Con chim, con sóc và những đôi mắt khác

HUY THỌ 20/10/2018 16:10 GMT+7

Người giàu nhìn khác người nghèo. Người đủ ăn nhìn khác người thiếu ăn...

Ảnh: Huy Thọ
Ảnh: Huy Thọ

 

1 Nhà tôi ở Bình Triệu, ven sông Sài Gòn, quanh đó có nhiều biệt thự sân vườn. Cái may mắn của việc ở gần các đại gia là sáng sớm chạy bộ loanh quanh, được thấy sóc chuyền thoăn thoắt đi kiếm ăn. Được nghe tiếng chim hót - chim thiên nhiên hẳn hoi - tụ về những khu vườn um tùm của các ngôi biệt thự ven sông.

Ngày mới về ở khu vực này, mắt chưa thấy sóc, tai không hề nghe thấy tiếng chim hót nào. Nhưng hơn một năm trở lại đây, mắt và tai được chiêu đãi khá nhiều. Lòng thật vui khi nghĩ đến câu “đất lành chim đậu”. Phân tích cho ra vẻ khoa học một chút thì cuộc sống giờ khá lên rồi, con người thành phố đã biết yêu cây cỏ, muông thú, nỡ nào mà săn bắn.

Nhưng bỗng khoảng một tháng gần đây, cuối tuần lại xuất hiện nhiều anh thợ săn. Chủ nhật nào cũng thấy họ lăm lăm tay ná, bên hông đeo cái túi may bằng vải nhà binh để đựng “chiến lợi phẩm”. Ná của họ không giống như ná của bọn trẻ con chúng tôi ngày nhỏ, “đạn” để bắn ná của họ là những viên bi sắt chứ không phải là các viên sỏi. Khi họ buông tay ná, tiếng bi sắt xé gió như tiếng súng hơi.

Người săn chim (Ảnh: Huy Thọ)

 

Chủ nhật rồi tôi bỏ dở buổi chạy thể dục để lò dò đi theo một anh thợ săn tuổi trung niên. Anh rón rén bước vào một khu biệt thự um tùm của một người chủ vừa đi định cư nước ngoài. Chỉ mới nửa tiếng, buông ná vài ba lần, anh đã hạ được một chú cò, rồi tặc lưỡi tiếc rẻ khi một chú bìm bịp trúng đạn vào cánh nhưng vẫn chấp chới bay được qua bên kia sông.

Tay cầm chú cò nhấp nhấp ước lượng, anh bảo: “Con này khoảng ba lạng, cũng được một tô xáo măng”. Rồi anh chép miệng tiếc: “Giá lượm được con bìm bịp là có vài trăm (ngàn đồng) rồi. Tuần trước bắn được hai con sóc to, nướng ngon hết sảy. Hai đứa nhỏ nhà tôi khoái quá trời...”.

2 Chú cò nằm sóng sượt, đầu rỉ máu tươi nhưng đôi mắt vẫn mở trong veo, hồn nhiên như ngạc nhiên vì cái chết thình lình. Tôi thấy một cơn quặn thắt nơi tim, không kìm được: “Tội quá ông ơi!”. Anh thợ săn liếc xéo tôi, một cái liếc như nói: Lại một kẻ dư ăn, bắt đầu học thói trưởng giả nhỏ nước mắt khóc cho chim trời cá nước.

Kịp bưng miệng không thốt ra những lời khuyên giải như sách, nào là giữ gìn thiên nhiên, bảo vệ chim chóc..., tôi chuyển đề tài sang tìm hiểu về cuộc sống anh thợ săn. Anh cởi mở cho biết mình có một vợ hai con. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân, nghèo, chạy tiền gạo, tiền áo quần, tiền học cho con là đủ bở hơi tai.

Khi “rà trúng đài”, anh dốc bầu tâm sự: “Em mà khá giả thì chủ nhật chở vợ con đi ăn sáng, uống cà phê như mọi người chứ hơi đâu mà lặn lội thế này cho cực. Nghĩ chủ nhật ở nhà cũng chả làm gì, kiếm cái ná đi bắn chơi chơi, kiếm vài con chim, con sóc về cải thiện cho hai đứa nhỏ.

Chưa kể cỡ tụi em thì làm sao mua được thịt sạch, cá sạch cho con. Nhưng mấy con chim, con sóc này là thịt sạch không”. (Anh nheo mắt cười cười).

Thấy anh thợ săn cởi mở, tôi dấn tới: “Anh có đọc báo, xem tivi không? Có biết Nhà nước cấm săn bắn động vật rừng hoang dã trong thành phố dưới mọi hình thức không?”. Anh đáp thẳng tưng: “Nhà em chả bao giờ đọc báo. Tivi chỉ xem ca nhạc, bóng đá, game show”. Anh kết thúc cuộc trò chuyện bằng một câu phản pháo: “Nhiều người khá giả gặp em đều mắng sao mày ác thế. Nhưng mọi người quên rằng khối người thuở hàn vi cũng như em...”.

Ảnh: Huy Thọ

 

3 Câu nói của anh thợ săn trong thành phố làm tôi giật mình. Ừ nhỉ, ngày xưa mình đâu có hay nói “tội” như bây giờ! Đừng nói thấy con chim bị bắn chết, mà ngay giết con kiến cũng chép miệng thương cảm... Tội!

Sau ngày đất nước thống nhất, nhà tôi phải về vùng thôn quê sinh sống. Ngày ấy, tôi cũng như hàng triệu người Việt khác, trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến miếng ăn. Nhà nuôi gà nhiều lắm nhưng chỉ để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Lâu lâu, ba mẹ thấy con cái thiếu chất đạm quá, phát lệnh cho thịt một con gà. Nhận được lệnh giết gà mà lòng phơi phới. Tay cắt tiết gà mà không hề run, dù đó là con gà mình quen thuộc, chăm sóc từ khi mới nở, vì chỉ nghĩ đến miếng gà rôti sắp được ăn. Nhưng mới đây, một anh bạn cho con gà Đông Tảo, cả mấy anh em đều đùn đẩy không ai đủ can đảm cắt tiết, đành mang ra chợ thuê làm và lẩn thẩn nghĩ “mình đẩy cái tội sát sinh cho người khác”.

Đấy, người giàu nhìn khác người nghèo. Người đủ ăn nhìn khác người thiếu ăn. Cũng chỉ là ta thôi chứ chẳng phải ai khác, nhưng ngày hàn vi nó “thấp kém” hơn - làm gì đoái hoài đến nhạc giao hưởng; “ác” hơn - sẵn sàng cắt tiết mọi con vật để kiếm thứ bỏ vào mồm. Còn giờ thì... ta như quên mất mình ngày xưa rồi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận