Cơ chế không bảo vệ được rừng

ĐỨC TUYÊN 12/05/2013 04:05 GMT+7

TTCT - Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) công bố tuần vừa rồi, từ năm 1973-2009, năm quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng mất gần 1/3 diện tích rừng che phủ còn lại. Trong đó, Campuchia mất 22%, Lào và Myanmar mất 24%, Thái Lan và Việt Nam mất 43%.

Phóng to
Đây là nơi ở ngay điểm xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 mà ông Võ Đại Hải - tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp - cho rằng là rừng nghèo, chủ yếu là lồ ô, tre nứa - Ảnh: Đ.Tuyên

Các quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam, hiện còn khoảng 98 triệu ha rừng tự nhiên, nhưng WWF cảnh báo với tốc độ phá rừng như hiện nay thì dự báo trong hai thập niên tới các nước sẽ mất đi hơn 1/3 diện tích rừng còn lại.

Phá rừng để trồng “rừng”

Với nhiều năm nghiên cứu đa dạng sinh học, đời sống văn hóa, kinh tế tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum..., TS Vũ Ngọc Long (viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam) cũng như nhiều nhà khoa học khác đã “điểm mặt” những đối tượng phá rừng điển hình hiện nay: ngoài lâm tặc “đen” (người dân phá rừng), nay còn có thêm lâm tặc “đỏ” (cán bộ có quyền cũng phá rừng), đáng ngại nhất là các chủ công trình thủy điện phá rừng cùng những đối tượng lợi dụng chính sách “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế” để phá đi những cánh rừng bạt ngàn rồi trồng cao su, cà phê, trà...

Theo quy định hiện nay, việc khoán bảo vệ rừng đối với loại rừng đặc dụng là 500ha/1 bảo vệ, rừng phòng hộ là 1.000ha/1 bảo vệ.

Định mức giao khoán bảo vệ rừng được trung ương rót xuống từ nguồn kinh phí của chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững là 200.000 đồng/ha/năm. Nhiều nơi đã linh động thuê thêm người dân bên ngoài để hỗ trợ cho lực lượng. Việc thuê người cũng tùy thuộc vào tình hình an ninh, địa hình và khả năng cân đối nguồn lương, mỗi nơi có cách “liệu cơm gắp mắm” khác nhau.

Hai đối tượng “công trình thủy điện” và “lợi dụng chính sách chuyển đổi rừng nghèo kiệt” đang là những tác nhân phá rừng trỗi dậy rất nhanh gần đây.

Một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết chỉ tính từ năm 2006-2012, 160 công trình thủy điện tại 29 tỉnh thành đã “nuốt” hết khoảng 20.000ha rừng nhưng mới trồng lại được 735ha rừng. Đó là chưa kể hàng trăm nhà máy thủy điện khác được xây dựng từ năm 2006 trở về trước đã ngốn sạch hàng trăm ngàn hecta rừng mà bộ chưa thống kê hết.

Mà ngay cả 20.000ha cũng chỉ là phần diện tích rừng trên giấy tờ mà các công trình thủy điện “nuốt” mất. Thực tế diện tích rừng bị 160 công trình thủy điện lấy mất còn lớn hơn nhiều bởi những công trình phụ như nhà máy, ban điều hành, đường lưới tải điện, đường đưa vật tư vào thi công, xin đất rừng nơi khác để dân tái định cư... đều phải bạt, chặt những cánh rừng xanh đi mà làm.

Tại một hội thảo gần đây, PGS.TS Lê Trình, chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, nêu khi thủy điện Trị An được khởi công xây dựng thì nơi đây cả rừng và thú đều còn bạt ngàn, lòng hồ chỉ làm ngập khoảng vài chục ngàn hecta rừng, nhưng từ đó đến nay đã có thêm hơn 100.000ha rừng tiếp tục bị mất đi vì nhiều lý do. “Vì lẽ đó chúng ta có thể khẳng định thủy điện là một trong những tác nhân gây mất rừng hàng đầu ở hiện tại và trong tương lai” - ông quả quyết.

Không chỉ phá rừng làm thủy điện, người ta còn lấy lý do “chuyển đổi rừng nghèo” sang trồng cây kinh tế. Không ít cánh rừng “giàu” đã chìm trong vòng xoáy lợi dụng chính sách này và bị triệt hạ để trồng cao su, trà, cà phê...

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (công bố tháng 8-2012), trong năm 2011 có 12.194ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và trên 600ha rừng trồng các loại bị phá bởi lâm tặc “chính cống”. Thế nhưng đã có đến gần 25.000ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và gần 11.000ha rừng trồng các loại đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng chủ yếu cho các dự án thủy điện, chuyển đổi sang trồng cây kinh tế và một số ít dự án khác.

Thiên biến vạn hóa khái niệm “độ che phủ rừng”

Chỉ tính từ cuối năm 2008 đến hết năm 2011, các tỉnh có diện tích rừng mất nhiều nhất là: Đắk Nông (hơn 34.600ha rừng các loại), Bình Phước (15.775ha), Long An (hơn 19.500ha), Kiên Giang (15.748ha), Lâm Đồng (4.565ha), Đồng Tháp (1.906ha), Tiền Giang (hơn 4.000ha), Cà Mau (trên 3.200ha), An Giang (1.591ha)...

Cũng tại báo cáo này, tổng diện tích rừng của Việt Nam tính hết năm 2011 là hơn 13.515.000ha rừng, đạt độ che phủ rừng trên toàn quốc là 39,7%. Nếu nhìn vào con số tổng diện tích rừng, ta thấy tăng hơn 641.000ha so với năm năm trước đây (số liệu công bố tới tháng 12-2006 là 12.873.850ha rừng, đạt độ che phủ rừng trên toàn quốc là 38%). Thế nhưng, số liệu rừng tăng lên chỉ nằm trong diện tích rừng trồng, rừng sản xuất.

Thực chất hiện nay tại không ít địa phương, người ta lấy cả số diện tích vườn cao su, thậm chí cả vườn điều trồng được để đưa vào số liệu rừng trồng, rừng sản xuất. Đây là cách tính diện tích rừng che phủ mà theo nhiều nhà khoa học là “cực kỳ phản khoa học”. Trong khi đó, đối với rừng đặc dụng, so với năm năm trước đây, trên cả nước đã mất gần 191.600ha, rừng phòng hộ đã mất đi hơn 624.300ha.

Cần nhắc lại rằng đây mới là những loại rừng có tính đa dạng sinh học cao cùng với giá trị thiên nhiên, văn hóa, xã hội, kinh tế... quý giá. Các loại rừng trồng, rừng sản xuất vốn chỉ có giá trị kinh tế mà không thể có được giá trị đa dạng sinh học, thiên nhiên, văn hóa, xã hội... này.

Cách làm như trên ắt sẽ dẫn tới suy nghĩ, quan niệm và thậm chí là cách ứng xử tai hại đối với rừng trong hiện tại và tương lai. Tại buổi làm việc của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội với tỉnh Đồng Nai cùng các bộ ngành liên quan về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mới đây, ông Võ Đại Hải - tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - cho rằng nơi xây dựng hai dự án thủy điện này là rừng nghèo chiếm phần lớn, trên 50% là cây lồ ô, cây bụi để ủng hộ cho hai dự án này.

Nhưng khi được hỏi ông đánh giá thế nào là rừng nghèo vì đối với rừng đặc dụng thì một trảng cỏ, bụi cây cũng có giá trị về mặt đa dạng sinh học, ông Hải thoái thác trả lời.

Qua năm năm 2006-2011, tỉ lệ độ che phủ rừng trên toàn quốc chỉ tăng lên được 1,7%. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đặt ra đến năm 2015, tỉ lệ độ che phủ rừng trên toàn quốc phải đạt từ 42-43%. Bốn năm nữa liệu Việt Nam có kéo tỉ lệ che phủ rừng tăng lên được từ 3,3-4,3% không?

“Năm cha ba mẹ”

Theo nghiên cứu của TS Hui Chen và Minh Cao (vườn thực vật nhiệt đới Viện Khoa học Trung Quốc) công bố tháng 5-2011, các dạng rừng trồng có lượng ngân hàng hạt giống kém phong phú, kém đa dạng các loại cây họ gỗ hơn 90% so với loại rừng tự nhiên, do đó khả năng phục hồi rừng yếu. Ngoài ra rừng trồng còn gia tăng các loài giống ngoại lai gây hại cho các loại cây có ích.

Cả nước hiện có 30 vườn quốc gia thì chỉ có sáu vườn là thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, còn lại trực thuộc UBND tỉnh và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Riêng 98 khu rừng đặc dụng khác lại do sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và chi cục kiểm lâm tỉnh quản lý. Thực tế này khiến việc phân cấp quản lý của chính lực lượng bảo vệ rừng - kiểm lâm trở nên rối rắm, chồng chéo.

Lực lượng kiểm lâm làm việc tại sáu vườn quốc gia trực thuộc bộ lại là “quân số” do cục kiểm lâm trực tiếp điều hành, tổ chức. Riêng lực lượng kiểm lâm làm việc tại 24 vườn quốc gia còn lại cũng như các khu rừng đặc dụng khác lại do chi cục kiểm lâm của tỉnh quản lý và chịu sự quản lý trực tiếp của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Mỗi nơi lại có cách làm riêng của mình, khiến rừng đặc dụng cũng mỗi nơi được quản một kiểu.

Một cán bộ tại Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết chính việc phân cấp quản lý lực lượng kiểm lâm rối rắm như hiện nay đã gây ra không ít tiêu cực. Trong việc bảo vệ rừng, khi cần phối hợp, lực lượng kiểm lâm trực thuộc địa phương lại không muốn hợp tác với kiểm lâm của vườn quốc gia - trực thuộc trung ương.

Đã có những kèn cựa và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Lực lượng kiểm lâm của vườn quốc gia chỉ được xử lý, bắt lâm tặc khi còn ở trong vườn, còn nếu để các đối tượng này chạy ra khỏi vườn thì lúc ấy phải có sự phối hợp với lực lượng kiểm lâm tại địa phương mới có quyền bắt họ.

Mặt khác, vì lực lượng kiểm lâm địa phương trực thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh quản lý nên đã nảy sinh tình trạng nể nang, tránh né hoặc thậm chí bao che, không bắt bớ, xử lý khi người của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc những cán bộ thuộc huyện, xã có hành vi vi phạm lâm luật.

Chính vì vậy giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) Nguyễn Đình Xuân cho rằng phải nâng quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng lên, từ ban giám đốc đến lực lượng kiểm lâm. Vì cứ để như hiện nay thì đôi khi ban giám đốc không có đủ “tư cách” nói chuyện với cán bộ cấp huyện, tỉnh, đừng nói chi đến việc đòi hỏi lực lượng kiểm lâm có đủ bản lĩnh để xử lý sai phạm của những cán bộ này cũng như “con cháu, người thân” của họ.

Tất cả, một lần nữa cần được đánh giá rõ ràng để đề án “nhất thể hóa” lực lượng kiểm lâm mà Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng (đang đưa về các địa phương lấy ý kiến) có thể thực thi được trong một thực tế khốc liệt của cuộc chiến chống phá rừng hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận