Chuyện ở nhà dưỡng lão

LAN ANH - XUÂN MAI - XUÂN LONG 15/07/2019 22:07 GMT+7

TTCT - Không ít gia đình trẻ đang có câu đùa cửa miệng: “Đối xử tốt với con nếu không sau này chúng đưa vào trại dưỡng lão”. “Nhà/trại dưỡng lão” trong mắt nhiều người Việt có vẻ như là một chốn không thân thiện, chủ yếu dành cho những người cô đơn, không nơi nương tựa hay nghèo khó. Nhưng định kiến đó đang dần được thay đổi.

Nguồn: Viện chính sách công và quản lý - Đồ họa: L.T.

Bên cạnh các cơ sở chăm sóc người cao tuổi thuộc diện bảo trợ xã hội, sự hình thành các trung tâm dưỡng lão dịch vụ đã và đang là một xu thế tất yếu khi đời sống người dân ngày càng nâng cao và những định kiến mờ dần. Nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm giúp người cao tuổi sống vui - sống khỏe - sống thọ đang là mục tiêu chính của các trung tâm dưỡng lão.

Những chuyện cảm động

Ông Nguyễn Văn Thuần - quản lý Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Orihome (Hà Nội) - cho biết khoảng 3 năm trước trung tâm đón nhận một cụ bà 89 tuổi đã bị tai biến sau khi điều trị tại bệnh viện. “Cụ V.T.A., ở phố Lò Đúc, Hà Nội. Khi vào trung tâm cụ bị liệt, không nói được, hai con cụ nhờ trung tâm chăm sóc phục hồi tiếp” - ông Thuần kể.

Từ ngày cụ vào, câu chuyện hiếu nghĩa với đấng sinh thành của hai người con cụ được nhiều người nhắc đến. Cụ V.T.A. có hai người con, một trai, một gái. Hơn 3 năm qua, dù đã đóng một khoản kinh phí nhờ trung tâm chăm sóc mẹ, nhà cách trung tâm gần 20km, nhưng đều đặn sáng - chiều hai người con thay phiên nhau ghé vào trung tâm thăm mẹ.

“Khi vào đây, cụ đã không nói được nữa, nhưng chức năng nghe vẫn còn, giúp cụ giao tiếp được. Hai con cụ cùng các điều dưỡng của trung tâm làm tất cả mọi việc, lúc xoa bóp, lúc cho cụ ăn...” - ông Thuần kể.

Năm nay cụ V.T.A. đã 92 tuổi. “Con gái cụ là một giáo viên. Những ngày hè cô ấy được nghỉ nên chiều nào cô cũng đến trung tâm, chăm mẹ cả tiếng rồi mới về. Người con trai thì sáng nào trước khi đi làm cũng ghé trung tâm thăm mẹ. Hình như hai con cụ có bàn nhau về thời gian vào thăm để cả sáng cả chiều cụ đều cảm nhận có con ở bên” - ông Thuần kể.

Ở một trung tâm dưỡng lão khác cuối đường Lê Văn Lương (Hà Nội), có một phòng trong trung tâm được thuê riêng cho hai vợ chồng già. Cả hai cụ chưa đến nỗi “bán thân bất toại”, nhưng đi lại đã chậm và đều trên 80 tuổi. Trên tường căn phòng của họ ở trung tâm này là bức ảnh gia đình 5 người, chụp khi người con gái út của hai cụ tròn 1 tuổi (năm 1965).

Khi hỏi ngày nào cụ bà vui nhất trong tuần, cụ nói đó là thứ năm - ngày mà người con gái vào thăm và chủ nhật - ngày người con trai vào thăm. Các cháu của hai cụ đến thăm không cố định ngày. Khi chúng tôi đến, cụ ông đang đi miền Nam chơi, chỉ còn cụ bà “ở nhà”.

Kế bên là phòng của 6 cụ bà, người nào cũng bị liệt nửa người, thậm chí nặng hơn. Ở đây, chúng tôi gặp một nữ giáo sư chuyên ngành thổ nhưỡng 77 tuổi. Vợ chồng bà không có con, chồng bà cũng đang nằm bệnh viện, hai người em ruột đã gửi chị mình vào trung tâm này.

Giới thiệu cho chúng tôi một lẵng hoa rất đẹp, vị nữ giáo sư cho hay đó là hoa của học trò mới tới thăm, tặng. “Cô thích ở nhà vì có học trò đến thăm suốt, vui lắm, nhưng khó khăn ở chỗ thuê người chăm nom, đã có lần người ta không gội đầu cho cô cả tháng trời. Khi mới vào trung tâm cô cũng buồn lắm, nhưng học trò biết lại ghé đến thăm, an ủi. Lúc khỏe, cô lại dịch sách...” - nữ giáo sư tâm sự.

Ông Bùi Anh Trung - giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) - cho hay ngoài những trường hợp may mắn vì các cụ còn sức khỏe, được người thân quan tâm và đến thăm vào những ngày cuối tuần hay rảnh rỗi, tại viện cũng còn nhiều số phận éo le, dường như bị con cháu quên lãng sau 1-2 tháng gửi gắm.

“Chúng tôi luôn cố gắng giúp các cụ cảm thấy nơi đây như là nhà của mình, không có cảm giác bị thiếu vắng tình cảm gia đình” - ông Trung chia sẻ.

Điển hình như ông Ng.V.C. (64 tuổi, Q.5) được con cháu đưa đến viện dưỡng lão từ năm 2014. Đến nay, các con cháu chưa lần nào đến thăm ông dù viện dưỡng lão đã tích cực liên hệ. Tôi ra hành lang khu A để trò chuyện cùng ông C.. Ông ngồi trên xe lăn, bưng chén cơm chậm rãi múc từng muỗng. Khi tôi hỏi thăm sức khỏe và gia đình, ông hấp háy đôi mắt trũng sâu, nước mắt lăn dài trên gò má, im lặng.

Viện dưỡng lão Bình Mỹ (Củ Chi, TP.HCM) tổ chức cho các cụ đi siêu thị vào cuối tuần. Ảnh: Viện dưỡng lão Bình Mỹ cung cấp

“Điểm hẹn của người già”

Người cao tuổi đến với các trung tâm dưỡng lão vì nhiều lý do, có người không muốn con mình vất vả, có người nói ở trung tâm vui hơn vì có người bầu bạn, cũng có người sau khi bị đột quỵ, liệt nửa người... được con cái đưa vào trung tâm để được chăm sóc phục hồi tiếp.

Với những người cao tuổi vẫn còn khả năng tự chăm sóc bản thân, chưa cần đến các hỗ trợ phục vụ sinh hoạt, mức phí khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Với những người cao tuổi bị liệt, không còn khả năng tự ăn, tự vệ sinh răng miệng hay tắm, phải có điều dưỡng hỗ trợ hoàn toàn, mức phí từ 8,5 - 9,5 triệu đồng/người/tháng. Người thuê phòng riêng chi phí có thể lên đến 13 - 15 triệu đồng/tháng. Đây không phải là mức phí “dễ chịu” với rất nhiều người già ở Việt Nam.

Bà Phạm Thị Lý (75 tuổi) chia sẻ năm bà 70 tuổi thì chồng bà qua đời, sau đó bà cũng bị một số bệnh tuổi già. “Tôi có hai người con, khi tôi còn ở nhà thì con cái đi làm vẫn bận tâm lo lắng cho mẹ. Chúng nó lo từ chuyện ăn sáng, ăn trưa, đến trưa tranh thủ nghỉ làm thì lại chạy về lo cho mẹ..., tôi thấy con vất vả.

Rồi tôi suy nghĩ: sau khi chữa bệnh xong, tại sao mình không đến trung tâm chăm sóc người già để được chăm sóc. Vậy là tôi quyết định đến trung tâm. Ở đây tôi rất vui, có bạn bè, được chăm sóc, được vui chơi, cuối tuần các con đều ghé thăm. Bây giờ tôi còn thân với một bà như chị gái” - bà Lý kể.

Không chỉ có hình thức dưỡng lão toàn thời gian, hiện có các trung tâm dưỡng lão ban ngày, các cụ được người thân đưa đến vào buổi sáng, đón về vào cuối ngày hoặc đón về vào các ngày nghỉ cuối tuần. Chị Phương (ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đang gửi mẹ chồng tới trung tâm dưỡng lão theo hình thức này. Chị cho biết bố chồng chị mất đã lâu, mẹ chồng có hai người con trai, một người con gái nhưng người nào cũng rất bận rộn, bà ở nhà khóa cửa suốt ngày và rất buồn.

“Nửa năm nay mẹ tôi lên trung tâm dưỡng lão ban ngày, cứ sáng đưa mẹ đi, tối đón về, có hôm mẹ ở 3-4 ngày mới về nhà. Ở đó bà có bạn bè, tham gia sinh hoạt tập thể nên thấy rất vui, bà khỏe hơn trước đây” - chị Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Thuần, ngoài chăm sóc về sức khỏe cho các cụ, trung tâm còn nhiều hoạt động chăm sóc tinh thần như tổ chức ngày sinh nhật, ngày thành lập của từng ngành các cụ đã từng công tác, hằng tuần có chương trình tập yoga cười...

Ông Giang Thanh Long - viện trưởng Viện chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) - nói rằng rào cản lớn nhất đối với việc người già vào trại dưỡng lão là quan niệm cũ về chữ hiếu. “Có chuyện sáng người con trai đưa cụ đến, chiều người con gái đón về bởi họ e ngại hàng xóm và người thân xì xào, cho rằng họ bất hiếu. Nhưng ở nhà thì con cái bận việc, người già cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”. ■

Nâng cao dịch vụ dưỡng lão

Tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ, từ dãy bàn ghế đá được xếp đặt dưới tán cây xanh, cách một con đường là dãy phòng với nhiều ô cửa kính rộng mà ở xa nhìn vào đã thấy vẹn toàn cách bài trí những vật dụng bên trong. Dưới sự hướng dẫn của ông Bùi Anh Trung, tôi biết được đây là phòng vật lý trị liệu với những máy móc, dụng cụ tiên tiến, hiện đại nhằm chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi một cách tốt nhất.

Bên cạnh mục tiêu chính là chăm sóc người già theo yêu cầu, ông Trung cho biết Viện dưỡng lão Bình Mỹ còn mở rộng chăm sóc người già phục hồi chức năng, người già sa sút trí tuệ, người già sau điều trị tại bệnh viện hay mắc bệnh giai đoạn cuối, người già sau tai biến - đột quỵ, trẻ em khuyết tật - tự kỷ.

Ngoài ra, các cụ còn được thăm khám và theo dõi sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, các cụ sẽ tham gia các hoạt động ngoại khóa như được dự tổ chức sinh nhật và dự sinh nhật vào tuần 2 mỗi tháng, nấu ăn chung, đi siêu thị cuối tuần, đi du lịch giải trí, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo... nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các cụ.

Ảnh: Endpoints
Ảnh: Endpoints

Người già rất cần bầu bạn

Tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ vào một ngày cuối tháng 6-2019, chúng tôi gặp nhiều trẻ em được bố mẹ dẫn đến thăm ông bà nội/ngoại đang sống tại đây, trong dịp các em được nghỉ hè...

Ở tuổi 102, mái tóc bà Bùi Thị Quyên đã trắng phau, da nhăn nhúm đầy vết đồi mồi, nhưng bà trò chuyện bằng một giọng nói rất rõ ràng. Bà kể, bà có tới 124 đứa con, cháu, chắt đang sinh sống ở nước Pháp.

Phía sau chiếc xe lăn của bà, những bịch nilông lớn nhỏ, phai màu được treo buộc cẩn thận. Bà Quyên với một bịch nilông, đặt nhẹ nhàng lên bàn như một kỷ vật quý giá, mở ra cho tôi thấy cuốn album ảnh chứa hàng chục tấm hình con, cháu, chắt bà đang sinh sống ở Pháp.

Lật từng trang ảnh, bà chỉ vào từng người, mỉm cười tươi tắn khoe: “Mấy đứa con, cháu của tôi đứa nào cũng dễ thương hết. Tụi nó có nghề nghiệp rồi định cư ở bển luôn. Tụi nó cũng thường xuyên về thăm tôi”. Cuộc đời bà Quyên từng đi đi về về các nước Pháp, Campuchia, Việt Nam... Đến tuổi già, bà quay về Việt Nam - nơi bà sinh ra và lớn lên, rồi vào viện dưỡng lão gần một năm qua.

Còn bà Bùi Thị Hiền (67 tuổi, Q.Phú Nhuận) đã năm lần bảy lượt ra vào Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn (Q.Bình Thạnh). Bà Hiền cho biết mình sinh được 2 người con, con gái đang sinh sống ở nước ngoài, con trai đã lập gia đình và đang giữ chức phó giám đốc của một cơ quan nhà nước. “Tụi nó đi làm suốt, tôi ở nhà lủi thủi một mình cũng mệt và buồn lắm. Ở đây có nhiều người già như tôi nên có bè bạn tâm sự” - bà Hiền nói.

Hòa vào cuộc sống thường nhật của các cụ sẽ thấy trung tâm dưỡng lão như một xã hội thu nhỏ. Mỗi trường hợp là mỗi hoàn cảnh, số phận khác nhau. Có cụ thì ngại chung sống với con cháu nên tự nguyện vào viện dưỡng lão. Cũng có những cụ bị con cháu gửi vào dưỡng lão như một giải pháp né tránh trách nhiệm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận