Chuyện dài cải cách Liên Hiệp Quốc

DANH ĐỨC 05/12/2022 09:58 GMT+7

TTCT - Lại một kỳ họp cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) kết thúc mà không có tiến triển gì ở cái "tháp Babel" đã lừng lững 71 năm tại New York.

Chuyện dài cải cách Liên Hiệp Quốc - Ảnh 1.

Tháp Babel, tranh của Pieter Bruegel Cha, 1563. Ảnh: Wikipedia

Mong muốn, không chỉ của đại sứ Việt Nam tại LHQ, mà còn của nhiều nước khác, là HĐBA nên được mở rộng ở cả hai nhóm thường trực và không thường trực, dành thêm chỗ cho các nước đang phát triển hơn, đúng với tỉ lệ của tổ chức, hạn chế quyền phủ quyết vô tội vạ… đã được nêu ra suốt 14 "mùa" thảo luận, nhưng vẫn chưa thấy có kết quả gì.

Kết luận của thông cáo số GA 12473 đề ngày 18-11 của Đại hội đồng về cải tổ LHQ cho thấy tổ chức hiện quy tụ 193 quốc gia thành viên này vẫn tiếp tục giữ nguyên đặc tính của cái tháp Babel trong truyền thuyết Do Thái: xây cao ngất trời, song càng lên cao càng chẳng ai hiểu ai nói gì nữa, rồi cãi nhau chí chóe, thậm chí động chân động tay.

"Hôm nay, khi Đại hội đồng kết thúc thảo luận về cải cách HĐBA, các quốc gia thành viên một lần nữa nhất trí rộng rãi về sự cần thiết phải hiện đại hóa cơ quan gồm 15 thành viên này để duy trì sự phù hợp của LHQ trong thế kỷ 21, nhưng lại bất đồng với nhau về việc sử dụng hợp lý quyền phủ quyết của HĐBA, đặc biệt là trong các trường hợp hành động vũ lực", thông cáo viết.

Khóa họp hai ngày 17 và 18-11 vốn là để cụ thể hóa tuyên ngôn long trọng được đưa ra hai tháng trước, ở khóa họp Đại hội đồng với 76 nguyên thủ quốc gia, 50 lãnh đạo chính phủ, 4 phó tổng thống, 5 phó thủ tướng, 48 bộ trưởng và 7 trưởng phái đoàn, đã được thông cáo GA 12452 tóm tắt: "nhất thiết phải hiện thực hóa công cuộc cải tổ LHQ để đại diện cho toàn bộ cộng đồng quốc tế".

Năm bè bảy mối

Trước hết, phải hiểu rằng LHQ chưa bao giờ là một tổ chức thống nhất thật sự.

Những phát biểu đầu tiên ở cuộc họp Đại hội đồng vừa rồi cũng là nhân danh các nhóm nước khác nhau, dù đứng chung trong nhóm Đàm phán liên quốc gia (IGN), vốn chính thức đảm nhận công việc cải cách HĐBA. Trong IGN có nhóm G4 - gồm Ấn Độ, Brazil, Đức và Nhật Bản, những nước cho rằng nay họ xứng đáng có chỗ trong HĐBA vì quy mô kinh tế hay dân số.

Cũng trong IGN, nhưng nghịch với nhóm G4 là nhóm Đoàn kết để đồng thuận (UfC), vốn là phong trào phát triển từ những năm 1990 dưới sự lãnh đạo của Ý, có mục đích chống lại ý muốn dành ghế thường trực cho các quốc gia G4, kêu gọi sự đồng thuận trước khi đạt được bất kỳ quyết định nào về hình thái và quy mô của HĐBA.

Ngoài ra, còn phải kể đến Liên minh châu Phi và nhóm Cộng đồng Caribê (CARICOM) trong IGN. CARICOM gồm 20 thành viên với dân số xấp xỉ 16 triệu người, yêu cầu của họ là mở rộng số thành viên thường trực (hiện là 5) và không thường trực (10) của HĐBA, có thêm đại diện của các đảo quốc nhỏ đang phát triển.

Chưa hết, còn có nhóm L.69 gồm 42 quốc gia đang phát triển từ châu Phi, Mỹ Latin và Caribê, châu Á và Thái Bình Dương - nhóm L.69 này lấy tên từ tài liệu mang số L.69, một dự thảo nghị quyết về "Vấn đề đại diện công bằng và tăng số lượng thành viên của HĐBA và các vấn đề liên quan", mà họ cùng đưa ra năm 2007.

Cũng trong nhóm IGN chuyên lo việc đàm phán liên quốc gia, còn có nhóm Liên đoàn Ả Rập do Kuwait đại diện.

Cuối cùng, cả Nga và Trung Quốc, vốn là thành viên thường trực HĐBA, cũng là thành viên IGN.

Ý kiến từng nhóm

Tại kỳ họp 17-11, các nhóm thuộc IGN đều lên tiếng. Bắt đầu là CARICOM với đại biểu của Bahamas, Stan Oduma Smith: "Trong giai đoạn khủng hoảng đan xen này, HĐBA càng cần hữu hiệu hơn… Cần phải đảm bảo sự hiện diện của các đảo quốc nhỏ đang phát triển", kèm theo nhấn mạnh: "Bởi tính cấp bách của những thách thức đặt ra với LHQ, phải có hành động vượt ra ngoài những lời hoa mỹ để tìm kiếm điểm chung lớn hơn".

Cũng theo phương thức nhân danh nhóm, lên tiếng sau đại diện CARICOM là đại biểu Ấn Độ, bà Ruchira Kamboji, phát biểu thay nhóm G4. Khẩu khí của bà tất nhiên phải khác các đảo quốc nhỏ bé kia: "Tính đại diện là điều kiện tiên quyết không thể tránh né với tính hợp pháp và hiệu quả của LHQ, công cuộc cải cách HĐBA càng kéo dài thì nó càng thiếu tính đại diện".

Đại diện G-4 thẳng cánh "dũa" chính cơ chế IGN: "Quá trình đàm phán liên chính phủ đang mất đi mục đích của chính nó do thiếu hoạt động, không có văn bản đàm phán và một số phái đoàn không sẵn lòng tham gia các cuộc thảo luận thực chất". Bà đề xuất giải pháp: "Phải có một văn bản hợp nhất duy nhất và các phương pháp làm việc được đổi mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một quy trình minh bạch và cởi mở".

Đại diện G4 cho thấy nhóm nước này đang rất căng thẳng với việc mở rộng HĐBA: "Nhóm G4 dành quyền đặt lại vấn đề cải cách HĐBA trong phiên họp hiện tại… Các quốc gia thành viên không được cho phép quá trình này tự đóng băng vĩnh viễn mà không để nguyện vọng tập thể của họ hình thành một cách rõ ràng".

Đáp lại, đúng với "định nghĩa" Đoàn kết để đồng thuận, đại diện của UfC Maurizio Massari (Ý) khăng khăng giữ hầu như nguyên hiện trạng: "Số các quốc gia có ghế thường trực sẽ được giới hạn ở 5 quốc gia như hiện tại, nhưng các đặc quyền bắt nguồn từ hiến chương của họ, chẳng hạn việc sử dụng quyền phủ quyết, sẽ bị hạn chế". Tuy nhiên, UfC đề xuất tăng tính luân chuyển công bằng hơn. Họ lưu ý rằng 60/193 quốc gia thành viên LHQ chưa bao giờ phục vụ trong HĐBA. Do đó, họ đề xuất HĐBA sẽ gồm 20 thành viên so với chỉ 15 hiện tại.

Đại diện một nước UfC không xa Ý lắm là Thổ Nhĩ Kỳ còn đi xa hơn, qua tiếng nói của Đại sứ Feridun Hadi Sinirlioglu: "Thành viên thường trực và cơ chế phủ quyết rõ ràng là những yếu tố trung tâm của vấn đề. Chúng ta cần thừa nhận rằng các cơ chế này không phục vụ gì ngoài lợi ích của những quốc gia đang nắm giữ đặc quyền đó", và "hệ thống hiện tại khiến HĐBA hoạt động sai chức năng, vô trách nhiệm và phi dân chủ".

Không đồng ý với hầu hết các ý trên, đại diện Nga Vassily A. Nebenzia "khét tiếng" là ngược dòng suốt năm nay, nói Nga ủng hộ tăng số lượng thành viên HĐBA, nhưng muốn duy trì "số lượng nhỏ gọn không vượt quá 20", và "phản đối giảm bớt quyền phủ quyết". Ông Nebenzia nhấn mạnh không thể đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán liên chính phủ bằng cách áp đặt khi chưa được tất cả các bên tham gia nhất trí.

Quyền phủ quyết

Thảo luận ngược ý nhau nhất là về quyền phủ quyết. Đại diện của Gruzia là David Bakradze quả quyết rằng các sự kiện đang diễn ra cho thấy rõ ràng HĐBA không tuân theo lý lẽ tồn tại của nó - tức duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, nên việc sửa đổi quyền phủ quyết đặc biệt cấp bách. Ông nói những nỗ lực thất bại trong việc thông qua các nghị quyết của HĐBA trong cuộc chiến ở Ukraine là minh chứng cho điều này.

Đại diện Ba Lan thì nhấn mạnh rằng việc Nga lạm dụng quyền phủ quyết cho thấy nhu cầu rất lớn phải thông qua các biện pháp cải cách, và lưu ý rằng quốc gia của ông, vốn là thành viên của nhóm nòng cốt IGN, đã chuẩn bị tài liệu này. Đại diện Ukraine Serhii Dvornyk tập trung vào kinh nghiệm của chính đất nước mình: "Thật không thích đáng việc một quốc gia ở ghế thường trực lại có đặc quyền phủ quyết trong việc xem xét một cuộc xung đột mà nước này phát khởi".

Đó là nhận định hợp lý chung cho một nền công pháp quốc tế dài lâu. Có thể thấy qua cả nhận định của đại diện Iran, người đã nhấn mạnh rằng phủ quyết không phải là quyền, mà là đặc quyền bất công của một số quốc gia thành viên, vi phạm Hiến chương LHQ. Tương tự là Ghana: "Quyền phủ quyết phải kết thúc vì nó lỗi thời và phản tác dụng trong mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Nhưng nếu tồn tại, nó phải bị ràng buộc bởi các quy tắc".

Cứ như thế, chuyện cải tổ HĐBA LHQ e sẽ còn trường giang đại hải.■

Đại diện Trung Quốc, Zhang Jun [Trương Quân], cũng cho rằng quá trình ra quyết định của HĐBA bị hạn chế rất nhiều bởi nhiều yếu tố. Ông nói HĐBA đang thiếu tính đại diện công bằng, và để cải cách, phải tăng cường tính đại diện từ các nước đang phát triển một cách hiệu quả, cũng như "sửa chữa những bất công lịch sử". Ông nói: "HĐBA không nên trở thành một câu lạc bộ của những nước lớn và giàu có. [HĐBA đã] thất bại trong cân bằng sự đại diện áp đảo của các nước phát triển, và trao nhiều quyền lực hơn vào một vài khối chính trị riêng lẻ, khiến việc ra quyết định trở nên phi dân chủ hơn, trong khi hoạt động của hội đồng kém hiệu quả và năng suất hơn. Điều sẽ đi ngược mục đích ban đầu của LHQ". Rồi ông đưa ra giải pháp: "Cải cách nên thể hiện sự bình đẳng và công lý, ưu tiên cho mối quan tâm của các khu vực ít được đại diện như châu Phi".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận