Chưa có công cụ kiểm soát, không nên giao thêm quyền

NGUYỄN VÂN NAM 02/04/2018 21:04 GMT+7

TTCT - Cơ quan thuế cần có quyền tự điều tra các hành vi vi phạm luật thuế nhưng không phải để giảm thất thu thuế cho Nhà nước, mà là để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa những người có nghĩa vụ nộp thuế.

Minh họa: SaTế
Minh họa: SaTế

 

 Nói cách khác, quyền tự điều tra của cơ quan thuế phải được kiểm soát chặt chẽ nhất bởi một hệ thống đầy đủ các điều luật và sự phối hợp với các cơ quan khác, sao cho khả năng lạm dụng nó làm tổn thương các quyền công dân hiến định là thấp nhất.

Những điều luật như vậy phải điều chỉnh, kiểm soát hữu hiệu: 1) Những trường hợp cơ quan thuế được phép điều tra; 2) Nhiệm vụ, quyền hạn bộ phận điều tra của cơ quan thuế trong tương quan với nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, viện KSND, công an; và 3) Quyền của người bị điều tra.

Hoạt động điều tra của cơ quan thuế phải luôn được đặt trong sự phối hợp và kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan khác như viện công tố (ở ta là viện KSND), công an, đặc biệt là tòa án. Xem phim Mỹ thấy cơ quan điều tra thuế xông thẳng vào lục soát doanh nghiệp. Nhưng để có thể làm thế, cơ quan điều tra thuế của Mỹ phải thông báo trước cho viện công tố, đồng thời phải có lệnh cho phép lục soát của một tòa án đúng thẩm quyền.

Những trường hợp cơ quan thuế được phép điều tra

Cơ quan thuế chỉ được phép tự điều tra (độc lập điều tra) những trường hợp cụ thể đã được luật pháp xác định: (1) Vi phạm pháp luật thuế, mà hậu quả là truy thu thuế hoặc phạt hành chính; và (2) Vi phạm pháp luật thuế có tính chất hình sự. Và được phép bắt đầu điều tra khi người nộp thuế đã nộp báo cáo thuế.

Về (1): Hiện cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn toàn có quyền yêu cầu người nộp thuế phải cung cấp toàn bộ tài liệu, bằng chứng chứng minh sự đúng đắn và chính xác của báo cáo thuế.

Nếu Tổng cục Thuế cho rằng quyền điều tra là: “Cụ thể, thẩm quyền của cơ quan thuế là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế... Cơ quan này cũng được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, chứng từ để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế” thì cơ quan thuế cũng không cần phải có thêm quyền điều tra nữa.

Về (2): Quả thực cơ quan thuế cần được quyền độc lập và chủ động điều tra vi phạm pháp luật thuế mang tính chất hình sự như lậu thuế, trốn thuế, lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi với quy mô lớn...

Nhưng để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền điều tra này, cần phải có luật định (không phải nghị định, thông tư) xác định rõ: thế nào là hành vi vi phạm pháp luật thuế có tính chất hình sự (yếu tố cấu thành hành vi); thẩm quyền quyết định điều tra và những điều kiện, dấu hiệu nghi ngờ ban đầu cho phép cơ quan thuế tiến hành điều tra.

Về thẩm quyền, pháp luật cần bổ sung luật định cụ thể cho trường hợp nào cơ quan thuế được quyền tự quyết định tiến hành hay không tiến hành điều tra, và cho trường hợp bắt buộc phải điều tra hoặc không được điều tra. Để có thể quyết định đúng đắn, cơ quan thuế phải tuân thủ nguyên tắc hiến định cho mọi quyết định của cơ quan quản lý nhà nước là nguyên tắc thỏa đáng.

Các hoạt động điều tra phải được lựa chọn trong sự chú ý đến hoàn cảnh của từng người bị điều tra, sao cho chúng ảnh hưởng thấp nhất đến các quyền hiến định của người nộp thuế. Việt Nam hiện chưa có nguyên tắc hiến định này.

Để đánh giá các dấu hiệu, bằng chứng nghi ngờ, pháp luật cần bổ sung nguyên tắc là phải giả định những chứng từ, bằng chứng do người nộp thuế đưa ra là đúng đắn và chính xác cho đến khi cơ quan thuế có những dấu hiệu chứng minh sự nghi ngờ của mình.

Ngoài ra, người bị điều tra bất cứ lúc nào cũng có quyền yêu cầu tòa án ra lệnh cơ quan thuế chấm dứt hoặc tạm ngừng điều tra. Hiện ta chưa có đầy đủ những quy định này nên việc lạm dụng quyền điều tra, biến một vi phạm hành chính thành nghi ngờ vi phạm mang tính hình sự rất dễ dàng. Điều đó đủ mở thêm cơ hội cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây sức ép buộc người nộp thuế phải hối lộ.

Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của cơ quan thuế, tòa án, viện kiểm sát, công an

Quá trình điều tra hành vi vi phạm pháp luật thuế mang tính hình sự đòi hỏi sự phối hợp và giám sát của nhiều cơ quan khác nhau. Trong một Nhà nước pháp quyền, chỉ tòa án mới có quyền trừng phạt các hành vi hình sự, chỉ viện công tố mới có quyền khởi tố bị can.

Nghĩa là cơ quan thuế chỉ có nhiệm vụ, quyền điều tra hành vi vi phạm pháp luật thuế mang tính hình sự, chứ không có quyền ban hành lệnh phạt hình sự. Kết thúc điều tra, cơ quan thuế đề nghị tòa án ban hành lệnh này. Viện công tố phải ủy quyền cho cơ quan thuế quyền khởi tố điều tra (nếu quyền điều tra là của công an, thì cơ quan này phải ủy quyền cho cơ quan thuế thực hiện).

Như thế, phải có hàng loạt luật định về việc ủy quyền này, đặc biệt là quyền hạn của viện công tố trong khi cơ quan thuế đang tiến hành điều tra và quyền tiếp thu vụ việc vào bất cứ lúc nào của viện công tố (rút lại ủy quyền trong từng trường hợp). Ta cũng chưa có những quy định này.

Để đạt được mục đích điều tra, cơ quan thuế phải có quyền sử dụng mọi hình thức, biện pháp bảo đảm điều tra như của cơ quan công an theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Nhưng do tính chất đặc biệt có thể cùng một lúc ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quyền công dân cơ bản, đặc biệt là quyền nhân thân, danh dự và uy tín của người bị điều tra, các biện pháp như thu giữ chứng cứ, lục soát, khám người, tạm giữ người của cơ quan thuế chỉ được phép tiến hành khi hội đủ các điều kiện nghiêm ngặt hơn, đặc biệt phải có quyết định cho phép của tòa án.

Những trường hợp cấp bách không cần sự cho phép của tòa án là ngoại lệ và cũng cần được luật định rõ ràng. Hiện ta chưa có những quy định như vậy.

Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng: “Điều tra thuế mang tính chất điều tra hành chính, chứ hoàn toàn không nhằm mục tiêu để khởi tố; cơ quan điều tra thuế hoàn toàn không bắt người, mà sẽ phối hợp với điều tra hình sự khi cần thiết” càng gây khó khăn khi cần phải xây dựng điều luật phân định hết sức rõ ràng nhiệm vụ và thẩm quyền điều tra của cơ quan thuế.

Sự mù mờ khái niệm, nhiệm vụ, quyền hạn là một trong những nguyên nhân chính gây sự chồng chéo “nổi tiếng” của một số cơ quan công quyền. Hậu quả là hiện tượng “cha chung không ai khóc” và mở rộng khả năng can thiệp “ngoài luồng” của rất nhiều người vào quá trình điều tra, kết quả điều tra của cơ quan thuế.

Quyền của người bị điều tra

Do mục đích cao nhất của điều tra vi phạm pháp luật thuế mang tính hình sự là bảo đảm sự bình đẳng, công bằng cho những người nộp thuế và do sự điều tra này tác động trực tiếp rất nhạy cảm đến danh dự, uy tín của người bị điều tra, nên người bị điều tra phải được bảo đảm có đầy đủ mọi quyền tự bảo vệ, ít nhất là những quyền sau:

1. Quyền được thông tin đầy đủ, chính xác về hiện trạng quá trình điều tra của cơ quan thuế ở bất cứ thời điểm nào của quá trình điều tra. Người bị điều tra có quyền biết rõ chi tiết và đầy đủ hồ sơ của cơ quan điều tra thuế (nếu cơ quan thuế không đáp ứng thì có thể bị khởi kiện tại tòa buộc phải đáp ứng), chứ không phải chỉ biết những tài liệu cơ quan thuế cho phép được biết.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính chất bí mật cần thiết cho quá trình điều tra liên quan đến các đối tượng khác, các nước phát triển chỉ giao toàn bộ hồ sơ điều tra thuế cho luật sư của người bị điều tra.

2. Quyền được trình bày ý kiến bảo vệ trước cơ quan thuế: quyền này mang tính chất đặc thù đối với quá trình điều tra của cục thuế, và đóng vai trò quan trọng cho tính hợp pháp của quyết định về kết luận điều tra.

Trước khi kết luận điều tra, cơ quan thuế phải mời người bị điều tra đến trình bày ý kiến bảo vệ quyền lợi của mình. Quyết định kết luận điều tra sẽ vô hiệu nếu trước đó cơ quan thuế không mời, không tạo điều kiện cho người bị điều tra trình bày ý kiến.

3. Quyền được giữ bí mật: toàn bộ thông tin liên quan đến cá nhân người bị điều tra do người này cung cấp, hoặc do cơ quan thuế có được trong quá trình điều tra đều không được phép tiết lộ nếu không có sự đồng ý của người bị điều tra.

4. Quyền được khiếu nại, khởi kiện hành chính: người bị điều tra phải được bảo đảm có quyền khiếu nại yêu cầu thay đổi, sửa đổi kết quả, kết luận điều tra; quyền khiếu nại, khởi kiện yêu cầu tòa án ra lệnh chấm dứt hoặc ngừng điều tra vào bất cứ giai đoạn nào của quá trình điều tra.

5. Quyền khởi kiện để bảo vệ quyền công dân cơ bản: Bên cạnh quyền khởi kiện tại tòa hành chính yêu cầu tòa án kiểm tra và ra quyết định về tính hợp pháp và sự đúng đắn của một hoạt động quản lý (điều tra của cơ quan thuế), của kết luận điều tra, người bị điều tra còn phải được bảo đảm quyền yêu cầu một tòa án có thẩm quyền cao nhất kiểm tra và quyết định về việc quá trình điều tra, kết luận điều tra của cơ quan thuế có xâm phạm, ảnh hưởng một cách quá đáng một trong những quyền công dân, quyền con người hiến định của người bị điều tra hay không.

Chỉ Tòa án hiến pháp (Tòa bảo hiến) mới có thẩm quyền này. Không có Tòa bảo hiến thì không thể xác định được việc điều tra thuế có xâm phạm các quyền cơ bản hay không, đồng nghĩa với việc hoạt động điều tra của cơ quan thuế không có tính chính danh. Một khi hoạt động điều tra không chính danh, rất khó được các cơ quan điều tra thuế quốc tế chấp nhận hợp tác.■

Chúng ta còn thiếu hàng loạt nguyên tắc, điều kiện luật định để kiểm soát, giới hạn hoạt động điều tra hành vi vi phạm pháp luật thuế của cơ quan thuế. Trước khi chưa sửa đổi, bổ sung hàng loạt bộ luật để có đầy đủ những nguyên tắc, điều kiện đó, đặc biệt là khi chưa có Tòa bảo hiến mà vẫn cho phép cơ quan thuế điều tra như đề nghị của Bộ Tài chính, có thể sẽ trở thành công cụ đắc lực để gây sức ép buộc người nộp thuế phải hối lộ. Có khi số tiền Nhà nước thu hồi được do điều tra đúng còn thấp hơn so với số tiền chảy vào túi cán bộ tham nhũng. Quyền lực của cơ quan thuế, của cán bộ thuế hiện nay đã quá lớn để có thể thu thuế luôn đạt chỉ tiêu rồi!

Trong dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề nghị: khi phát hiện người nộp thuế (NNT) có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định. Thẩm quyền điều tra là được khám xét không báo trước cho NNT và được hỏi xét, lấy lời khai của NNT và đối tượng liên quan. NNT được sử dụng luật sư hoặc người đại diện trong quá trình điều tra. Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đồng thời răn đe, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của một số tổ chức, cá nhân. Bộ Tài chính cho rằng nhiều nước đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Một số nước tổ chức lực lượng cảnh sát thuế, tòa án thuế như Mỹ, Nga...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận