Cơ hội nào cho một hiệp ước hòa bình Nga - Nhật?

LOAN PHƯƠNG 26/01/2016 20:01 GMT+7

TTCT - Vì những tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ, 61 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nga và Nhật Bản vẫn chưa thể ký một hiệp ước hòa bình chính thức. Nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang rất quyết tâm khép hẳn lại chương đau buồn trong lịch sử hai nước.

Ông Shinzo Abe ngồi trong lòng ông ngoại Nobusuke Kishi, khi đó là thủ tướng Nhật Bản, ở bìa phải là cha ông - Shintaro Abe -apantimes.co.jp
Ông Shinzo Abe ngồi trong lòng ông ngoại Nobusuke Kishi, khi đó là thủ tướng Nhật Bản, ở bìa phải là cha ông - Shintaro Abe -apantimes.co.jp

Tối 15-11-2015, ông Abe đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) trong khuôn khổ một hội nghị thượng đỉnh G20.

Ông đã giới thiệu với ông Putin giải pháp về “một trận hòa”, ý chỉ nhận xét trước đó của ông Putin trong một cuộc họp báo với truyền thông nước ngoài vào tháng 3-2012, khi tổng thống Nga đã so sánh đòi hỏi của Nhật Bản trao trả lại các đảo mà Nga gọi là quần đảo Kuril, còn Nhật Bản gọi là Các vùng lãnh thổ phương Bắc với môn judo, môn võ thuật mà ông là kiện tướng, nhưng thật trùng hợp lại có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Di sản của người cha

Ông Putin đã đáp lại kế hoạch của ông Abe một cách dứt khoát: “Đó là một đòn ippon (đo ván trong judo), không phải một trận hòa”.

Báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun đã dẫn lại các nguồn hiểu biết về cuộc thương lượng Nga - Nhật hiện tại nói kế hoạch “trận hòa” của ông Abe là chia đôi quần đảo gồm bốn hòn đảo ở bắc Hokkaido và Viễn Đông Nga này. Ông Abe đã dồn cả tâm sức vào cuộc gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ với ông Putin, cuộc gặp cuối cùng của họ trong năm 2015.

Hơn ba năm đã trôi qua từ tháng 3-2012 đó, nhưng phía Nga vẫn chưa trả lời và trong một cuộc gặp tại New York tháng 9-2015, ông Putin đã quyết định hoãn lại chuyến thăm dự kiến của ông tới Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Abe tỏ ra rất kiên trì và họ được cho là đã thương lượng trực tiếp với nhau trong một căn phòng kín ở hội nghị G20. Ông Abe nói, theo Japan Times, cuộc gặp có thể diễn ra bất cứ lúc nào, dù là 1g-2g sáng ông cũng không ngại. Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ lại tiếp tục điều đó ở hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ise-Shima mà Nhật Bản là chủ nhà vào tháng 5 tới đây.

Ông Abe thừa hưởng sự kiên nhẫn và quyết liệt trong vấn đề này từ cha ông - Shintaro Abe. Ông Shintaro là bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản gần bốn năm từ năm 1982 và tự đặt cho mình mục tiêu quan trọng nhất là tìm cách giải quyết vấn đề “lãnh thổ phương Bắc”.

Khi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev thăm Nhật Bản vào tháng 4-1991, ông Shintaro, lúc đó đang liệt giường vì bệnh ung thư, đã nài xin các bác sĩ cho ông được gặp ông Gorbachev “chỉ vài phút thôi”. Người đã dìu ông Shintaro tới cuộc gặp không ai khác chính là Shinzo Abe, con trai thứ hai của ông. Một tháng sau, ông Shintaro qua đời.

Trong một vườn thực vật ở Matxcơva ngày nay vẫn còn những cây anh đào mà ông Shintaro đã trồng. Khi ông Shinzo Abe thăm Nga năm 2013, ông đã đưa về Nhật một cây nhỏ từ cây lớn mà cha ông đã trồng, sau đó đăng một tin nhắn trên tài khoản Facebook về quyết tâm làm nốt những gì cha ông đã khởi xướng.

Tuy nhiên, thương lượng ngoại giao sẽ cực kỳ gian nan. Chính quyền Mỹ hiện bày tỏ lo ngại về sự gần gũi của đồng minh số một tại châu Á - Thái Bình Dương của họ với một địch thủ ở châu Âu và Syria.

Một số nhà phân tích cũng bày tỏ quan ngại rằng ông Abe có thể đã quá tự tin. Chẳng hạn, ngày 30-11-2015 ông đã có một cuộc trao đổi ngắn với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhân Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Paris, diễn ra không lâu sau sự cố máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

Ông Abe đề nghị được làm trung gian giữa ông Erdogan và ông Putin, nói ông sẵn sàng chuyển những thông điệp của hai phía cho nhau. Đáng nói hơn, một quan chức Chính phủ Nhật Bản giấu tên nói với Yomiuri: “Nếu ngài thủ tướng khiến hai nhà lãnh đạo (Putin và Erdogan) bắt tay nhau trước công luận, những tay khủng bố Hồi giáo có thể tuyên bố rằng mục tiêu tiếp theo sau Paris sẽ là Tokyo”.

Bốn đảo ở phía bắc Hokkaido mà Nhật Bản muốn đòi lại -flickr.com
Bốn đảo ở phía bắc Hokkaido mà Nhật Bản muốn đòi lại -flickr.com

 

Hi vọng ở Viễn Đông

Nhật Bản coi bốn hòn đảo phía bắc Hokkaido là lãnh thổ của họ, với những bằng chứng về sự kiểm soát các đảo này từ thời Edo (1603-1867), với các đảo đã được đặt tên, bao gồm Kunashiri và Etorofu. Trong Hiệp ước hữu nghị Nga - Nhật 1855, Nga cũng xác nhận Etorofu và ba đảo khác ở phía nam là lãnh thổ Nhật Bản.

Một hiệp ước khác, Hiệp ước trao đổi Sakhalin - Kuril 1875 xác định Sakhalin thuộc Nga và 18 đảo Kuril thuộc Nhật Bản. Sau chiến tranh Nga - Nhật, Hiệp ước Portsmouth 1905 ghi nhận khu vực phía nam Sakhalin ở vĩ tuyến 50 độ bắc thuộc về Nhật Bản.

Nhưng cũng như Hiệp ước Portsmouth, chuyện mạnh được yếu thua đã làm thay đổi số phận quần đảo. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đầu hàng và Liên Xô chiếm lại quần đảo Kuril, bao gồm bốn hòn đảo mà Tokyo đang đòi lại. Nga đã thừa kế điều đó.

Trong lễ khai mạc Diễn đàn kinh tế Viễn Đông tổ chức ở Vladivostok ngày 4-9-2015, Tổng thống Nga Putin đã có bài phát biểu kêu gọi các đối tác trong và ngoài nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông và giáo dục ở vùng đất rộng lớn đầy tiềm năng này của Nga.

Vài trăm nhân vật lớn đã có mặt ở hội nghị, bao gồm Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và các đại diện những công ty Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sau bài phát biểu, ông Putin đã bước xuống và bắt tay một thính giả - Masami Iijima, giám đốc đại diện và thành viên hội đồng quản trị của Mitsui & Co.

Tôi ngạc nhiên vì ông ấy (Putin) đã chọn ông Iijima chứ không phải ông Uông Dương” - một người dự hội nghị bình luận. Hành động có tính toán đó nhằm gửi đi thông điệp rằng Nga rất coi trọng sự đóng góp của các công ty Nhật với năng lực kỹ thuật và uy tín vượt trội trong việc phát triển vùng Viễn Đông, thay vì những tập đoàn Trung Quốc vốn nhấn mạnh vào các lợi ích kinh tế và có thể do chính phủ hậu thuẫn.

Vùng Viễn Đông Nga rất giàu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, nhất là khí đốt, nhưng chậm phát triển hơn hẳn so với Matxcơva và các thành phố gần châu Âu. Năm 2012, hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã được tổ chức ở Vladivostok theo sáng kiến của ông Putin.

Một khoản đầu tư 17 tỉ USD đã được bỏ ra cho cơ sở hạ tầng ở vùng này, nhưng dân số ở đây vẫn tiếp tục giảm, từ khoảng 8 triệu người năm 1991 xuống còn chỉ khoảng 6,2 triệu người hiện giờ.

Trong gần như mọi cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Nhật, ông Putin luôn nhắc tới vấn đề phát triển vùng Viễn Đông. Trong cuộc gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ nói trên, ông Putin nói với ông Abe: “Các công ty Nhật Bản đang đầu tư 12 tỉ USD ở Nga, và chúng tôi sẽ ủng hộ họ”.

Ông Abe lập tức chớp lấy cơ hội và nói rằng ông mong quan hệ kinh tế sẽ giúp giải quyết các vấn đề lãnh thổ. Tokyo cũng đã lựa chọn kỹ thời điểm. Japan Times dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói “hiện giờ là cơ hội tốt cho các cuộc thương lượng, vì Nga đang gặp khó khăn về kinh tế và bị cô lập vì vấn đề Ukraine” và không thể tiếp tục duy trì mức đầu tư cho Viễn Đông như trước.

Thiếu tiền, ông Putin đang xem xét một giải pháp có tính cực đoan khi hứa cấp cho mỗi người dân Nga chấp nhận chuyển tới vùng này 1ha đất miễn phí.

Chìa khóa của các cuộc thương lượng sẽ là sự phát triển của vùng Viễn Đông Nga - một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản nói với Yomiuri - Nếu những hãng sản xuất xe hơi hay đóng tàu Nhật Bản tiếp tục tạo ra việc làm cho người Nga ở các nhà máy tại Viễn Đông thì dòng suy giảm dân số sẽ được ngăn lại”.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật không thể ép các công ty chuyển tới Nga vì mục đích chính trị, và vùng Viễn Đông đang kém hấp dẫn hơn vì dân số giảm bớt.

“Có thể có khác biệt giữa hi vọng của Nga và mong muốn của các công ty Nhật Bản” - Victor Kuzminkov, nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu Viễn Đông, Viện hàn lâm Khoa học Nga, nói. Nga đã thiết lập nhiều đặc khu kinh tế và cảng miễn giảm thuế cũng như thủ tục trong vùng để thu hút đầu tư, bao gồm Kamchatka và Vladivostok.

Nga đặc biệt chú trọng thu hút các công ty sản xuất chế tạo, vốn tạo ra nhiều việc làm và hi vọng nhiều ở những doanh nghiệp Nhật tới xây nhà máy ở Viễn Đông. Ở đặc khu kinh tế Khabarovsk, thành phố lớn thứ hai tại Viễn Đông, công ty Nhật Bản JGC Corp. đã bắt đầu trồng các loại rau quả như dưa leo và cà chua trong nhà kính, với đợt hàng xuất xưởng đầu tiên dự kiến vào tháng 3 tới.

Những quyết định chính trị

Những người đứng đầu năm thành phố Nhật Bản, bao gồm ông Shunsuke Hasegawa, thị trưởng Nemuro, một thành phố ở bắc Hokkaido, gần vùng lãnh thổ tranh chấp, đã tới gặp ông Abe ở phủ thủ tướng hôm 3-12-2015. “Cả Nhật Bản và Nga hiện đều có những chính phủ ổn định, dài hạn, đây là một cơ hội vàng”, Kyodo News dẫn lời ông Hasegawa, nói ông đã kêu gọi ông Abe đẩy nhanh hơn nữa cuộc thương lượng.

Đầu tiên, những cuộc trao đổi giữa cựu thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto và cố tổng thống Nga Boris từ năm 1998, chỉ để vẽ một đường phân ranh tạm thời, đã thất bại.

Trong những cuộc trao đổi với cựu thủ tướng Nhật Yoshiro Mori tháng 3-2001, ông Putin thừa nhận giá trị pháp lý của Tuyên bố chung Liên Xô - Nhật năm 1956, trong đó nói Nga sẽ cân nhắc trả lại hai trong bốn đảo cho Nhật Bản là Shikotan và Habomai. Nhưng rồi mọi việc cũng không đi tới đâu.

Một vấn đề khác với các hòn đảo này là dân số đang suy giảm nghiêm trọng. Vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, các đảo có khoảng 17.000 người sinh sống, nhưng ngày nay hơn 10.000 người đã qua đời và tuổi trung bình của khoảng 6.500 cư dân còn lại trên đảo tính tới cuối tháng 3-2015 là 80,4.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận