Chương trình phổ thông mới, môn lịch sử và tranh cãi trật chìa!

XÊ NHO 02/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Nhiều người khi đọc về chương trình mới, chưa kịp nghĩ sâu hơn đã bị cuốn vào chuyện môn sử.

 
 

 Facebook, ở một khía cạnh, là một mạng xã hội độc hại vì kích thích sự lan truyền các nội dung gây giận dữ, bất bình bất kể đúng sai. Có thể lấy chuyện môn sử ở chương trình phổ thông trung học mới để minh họa.

Không biết từ đâu xuất hiện một status bày tỏ sự phẫn nộ trước chuyện ngành giáo dục sẽ bỏ môn sử trong chương trình mới. Vì nội dung quá ư gây bất bình nên status này được chia sẻ rộng rãi và lan nhanh như một đám cháy trên mạng xã hội. Dĩ nhiên sau đó có các ý kiến nói lại cho chính xác như không ai bỏ môn lịch sử cả, nó chỉ trở thành một trong nhiều môn lựa chọn... nhưng đã muộn; cái xu hướng lan truyền (được gọi là “trend”) vẫn là môn sử có nguy cơ biến mất ở trường trung học phổ thông - một điều khó lòng chấp nhận với nhiều người trên Facebook.

Tại sao nói Facebook trong trường hợp này là rất độc hại? Đó là bởi sự lan rộng cái cảm xúc phẫn nộ “trật chỗ” này đã lan qua báo chí chính thống, suốt cả tuần chỉ nói đến vì sao môn sử trở thành môn “tự chọn” (nhiều nhà báo cũng không thèm đọc văn bản để dùng từ chính xác hơn là môn “lựa chọn”), dẫn tới việc Bộ Giáo dục phải ra thông cáo báo chí riêng về môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nó độc hại vì đã lấn lướt, không còn chỗ cho những vấn đề khác quan trọng không kém liên quan đến việc triển khai chương trình mới. Nó làm chìm lấp những suy nghĩ của nhiều người khi đọc về chương trình mới, chưa kịp nghĩ sâu hơn đã bị cuốn vào chuyện môn sử. Chúng ta thử cùng nhau liệt kê một số vấn đề xem nó có quan trọng bằng chuyện môn sử hay không.

Cứ cho là chuyện môn sử nên bàn là môn bắt buộc hay môn lựa chọn. Câu hỏi này, băn khoăn này cũng đúng với các môn lựa chọn còn lại, gồm địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật; vật lý, hóa học, sinh học; công nghệ, tin học, nghệ thuật. Tại sao không dành chỗ cho thắc mắc khác, ví dụ: Vì sao học sinh có thể bỏ, không học môn địa hay môn sinh trong suốt ba năm phổ thông trung học?

Nếu tôi có con năm học tới sẽ vào lớp 10, tôi sẽ thắc mắc vì sao đến giờ chưa thấy tài liệu hướng dẫn chọn môn cho học sinh. Ít nhất cũng phải cung cấp cho học sinh một tài liệu ngắn gọn giới thiệu các môn lựa chọn: nó là gì, nó sẽ đem lại những gì cho học sinh khi chọn học, nó hay ở chỗ nào.

Ví dụ, một môn rất mới là giáo dục kinh tế và pháp luật sẽ dạy gì cho học sinh, vì sao ghép kinh tế với pháp luật, vì sao học sinh nên chọn môn này, nó có giúp gì cho các em trong việc quản lý tài chính cá nhân? Ở nước ngoài, học sinh học môn kinh tế sẽ được học về chi phí cơ hội, về tổng cung tổng cầu, về lãi đơn lãi kép... rất hữu ích cho cuộc sống thực tế của các em. Môn kinh tế - pháp luật có làm được việc này không?

Nếu tôi là học sinh lớp 9 đứng trước nhiều lựa chọn khi vào lớp 10 trong năm học tới, tôi sẽ thắc mắc vì sao môn nghệ thuật không được đưa vào nhóm khoa học xã hội, rồi môn nghệ thuật học gì và có phải là một cách gọi chung hai môn âm nhạc và mỹ thuật như trong chương trình công bố năm 2018? Nếu đúng, sao không tách chúng ra mà ghép lại như thế? 

Còn môn công nghệ nữa: bản chất của môn này là gì, có gì trùng lắp với môn vật lý hay tin học bởi học sinh cũng sẽ được học về phần mềm CAD? Trong chương trình môn học, môn công nghệ được phân ra làm hai ở cấp phổ thông trung học gồm định hướng công nghiệp sẽ học những nội dung hoàn toàn khác với định hướng nông nghiệp. Vì sao cho đến bây giờ chưa nghe nói gì về chuyện hướng dẫn như thế nào cho học sinh để chọn môn cho đúng đắn?

Nhìn ở góc độ khác, một tranh luận đi vào thực chất hơn là: trong 7 môn và hoạt động bắt buộc, vì sao lại có môn giáo dục quốc phòng và an ninh cũng như nội dung giáo dục của địa phương; sao không tích hợp các nội dung này vào môn giáo dục thể chất hay môn địa lý? Tại sao không thay bằng môn sử để khỏi rơi vào tranh cãi?

Nhìn rộng ra, việc triển khai chương trình mới sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề khó giải, cần sự thảo luận rộng rãi, nghiêm túc như làm sao đủ phòng học để xây dựng phòng bộ môn, đến giờ học môn nào học sinh tự di chuyển đến phòng bộ môn đó. Liệu học sinh chọn môn khi vào lớp 10, sau một năm thấy mình chọn sai, em có thể chọn lại khi lên lớp 11? Liệu đến năm lớp 12, em được quyền chọn môn cho phù hợp với nguyện vọng vào đại học của em? Trong trường hợp đó, một em không chọn môn sinh học ở lớp 10 và lớp 11, làm sao chọn lại môn này khi lên lớp 12?

Mạng xã hội và sự ồn ào của cái gọi là dư luận trên mạng đã làm chìm lấp biết bao câu chuyện quan trọng hay không kém phần quan trọng khác. Châu Âu vừa mới ra luật để hạn chế bớt sự độc hại của mạng xã hội. Biết bao giờ chúng ta mới nhận ra sự độc hại này, để ít nhất dành chút thời giờ cho hàng loạt vấn đề không phải là “trend” trên mạng xã hội?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận