Có án lệ, thẩm phán không thể xử sao cũng được!

HOÀNG ĐIỆP 09/06/2016 22:06 GMT+7

TTCT - Đó là ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Đại - trưởng khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM - về việc TAND tối cao lựa chọn và ban hành sáu án lệ để các cấp tòa áp dụng trong xét xử kể từ ngày 1-6. Trao đổi với TTCT, PGS.TS Đỗ Văn Đại đánh giá:

PGS.TS Đỗ Văn Đại -PHAN DUYÊN
PGS.TS Đỗ Văn Đại -PHAN DUYÊN

“Việc chính thức sử dụng án lệ trong thực tiễn xét xử là một thành công nhưng cũng là một thách thức. Thành công, vì đây là kết quả từ sự cố gắng nhiều năm nay của những ai mong muốn sử dụng án lệ ở VN. Còn thách thức là vì nó buộc cơ quan xét xử cũng như những người tham gia hoạt động xét xử phải thay đổi thói quen: Trước đây chỉ cần nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật thì ngày nay phải nghiên cứu cả án lệ (tức hướng giải quyết đã có trong một vụ việc tương tự) để xét xử”.

KHÔNG CÒN TÌNH TRẠNG “XỬ SAO CŨNG ĐƯỢC”

* Trong sáu bản án lệ đầu tiên được ban hành và áp dụng, trừ một bản án hình sự, còn lại phần lớn là án dân sự, ông có thể giải thích tại sao án dân sự lại cần án lệ nhiều hơn án hình sự? Liệu có phải do đặc thù “án dân sự xử sao cũng được” nên gây ra nhiều tranh cãi trong việc xét xử lâu nay?

- Việc chỉ có 1/6 án lệ về hình sự và 5/6 án lệ về dân sự không gây ngạc nhiên vì triết lý cho hai lĩnh vực này khác nhau. Cụ thể, đối với hình sự, triết lý là nếu không có văn bản quy định thành tội thì không thể xét xử coi một người là có tội.

Còn đối với lĩnh vực dân sự (theo nghĩa rộng bao gồm cả hôn nhân, gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại, hàng hải, hàng không...), khi văn bản không đầy đủ thì tòa án vẫn phải giải quyết như Bộ luật dân sự 2015 đã quy định:

“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” và “trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại điều 3 của bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.

Lúc đương nhiệm, chánh án Trịnh Hồng Dương đã khẳng định tại Quốc hội rằng: “Ở nước ta, đôi khi án dân sự xử sao cũng được” và việc khẳng định này đã gây ra rất nhiều tranh luận.

Thực tế ở thời điểm đó, câu nói trên của chánh án Trịnh Hồng Dương đúng với thực tế nhưng là thực tế đáng buồn (mất niềm tin vào công lý). Ngày nay, việc ban hành và áp dụng án lệ sẽ hạn chế được thực trạng “án dân sự xử sao cũng được”.

Cụ thể trước đây khi văn bản pháp luật chưa đầy đủ, thực tế là “án dân sự xử sao cũng được” vì chúng ta không có gì để đối chiếu, không có cái gì cụ thể để làm theo. Còn với việc ban hành và áp dụng án lệ khi văn bản pháp luật chưa đầy đủ, chúng ta phải xét xử theo án lệ nên không còn “xử sao cũng được”.

* Trong sáu án lệ có một bản án liên quan đến việc người VN ở nước ngoài và người VN trong nước (là người thân) tranh chấp tài sản, đây là câu chuyện rất đau lòng diễn ra một thời gian khá dài tại VN. Nhiều gia đình bởi vậy mà mất hết anh em, người thân, mang lòng thù hận. Ông bình luận gì về thực trạng này và việc ra đời một bản án lệ (thực tế bây giờ người VN ở nước ngoài được quyền mua nhà ở tại VN rồi), liệu đây có phải chính là điều nhức nhối mà luật VN đã sửa theo hướng để ít xảy ra tranh chấp không?

- Đúng là có án lệ về chủ đề này và chính xác là “Án lệ số 02/2016/AL”. Theo đó, trường hợp người VN định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền mua bất động sản tại VN và nhờ người ở trong nước đứng tên thì phải xem xét công sức cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người nhờ đứng tên và người đứng tên có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc ban đầu.

Án lệ trên được áp dụng cho tranh chấp giữa người nhờ đứng tên và người đứng tên mua bất động sản tại VN. Thực tế, VN đã sửa luật trong thời gian vừa qua nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài (nhất là người VN định cư ở nước ngoài) có thể đứng tên mua bất động sản tại VN. Khi những người này có đủ điều kiện để đứng tên thì họ sẽ không nhờ người trong nước đứng tên nữa và do đó giảm tranh chấp mà án lệ trên điều chỉnh.

Tuy nhiên, luật mới chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài, chứ không phải bỏ điều kiện để họ có thể đứng tên bất động sản ở VN. Do đó vẫn có thể xảy ra trường hợp người nước ngoài nhờ người trong nước đứng tên hộ (do họ không đáp ứng các điều kiện luật định), nên tranh chấp như trên vẫn tồn tại và án lệ trên cần được áp dụng.

* Các bản án lệ khác liên quan đến tài sản vợ chồng, gia đình, tài sản thừa kế... cũng là một câu chuyện hết sức nhạy cảm, đó là tranh chấp tài sản giữa những tình thân. Từng sưu tập nhiều bản án, ông đánh giá sao về thực trạng tranh chấp tài sản giữa những người thân này?

- Thực trạng tranh chấp giữa những tình thân hiện nay rất phổ biến. Trong những án mà tôi sưu tập, tranh chấp giữa những người thân tình rất nhiều.

Thực trạng trên là rất đáng buồn và thành ngữ “vô phúc đáo tụng đình” đã phần nào cho thấy điều này. Thực tế giữa những người xa lạ, việc đưa nhau ra tòa án đã là “vô phúc” rồi nên thân tình tranh chấp với nhau ra tòa thì càng “vô phúc”.

Việc các tranh chấp giữa những người thân tình trở thành phổ biến hiện nay phần nào cho thấy giá trị vật chất đã được đề cao quá so với các giá trị đạo đức, giá trị cốt lõi của gia đình; chủ nghĩa thực dụng đã quá phổ biến.

CẦN BỔ SUNG NHIỀU ÁN LỆ NỮA

Việc ban hành và áp dụng án lệ là rất cần thiết ở VN, vì có rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải có hướng giải quyết nhưng văn bản quy phạm pháp luật lại chưa đầy đủ. Việc ban hành và áp dụng án lệ sẽ giúp khắc phục được khiếm khuyết này của văn bản, tạo ra hướng giải quyết thống nhất trên toàn lãnh thổ VN, tránh được hiện tượng phổ biến hiện nay là vấn đề tương tự nhưng hướng giải quyết không giống nhau giữa các tòa án

PGS.TS Đỗ Văn Đại

* Từ tìm hiểu thực tiễn thông qua các bản án, theo ông, TAND tối cao cần bổ sung án lệ gì nữa để hỗ trợ tốt nhất công tác xét xử? Tại sao chúng ta không “sửa luật” cho hết bất cập mà lại ban hành án lệ để xử lý những bất cập ấy?

- Với kinh nghiệm nghiên cứu tranh chấp tại tòa án cũng như tham gia xét xử với vai trò là trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) từ nhiều năm nay, tôi cho rằng TAND tối cao còn phải bổ sung rất nhiều án lệ nữa mới đáp ứng được nhu cầu xét xử hiện nay. Việc TAND tối cao ban hành năm án lệ về dân sự là quá ít và cần phải tiếp tục bổ sung án lệ.

Việc “sửa luật” là cần thiết và cần được duy trì dù án lệ được thừa nhận. Thực tế Bộ luật dân sự mới được sửa đổi năm 2015 và nhiều hướng giải quyết của tòa án đã được đưa vào trong Bộ luật dân sự 2015, nhưng chính Bộ luật dân sự 2015 đã phải thừa nhận tại điều 6 rằng vẫn có “trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng”. Vì vậy án lệ vẫn luôn cần thiết và cần được ban hành, áp dụng song song với việc “sửa luật”.

* Là người tích cực ủng hộ việc ra đời và áp dụng án lệ, ông có suy nghĩ gì về việc TAND tối cao ban hành sáu bản án lệ đầu tiên?

- Tôi rất hài lòng với việc TAND tối cao ban hành sáu án lệ vì từ khi rời Paris về VN làm việc, một trong những công việc chính của tôi là làm cho mọi người thấy sự cần thiết của án lệ và mong muốn án lệ sớm đi vào đời sống tại VN.

Tuy nhiên, từ khi TAND tối cao có dự thảo cho lần ban hành án lệ đầu tiên này (dự thảo ban đầu có 35 vụ việc nhưng chỉ có sáu được lựa chọn thành án lệ), tôi đã cho rằng nếu TAND tối cao chỉ dừng lại như hiện nay thì không ổn. Bởi lẽ các quyết định được lựa chọn mang tính sự vụ, chưa chứa đựng đường lối giải quyết mang tính khái quát, chưa thật sự có “thần thái” của một án lệ.

Hiện nay, việc ban hành án lệ chủ yếu tập trung vào lựa chọn ra một số quyết định trong các quyết định giám đốc thẩm để trở thành án lệ. Tuy nhiên, chất lượng của các quyết định giám đốc thẩm chưa thật sự tốt để trở thành án lệ và đây là hạn chế quan trọng trong việc phát triển án lệ: nếu xuất phát điểm yếu thì những thứ được lựa chọn chỉ là cái tốt nhất trong những cái yếu.

Như trong một lớp học phải chọn ra sáu em ưu tú nhất, nhưng lớp toàn em yếu thì sáu em được lựa chọn chỉ là "ưu tú" của cái yếu, việc lựa chọn án lệ hiện tại cũng vậy. Vì thế, chúng ta không nên coi cách như hiện nay là chuẩn mực cần làm theo trong tương lai mà ngược lại, chỉ nên coi đây là giải pháp mang tính tình thế, một quy trình mang tính “quá độ”.

Trong tương lai, việc lựa chọn quyết định (hay bản án) để trở thành án lệ chỉ là công đoạn nhỏ chứ không nên được coi là công đoạn chính, công đoạn quan trọng của việc tạo dựng và phát triển án lệ. Thay vào việc tập trung công sức lựa chọn những cái ưu tú nhất trong những cái yếu, chúng ta cần xây dựng ra những cái tốt để từ đó lựa chọn những cái ưu tú trong cái tốt. Vì thế, TAND tối cao cần tập trung vào xây dựng những quyết định mang tính chuẩn mực cao, có “thần thái” của một án lệ và việc lựa chọn sau này chỉ là khâu nhỏ, khâu cuối cùng.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận