06/08/2022 14:08 GMT+7

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính

LÊ TRUNG - TẤN LỰC
LÊ TRUNG - TẤN LỰC

TTO - Chiều 6-8, tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức Hội thảo 'Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia'. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự.

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội thảo - Ảnh: TẤN LỰC

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sâm, các chuyên gia về phát triển thương hiệu, đại diện nhiều bộ ngành như nông nghiệp, công thương, du lịch... và các doanh nghiệp đồng hành như Công ty TNHH Triết Minh, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Công ty cổ phần Capella Group.

Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá toàn diện về cơ chế, chính sách và thực trạng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay, tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, tạo động lực hiện thực hóa "Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam" với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, nâng cao giá trị của sâm Ngọc Linh, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý đã đưa ra thông tin chi tiết về Đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Đồng thời, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sâm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra giải pháp bảo vệ, nuôi trồng sâm Ngọc Linh hiệu quả, đồng thời đa dạng hóa công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh, các bí quyết để xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển du lịch nhờ sâm Ngọc Linh.

Các doanh nghiệp về sâm cũng trao đổi kinh nghiệm về quy trình trồng, sản xuất sâm đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, bao bì đóng gói, nhãn mác, thương hiệu uy tín, quản lý theo quy chuẩn trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cùng ông Lê Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - đã ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ, vận động thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Việt Nam dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành.

"Sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính"

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 2.

Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ vận động thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Việt Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Dự hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết vài năm trước, khi đang là Thủ tướng tham gia một hội thảo sâm Ngọc Linh, ông đã nói sâm Ngọc Linh là quốc bảo, nhưng không chỉ là quốc bảo mà còn đi liền với quốc kế dân sinh. Ý rằng sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính mà phải được chế biến, sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, an sinh xã hội và đóng góp thực sự xây dựng thương hiệu quốc gia. 

Ông đánh giá cao hai tỉnh và báo Tuổi Trẻ đã tổ chức hội thảo, đây là việc làm có ý nghĩa để thực hiện quốc kế dân sinh cho người dân.

Chủ tịch nước nói rằng Kon Tum và Quảng Nam đã làm được nhiều việc để giữ gìn, phát triển sâm Ngọc Linh. "Hôm nay chúng ta không chỉ nói về cơ chế chính sách tạo động lực phát triển sâm Ngọc Linh mà còn nhắc nhở tìm tòi những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển cây quốc kế dân sinh này, đem lại hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng, cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và cả Trung Quốc, các nước trên cũng có một sản lượng sâm rất lớn và họ đã chế biến sản xuất ra hàng trăm sản phẩm từ sâm", ông nói.

Chủ tịch nước cũng kể rằng trước đây sâm Ngọc Linh ít, bây giờ chúng ta đã có những phiên chợ sâm Ngọc Linh với sản lượng lớn. "Muốn làm quốc kế dân sinh thì phải có sản lượng lớn chứ không phải nhỏ giọt được, việc này đang được Quảng Nam, Kon Tum quan tâm. Tuy nhiên so với các nước, quy mô về sản lượng sâm của chúng ta còn khiêm tốn, chất lượng cần cải thiện hơn, thị trường giá cả còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết" - ông nói.

Những vấn đề lớn đặt ra hiện nay của sâm Ngọc Linh là thay đổi thời tiết, khí hậu làm sâm chết, sâm giả Ngọc Linh, khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế, nhất là bảo tồn nguồn giống.

Việc bảo tồn, phát triển sâm của chính quyền, người dân, doanh nghiệp thời gian qua mới chỉ là bước đầu, chưa phải một thương hiệu quốc gia hùng mạnh, mang ích nước lợi dân. Sâm Ngọc Linh ngoài những giá trị về sức khỏe còn ẩn giấu những tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội khẳng định niềm tự hào dân tộc.

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 3.

Những củ sâm Ngọc Linh tươi trên 10 năm tuổi trồng tự nhiên được giới thiệu tại triển lãm sâm sáng 6-8 - Ảnh: TẤN LỰC

Chủ tịch nước cho rằng với tiềm năng, sản phẩm và giá trị sâm Ngọc Linh rất lớn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp sâm và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam với mục tiêu tỉ đôla. Vì vậy còn rất nhiều việc đòi hỏi chúng ta phải làm nghiêm túc, bài bản, không chỉ Kon Tum, Quảng Nam mà còn nhiều nỗ lực, tâm huyết trong triển khai chiến lược, có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ, bộ ngành.

Ông cũng yêu cầu một số việc như vừa bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, ưu tiên chất lượng; các nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu cần học hỏi cách làm của Hàn Quốc, đại chúng hóa sản phẩm, đưa phân khúc từ thấp tới cao, hướng ra toàn cầu; bảo vệ nguồn gene thuần chủng không lai tạp, nhầm lẫn với các loại sâm khác, làm tốt chỉ dẫn địa lý; sâm Ngọc Linh ở núi Ngọc Linh di thực sang các vùng khác được không, điều kiện nào làm được sâm Ngọc Linh; bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia, không đơn thuần là nhãn hiệu thuần túy của một doanh nghiệp. 

Đánh giá cao ý tưởng của báo Tuổi Trẻ về xây dựng thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh, Chủ tịch nước yêu cầu ứng dụng công nghệ dược liệu cho sâm Ngọc Linh cạnh tranh với các loại sâm tốt trên thế giới; kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu sản xuất chế biến nhân sâm, tạo nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm từ sâm. "Hệ thống sản phẩm từ sâm Ngọc Linh hiện chưa ổn lắm, trăm hoa đua nở nhưng chưa quản lý tốt", ông nhận xét.

Đối với sâm thì đất và rừng là yếu tố không thể thay thế, vì vậy người dân và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để giữ rừng. Sâm Ngọc Linh không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng phải được hưởng lợi. Cần sự chung tay vào cuộc của các cấp ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân địa phương trong việc bảo tồn, phát triển. 

Chủ tịch nước mong hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam thực hiện tốt chiến lược nuôi trồng, làm sao đưa cây sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường trong nước và toàn cầu, lấy mô hình Hàn Quốc làm bài học kinh nghiệm, biến sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, quốc bảo của Việt Nam.

Giấc mơ tỉ đô trên đỉnh núi

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 4.

Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TẤN LỰC

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - kể câu chuyện: Cách đây đúng 7 năm, trên báo Tuổi Trẻ có một bài viết với tựa đề: "Giấc mơ tỉ đô trên đỉnh núi" - đỉnh núi đó là núi Ngọc Linh nằm ở địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Còn giấc mơ tỉ đô chính là giấc mơ vào sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Trong bài viết ấy đã dẫn lời của chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đó là "cây lúa và cá da trơn giúp người miền Tây rất nhiều, tại sao miền Trung và Tây Nguyên không phát triển cây sâm để người dân thoát cái nghèo dai dẳng". Chủ tịch huyện ngày ấy giờ là phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Cách đây vài hôm, các báo đồng loạt đưa tin về lễ hội sâm Ngọc Linh lần 4 Nam Trà My, với những câu chuyện hết sức thú vị, hấp dẫn: cây sâm 20 năm tuổi có 9 nhánh giá 900 triệu đồng…

"Đó là chuyện ở Quảng Nam, còn Kon Tum thì sao? Xin quý vị hãy nhìn vào Giải vô địch bóng đá quốc gia Việt Nam năm nay đã được một doanh nghiệp sâm Ngọc Linh ở Kon Tum là K5 tài trợ trong ba năm với giá trị hợp đồng 100 tỉ đồng. Xưa nay chỉ có những thương hiệu thật lớn mới đủ sức tài trợ chính cho môn thể thao vua tại Việt Nam là bóng đá. Vậy mà giờ đây một thương hiệu của sâm Ngọc Linh đã có mặt.

Nhưng như thế liệu đã đủ để đạt giấc mơ tỉ đô? Cái đích ấy vẫn còn xa. Làm sao để sâm Ngọc Linh phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, đó là câu hỏi mà từ những lãnh đạo cao nhất của đất nước, nhà khoa học, doanh nhân đều đau đáu đi tìm câu trả lời, nhằm đưa cây sâm quý Ngọc Linh trở thành quốc kế dân sinh như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói khi ông còn là Thủ tướng.

Trong sự đau đáu ấy có cả những người làm báo chúng tôi, và đây là lý do báo Tuổi Trẻ hân hạnh cùng với các địa phương tổ chức hội thảo", nhà báo Lê Thế Chữ chia sẻ.

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 5.

Ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nhấn mạnh hội thảo lần này vừa thể hiện niềm tin, vừa là tinh thần, tạo động lực thúc đẩy về trách nhiệm của địa phương và các đối tác, các doanh nghiệp liên quan đối với phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia.

Tại Quảng Nam, có trên 1.600 hecta với 20 doanh nghiệp và nhóm hộ, người dân đã thuê rừng trồng sâm Ngọc Linh. Trong thời gian qua, thu nhập và đời sống người dân vùng trồng sâm được nâng lên đáng kể, có nhiều gia đình tài sản lên đến hàng chục tỉ, điều kiện sinh hoạt, đi lại, nhà cửa khang trang.

Tuy nhiên để sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, định hướng và tập trung đầu tư nhiều hơn nữa.

Việc tổ chức hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa, góp phần khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, người dân tiếp tục đầu tư cho bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời cũng sẽ là nguồn thông tin hỗ trợ cho Quốc hội, Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách vĩ mô; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có những quyết sách đúng đắn.

Sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 6.

Ông Vũ Thành Nam - phó vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ, Tổng cục Lâm nghiệp - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Vũ Thành Nam - phó vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) - trình bày chương trình phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến 2045 đang được xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ sắp tới. 

Theo ông, hiện nay việc phát triển sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, như: thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; thiếu nguồn giống (số lượng và chất lượng); thiếu cơ sở sơ chế biến sâu; công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.

Tháng 3-2022, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1604/VPCP-NN về việc giao Bộ NN&PTNT chủ trì, xây dựng "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045. Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tăng thu nhập cho người dân.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 bảo tồn nguồn gene sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 100 ngàn hecta tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tuyển chọn được giống sâm Việt Nam có năng suất, chất lượng cao; cung cấp được tối thiểu 80% cây giống có chất lượng đạt chuẩn; ứng dụng công nghệ hiện đại, từng bước phát triển nguồn giống vô tính vào sản xuất ở quy mô hàng hóa nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng.

Hình thành vùng nguyên liệu tập trung, bao gồm: tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và tỉnh Lai Châu, đưa diện tích trồng sâm năm 2030 đạt khoảng 22.000ha. Về sản lượng, sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (tương đương diện tích khai thác 1.000 ha/năm), có chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GMP - WHO hoặc tương đương.

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 7.

Sâm Ngọc Linh tại một triển lãm sâm - Ảnh: LÊ TRUNG

Về chế biến, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm: hình thành các cơ sở/nhà máy sơ chế và chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi; phát triển khoảng 80 - 100 sản phẩm có tính cạnh tranh cao, mang thương hiệu quốc gia; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Đến năm 2030, đảm bảo 100% diện tích trồng sâm được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý nhằm kiểm soát tốt nguồn gốc, chất lượng sâm; từng bước nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng kết nối về đường giao thông, điện, viễn thông… phục vụ cho phát triển ngành hàng sâm gắn với xây dựng nông thôn mới và hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...

Phạm vi thực hiện của chương trình là các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An và Lai Châu.

Ông Trần Út - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - cho biết hiện nay diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của Quảng Nam là 15.576 hecta. Diện tích sản xuất trên địa bàn tỉnh hiện nay hơn 1.000 hecta. Hiện có 2 cơ sở bảo tồn, nuôi giữ nguồn gene giống gốc (15 hecta), hằng năm sản xuất được hàng trăm nghìn cây giống để phục vụ cho sản xuất.

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 8.

Ông Trần Út - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Út chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như công tác quản lý sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh gặp khó khăn bởi tình trạng buôn bán hạt giống, cây giống không rõ nguồn gốc và các sản phẩm giả mạo sâm Ngọc Linh đang tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn gene gốc, thiệt hại kinh tế đối với người tiêu dùng, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến thương hiệu. Lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định; công nghệ ứng dụng vào công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc sâm Ngọc Linh chưa phát triển, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Ông nêu một số định hướng trong thời gian tới là phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng; xây dựng chương trình phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp hiện đại, nhân rộng diện tích sản xuất, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chế biến, phát triển thị trường đầu ra sản phẩm, xứng tầm với thương hiệu sản phẩm quốc gia; hướng tới Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của các nước nổi tiếng trên thế giới.

Ông Út cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đối với Bộ NN&PTNT, đề nghị xây dựng bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, quy trình trồng, thu hoạch... phù hợp với thông lệ quốc tế để sản phẩm sâm Ngọc Linh đủ điều kiện tiếp cận với thị trường thế giới.

Nên thành lập Hiệp hội Sâm Việt Nam

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 9.

Những củ sâm Ngọc Linh được trồng ở Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG

Ông Huỳnh Văn Liêm - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum - cho biết tỉnh Kon Tum đã quy hoạch vùng chuyên canh phát triển sâm Ngọc Linh với tổng diện tích là 31.742 hecta, tổng sản lượng củ tươi ước đạt khoảng 213 tấn.

Thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tổng thể, mang tầm chiến lược để phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế, trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia.

Ông cũng nêu ra nhiều tồn tại như quy định của pháp luật chưa cho phép thực hiện trồng và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng, trong khi tỉnh Kon Tum có hơn 50% diện tích có khả năng phát triển sâm Ngọc Linh được quy hoạch chức năng rừng đặc dụng nên khó thu hút đầu tư. Các quy trình, quy chuẩn, giám định chất lượng giống và việc trồng, phát triển sâm Ngọc Linh chưa có quy định cụ thể để làm cơ sở tổ chức thực hiện bài bản, thống nhất, đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 10.

Ông Huỳnh Văn Liêm - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum - Ảnh: TẤN LỰC

Để nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia và vươn ra tầm thế giới, ông Liêm đề xuất cần xây dựng chương trình tổng thể của quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh, có cơ chế khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư; xây dựng chính sách, môi trường thông thoáng để ngành sâm phát triển.

Đẩy mạnh nghiên cứu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm sâm Ngọc Linh, nhất là lĩnh vực y tế và thực phẩm chức năng, xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước; nghiên cứu chế biến các sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các loại sâm khác trên thị trường quốc tế.

Nghiên cứu thành lập Hiệp hội Sâm Việt Nam với sự tham gia sâu rộng của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó cơ quan nhà nước là "bà đỡ" và các thành phần kinh tế là mũi nhọn để phát triển. Đây sẽ là tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi các tổ chức kinh tế, cá nhân, đề xuất các ý tưởng, giải pháp phát triển cũng như xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến việc trồng, phát triển và chế biến sâm Ngọc Linh.

Ông Hoàng Minh Chiến - phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - cho biết sâm Ngọc Linh hiện nay có vai trò, ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế địa phương, là thương hiệu mang tầm quốc gia, mà còn có tiềm năng lớn để phát triển thành thương hiệu mang tầm quốc tế và có thể được coi là "quốc bảo" của Việt Nam.

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 11.

Ông Hoàng Minh Chiến - phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - Ảnh: TẤN LỰC

Ông nêu ra nhiều giải pháp phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh như nâng cao năng suất, đảm bảo sản lượng cung cấp cho thị trường và cung ứng cho chuỗi sản xuất, chế biến sâu; hình thành được chuỗi sản xuất từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm.

Đối với thị trường trong nước, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp ngành sâm.

Đối với thị trường nước ngoài, phải xây dựng và triển khai chiến lược tuyên truyền, quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh tại các thị trường xuất khẩu mục tiêu nhằm tăng cường mức độ nhận diện, xây dựng hình ảnh ngành sâm của Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

"Hiện nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức đối với việc tuyên truyền, quảng bá sâm Ngọc Linh ra nước ngoài, tôi tin sau hội thảo này chúng ta sẽ thực hiện được việc này. Hiện tại sâm Ngọc Linh lại chưa thuộc đối tượng tham gia Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam. Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ việc xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, xứng tầm với vị thế của loại dược liệu quý này ở trong nước và quốc tế theo quy định", ông nói.

Muốn nâng tầm thì phải bảo vệ vùng sâm gốc, thương hiệu

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 12.

Ông Nguyễn An, giám đốc thương mại Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, trình bày tại hội thảo - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Nguyễn An - giám đốc thương mại Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 - cho biết trong năm 2022 công ty sẽ xuất ra thị trường hơn 2 triệu cây sâm Ngọc Linh. Ông nêu thực trạng nạn sâm giả và đội lốt sâm Ngọc Linh đang ngày càng diễn ra tràn lan và công khai. Ngay tại Kon Tum, Quảng Nam - cái nôi sâm - cũng vậy, có những doanh nhân mang cây sâm và hạt giống có nguồn gốc từ phía Bắc vào vùng chỉ dẫn trồng rồi nói là sâm Ngọc Linh.

Những cây và củ đó giá trị thật chỉ có vài trăm nghìn đồng trên thị trường, nhưng khi được gắn mác đội lốt sâm Ngọc Linh thì giá trị đã tăng lên vài triệu, thậm chí bán với giá ngang với sâm Ngọc Linh. 

Nguy hiểm hơn, có một số doanh nghiệp, một số nhà khoa học tại một số tỉnh đã công khai mang cây giống từ Trung Quốc vào trồng rồi tuyên bố đã di thực và trồng thành công cây sâm Ngọc Linh theo hướng công nghệ cao của Hàn Quốc, còn tổ chức công khai hội thảo khoa học quốc tế về việc di thực thành công cây sâm Ngọc Linh. Cũng từ đây bắt đầu những clip, phóng sự quảng bá cho vườn sâm với mục đích cuối cùng là bán sâm. 

"Chúng tôi đã đi thăm vườn sâm của họ. Thật sự chúng tôi không tin được khi cả một vườn nhìn là biết ngay không phải gốc sâm Ngọc Linh, mà là cây từ biên giới phía Bắc mang vào. Đã là nhà khoa học, họ biết cây đó xuất xứ từ đâu nhưng họ vẫn công khai làm như vậy, thật không thể tin được", ông nói.

Ông An đề nghị các cơ quan quản lý chuyên môn đưa cây sâm Ngọc Linh vào danh mục cây được định giá như cây cà phê hay cây cao su, để doanh nghiệp, người dân được ghi nhận tài sản gắn liền với đất và có cơ hội để tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng thông qua tài sản là cây sâm Ngọc Linh gắn liền với đất. 

"Đề nghị Nhà nước đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông vùng trồng sâm của cả Quảng Nam và Kon Tum nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch vườn sâm. Muốn nâng tầm sâm quốc gia cũng như di thực tới các vùng miền khác, trước tiên phải bảo vệ vùng sâm gốc, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, bảo vệ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh", ông An nhấn mạnh.

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 13.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự hội thảo - Ảnh: TẤN LỰC

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 14.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt tay dược sĩ Đào Kim Long, người đầu tiên phát hiện sâm Ngọc Linh - Ảnh: TẤN LỰC

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 15.

Phiên thảo luận câu chuyện phát triển kinh tế từ sâm Ngọc Linh - Ảnh: TẤN LỰC

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 16.

Một vườn sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My - Ảnh: LÊ TRUNG

Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính - Ảnh 17.

Cây sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG

Vào sáng cùng ngày, ban tổ chức hội thảo cũng khai trương các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của các thương hiệu mạnh. Đặc biệt, thương hiệu Phở sâm Ngọc Linh K5 cũng đã nấu tại chỗ 200 tô phở bò để mời người dân thưởng thức.

Đổi thay ở thủ phủ sâm Ngọc Linh Quảng Nam Đổi thay ở thủ phủ sâm Ngọc Linh Quảng Nam

"Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam" - Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi ông đang là Thủ tướng Chính phủ vào năm 2018, và ông cũng nhấn mạnh thêm "là quốc bảo thì phải đi liền với quốc kế dân sinh".

LÊ TRUNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên