Click chuột và lỗ hổng không ở trên mạng

LÊ NGUYÊN MINH 23/08/2010 13:08 GMT+7

TTCT - Quy trình mới về đăng ký kinh doanh qua cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia được tán thưởng, bởi thay vì trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước thực hiện những thủ tục rườm rà thì doanh nghiệp chỉ cần vài thao tác trên mạng Internet.

Nhưng dù đã có hiệu lực từ hơn hai tháng qua, quy trình này vẫn còn những lỗ hổng khiến việc click chuột rất có thể sẽ gây nên những hệ lụy trong đời thực.

Phóng to
Nhà hàng Việt Pháp tại 23 Trần Ngọc Diện, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM (ảnh chụp sáng 20-7) - Ảnh: H.T.Vân

Đâu là “Lỗ hổng pháp lý”?

Câu chuyện nhà ở của người dân bỗng dưng biến thành địa chỉ trụ sở công ty (bài “Hô biến nhà dân thành công ty” trên Tuổi Trẻ số ra ngày 27-7) và những thắc mắc chính đáng của gia chủ về trách nhiệm “tiền kiểm, hậu kiểm” của cơ quan quản lý là một ví dụ điển hình của chuyện những quy trình hiện đại “tưởng đủ mà thiếu”.

Theo Luật doanh nghiệp (DN), chỉ trừ một số trường hợp, còn trong hầu hết các lĩnh vực, khi đi đăng ký thành lập DN, trong hồ sơ đăng ký không buộc phải nộp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp hoặc quyền sử dụng hợp pháp của DN đối với trụ sở. DN phải tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực. Vi phạm sẽ bị xử lý theo luật.

Đây là sự thay đổi mang tính đột phá của Luật DN, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” rất được giới DN ủng hộ. Bước chuyển này nhằm cắt đứt sự nhũng nhiễu, hạch sách từ phía cơ quan quản lý, trao cho DN quyền tự chủ, tôn trọng quyền đăng ký nhưng cũng đồng thời ràng buộc trách nhiệm pháp lý vào tay người đứng đầu DN. Không trung thực sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Vì thế việc đăng ký đòi hỏi tính chính xác, trung thực rất cao.

Khi DN không coi trọng những tiêu chí “chính xác, trung thực” này, luật - dù đã hạn chế đáng kể phần nhũng nhiễu (có thể có) từ cơ quan thực thi pháp luật - vẫn trao đủ quyền và trách nhiệm cho các cơ quan này phải kiểm tra và kiểm tra lại sự chính xác và trung thực của người kê khai. Mà việc kiểm tra ở thời buổi công nghệ này đâu mất nhiều công sức, chỉ cần vài cái gõ bàn phím là hồ sơ lưu của DN sẽ hiện ra đầy đủ.

Dân gian lại có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nếu có những sự việc DN gian dối xảy ra đã hàng tháng trời, DN lại hoạt động ngay cạnh trụ sở cơ quan công quyền địa phương mà người dân vẫn phải đi lên đi xuống khổ sở để minh định chuyện mình thì trách nhiệm hậu kiểm, phối hợp giữa các cơ quan quản lý rõ ràng đã có “vấn đề”.

Chưa kể, nếu những vi phạm quy định về đăng ký trụ sở chỉ bị buộc đăng ký lại và phạt vài triệu đồng thì khi số DN mới tăng lên nhanh gấp nhiều lần hiện nay nhờ quy trình đăng ký qua mạng, ai đảm bảo sẽ không còn những người dân - nạn nhân có nhà riêng bị DN lấy làm địa chỉ đăng ký kinh doanh theo... ý thích?

Và ai sẽ chịu trách nhiệm nếu việc đó cứ xảy ra dài dài?

Hình thức là vậy, còn xét về nội dung thì hành vi liên tục khai báo trên địa chỉ không thuộc sở hữu của mình, không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, không được chủ sở hữu hợp pháp của địa chỉ đó chấp thuận phải được coi là một hành vi cố tình giả mạo.

Doanh nghiệp mất tích, dân lo

Số DN được thành lập theo Luật DN trên cả nước đã vượt con số 500.000. Nhưng một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho biết có đến 40% DN “mất tích”. Vấn nạn mua bán hóa đơn cũng vẫn tràn lan, khó truy tìm DN “mất tích” đang là nỗi đau đầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Khi hệ thống cổng thông tin đăng ký DN quốc gia đi vào hoạt động hoàn chỉnh, mọi người dân đều có thể truy tìm được một số thông tin cơ bản của một DN như tên, địa chỉ, lĩnh vực hoạt động. Theo Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT), quy trình đăng ký kinh doanh qua cổng thông tin đăng ký DN quốc gia đã tới được 45 tỉnh, thành phố...

Song địa phương có lượng DN đông như TP.HCM vẫn chưa “hòa mạng” được vào cổng quốc gia này vì còn đang triển khai nhiều bước để khớp dữ liệu. Một số tỉnh khác thì hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Cục cho hay ít nhất phải chờ đến đầu năm sau, cơ sở dữ liệu về DN trên toàn quốc mới hoàn tất.

Với quy trình này, không chỉ được ngồi nhà khai báo qua mạng, DN nào có chữ ký điện tử còn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh qua mạng luôn. Tiêu cực sẽ giảm đi khi những “va chạm” giữa “người có quyền cấp phép” và người thụ hưởng không còn. “Cơ quan quản lý sẽ dễ xử lý hơn và xã hội sẽ trực tiếp giám sát tình trạng hoạt động của DN thông qua cổng thông tin DN này.

Trường hợp nhà dân bị chiếm dụng tôi nghĩ sẽ không còn vì chỉ cần nghi ngờ, có thể tìm kiếm được thông tin DN qua địa chỉ này rồi báo cho cơ quan quản lý nhà nước...”, một cán bộ Cục Phát triển DN khẳng định.

Khi quan sát hoạt động của cơ chế mới này, một chuyên gia cho rằng sự thuận lợi xem ra chỉ mới đến được với cơ quan quản lý và DN.

Quy trình mới có thể là “đường thông hè thoáng” đối với họ song những “lỗ hổng” không tồn tại ở trên mạng như việc đăng ký trụ sở công ty tùy thích trên địa chỉ nhà dân cũng cần được nghiêm túc xem xét và điều chỉnh kịp thời để người dân không còn những nỗi lo kiểu “DN thua lỗ hay lừa đảo, người ta lại tìm đến nhà tôi để truy”.

Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 cho phép năm thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) được thí điểm chuyển cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh sang hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu.

Nghị định có một số điểm mới như: doanh nghiệp đăng ký trùng tên với doanh nghiệp trước đó sẽ không phải đổi tên; mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số duy nhất để vừa là mã số doanh nghiệp vừa là mã số thuế.

Cùng với hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp dùng chung, cơ sở dữ liệu của các cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, thống kê, công an cũng được kết nối, giúp cho việc đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận