Còn đâu danh giá Quả cầu vàng!

NGUYỄN VŨ 15/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Sự thăng trầm của một giải thưởng điện ảnh và truyền hình để lại nhiều bài học giữa xây dựng uy tín và lòng tham.

 
 

 Lễ trao giải Quả cầu vàng năm 2022 vào đầu tuần này không hề có bóng dáng một diễn viên nào, không thảm đỏ, không người dẫn chương trình; chỉ có ban tổ chức ngồi lại với nhau trong một căn phòng ở khách sạn Beverly Hilton, công bố giải nào thì Tweet thông tin giải đó lên mạng cho các báo đăng lại.

Một giải thưởng hào nhoáng hay không là nhờ tập trung những người nổi tiếng vào một sân khấu, ai đoạt giải - như năm nay là Will Smith (phim King Richard) hay Nicole Kidman (phim Being Ricardos) - hăm hở lên bục nhận tượng, phát biểu thật dí dỏm và cười thật tươi, tất cả được một đài truyền hình lớn trực tiếp cho hàng chục triệu người xem. Nhưng giải Quả cầu vàng năm nay không chỉ vắng bóng diễn viên mà Đài truyền hình NBC còn từ chối phát sóng, các hãng phim lớn tẩy chay, mạng xã hội tràn ngập lời cười chê.

Giải Quả cầu vàng do Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) tổ chức từ năm 1944. So với giải Oscar do hơn 9.300 thành viên của Viện Khoa học và nghệ thuật điện ảnh bình chọn, chỉ có 87 thành viên của HFPA ngồi lại với nhau để chọn giải hằng năm.

 
 Benedict Cumberbatch trong phim The Power of the Dog - đoạt giải phim hay nhất (thể loại chính kịch) của giải Quả cầu vàng 2022.

 Dù vậy, vào thời đỉnh cao khi giải Quả cầu vàng còn có sức hút lớn, giới diễn viên đua nhau o bế 87 thành viên này, các hãng phim mời mọc, đặt khách sạn 5 sao cho họ, quà cáp đủ loại đủ kiểu gửi tới họ nườm nượp. Đoạt giải Quả cầu vàng xem như đặt một chân lấy luôn giải Oscar, bằng không chỉ cần lọt vào danh sách đề cử, sự nghiệp của diễn viên sẽ thăng tiến, phim của hãng sẽ đông người xem, uy tín của hãng sản xuất sẽ tiến lên một nấc mới.

Ngay từ nhiều năm trước, người ta đã xem HFPA là một tổ chức ồn ào nhưng vô hại, các thành viên là các nhà báo viết cho những tờ báo ít tên tuổi, ít ai biết. Ngay chính tại buổi lễ trao giải năm 2012, người dẫn chương trình Ricky Gervais nói nửa đùa nửa thật: “So sánh giải Quả cầu vàng với giải Oscar chẳng khác gì so sánh Kim Kardashian với Kate Middleton (một bên nổi tiếng chủ yếu nhờ tai tiếng còn một bên là công nương, vợ của Hoàng tử William). Ồn hơn, dơ hơn, say xỉn hơn. Và, nghe nói, dễ mua hơn. Chưa ai chứng minh được điều gì”.

Cũng anh này, năm 2016 lại tự trào: “Đây là một giải vô giá trị, chỉ là một mẩu kim loại mà mấy tay nhà báo già nua, lú lẫn, dễ thương muốn trực tiếp trao cho bạn để họ có thể gặp bạn và chụp hình selfie”.

Dù sao đây là giải có nhiều người xem đứng thứ ba ở Mỹ, chỉ sau giải Grammy và giải Oscar. Năm 2018, Đài truyền hình NBC đồng ý trả đến 60 triệu USD mỗi năm để mua quyền phát sóng lễ trao giải, gấp ba lần mức cũ.

Vì HFPA là tổ chức phi lợi nhuận, họ được miễn thuế nên ngồi trên một đống tiền không biết tiêu đâu cho hết. Năm 2019 họ chỉ tốn 3 triệu USD tiền lương nhân viên, thêm 1,3 triệu USD tiền đi lại cho cho các thành viên. Thế nên nhiều hoạt động trước đây là không tính thù lao nay đưa vô sổ sách hết. Những người trong tiểu ban xem TV nhận thù lao 1.000 USD mỗi tháng, còn ở trong tiểu ban xem phim nước ngoài nhận đến 3.465 USD mỗi người. Tiểu ban này có hơn 20 người nên riêng việc xem phim nước ngoài mỗi tháng tốn hết 83.000 USD.

 
 

 Các xìcăngđan mua giải bắt đầu nổ ra từ năm 1982 khi Pia Zadora được trao giải diễn viên mới nhiều triển vọng nhất (phim Butterfly) dù phim này thậm chí còn chưa ra mắt. Sau này người ta phát hiện người quản lý Zadora cũng là người chồng tỉ phú của diễn viên đã thuê máy bay chở các thành viên về Las Vegas ăn chơi ở sòng bài của ông này trước ngày bỏ phiếu.

Năm 2014, một cựu chủ tịch Hiệp hội HFPA xuất bản hồi ký cho rằng đồng nghiệp của ông trong hiệp hội dễ dàng bị mua chuộc, bỏ phiếu theo phong bì. Năm 1999, các thành viên HFPA phải hoàn trả 82 chiếc đồng hồ do Hãng USA Films tặng để “vận động” cho Sharon Stone được đề cử trong phim The Muse.

Mặc dù hiện nay nội quy của HFPA không cho phép thành viên nhận quà trị giá vượt quá 125 USD, người ta không ngạc nhiên khi thấy phim truyền hình Emily in Paris được hai đề cử. Đó là bởi vào tháng 9-2019, hơn 30 thành viên được Paramount mời bay sang Paris để tham quan phim trường Emily in Paris đang quay, họ được thu xếp ở khách sạn 5 sao Peninsula, giá mỗi đêm ít nhất 1.400 USD, còn quà cáp thì không rõ.

 Đỉnh điểm là vụ kiện vào năm 2020 của nhà báo người Na Uy, Kjersti Flaa, từng ba lần bị từ chối không được làm thành viên HFPA. Bà kiện HFPA đã xây dựng một “văn hóa hối mại”, hoạt động như một “cartel”, ngăn cản thành viên đủ điều kiện gia nhập, độc quyền các kênh tiếp xúc, trong khi chia chác nhau tiền của hiệp hội cho các thành viên cánh hẩu… Bà cáo buộc thành viên HFPA nhận tiền từ các hãng phim và diễn viên theo kiểu mua giải. Tuy nhiên tòa đã từ chối, không thụ lý vụ kiện này.

Hai phóng sự điều tra trên tờ Los Angeles Times vào đầu năm 2021 xem như đóng đinh số phận của giải Quả cầu vàng khi tiết lộ hàng loạt thông tin chứng tỏ HFPA đúng là “nuôi dưỡng” một “nền văn hóa nhũng lạm”, đặc biệt 87 thành viên không có ai là người da đen cả.

Diễn viên Scarlett Johannson, từng nhận 5 đề cử, kêu gọi tẩy chay giải này. Cô nói: “Trừ phi có những cải tổ căn bản cần thiết bên trong tổ chức này, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta lùi xa HFPA” bởi theo cô, HFPA “là tổ chức hợp pháp hóa những kẻ như Harvey Weinstein để tạo đà giành sự công nhận của giải Oscar”. Diễn viên phim hành động Tom Cruise đòi trả lại ba Quả cầu vàng anh đã từng nhận.

Sau xìcăngđan này, HFPA đã cơ cấu lại ban tổ chức, bầu ra hội đồng mới, trong đó 2/3 là nữ, 1/3 là người da màu. Tháng 10-2021 hiệp hội tiếp nhận thêm 21 thành viên, trong đó có 6 người da đen. Tuy thế, hàng trăm hãng quan hệ công chúng quyết định không cho thành viên HFPA tiếp cận diễn viên do họ đại diện nữa. Các hãng phim lớn như Netfix, Amazon tuyên bố không tham gia. Hãng NBC quyết định ngưng phát sóng và giải năm nay diễn ra không kèn không trống, không cả thảm đỏ chụp hình.

Nhìn chung, các giải thưởng trong làng giải trí đều ít nhiều mang hơi hướm của các chiến dịch vận động; các hãng phim đều có ngân sách cho việc này, thuê hẳn những chuyên gia quan hệ rất tốn kém. Tuy vậy, vì HFPA mang danh là hiệp hội các nhà báo nên việc nhận quà, nhận ưu đãi từ các hãng phim để bỏ phiếu cho họ là việc khó lòng chấp nhận. Báo chí đàng hoàng đều có quy định không được đi máy bay của một doanh nghiệp, ở khách sạn doanh nghiệp chi trả để viết về doanh nghiệp đó - huống gì bỏ phiếu cho một giải từng có uy tín quốc tế.

Dư luận hiện nay nhìn chung đều cho rằng HFPA và giải Quả cầu vàng xem như hết thời, không còn được đón nhận, săn đón. Và bỗng nhiên khi không còn truyền hình trực tiếp, không còn người nổi tiếng đến dự thì HFPA xem như trắng tay, không có chút giá trị gì nữa. Cứ chờ xem trao giải không có người được mấy năm thì HFPA đành phải bỏ cuộc chơi nhường chỗ cho một tổ chức khác, một giải khác, tìm cách xây dựng uy tín từ đầu. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận