Chuyện của người trẻ làm việc từ xa

VŨ THỦY 12/03/2019 18:03 GMT+7

TTCT - Ngồi trong một căn nhà ở vùng quê, xung quanh ruộng lúa, vườn cây, làm việc cho công ty ở Mỹ, châu Âu... với thu nhập khá... Công nghệ đã cho người trẻ trải nghiệm một kiểu làm việc mới đang dần trở thành xu hướng: remote work - làm việc từ xa.

Lindsey bên chiếc bàn làm việc của mình tại TP.HCM. Ảnh: NGỌC HIỂN
Lindsey bên chiếc bàn làm việc của mình tại TP.HCM. Ảnh: NGỌC HIỂN

Hai năm trước, khi còn làm việc ở Sài Gòn, Nguyễn Bình Nguyên (28 tuổi), một kỹ sư phát triển phần mềm, bắt đầu ngày làm việc mới: tất bật thức dậy rồi lao vào đám đông kẹt xe đến công ty, dừng chân đâu đó ăn vội bữa sáng. Chiều lại chạy xe máy trong khói bụi để về nhà. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi.

Những người không có văn phòng

Nguyên thức dậy trong một căn hộ chung cư xinh đẹp ở TP Đà Lạt mà anh thuê hơn một năm trước để vừa làm việc, vừa tận hưởng cuộc sống ở phố núi bình yên. “Sáng dậy dắt chó vào rừng thông tập thể dục. Về tự nấu cho mình bữa ăn sáng rồi vào phòng làm việc. Chiều lại vào rừng. Đây là cuộc sống tôi đã từng mơ khi còn làm việc ở Sài Gòn và giờ đã thành hiện thực” - Nguyên kể.

Làm lập trình viên cho một công ty ở Sài Gòn hơn 5 năm, cảm thấy bản thân như bị trầm cảm với nhịp sống tất bật nhưng đều đều, chán nản, anh đã nghĩ đến sự thay đổi và bắt đầu tìm việc làm từ xa. “Đây là nơi tôi tìm được công việc hiện tại” - anh mở website có tên Github giới thiệu. Đó là một website chuyên dành cho các dev (developer, viết tắt dev - người phát triển phần mềm), nơi họ chia sẻ các mã nguồn mở và cả những cơ hội công việc ở khắp mọi nơi.

Nguyên tìm được công việc phát triển ứng dụng hệ thống tổng đài cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của một công ty startup ở Mỹ có tên RingBlaze và được trả lương theo giờ. Đội phát triển ứng dụng của anh có ba người.

“Người ở Quảng Bình, người ở Hà Nội, người Đà Lạt. Các sếp ở Mỹ cũng mỗi người mỗi bang khác nhau. Không làm việc với nhau ở văn phòng nhưng chúng tôi có một cuộc họp online vào 10h mỗi sáng để báo cáo công việc thường xuyên. 10h sáng VN là khoảng 10h tối bên Mỹ nhưng các sếp phải ưu tiên cho các dev. Dev có giá mà” - Nguyên hài hước nói.

Không làm việc cho một công ty cố định nhưng Lê Kiến Trúc (28 tuổi), lập trình viên “hạng ưu tiên” trên Upwork - một nền tảng kết nối freelancer (người làm việc tự do) với các công ty, doanh nghiệp - ngồi nhà ở Hóc Môn (TP.HCM) làm việc cho các công ty Mỹ, châu Âu..., thu nhập khoảng 4.000-5.000 USD/tháng.

“Trước đây mình làm lập trình cho một công ty ở Sài Gòn nhưng làm hoài một công việc chán quá nên tìm việc thêm trên Upwork. Khi tự chủ được thì nghỉ công ty ra làm freelance luôn” - Trúc kể. Anh nói ngành công nghệ thay đổi rất nhanh, ở mãi một nơi không phát triển được thì sẽ chết. Làm từ xa giúp anh tiếp xúc với rất nhiều công ty khác nhau, nhiệm vụ đa dạng hơn nên không bị tụt hậu.

Nguyễn Hương Giang (22 tuổi), một voice talent (người thu âm giọng nói) trên Upwork, cho biết công việc của cô là thu âm cho các từ điển, các đài truyền hình người Việt ở nước ngoài, thu âm quảng cáo…, giá 12 USD/phút. Giang cũng nhận thêm nhiều công việc khác liên quan đến nghiên cứu thị trường.

Cô đang làm cho một công ty Philippines với mức lương 200 USD/tháng, hằng ngày kiểm tra và nhận đơn hàng từ gian hàng trên một trang thương mại điện tử rồi chuyển về kho để xuất và giao hàng. Mỗi tháng Giang được trích thêm hoa hồng doanh thu trên sản phẩm bán được. Thỉnh thoảng cô cũng nhận thêm công việc đánh máy. Các nhà xuất bản muốn tìm người gõ bản thảo viết tay của các tác giả với giá 8 USD/trang A4 và chia lại cho những người khác cùng làm.

Kiến Trúc hiện làm một dự án dài hạn cho một startup ở Mỹ và nhận thêm vài dự án ngắn hạn khác. “Người ta thường nghĩ freelancer là không ổn định, có thì làm không có thì thôi. Freelancer cũng rất dễ lâm vào cảnh “lúc ăn không hết, lúc lần không ra”. Nhưng không ổn định thì không làm lâu dài được” - Trúc nói. Anh tự xây dựng cho mình chiến lược: nhận một dự án dài từ 6 tháng trở lên rồi nhận thêm những dự án nhỏ 3-4 tháng lắp vào.

Dự án dài kết thúc thì Trúc có thể nghỉ ngơi, vừa đi du lịch vừa làm các dự án nhỏ. “Công việc của lập trình viên chỉ cần một cái laptop và WiFi để liên lạc với khách hàng. Tháng 12 năm vừa rồi nóng quá tôi lên Đà Lạt ở một tuần, lúc khác đi Đà Nẵng một tuần, kiếm khách sạn giá vừa phải rồi vừa làm vừa tận dụng thời gian rảnh đi vòng vòng để đổi không khí làm việc” - Trúc chia sẻ.

Bình Nguyên hiện chủ yếu ở Đà Lạt nhưng cũng thường xuyên về nhà ở Đắk Lắk giữa vườn cà phê. Thỉnh thoảng anh đi Malaysia, Thái Lan khoảng một tháng hoặc lên Sài Gòn... “Làm việc từ xa mình có thời gian dành cho bản thân nhiều hơn, tập thể dục, nấu ăn, du lịch, viết lách... Một năm làm từ xa, được đi đến nhiều nơi thật sự là thời gian đáng giá với tôi, là cách làm mới tâm hồn mình” - anh kể.

Nỗi cô đơn “không nhìn thấy mặt người”

Không gian làm việc tại gia của một remote worker ở Đà Lạt. Ảnh: B.N.
Không gian làm việc tại gia của một remote worker ở Đà Lạt. Ảnh: B.N.

Làm từ xa phải chấp nhận cô đơn, nên Bình Nguyên cho rằng để làm công việc này cần phải có tính cách phù hợp, người hướng ngoại sẽ khó làm. Mặc dù công việc của anh vẫn yêu cầu gắn kết với các thành viên khác hằng ngày để trao đổi công việc, nhưng không tiếp xúc trực tiếp.

Kiến Trúc thì dù ở nhà với gia đình, ngày ba bữa ăn “cơm mẹ nấu” nhưng thỉnh thoảng anh vẫn thèm cảm giác được trò chuyện với người khác. Bình thường Trúc chỉ liên lạc với khách hàng qua email hoặc điện thoại. Để thoát ra khỏi trạng thái đơn độc, cả Trúc và Bình Nguyên đều có thời gian đến co-working space (những nơi thiết kế cho mọi người tới làm việc) hoặc quán cà phê.

Trúc đã từng cùng một freelancer làm chung dự án từ Ý bay sang Bangkok để du lịch và làm việc cùng nhau nhằm thay đổi không khí. Anh cũng đi dạy, giúp sinh viên năm cuối làm đồ án tốt nghiệp, tư vấn cho sinh viên về môi trường, kỹ năng làm việc... để ra trường có thể làm việc được ngay.

Nhưng tự do cũng là thử thách lớn nhất của họ. “Tự bản thân mình phải đặt ra kỷ luật cho mình. Vì nơi làm việc cũng là nơi ở nên rất dễ bị cảm giác không phân định rạch ròi thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Tôi có thói quen mặc đồ nghiêm chỉnh khi ngồi vào bàn làm việc để tạo cho mình không khí làm việc” - Nguyên chia sẻ. Khi chuyển qua làm freelance, thời gian đầu Kiến Trúc cũng bị rối loạn giờ ngủ, thậm chí đã nghĩ đến chuyện nghỉ làm.

“Múi giờ của khách hàng ở Pháp, Đức, Úc, Mỹ... khác biệt. Hai tháng đầu tôi làm việc tới 5-6h sáng, ngủ tới 4h chiều. Sau đó phải cố gắng điều tiết giấc ngủ. Lúc đầu thì 4h sáng, xong hay không xong cũng đi ngủ. Rồi đẩy dần lên 1-2h sáng. Giờ làm việc hiện tại của tôi từ 9h tối đến 2h sáng. Với dự án dài, tôi sẽ gọi điện cho họ vào khoảng 9h tối” - anh kể. Nhiều người làm freelance như Trúc cũng không nghỉ lễ tết theo lịch thông thường mà “làm cho nước nào, nghỉ theo nước đó”. ■

Nên có hướng dẫn đóng thuế

Người làm việc từ xa có thể làm cố định cho một công ty hoặc làm tự do bằng cách nhận các dự án ngắn hạn từ nhiều công ty khác nhau. Họ có thể được trả lương theo gói hoặc theo giờ qua cổng thanh toán trực tuyến quốc tế PayPal. Họ cạnh tranh với các lập trình viên giá rẻ từ Ấn Độ, Trung Quốc bằng chất lượng công việc và ngay cả lúc ngồi không cũng không chấp nhận mức giá thấp hơn để “giữ giá”.

Các remote worker nói hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định đóng thuế cho lập trình viên online làm tự do. “Nhưng đã có nhiều anh chị nhận giấy báo phạt từ cục thuế. Tôi mặc dù danh sách không có tên nhưng cũng tự giác đi khai báo và đóng thuế, tránh bị phạt. Chúng tôi vẫn chờ có hướng dẫn cụ thể cho ngành nghề này” - anh Lê Kiến Trúc nói.

Chọn TP.HCM làm việc từ xa vì chi phí thấp

Buổi sáng đầu tuần, Lindsey (người Anh) ngồi cặm cụi thiết kế đồ họa bên chiếc bảng vẽ điện tử tại không gian làm việc chung Dreamplex (Q.1, TP.HCM). Các sản phẩm mà cô thực hiện đều được “trả hàng” cho công ty tại London, nhờ Internet mà cô không phải đến trụ sở công ty. Mọi công việc của cô đều trao đổi thông qua thư tín điện tử, ngay cả lương bổng của cô cũng nhận qua tài khoản quốc tế. Bỏ ra 2 triệu đồng/tháng, Lindsey thuê một chỗ ngồi tại không gian trên và xem như văn phòng làm việc của mình.

Lindsey bắt đầu làm việc trong ngành thiết kế đồ họa từ năm 2013, trước khi đến VN cô đã có thời gian dài làm việc ở Anh, sau đó là Ấn Độ. Khi đến VN, Lindsey nhận ra rằng mọi chi phí ở TP.HCM đều quá rẻ so với mức sống ở London trong khi công việc và thu nhập vẫn như cũ. Chỉ tay vào chiếc váy hoa đang mặc, Lindsey kể rằng thân hình cô khá nhỏ so với người Anh nên cô rất khó chọn một bộ quần áo vừa dáng trong khi giá cả lại cực kỳ đắt đỏ. Còn ở VN, Lindsey có thể đến tiệm may một bộ đồ vừa vặn nhưng giá lại rẻ hơn bội phần.

Còn với thức ăn, một bữa tối ở TP.HCM khoảng 50.000 đồng thì ở Anh cô phải trả số tiền gấp 10 lần. “Tôi thấy dễ thở hơn khi sống ở đây nhưng vẫn làm các dự án ở Anh” - cô nói. Không chỉ Lindesey, nhiều nhân sự trẻ nước ngoài hiện đang sống tại TP.HCM cũng chọn cách “ở trọ” tại đây nhưng lại làm việc từ xa cho các công ty tại châu Âu, châu Mỹ.

NGỌC HIỂN - BÌNH MINH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận