Chuyện một họa sĩ làng

THÁI BÁ DŨNG 22/01/2014 23:01 GMT+7

TTCT - Ở xã Hà Tây - xã vùng xa của huyện Chư Pah, nơi cách TP Pleiku (Gia Lai) khoảng 50km - có một cán bộ xã được bà con gọi là “họa sĩ” nhờ những bức ảnh về sinh hoạt cộng đồng dân tộc bản địa của ông.

Phóng to
“Họa sĩ” Biên bên tác phẩm của mình - Ảnh: T.B.D.

“Họa sĩ” Biên là người dân tộc Ba Na, phó chủ tịch xã Hà Tây - xã khó khăn của huyện và cũng là nơi có những ngôi nhà rông to nhất, đẹp nhất Chư Pah. Ông Biên thừa nhận mình chỉ là “họa sĩ làng”, họa sĩ làng không vẽ tranh để bán mà vẽ tranh chỉ vì đam mê và phục vụ bà con. Ông cũng không vẽ đề tài gì khác ngoài... làng mình.

Người cán bộ thích vẽ

Khác với các dân tộc anh em khác của Tây nguyên, người Ba Na không có họ mà chỉ có tên. Bước vào ngôi làng, chỉ cần đọc tên là người làng đều biết người đó là trai hay gái, lớn tuổi hay nhiều tuổi bởi cái tên đó thì... trong làng chỉ duy nhất một người được đặt. Nên khi được hỏi về họ của mình, Biên phá lên cười: “Người Ba Na mình không có họ mà, có vài nơi mang họ Đinh nhưng họ này là được Bác Hồ đặt cho”.

Biên không có họ, nhưng ở làng Kon Măl hay thậm chí ở UBND xã Hà Tây, ai cũng biết Biên không phải vì ông là cán bộ xã mà vì ông là người dễ gần.

Ông Biên kể ông học xong lớp 12, hoạt động nổi bật trong phong trào địa phương và có biệt tài vẽ đẹp nên cán bộ xã “chấm”, gọi lên hỏi “có muốn vào xã làm để giúp bà con không?”. Ông Biên về suy nghĩ mấy hôm rồi lên hỏi lại: “Nhưng mình mới chỉ học đến lớp 12, lại chưa có tài gì ngoài tài vẽ. Làm cán bộ thì giúp gì được bà con?”. Lãnh đạo xã cười rồi nghiêm giọng đề nghị chàng trai làng Kon Măl về sắp xếp đồ để chuẩn bị lên đường đi học làm cán bộ nguồn.

Năm 2003, sau thời gian học lớp cán bộ nguồn, ông Biên được phân về làm cán bộ địa chính xã Hà Tây, phụ việc đo đạc làm sổ đỏ đất đai, quy hoạch quỹ đất cho bà con. Nhờ khả năng vẽ, những thửa bản đồ được xã giao phác thảo bằng số liệu chi tiết, thể hiện sao cho dễ thấy nhất, sao cho cán bộ nhìn cũng được mà bà con không biết chữ nhìn vào cũng hiểu đó là cái đất của mình, ông Biên đều thể hiện sinh động bằng tỉ lệ chi tiết.

Vẽ để lưu giữ văn hóa

Ông Biên thừa nhận mình chỉ là “họa sĩ làng”, không vẽ tranh để bán mà vẽ tranh chỉ vì đam mê và phục vụ bà con. Ông cũng không vẽ đề tài gì khác ngoài... làng mình. Sau nhiều năm làm việc tại UBND xã Hà Tây, ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch xã phụ trách văn xã, phù hợp với tính nghệ sĩ của ông. Nhà thì chật chội, thấp lè tè, nhưng trong nhà đâu cũng treo tranh ông vẽ và dụng cụ sinh hoạt truyền thống của người Ba Na.

Phó chủ tịch xã Hà Tây nói rằng đến bây giờ ông vẫn chỉ đơn giản là “biết vẽ”. Việc ông vẽ cũng là vì thấy làng mình đẹp quá, con trai con gái Ba Na đẹp quá, nhà rông cũng đẹp quá mà không vẽ thì tiếc. Vẽ để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của làng, của người Ba Na.

Ông Biên vẽ về làng mình một cách say mê, những bức tranh vẽ trên vải có thể chưa được trau chuốt một cách chuyên nghiệp nhưng bao giờ cũng toát lên một sự ấm cúng lạ thường.

Ông có năng khiếu vẽ từ khi còn cùng lũ con trai đi ngủ nhà rông. Hồi đó cứ mỗi lần đi rừng về, đứng đầu làng nhìn xuống bóng nhà rông cao chót vót lấp ló đầu làng là đã muốn vẽ rồi, không có giấy, ông dùng cây vẽ lên đất bột, vẽ lên vỏ cây.

Ông Biên nói là người Ba Na nên ông rất hiểu phong tục, đời sống và lễ nghi của dân tộc mình. Cuộc sống từ làng đã thấm vào máu, ăn vào tâm trí và làm nên những bức tranh sống động, những bức tranh mang đậm hơi thở cuộc sống, sinh hoạt đời sống tín ngưỡng của người Ba Na.

Trong những bức tranh ấy, người con gái ngồi dệt vải nhưng ánh mắt cũng to tròn, đen lay láy, khuôn mặt hiền hậu và cam chịu như số phận đã sinh ra cô gái Ba Na. Cũng trong những bức tranh ấy, người con trai Ba Na không cao to nhưng ngực bao giờ cũng vạm vỡ và đặc biệt bờ vai rất to.

Biên nói nếu không lớn lên, không hiểu về người dân tộc mình thì không thể vẽ được một bức tranh ưng ý về làng Ba Na!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận