với các khách sạn, hãng taxi truyền thống và thu được thuế địa phương mà hiện họ đang bị thất thu.

Khi hàng loạt công ty mới này bắt đầu có lãi, thu được một số tiền lớn trong nền kinh tế, các chuyên gia chính sách cho rằng cuộc chiến sẽ phải đẩy lên mức quốc gia, vì hàng tỉ USD có thể bị thất thu.

Những công ty này là tương lai - Stephen Shay, cựu luật sư thuế quốc tế hàng đầu tại Bộ Tài chính Mỹ, đang giảng dạy tại Harvard, cho biết - Bản chất của ngành nghề kinh doanh và cấu trúc công ty có thể cho phép họ giữ toàn bộ lợi nhuận ngoài nước Mỹ. Trừ phi hệ thống thuế tìm cách để đối phó, còn không ngân sách sẽ thất thu rất lớn”.

Những doanh nghiệp mới có thể mở rộng ra toàn bộ thị trường. Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất một số biện pháp để “bắt giò” trò tránh thuế của các công ty kỹ thuật số. Ví dụ, ngày 4-4 họ đã đưa ra nguyên tắc hạn chế chuyển thuế thông qua biện pháp sáp nhập. Airbnb từ chối thảo luận về các chiến lược về thuế.

Chúng tôi trả cho tất cả các loại thuế cần trả ở tất cả những nơi chúng tôi làm kinh doanh. Khi đưa ra những quyết định kinh doanh lâu dài, chúng tôi chỉ làm những gì tốt nhất cho cộng đồng mình” - người phát ngôn Nick Papas nói.

Một khi có lợi nhuận, cấu trúc doanh nghiệp của Airbnb sẽ giúp cho công ty này có hàng loạt lựa chọn để tránh thuế một cách hợp pháp. Hai chi nhánh của họ ở Ireland, nơi luật thuế địa phương cho phép các công ty đa quốc gia của Mỹ tránh cả hai loại thuế 35% thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ và 12,5% của Ireland.

Tiền từ các giao dịch của Airbnb tại 190 nước, trong đó có cả tiền từ việc cho thuê nhà của Haines ở Úc, sẽ được chuyển trực tiếp đến trung tâm thanh toán ở Ireland. Airbnb thu 6-12% giá thuê tùy vào chi phí, sau đó cắt 3% thu nhập của chủ nhà trước khi chuyển tiền đi.

Điều này giúp Airbnb che được hầu hết lợi nhuận từ đất nước có dịch vụ Airbnb (Airbnb Ireland trả cho chi nhánh ở Úc một khoản phí nhỏ gọi là tiền tiếp thị trong nước, và công ty chi nhánh đó phải trả thuế dựa trên lợi nhuận của mình).

Luật Ireland khiến các công ty đa quốc gia dễ dàng chuyển lợi nhuận tới các nơi tránh thuế bằng cách nhượng lại các quyền sở hữu trí tuệ (IP) có giá trị ở đó. Airbnb có hai chi nhánh, Airbnb International HoldingsAirbnb 2 Unlimited, ở Jersey, và không có thuế doanh nghiệp.

Các chuyên gia thuế cho biết nếu Airbnb chuyển IP phần mềm tới đơn vị ở Jersey, công ty có thể chuyển hầu hết lợi nhuận đến nơi tránh thuế thông qua các khoản chi trả phí bản quyền từ chi nhánh Ireland của mình. Các công ty dược và công nghệ cũng dùng chiến lược tương tự để giảm mức thuế phải trả xuống chỉ còn dưới 10%.

Thượng viện Úc đã kêu gọi các quản lý địa phương làm chứng bên cạnh Uber vào tháng 11-2015, trong phiên điều trần công khai về né thuế doanh nghiệp. Sam McDonagh, giám đốc quốc gia của Airbnb ở Úc, cho biết tránh né thuế không bao giờ là động cơ của các lựa chọn chiến lược của công ty.

Lý do số 1 mà chúng tôi đặt ở Ireland là vì có thể tiếp cận được tài năng lớn” - McDonagh nói. Một thượng nghị sĩ đáp trả: “Come on!” (Thôi nào!). Dù động cơ của Airbnb là gì, kết quả là các lựa chọn trả thuế ở mức tối thiểu cũng không dành cho những “tay chơi” cạnh tranh truyền thống.

Trong khi Airbnb không sở hữu các bất động sản được cho thuê trên trang của mình, với khoảng 2 triệu phòng, nhiều như số khách sạn của các tên tuổi khổng lồ Wyndham, Hilton và Marriott cộng lại. 

Ba hãng khách sạn này trung bình có lợi nhuận hằng năm là 2,3 tỉ USD (2013-2015), theo các tài liệu nộp cho Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ và trả hàng trăm triệu USD tiền thuế hằng năm. Uber thực hiện thanh toán các cuốc xe bên ngoài Mỹ thông qua Hà Lan, một lãnh đạo công ty điều trần tại Úc cho biết.

Năm ngoái, tờ Fortune cho biết theo thông tin trình bày với các nhà đầu tư, Uber đã chuyển IP tới nơi tránh thuế Bermuda, để lại chỉ 2% doanh thu là có thể bị đánh thuế ở Mỹ. Bên ngoài Mỹ đã có những nỗ lực để chặn hành vi tránh thuế doanh nghiệp này.

Hồi tháng 1, Anh đã đưa ra “Google Tax”, mức thuế 25% đánh vào bất kỳ lợi nhuận nào bị xem là đã được chuyển đi một cách không hợp lý, và Ireland bắt đầu xóa bỏ một số lỗ hổng, trong đó có “Double Irish” - một cấu trúc đơn giản mà các công ty dược và công nghệ Mỹ sử dụng để chuyển lợi nhuận tới các nơi tránh thuế như Bermuda, nơi họ nắm giữ tài sản trí tuệ. 

Google cho biết họ không phải chịu thuế của Google Tax, và các kế toán đã gợi ý những lựa chọn thay thế tương tự cho Double Irish ở Malta và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Là nhà của hầu hết các công ty lớn liên quan, và là quốc gia lớn duy nhất đánh thuế thu nhập toàn cầu của các công ty đa quốc gia, Mỹ có thể là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. 

Trong sự bế tắc ở Washington, các đề xuất của chính quyền Obama bao gồm khoản thuế tối thiểu 19% trên lợi nhuận toàn cầu của các doanh nghiệp Mỹ, cho dù tiền về Mỹ hay không, cũng như những giới hạn nghiêm khắc hơn để chuyển thu nhập ở nước ngoài và sử dụng cấu trúc doanh nghiệp khiến một số thu nhập không thể bị đánh thuế ở bất kỳ nước nào. 

Đến lúc nào đó sẽ phải giải quyết việc này - Reuven Avi-Yonah, giáo sư về thuế quốc tế tại ĐH Luật Michigan, nói - Chúng ta chỉ hi vọng là điều đó xảy ra trước khi (nước Mỹ) mất quá nhiều doanh thu”.

Ở một khía cạnh khác, những công ty này và cái tên khiến người ta hiểu lầm. “Kinh tế chia sẻ” thật sự là những tấm bình phong giúp các tỉ phú và triệu phú cướp đi lợi nhuận và cùng lúc đó nới rộng khoảng cách bất bình đẳng kinh tế.

Cùng với những sáng kiến và sự phát triển, các công ty giảm bớt những chính sách bảo vệ nhân viên, cắt giảm lương và không tuân thủ các quy định của chính phủ. 

Có thể hiểu nền kinh tế chia sẻ đồng nghĩa với chuyển giao các rủi ro từ công ty cho nhân viên, không khuyến khích các công đoàn lao động và cho phép các nhà tư bản có thể thu được lợi nhuận khổng lồ trên chi phí thấp. ■

Những dịch vụ thông dụng của kinh tế chia sẻ hiện nay:

Airbnb: Một trong những cỗ máy lớn nhất của nền kinh tế chia sẻ, với hơn 40 triệu người dùng. Airbnb khiến bạn mở cửa nhà mình cho người lạ vào ở và đổi lại, bạn có chút thu nhập. Nếu bạn có giường, phòng hay căn nhà nghỉ dưỡng không dùng đến, hoặc đơn giản là vắng nhà một thời gian, bạn có thể đăng ký trên website để quảng bá.

Uber: Dịch vụ chia sẻ xe ước tính 1/4 tài xế của họ là trên 50 tuổi, và 60% tài xế không có kinh nghiệm lái xe chuyên nghiệp trước đó.

DogVacay: DogVacay giúp kết nối những chủ nhân có thú cưng và những nơi có thể giúp trông coi thú cưng trong thời gian họ đi vắng. 20.000 người sẵn sàng trông nom các chú cún đã đăng ký ở Mỹ và Canada, 1/3 trên 50 tuổi.

Fiverr: giúp người dùng bán các dịch vụ chuyên nghiệp hay sáng tạo của họ, ví dụ như thiết kế đồ họa và lồng tiếng, với thu nhập bắt đầu từ 5 USD (Fiverr lấy 1 USD phí), bên bán có thể tính phí cao hơn nếu họ có thêm kinh nghiệm hay mở rộng dịch vụ của mình.

TaskRabbit: Nền tảng này giúp kết nối những người sẵn sàng làm một công việc gì đó, như dọn cỏ hay treo tranh lên tường, hay đơn giản là đến siêu thị lấy đồ về, và những người sẵn sàng trả tiền thuê.

RelayRides: Chủ xe có thể đăng ký cho thuê xe miễn là xe họ chạy chưa đến 100.000 dặm, và giá trị dưới 75.000 USD.

Vayable: Giúp kết nối khách du lịch với hướng dẫn viên địa phương. Hướng dẫn viên đưa ra giá tiền và Vayable tính phí 15% hoa hồng, còn khách du lịch trả 3% phí dịch vụ cho Vayable.

(Theo Bloomberg, Forbes và FT)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận