Chuyến xe ngựa về Bảy Núi

TTCT - Đường vô Xà Tón hãy còn xa. Vậy mà lúc nãy xe đổ khách vào chợ Nhà Bàn, bà Cà Thu cũng lật đật tay xách tay gói, ngập ngừng bước xuống.

Phóng to

Sau cái nhìn nghèn nghẹn nước, bà vội vã lắc đầu nguầy nguậy khi cả bầy xe Honda ôm bu lấy, hỏi bà về Xà Tón phải không, cả người cả hành lý chỉ lấy giá bèo năm chục ngàn đồng thôi, đi mở hàng giùm, từ sáng giờ ế quá.

Chừng như không quan tâm đến những lời năn nỉ mời mọc của cánh xe ôm, bà Cà Thu lẳng lặng len ra khỏi đám đông. Rồi như bị dãy núi xanh biếc đằng trước thôi miên, bà rảo bước chân rưng rưng đi ra con đường ngoằn ngoèo đang len lỏi lên dốc rồi đổ dốc hướng về phía núi. Và cắm cúi bước…

Được chừng năm ba chục mét, bỗng bà Cà Thu đứng sững lại rồi ngồi thụp xuống bên vệ đường. Cỏ núi mùa này nắng nhuộm đều nhìn rợp vàng giống như lúa chín. Giá mà không có cánh đồng xanh lá mạ của một mùa vụ mới gieo sau khi nước lũ rút, có khi bà cũng tưởng vạt cỏ vàng này là chỏm lúa chín nào đó mà người ta gặt sót hào phóng đãi bầy vịt chạy đồng.

Những cơn gió bấc cuối mùa hong khô phù sa thổi qua ký ức của bà Cà Thu góp nhặt chuyện đời hai mươi năm trước.

Đúng rồi, thoắt cái bà Cà Thu đã rời quê ra đi tròn hai mươi năm.

Hai mươi năm trước, bà theo chồng đi Mỹ sau cái đám cưới chóng vánh từ một cuộc mai mối chớp nhoáng với một người đàn ông Việt kiều gốc Khmer. Ngày cưới, vô thiên nỗi buồn của bà gom lại rồi tan chảy thành không biết bao nhiêu là nước mắt. Nỗi buồn rời quê cất bước lấy chồng xa sợ lúc chim kêu vượn hú. Nỗi buồn cho mối tình đầu con gái bị chặt đứt đau đớn.

Hai mươi năm nhanh như cái chớp mắt, nhưng với bà nó dài thăm thẳm như con đường này mà mỗi khi nhắm mắt chìm vào giấc ngủ nơi xứ người, con đường quen thuộc ấy cứ hun hút xa như không có điểm dừng. Hình như trong giấc mơ đó, bà thấy mình ngồi trên một chiếc xe ngựa, phía trước là tấm lưng đẫm mồ hôi của một người xà ích rất quen.

Anh vừa thi thoảng quất bành bạch chiếc roi vừa ngoái đầu ra phía sau trao cho bà một ánh nhìn bừng sáng từ đôi mắt đen và rất to. Và đôi mắt biết cười ấy tràn ngập những yêu thương đắm đuối dành cho người thiếu nữ Khmer có vẻ đẹp trong vắt như nước suối Cô Tô, đang ngồi e ấp sau lưng mình.

Họ đi về trên những con đường xuôi ngược Bảy Núi, có khi từ chợ Nhà Bàn về, không thẳng phía Xà Tón mà rẽ vào một con đường mòn khác. Ở đó có hàng cây thốt nốt mùa nắng xanh lao rao mà chàng trai xăm xắn leo lên hái xuống chùm quả mọng, bổ ra bên trong là ngụm nước ngọt lịm như tình đầu.

Ở đó có những ngôi chùa Miên, rợp bóng mát mà hình như chim ở khắp vùng Bảy Núi tụ về đây ca hót chíu chít cho cả hai người nằm ngả mình trên cỏ ngước mắt lên vòm cây thưởng thức… Lúc đó, chàng trai thì thầm hát những điệu dân ca Khmer tình tứ, nồng nàn. Còn cô gái thì say giọng hát của người yêu như say rượu. Những câu chuyện ngọt ngào quên cả mặt trời về núi…

Những chuyến xe ngựa xuôi ngược thành những chuyến xe tình. Tiếng vó ngựa dịu dàng, tiếng lạc khua miên man, tiếng thủ thỉ thầm thì êm ái…

Tự dưng bà Cà Thu thèm được ngồi lại trên một chiếc xe ngựa. Chiếc nào cũng được. Miễn là nó đưa bà về Bảy Núi…

Không đợi lâu, từ xa một người xà ích tuổi còn thiếu niên, da đen nhẻm nhìn biết ngay là người Khmer vùng Xà Tón, đánh xe ngựa thong dong tới. Chỉ sau một cái vẫy tay, bà Cà Thu đã yên vị trên miếng ván bắt làm ghế trên cái thùng xe mà con ngựa ô lộc cộc kéo phía sau. Ở góc nhìn quen thuộc này, bà không nhìn ra phía trước ngọn con đường hướng về Xà Tón mà bắc nhìn ngang hai bên đường.

Đó là nơi những cánh đồng trải ra tận chân núi. Những ngọn núi nối tiếp nhau, hết núi Ông Két, rồi núi Cấm, tới núi Dài. Nắng chiều cứ thế chạy trốn lấp ló sau hàng cây thốt nốt. Những hàng thốt nốt với đám lá xòe những chiếc quạt tròn, ve vẩy rồi ùa đi ngược chiều lại với chiếc xe ngựa đang lon ton lăn bánh theo nhịp gõ đều của guốc ngựa bằng sắt khua xuống mặt nhựa đường.

Tiếng vó ngựa lộp cộp gõ nhịp theo tiếng leng keng khua đều và vang từ những chiếc lục lạc mạ đồng đeo quanh cổ con ngựa ô. Dáng con ngựa thon cao, dài đòn đang phấp phới tung chiếc bờm lãng tử của mình ra hai bên theo nhịp nhấp nhô phi nước kiệu của nó.

Cái âm thanh này nghe quen thuộc vô cùng. Hình như khi xa quê, xa làng, vượt đại dương đến một nơi rất xa, xa hút chân trời, bà Cà Thu nhớ nhà vô hạn. Những nỗi nhớ cứ quặn cục, đọng sâu trong lòng, rồi cứ thế mà nhoi nhói lên tim. Bà nhớ lắm nhưng không rõ mình nhớ nhất cái gì.

Chỉ đến khi ngồi ngơ ngẩn trên thùng xe ngựa như bây giờ, tâm hồn té vô vũng ký ức đang loang ra trong lòng thì bà mới chực nhận ra rằng cái mình nhớ nhất chính là âm thanh quen thuộc này, phát ra từ chiếc xe ngựa giống như thế này. Tiếng vó ngựa lộp cộp, tiếng lục lạc leng keng, tiếng quất roi bành bạch. Lạ một điều là dường như âm thanh ấy cũng có mùi.

Cái mùi nhớ. Đó là mùi của cỏ cây ven đường, mùi của mây trời ùa xuống cả cơ thể được khai phóng của mình, không có một chút bó buộc như ngồi trên một băng ghế xe đò, hay trong khoang máy bay ngột ngạt. Ngồi trên thùng xe ngựa mà như hôn được gió, ngửi được mây.

Rồi còn mùi của núi nữa. Vây bủa cả không gian, những bảy trái núi quê hương tha hồ rụng vào tâm tưởng. Và phảng phất đậm đà là mùi mồ hôi đẫm lưng áo của chàng xà ích trẻ làm run rẩy trái tim cô thiếu nữ ngày nào…

Khi ông thân sinh của bà Cà Thu phát hiện ra cô con gái rượu thích đi xe ngựa của chàng xà ích nghèo thì ông cấm tiệt. Ông biểu, nó chỉ là một thằng mần thuê. Đời nó chỉ sáng sớm giật dây cương chở người, chở hàng rong ruổi kiếm vài nghìn đồng tráng miệng; tối về cắm cúi vào máng cho ngựa ăn. Rảnh ra thì ngồi đóng móng cho ngựa, tắm ngựa, rồi ăn ngủ cùng ngựa. Nó thương ngựa còn hơn thương vợ, đến mức đứng cách nó chừng mười thước đã nghe mùi ngựa nặc nồng...

Ông quyết liệt và trấn áp đến mức Cà Thu không có lý lẽ và cơ hội nào để lên tiếng bảo vệ tình yêu của mình. Cô không được phép ra chợ mỗi sáng khi tiếng vó ngựa nôn nao chờ trước ngõ. Cô cũng không có quyền ngong ngóng chiếc xe ngựa trở về sau phiên chợ mỗi chiều, mà cô biết chắc khi đó, đôi mắt đen và to của người con trai ấy đang mỏi mòn tìm kiếm.

Cái tình mới chớm còn mỏng như cánh chuồn chuồn, gió núi trận nào trận nấy thông thốc sao mà chịu đặng. Rồi thì tiếng vó ngựa ấy chỉ còn văng vẳng. Và cứ thế mà lùi xa…

Chỉ một thời gian ngắn sau đó thôi, không chịu nổi sự giận dữ của cha, những giọt nước mắt nài nỉ của mẹ, cô thiếu nữ chôn mối tình đầu vào với núi, bỏ lại chiếc xe ngựa trang trí hoa văn sặc sỡ chờ ngày đưa nàng về dinh; rồi cắn răng, gạt nước mắt, lên xe hoa theo chồng. Và cô muốn đi thật xa để không còn nghe tiếng vó ngựa quen thuộc ngày nào.

- Xin lỗi, cậu làm nghề đánh xe ngựa này lâu chưa vậy?

- Dạ cũng chỉ mới đây thôi.

- ...

- Hồi trước ba con cầm cương, con chỉ đi theo phụ việc vì bận học. Nhưng gần đây ông bị bệnh nên con đánh xe ngựa một mình. Vả lại năm nay con cũng vừa tốt nghiệp tú tài, chưa có việc gì làm.

- Cậu có thích công việc này không?

- Đánh xe ngựa chở khách, chở hàng mưu sinh có gì vui mà thích hả ỷ (*)? Nhưng ba con thì có.

- Cậu kể chuyện ba của cậu đi!

- Ba con nói cái nghề này cũng bạc. Con gái hay chê con trai xà ích cực lại nghèo. Ba nói hồi đó có một người con gái thương ba, nhưng hai người không đến được với nhau cũng tại cái nghề nghèo khó nhọc nhằn phơi nắng phơi mưa này.

- Cậu nói sao?

- Ba nói khi cổ bỏ đi lấy chồng rồi sang Mỹ, ba chỉ biết than thở cùng con ngựa ô sớm chiều rong ruổi trên quãng đường dài kiếm sống gập ghềnh…

- Vậy… chẳng lẽ…

- Nhiều khi con cũng muốn sẵn tiện đánh xe ngựa chở khách thuê, biết đâu có ngày con gặp lại cô đó, chắc giờ cũng trọng trọng tuổi cỡ ba con, nhưng khác là giàu có sang trọng hơn nhiều. Con sẽ nói không có nghề nào xấu, mà chỉ có người xấu phải không ỷ? Con sẽ...

Bà Cà Thu lại cảm thấy cái nhìn của mình nghèn nghẹn nước, cảm thấy như chiếc xe ngựa mình đang ngồi dưng không trở nên rưng rưng. Và chiếc xe ấy không đi về phía con đường Bảy Núi nữa mà đang từ từ tiến sâu vào vùng quá khứ tưởng đã mờ mịt hai mươi năm trước. Chẳng lẽ...

Mà thiệt tình là bà muốn nói với cậu trai trẻ xà ích kia rằng đúng là không có nghề xấu, chỉ có người xấu mà thôi, mà có khi cũng không phải do người muốn xấu, chỉ là do cái duyên phận không tới được, làm cho họ trót thành kẻ xấu trong mắt người khác mà thôi...

Bởi đôi khi chuyện nghĩa nhơn, chuyện tình duyên nó “mỏng dính như cánh chuồn chuồn, khi vui nó đậu, khi buồn nó bay”, cậu à.

Đời là vậy thôi. Nên khi có gặp được cô đó, nhờ cậu nói đỡ giùm vài lời để cho cổ yên lòng mà trở lại với cuộc sống thường ngày của cổ. Để rủi đâu… thì tội nghiệp người ta…

(*) ỷ: Người Khmer Tri Tôn gọi theo xưng hô tiếng “ý” của người Hoa, có nghĩa là “dì”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận