Chuyện của Nhiêu Lộc - Thị Nghè

TS NGUYỄN MINH HÒA 22/02/2023 14:53 GMT+7

TTCT - Những bài học kinh nghiệm nào từ dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khi triển khai dự án Rạch Xuyên Tâm?

(TS Nguyễn Minh Hòa là Phó chủ Tịch Hội Quy Hoạch TP.HCM, chuyên gia đánh giá văn hóa - xã hội của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè)

Việc cải tạo, tái sinh các dòng kênh là một điểm son trong phát triển đô thị của TP.HCM trong hơn hai thập kỷ qua.

Sau dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, năm 2023 TP sẽ triển khai dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (quận Bình Thạnh và Gò Vấp) trên chiều dài gần 9km, kinh phí đầu tư dự kiến gần 9.700 tỉ đồng, ảnh hưởng đến gần 1.900 hộ dân. Những kinh nghiệm và bài học nào từ quá khứ cần được đúc rút, và đâu là những vấn đề mới cần đối diện?

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn cầu Thị Nghè trước khi cải tạo. Ảnh: TỰ TRUNG

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn cầu Thị Nghè trước khi cải tạo. Ảnh: TỰ TRUNG

HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án rạch Xuyên Tâm và bắt đầu thực hiện từ năm nay đến năm 2028 - một tin tốt cho người dân ven con rạch này và cả TP.HCM. 

Nhưng với người dân phải di dời, họ lo âu chuyện sinh kế hằng ngày, nơi ở và đời sống sẽ bị đảo lộn. Với chính quyền, đó là những đắn đo về vốn, tiến độ và tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro xã hội. Những gì từng diễn ra từ các dự án tương tự, mà Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một điển hình nổi bật, có thể giúp gì?

Về hình thái và thực trạng, hai con kênh này có sự tương đồng nhau: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) dài 8,7km, giải tỏa 7.000 hộ dân; còn kênh Xuyên Tâm dài 8,2km, giải tỏa trắng gần 1.900 hộ dân.

Những ước mơ sau khi dự án hoàn thành

Cần khẳng định NL-TN là một dự án thành công, được coi là kỳ tích đáng tự hào của chính quyền và nhân dân TP, là hình mẫu của dự án nâng cấp, cải tạo đô thị. Nhưng vì được thực hiện vào giai đoạn kinh tế của thành phố còn khó khăn, chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến, nên không tránh khỏi thiếu sót.

Ý tưởng của dự án NL-TN bắt đầu từ năm 1990, khi TP.HCM bước vào giai đoạn đô thị hóa nhanh, bắt đầu là sự ra đời của Khu chế xuất Tân Thuận năm 1991. TP mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là hút khách du lịch quốc tế. 

Trong bối cảnh như thế, việc tồn tại một khu dân cư nhếch nhác ngay trung tâm quận 1, sát Thảo cầm viên và bờ sông Sài Gòn là điều không thể chấp nhận được, gây phản cảm, trái ngược hình ảnh của một thành phố phát triển năng động. TP.HCM quyết định di dời dân cư trên kênh rạch.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Bình Thạnh, TP.HCM) thông thoáng sạch đẹp sau khi cải tạo. Ảnh: NGUYÊN KHANG

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Bình Thạnh, TP.HCM) thông thoáng sạch đẹp sau khi cải tạo. Ảnh: NGUYÊN KHANG

Dự án này mất 19 năm kể từ khi thai nghén cho đến khi hoàn thành, nhưng khi nhìn lại, những người tham gia đều có suy nghĩ giống nhau là nếu làm lại thì sẽ làm khác đi. 

Bởi đó không chỉ là loại dự án lần đầu được tiến hành, nó còn thực sự mới lạ về công nghệ - kỹ thuật. Do vậy, thành phố có khi rơi vào bị động, nhiều gói thầu ra đời trong tình thế đối phó.

Chẳng hạn, khi nhìn lại dự án NL-TN, sẽ thấy nếu mở rộng biên giải tỏa không phải 20m mà là 30-40m, chúng ta đã có thể tạo ra được một quỹ đất lớn để từ đó thực hiện được hết các ý đồ quy hoạch - kiến trúc, tổ chức được một tổ hợp không gian sống đa chức năng và hoàn thiện chứ không lẻ mẻ, vụn như hiện nay.

Sau 10 năm, chỉ còn 50% hộ tái định cư ở lại

Vào năm 2004, tức là dự án đã đi được quãng đường 10 năm, KTS Lưu Trọng Hải và tác giả bài viết này cùng một nhóm cán bộ Trường ĐH KHXH&NV thực hiện khảo sát 800 hộ dân tái định cư mới thấy nhiều điều không ổn.

Trước hết diện tích căn hộ tái định cư quá nhỏ chỉ có 30-40m2, rộng nhất là 50m2, với diện tích ấy mà cho một hộ gia đình 5-7 người, thậm chí nhiều hơn vào sống là một cực hình. Cái lý của người thiết kế là tiền đền bù quá ít, nếu làm nhà rộng hơn thì bà con không đủ tiền mua.

Nếu như làm trần căn hộ cao hơn 1m để người dân có thể làm gác xép tăng diện tích sử dụng thì rất tiện. Tiền đền bù thấp quá nên số tiền trả cho căn hộ ban đầu ít, đến tận bây giờ vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa trả hết tiền mua căn hộ, thậm chí mất hoàn toàn khả năng trả nợ.

Một chuyện khác là tái định cư di dời nơi xa, bứt khỏi địa bàn quen thuộc khiến bà con thấy hổng chân, lạnh lưng vì cắt đứt các mối quan hệ làm ăn, bạn hàng vốn đã hình thành từ lâu. Ví như ông chạy xe ba gác mất mối, người bán chuối chiên mất khách hàng và mất luôn các quan hệ xóm giềng, cộng đồng và cả quan hệ tôn giáo đã có từ nhiều thế hệ.

Việc di cư hơn 300 hộ dân từ khu vực dự án NL-TN đến ngụ tại chung cư Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức cho thấy rõ điều này. Đúng là lên nhà cao tầng cho thấy sạch thì có sạch nhưng cơ hội mưu sinh không có nhiều.

Chính vì điều này mà chỉ sau 7-10 năm cư trú số người tái định cư ở lại chỉ còn chừng 50%, số còn lại bán nhà, sang nhượng, cho thuê để đi đến nơi khác.

Nếu tổ chức không gian quy hoạch - kiến trúc tốt hơn thì có thể tái định cư tại chỗ cho 7.000 hộ dân trong các chung cư cao tầng dọc kênh dài 9km chứ không phải di chuyển đến nơi xa. Thêm nữa, có thể dành đất cho công viên nhiều hơn, và bố trí được các công trình dịch vụ như trường học, nhà trẻ, siêu thị, sân thể thao ở dải đất dọc theo kênh.

Nếu tính toán tốt thì có thể cải tạo và làm mới 20 cây cầu có độ tĩnh không cao từ 7m cho tàu thuyền đi lại dễ dàng. Nếu mở rộng biên thì hai trục đường Trường Sa, Hoàng Sa hiện nay có thể có 6 làn xe chứ không phải chỉ có 3 làn xe với bề mặt 7m và bị quá tải ngay sau khi khánh thành được vài tháng.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước khi cải tạo. Ảnh: TỰ TRUNG

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước khi cải tạo. Ảnh: TỰ TRUNG

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay. Ảnh: NGUYÊN KHANG

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay. Ảnh: NGUYÊN KHANG

Dù có cố gắng nhưng con kênh này vẫn bị ô nhiễm bởi toàn bộ lượng nước thải đô thị vẫn thải trực tiếp ra kênh, bơm thẳng ra sông Sài Gòn thông qua hệ thống cống ngầm dưới lòng kênh mà chưa được thu gom, xử lý theo đúng tiêu chuẩn.

Trong quá trình thi công, TP do chưa có kinh nghiệm nên đã chọn phải nhà thầu có kỹ thuật thấp, bị vướng nhiều lỗi làm chậm tiến độ, phải làm đi làm lại và phải thay nhà thầu ở một số trong 33 gói thầu. Thậm chí dưới lòng kênh NL-TN vẫn còn một con robot chết chìm không bao giờ móc lên được.

Sau khi giải phóng mặt bằng dự án, các hộ dân ở mặt tiền đường Trường Sa, Hoàng Sa đã tự sửa chữa nhà không theo một thiết kế nào khiến không gian kiến trúc dọc hai bên bờ kênh rất xấu.

Nếu tính toán tốt, được đầu tư dồi dào, thành phố sẽ biến dải kênh này thành một dải đô thị đẹp và hấp dẫn, có thể trở thành một "dòng kênh tiền" như ở Amstesdam (Hà Lan), Nyhavn (Đan Mạch), kênh Saen Saeb (Bangkok), hay Venice (Ý)...

Làm dự án rạch Xuyên Tâm, chắc chắn TP cũng hướng đến nhiều mục tiêu như sau khi làm dự án NL-TN, và ở thế chủ động hơn. Nhưng muốn giành thế chủ động, phải có được một bản thiết kế hoàn chỉnh, gồm 3 lớp là thiết kế không gian kiến trúc - cảnh quan, thiết kế kinh tế - xã hội và thiết kế kỹ thuật. 

Bản thiết kế này nên là kết quả tổng hợp của một cuộc thi quốc tế và phải được trưng bày để nhận được sự góp ý rộng rãi của người dân - đối tượng thiệt hại và thụ hưởng - và của chuyên gia trong và ngoài nước.

Dự án đa mục tiêu

Ban đầu, mục tiêu của dự án NL-TN chỉ hướng tới làm sạch kênh và phá bỏ nhà tạm lấn chiếm mặt kênh, vì thế nó mang tên "Cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực NL-TN".

Nhưng khi bắt tay làm mới thấy tầm vóc của nó vượt ra khỏi mọi dự tính ban đầu và có đến 8 mục tiêu khác nhau: khai thông hệ thống kênh để thoát nước tự nhiên, giảm ngập; tái định cư cho người nghèo đang sống trên và dọc các con kênh có chỗ ở mới và các phương thức mưu sinh mới; nâng cấp giao thông bộ dọc tuyến kênh, giảm tải cho khu vực trung tâm; giảm ô nhiễm môi trường cho cả một khu vực rộng lớn, trả lại các con kênh xanh sạch; cải tạo vi khí hậu làm giảm nhiệt độ khu vực; tạo cảnh quan đẹp dọc các trục kênh với các cây xanh, thảm cỏ, công viên, các điểm tập thể dục; phát triển giao thông vận tải đường thủy, khai thác du lịch thủy nội ô.

Bài học từ chuyện tái định cư

Một trong những khó khăn lớn nhất và để lại hệ quả kéo dài nhất là việc di dời, tái định cư người dân sống trên và ven kênh. Đó thực sự là một cuộc di cư rất lớn, nếu không nói là lớn nhất trong công cuộc tái thiết thành phố sau 1990: cùng lúc tái định cư 7.000 hộ dân với hơn 35.000 người, hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đó là thời điểm mà lòng dân ngổn ngang, chính quyền cũng lúng túng. Hầu hết dân sống trên và ven kênh rạch là dân nghèo, nhiều người không có miếng giấy tờ nhân thân lận lưng. Ban đầu dự kiến chỉ tái định cư cho người có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng phương án đó không thành công.

TP phải chạy đôn đáo, vận động thuyết phục từ trung ương đến nước ngoài để có tiền xây chung cư tái định cư. Khi bắt đầu xây dựng, trong dân lại xuất hiện tâm lý không muốn lên chung cư vì dẫu ở sạch sẽ nhưng không biết làm gì mà sống.

Vận động thuyết phục mãi bà con mới chấp nhận di dời. Gần cuối dự án mới thấy thêm nhiều điều chưa ổn, chẳng hạn tiền đền bù thấp, diện tích căn hộ quá nhỏ, vị trí tái định cư chưa hợp lý...

NHỮNG CĂN HỘ TÁI ĐỊNH CƯ BỊ BÁN NON

Theo các tài liệu, các hộ dân di dời của dự án NL-TN được tái định cư tại các chung cư Rạch Miễu, Trần Quốc Thảo, Hiệp Bình Phước và cụm chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu. Hiện ở cụm chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu còn nhiều người dân tái định cư dự án NL-TN sinh sống.

Ông Lê Văn Năm, lô C2, cho biết khoảng 50% các gia đình tái định cư đã bán nhà rời chung cư vì không thích hợp với đời sống tù túng của căn hộ trên cao. Số trụ lại đến giờ phần lớn là những người có công ăn việc làm ổn định, không bị ảnh hưởng do thay đổi chỗ ở.

"Số tiền bồi thường nhà cũ ven kênh rạch ít ỏi, không đủ để mua nhà trong nội thành nên sau khi bán căn hộ chung cư, nhiều nhà hàng xóm của tôi dạt về Bình Chánh, Hóc Môn hay về quê mua nhà sinh sống. Họ bán nhà chỉ sau mấy tháng nhận chung cư, còn chưa trả hết nợ tiền mua nhà", ông Năm cho biết.

Những chung cư tái định cư còn lại của dự án này hiện hầu như không còn nhiều hộ gia đình tái định cư. Ông Nguyễn Văn Đình, một người dân sống ở chung cư Hiệp Bình Phước (P.Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), cho biết ông mua nhà về ở chung cư này hơn 10 năm, nghe nói chung cư là nơi tái định cư của dự án cải tạo kênh NL-TN nhưng hầu hết các chủ hộ tái định cư ban đầu đã bán nhà đi nơi khác.

Ông Lê Văn Thành, nguyên trưởng phòng nghiên cứu văn hóa (Viện Nghiên cứu phát triển TP), từng làm đề tài nghiên cứu về đời sống của người dân tái định cư trên địa bàn TP.HCM. Năm 2006, ông và các cộng sự đã cất công đi tìm người dân tái định cư của dự án NL-TN nhưng rất khó khăn mới gặp được.

"Tại chung cư tái định cư ở khu vực đường Phan Xích Long, một tầng phân cho 20 hộ dân tái định cư, chúng tôi chỉ tìm được 2 hộ. Nhóm phải nhờ công an địa phương tìm thông tin lưu trữ nơi đến của những hộ tái định cư đã chuyển hộ khẩu thường trú, rồi đến công an nơi mới để nhờ tìm thông tin. Họ đã đi về tận Bình Chánh, Long An để mưu sinh", ông Thành nói.

Nhóm của ông Thành cũng đã gặp nhiều người tái định cư mua nhầm nhà, đất trong các khu quy hoạch, vùng đất cấm xây dựng, mua phải nhà xây trái phép... cuối cùng lại bị di dời, bị tháo dỡ nhà. Họ phải trải qua một lần di cư chật vật nữa, nhưng với số vốn còn ít ỏi hơn.

Dự án rạch Xuyên Tâm chắc chắn sẽ gặp những khó khăn, hạn định 5 năm cho một dự án lớn như thế là sức ép không hề nhỏ, dẫu nguồn vốn dồi dào hơn. 

Để không lặp lại những sai lầm trước đây, chính quyền thành phố nên chuẩn bị thật kỹ các khâu, lấy ý kiến của các chuyên gia, quan trọng nhất là đạt được sự đồng thuận của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án. 

TS.KTS Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng TP.HCM và là một trong các tác giả của dự án NL-TN, đã rút ra một kết luận quan trọng: "Rất nên tiến hành lập quy hoạch chi tiết 1/500 (như cách làm thiết kế đô thị). Theo đó, cần phác thảo nên bộ mặt kiến trúc và cảnh quan toàn tuyến sao cho có tính khả thi, vừa vận động được nhân dân góp ý, góp công, góp của vào dự án".

Đồ họa: Tấn Đạt

Đồ họa: Tấn Đạt

Tp.hcm còn nhiều tuyến kênh cần được cải tạo

TP.HCM còn có nhiều kế hoạch cải tạo kênh rạch cả ở nội thành và ngoại thành, với nhiều mục tiêu (cải thiện môi trường, xử lý nước thải, chống ngập, tổ chức lại đời sống của người dân...).

Gần nhất là dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng, dự kiến khởi công ngày 23-2, hoàn thành vào năm 2025. Dự án này đi qua địa bàn quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, gồm các hạng mục nạo vét kênh, xây dựng bờ kè bê tông, làm tuyến đường hai bên kênh rộng từ 8 - 12m.

Sở Xây dựng đã báo cáo UBND TP về các dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) với nguồn vốn khoảng 1.980 tỉ đồng.

Ở quận 7 có ba đề án chỉnh trang đô thị, thí điểm di dời nhà ven kênh rạch: dự án ao Song Tân (dự kiến di dời 770 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 21.000 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 4.600 tỉ đồng); dự án rạch Bần Đôn (di dời 659 căn nhà với tổng vốn đầu tư dự kiến 13.100 tỉ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 3.800 tỉ); dự án sông Ông Lớn (di dời 853 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 14.900 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 7.083 tỉ).

Tổng số nhà ở xã hội bố trí cho cả 3 dự án trên khoảng 3.000 căn.

Ngoài ra, các quận huyện còn có các dự án khác "xếp hàng": dự án cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 3 (quận 6), cải tạo rạch nhánh cầu Sơn (quận Bình Thạnh), mương Nhật Bản và kênh A41 (quận Tân Bình), rạch Bà Tiếng, lắp đặt cống hộp kênh Liên Xã (quận Bình Tân)…K.yên



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận