Chuyện trò trong tôn trọng

PHẠM THỊ LY 01/02/2016 20:02 GMT+7

TTCT - Giáo dục có lẽ là một trong vài lĩnh vực mà cả xã hội “sôi sùng sục” thảo luận trong năm qua: tuyển sinh, môn sử, phong giáo sư, đại học tư đào tạo y khoa… Trên truyền thông, trên mọi không gian xã hội, rất nhiều người thuộc nhiều giới, nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, nhiều trình độ khác nhau lên tiếng. Ta thấy gì qua những hiện tượng ấy?

electropages.com
electropages.com

Một bản kiến nghị Đối thoại giáo dục, kết quả hai năm làm việc của VED - một nhóm trí thức tâm huyết do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì - đưa ra đầu năm 2015, được Bộ GD-ĐT cho biết họ “trân trọng đón nhận và hứa tiếp thu”.

Nhưng ngoài phát biểu hoan hỉ đón nhận ấy, không ai biết ý kiến phản hồi chính thức và cụ thể nào của bộ về nội dung được nêu ra trong bản kiến nghị này, đương nhiên không ai biết liệu có thay đổi, điều chỉnh nào sau đó trên cơ sở các kiến nghị ấy. Tương tự, một bản kiến nghị khác của TS Lương Hoài Nam về vấn đề cải cách giáo dục công bố tháng 8-2015 cũng rơi vào im lặng, không hồi đáp.

Tình trạng độc thoại tại nhiều hội nghị, hội thảo của ngành giáo dục vẫn diễn ra phổ biến. Tại hội thảo về phân tầng xếp hạng do Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam tổ chức với đại diện hơn 200 trường ĐH-CĐ cả nước, các báo cáo của nhiều diễn giả, như mọi khi, không nhận được bất kỳ ý kiến phản hồi, bình luận hay nêu câu hỏi nào, nói chi tới thảo luận.

Một hội nghị trực tuyến do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức về thông tư 30 (bỏ chấm điểm bậc tiểu học), có hơn 700 hiệu trưởng các trường tiểu học toàn thành phố tham gia, cũng không có bất cứ ý kiến nào dù là ủng hộ hay phản đối.

Một trong những nguyên do của sự im lặng, éo le thay, nằm ở việc ngay cả người trong cuộc cũng không nắm rõ vấn đề; nhiều ý kiến, kể cả của giới chuyên môn, không dựa trên cơ sở hay chứng cứ đáng tin cậy nào. Trong trường hợp tích hợp môn sử, những nhầm lẫn nóng vội trong các phát biểu về “xóa bỏ môn sử” là một ví dụ.

Thậm chí, một vị giáo sư còn tuyên bố: “Chúng tôi không nghe Bộ GD-ĐT nói nữa!”, tức là tự mình cắt đứt đối thoại. Những ví dụ ấy cho thấy còn quá nhiều việc phải làm trong việc xây dựng văn hóa đối thoại, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến việc xây dựng chính sách.

Con đường phía trước

Trong thói quen im lặng của cơ quan công quyền, trong kiểu truyền đạt một chiều vẫn phổ biến, kiểu cách “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” không ít, chưa thể nói chất lượng đối thoại đã cao. Nhưng nó đã làm cho giới quản lý phải thận trọng và cân nhắc nhiều hơn. Và ta thấy đã manh nha một khoảng không gian ngày càng rộng hơn để mọi người nói lên ý kiến của mình, xã hội cũng đang quen dần với sự đa dạng, đa chiều của các quan điểm.

Ngay cả khi chúng ta có được các cuộc đối thoại dân chủ thật sự, có thể nó cũng không mang ngay lại một giải pháp cụ thể, nhưng vẫn sẽ có một điểm quan trọng đạt được: đối thoại sẽ truyền đạt được thông tin, mang lại cái đa dạng khác biệt, mài sắc khả năng tư duy và tranh biện của các bên tham gia và trong trường hợp may mắn là đánh thức tư duy và làm thay đổi nhận thức.

Con đường nâng cao chất lượng đối thoại chính sách giữa Chính phủ và người dân không chỉ cần mở rộng không gian bày tỏ ý kiến, mà còn nhắc nhở ý thức trách nhiệm của tất cả các bên trong khi phát biểu.

Văn hóa tranh luận từ đó mới có cơ may cải thiện. Chính phủ cần làm quen với việc xây dựng chính sách dựa trên chứng cứ nghiên cứu và nâng cao chất lượng truyền thông để tạo sự đồng thuận vốn rất cần thiết cho một xã hội hài hòa.

Mặc dù sẽ khó có quyết định nào làm vừa ý tất cả mọi người, khác biệt quan điểm là điều sẽ vĩnh viễn tồn tại, nhưng quan điểm của Chính phủ trong mọi vấn đề cần được trình bày một cách tường minh trước công luận.

Không gian đối thoại văn minh

Nền tảng của văn hóa tranh luận là tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng phẩm chất duy lý của các quan điểm và tránh các lập luận ngụy biện. Chúng ta thấy, nhất là trên mạng xã hội, rất ít tranh luận có chất lượng, nơi mà mỗi bên đều trình bày ý kiến của mình một cách có cơ sở, có chứng cứ, nếu như không kết thúc bằng sự đồng thuận thì cũng không kết thúc bằng tấn công cá nhân và đổ vỡ mối quan hệ giữa các bên.

Trong những cuộc đối thoại xây dựng và tích cực như vậy, tất cả các bên đều được hưởng lợi: chất lượng xây dựng chính sách được nâng cao, lòng tin được nhen nhóm và bảo vệ, giảm bớt những căng thẳng, hồ nghi.

Thay cho áp đặt những chính sách thiếu căn cứ, Chính phủ cần học cách thuyết phục bằng cơ sở nghiên cứu khoa học và lý lẽ. Thay cho a dua, vào hùa, “ném đá” tập thể, chỉ trích một cách cảm tính, từng người dân cần học cách chọn lọc thông tin, cân nhắc những quan điểm khác nhau và thể hiện ý kiến của mình một cách có trách nhiệm.

Đó là một quá trình tự học hỏi, trước hết là để không có chân lý vĩnh cửu qua mọi thời đại và trong mọi bối cảnh.

“Càng có giáo dục, người ta càng trở nên khoan dung hơn” - như Francisco Marmolejo, chuyên gia cao cấp về giáo dục của Liên Hiệp Quốc, từng nói. Bởi ta biết rằng điều hôm nay mình cho là đúng thì ngày mai, với thông tin mới, diễn biến mới, ta lại thấy nó không còn đúng nữa.

Và quan trọng hơn cả là sự thật rằng không có con đường duy nhất nào dẫn ta tới việc đạt được mục tiêu chung. Mỗi cá nhân, từ chỗ đứng và khả năng của mình, đều có thể đóng góp cho lợi ích chung của xã hội, không phải những ai không cùng đi con đường của ta thì đều là sai, là xấu, là phá hoại. Những tiếng nói, dù rình rang hay âm thầm, mà có ích cho xã hội, đều đáng được trân trọng.

Sẽ là ảo tưởng nếu cứ đòi hỏi một hình mẫu đối thoại dân chủ kiểu phương Tây trong một thực thể văn hóa - xã hội Việt Nam nhiều khác biệt, bởi chất lượng đối thoại không phải chỉ là vấn đề của thể chế mà còn là vấn đề của văn hóa và nhất là của giáo dục, dù Nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng.

Chấp nhận đối thoại là chấp nhận một không gian mở miệng có đủ cả đúng - sai, hay - dở, tốt - xấu. Chỉ khi bình tĩnh đi qua giai đoạn “tiến hóa” ấy, cái đúng, cái tốt mới bật lên.

Ta đang có rất nhiều lợi thế từ tiến bộ của công nghệ truyền thông để giúp một tiếng nói cũng có thể có cả triệu người nghe, Chính phủ cũng đang từng bước học cách thích ứng với bối cảnh ấy. Tuy thế, từ chỗ được mở miệng tới chỗ có được một không gian đối thoại văn minh và mang lại lợi ích cho tất cả các bên là một khoảng cách lớn mà chỉ có giáo dục mới có thể lấp đầy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận