Chuông nguyện hồn… tiểu thuyết?

NGUYỄN KHẮC NGÂN VI 15/08/2022 06:19 GMT+7

TTCT - Tiểu thuyết có còn đất sống trong thời đại TikTok, YouTube, Youku Tudou và Douyin? Một góc nhìn từ nền văn hóa đọc của Trung Quốc.

Khi Kundera - trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết - viết rằng “tiểu thuyết là công trình của châu Âu”, ông dường như đã quên (hoặc không biết) đến sự tồn tại của tiểu thuyết gia Ngu Sơ thời Tây Hán hay bộ tiểu thuyết đồ sộ Truyện kể Genji của Nhật Bản, được viết vào thế kỷ 10. Châu Âu mà Kundera nói tới chỉ cái bản sắc tinh thần mở rộng ra cả ngoài châu Âu địa lý (đến tận châu Mỹ chẳng hạn) và sinh ra cùng nền triết học cổ Hy Lạp, mà ta vẫn gọi là “dĩ Âu vi trung”.

Ở vế sau ông nói, "những khám phá của nó, dầu được thực hiện trong những ngôn ngữ khác nhau, là thuộc về châu Âu toàn vẹn" thì hợp lý hơn. Người ta vẫn ngầm hiểu tiểu thuyết châu Âu xuất hiện từ thế kỷ 16, cột mốc là Don Quixote của Miguel de Cervantes, nhưng thành tựu nổi bật xuất hiện vào thế kỷ 19, rồi lan rộng đến các khu vực khác trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Chuông nguyện hồn… tiểu thuyết? - Ảnh 1.

Hội chợ sách Hong Kong năm 2021 thu hút 1 triệu lượt khách ghé thăm, gồm rất nhiều người trẻ. Ảnh: scmp.com

Vị thế của tiểu thuyết

Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc vốn phong phú về thể loại: truyền kỳ, thoại bản, văn nhân, lịch sử, võ hiệp, công án..., nhưng đến trước thời Thanh mạt, tiểu thuyết chỉ có địa vị thấp kém và không chính thống. 

Người Trung Quốc trước đó luôn cho rằng tiểu thuyết là thứ "nhai đàm hạng nghị" (tức những chuyện nghị đàm ở đầu đường xó chợ). Trí thức phải đọc thơ ca, chính sử, triết học.

Từ khi Lâm Thư dịch cuốn Trà Hoa Nữ của Alexander Dumas con, người ta mới nhìn nhận khác về tiểu thuyết nói riêng và văn học phương Tây nói chung. Lương Khải Siêu, Tô Mạn Thù, Ngũ Quang Kiến... cũng tham gia dịch văn chương thế giới, thơ ca lãng mạn. 

Tuy nhiên, vì văn chương vẫn được dịch và viết theo lối văn ngôn, nên đại đa số quần chúng vẫn chưa tiếp cận được nhiều.

Đám trí thức mới Hồ Thích, Trần Độc Tú, Chu Tác Nhân... liền đề xướng văn học bạch thoại. Chính văn học bạch thoại đã thay đổi cả xã hội Trung Quốc, xóa bỏ thế cục bộ của chữ nghĩa vốn xưa giờ là đặc quyền của tầng lớp trên cùng. 

Thế kỷ 19, cùng chiến tranh bành trướng thuộc địa, các nền văn hóa va đập, trí thức Trung Quốc đông tây du kết hợp, cột mốc là phong trào Ngũ Tứ, kéo theo sự thay da đổi thịt của văn học nước này.

Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng lớn từ đại văn hào Nga Gogol, đã viết truyện ngắn Nhật ký người điên, sinh ra thể loại tiểu thuyết mới ở Trung Quốc. Nội ứng ngoại hợp, Trung Quốc đã làm một cuộc cách tân văn học. Nói như Lương Khải Siêu, bọn họ đã đưa tiểu thuyết về đúng bản chất của nó, là thể loại cao nhất của văn học.

Xem - đọc giao tranh

Arnold Hauser, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật học người Hungary gốc Đức, trong cuốn Lịch sử xã hội của nghệ thuật, đã gọi thời đại sau Thế chiến II là thời đại của phim ảnh. Ngành công nghiệp không khói này đã, đang và sẽ thống lĩnh văn hóa đại chúng. 

Nhà phê bình điện ảnh người Mỹ Pauline Kael thì nhận định: "Từ James Joyce trở đi, gần như không có một nhà văn nào không chịu sự ảnh hưởng của điện ảnh".

Trong tác phẩm thời kỳ đầu của mình, triết gia Pháp Jean-Francois Lyotard đã phân biệt một cách có hệ thống những thứ thuộc về lời nói và những thứ thuộc về hình ảnh. 

Ông cho rằng những thứ thuộc về lời nói tương đương với tầng cấp hai trong lý luận Freud, tức "tự ngã hành sự" theo nguyên tắc hiện thực. Còn những thứ thuộc về hình ảnh tương đương với tầng đầu tiên trong lý luận Freud, tức "bản ngã hành sự" theo nguyên tắc khoái lạc.

Mỗi loại hình nghệ thuật có thế mạnh của nó. Thời gian tiêu thụ là lợi thế của điện ảnh, nhưng điện ảnh chưa bao giờ thoát ra khỏi ảnh hưởng của văn chương. Có thể nói rằng hai loại hình nghệ thuật này có quan hệ gắn bó hơn tất cả những loại hình nghệ thuật khác. Tiểu thuyết tồn tại từ rất lâu luôn là một kho tàng vĩ đại về đề tài cho điện ảnh sinh sau đẻ muộn khai thác.

Từ một góc nhìn khác, nhà nghiên cứu văn học người Anh thế kỷ 19 Matthew Arnold đánh giá khi tôn giáo suy đồi thì văn chương là thứ khả dĩ thay thế. Tầng lớp trung lưu là tầng lớp đọc tiểu thuyết chủ yếu, song cũng chính tầng lớp ấy lại rất dễ bị vật chất chi phối, bị chủ nghĩa tiêu thụ thao túng. 

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, văn học vẫn tạo ra được những làn sóng với những tên tuổi đủ sức làm kim chỉ nam đạo đức thay thế cho vật chất. Vì thế, con đường của tiểu thuyết vẫn thênh thang.

Còn giờ đây, tiểu thuyết đang phải đối mặt cùng lúc hai vấn đề kể trên - sự bùng nổ của văn hóa nghe nhìn và sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu thụ. Người ta gọi đây là thời đại của "content" (nội dung). Đã qua rồi giai đoạn nội dung đáp ứng nhu cầu, giờ đây bằng "content", người ta tạo ra những nhu cầu và thói quen tiêu thụ mới.

"Tầng lớp trung lưu" của Arnold giờ ngồi lướt nội dung trên ứng dụng điện thoại. Sự cộng hưởng, tương tác qua lại của cung - cầu trong thế giới đó đã sản sinh ra lượng nội dung khổng lồ, thỏa mãn về thị giác, ngắn gọn, để người dùng còn kịp tiêu thụ nội dung khác.

Mới hôm nào người xem còn sung sướng với những thước phim đồng quê đẹp như mơ trong clip nấu ăn của Lý Tử Thất, thì giờ thời lượng ấy đã là quá dài. Douyin và TikTok kéo toàn cầu chạy theo những thước phim dài không quá hai phút song vẫn chuyển tải được nội dung.

Tại các đô thị lớn ở Trung Quốc, cuộc sống chật vật, vô số người trẻ từ bỏ công việc truyền thống để trở thành TikToker. Trong đợt dịch Covid đầu tiên, số lượng diễn viên thất nghiệp ở Trung Quốc tăng chưa từng có. 

Dù đất chật người đông, nhưng sinh viên tốt nghiệp diễn xuất ở các trường điện ảnh Trung Quốc trong điều kiện bình thường vẫn tìm được môi trường làm nghề, duy trì cuộc sống lẫn đam mê. Một lượng "content" khổng lồ sinh ra trong mùa dịch, số lượng người trực tuyến, tỉ lệ tương tác lẫn giữ chân đều tăng. 

Năm 2020, doanh thu của Douyin ở Trung Quốc là 236,6 tỉ nhân dân tệ (khoảng 35 tỉ đôla). TikTok thì đang là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu vào tháng 5-2020.

Vậy thì tiểu thuyết sống ra sao, ở một thời đại mà những nội dung vài phút đã bị coi là quá dài?

Tiểu thuyết trong thời đại tiêu thụ

Tất nhiên, người đọc tiểu thuyết, ngoài đọc nội dung, còn tìm thấy vẻ đẹp ở ngôn từ, tư tưởng, tình cảm gửi gắm trong đó. Nói như Kundera, tiểu thuyết là không gian hội tụ nhiều thể loại khác nhau, trở thành sự tích hợp cao nhất giữa tinh thần và trí tuệ con người. 

Tiểu thuyết bắt người đọc phải có trải nghiệm khác với các cách đọc khác. Có lẽ vì thế mà ở phương Tây, tiểu thuyết vẫn có vị thế nhất định. Các giải thưởng văn chương vẫn tồn tại và được ngưỡng vọng.

Người ta thích xem, không có nghĩa người ta bỏ quên sự đọc. Lúc đang học thạc sĩ văn chương ở Đại học Phục Đán, tôi đã vô cùng kinh ngạc vì đời sống của tiểu thuyết tại đất nước tỉ dân. 

Trong môi trường học thuật, việc đọc tiểu thuyết kinh điển của thế giới và Trung Quốc là bắt buộc. Trường còn mời nữ nhà văn đương đại hàng đầu Trung Quốc Vương An Ức về đứng bộ môn sáng tác (MFA).

Nhưng bên ngoài giảng đường đại học, xã hội Trung Quốc vẫn đang cố gắng cân bằng được hàn lâm và thương mại. Văn chương cao cấp của Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa, Dư Hoa... vẫn có vị thế riêng, không chỉ trong nước. 

Như Diêm Liên Khoa ngoài viết lách còn là giáo sư giảng dạy cho các đại học ở Hong Kong và Bắc Kinh. Sinh viên vẫn đều đặn làm luận án nghiên cứu về tác phẩm của những tác giả này. 

Đồng thời, tiểu thuyết best-seller xuyên không, ngôn tình, tiên hiệp... vẫn được sinh viên trẻ yêu thích cuồng nhiệt. Nhiều nhà văn xuất thân từ Đại học Phục Đán cũng không đi theo hướng truyền thống mà có những thử nghiệm táo bạo, Vệ Tuệ là một điển hình.

Trung Quốc là một siêu cường đang lên đủ để lột tả đầy đủ và chính xác "chủ nghĩa tiêu thụ", nhưng sự "tiêu thụ" đấy cũng bao gồm cả văn học và tiểu thuyết. 

Thống kê năm 2020 cho thấy quy mô thị trường văn học trực tuyến Trung Quốc lên tới gần 25 tỉ tệ (3,7 tỉ USD), số lượng người đọc văn học trực tuyến là 460 triệu, trong đó đọc hằng ngày khoảng 7,5 triệu. 

Cũng năm 2020, tổng cộng hơn 29 triệu tác phẩm văn học trực tuyến ra đời, với tổng số tác giả đã vượt mốc 21 triệu người. Ăn theo là một thị trường khổng lồ khác: số bản chuyển thể văn học trực tuyến của Trung Quốc năm 2020 là 8.059, bao gồm thành phim điện ảnh và truyền hình, hoạt hình, trò chơi điện tử, ấn phẩm giấy, và đủ các thể loại khác.

Trông người lại nghĩ đến ta. Việt Nam là một quốc gia có nền văn chương chịu ảnh hưởng của cả Tây lẫn Tàu, song đời sống của tiểu thuyết càng ngày càng èo uột. 

Sau cuộc cách tân dân trí, tiểu thuyết Việt Nam từng có một thời gian dài rực rỡ. Những năm 1990, nhà văn nổi tiếng có sức ảnh hưởng không kém minh tinh hay ca sĩ ngôi sao. Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài, rồi sau một chút là Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái, hay Nguyễn Ngọc Tư... đều đã là những ngôi sao thực thụ.

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, diễn đàn tiểu thuyết im ắng, những cuốn sách được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường hầu hết là tản văn dễ đọc dễ quên. Theo thông tin từ một số nhà xuất bản, hiện một cuốn tiểu thuyết quốc nội chỉ cần bán được khoảng 5.000 bản đã thuộc hàng best-seller. 

Phần lớn tiểu thuyết Việt Nam thời này trung bình chỉ in khoảng 1.000 - 2.000 cuốn. Với gần 100 triệu dân, doanh thu ngành xuất bản năm 2021 chỉ khoảng 3.000 tỉ đồng (130 triệu USD), tính ra trung bình 50.000 đến 100.000 người mới có 1 người đọc tiểu thuyết. 

Hóa ra, lý luận văn học sinh ra ở phương Tây, TikTok phát minh ở Trung Quốc, nhưng lại ứng dụng rất vừa vặn cho thị trường Việt Nam. ■

Làn sóng tiêu thụ content ngắn hạn đặt ra thách thức cho cả người viết lẫn người đọc, thậm chí cả người xem, song nếu hiểu rõ sức mạnh mềm của tiểu thuyết thì chúng ta sẽ bình tĩnh để sự hưởng thụ văn hóa đi được cùng với thời đại, thay vì bị thời đại bỏ lại sau lưng.

Tôi vẫn nhớ năm đầu tiên ở Trung Quốc, ngay vừa nhập học, bạn bè trong trường, đều ở tuổi tầm hai mươi, đã chụm đầu bàn tán xôn xao về bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết tiên hiệp rất ăn khách bấy giờ là Hương mật tựa khói sương. Phim ấy rồi cũng làm mưa làm gió ở Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận