​Chú bắp rang bơ

LÊ NGỌC HẠNH 11/05/2015 21:05 GMT+7

Trưa nắng. Ngang qua chỗ chú bán bắp rang bơ bên vệ đường, vừa ngoái nhìn đã quyết định quành xe lại. Quành xe lại không phải vì mùi bắp rang thơm lựng mà vì chợt nhìn thấy... một cái chân đi nạng của người đàn ông bán bắp rang...

Ông Trần Văn Chánh bán bắp rang bơ ở phường An Thạnh, TX Thuận An, Bình Dương. Ảnh: L.N.H.

Ông tên Trần Văn Chánh, 65 tuổi. Hai vợ chồng rang bắp bán dạo đã tám năm nay. Ông tật nguyền, còn vợ bị đau cột sống. Mỗi buổi sáng trước khi đi bán, ông rang sẵn nhiều túi bắp xỏ thành xâu cho vợ đi loanh quanh bán dạo trong chợ.

Còn ông chạy xe máy ba bánh đi bán xa hơn. Ông thường bán quanh các trường học, xí nghiệp... Hôm nay đi hướng này, mai ông lại đi hướng khác. Ông bảo phải bán xoay vòng vậy vì sợ bán hoài một chỗ tụi nhỏ nghe “mùi” riết sẽ ngán!

Ông có năm người con thì đủ năm cảnh đời ở trọ. Hai vợ chồng ông ở nhờ nhà người quen ở phường Chánh Nghĩa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Mấy mươi năm cả nhà ông rời miền Trung vào Nam lập nghiệp là cũng mấy mươi năm gia đình ông vẫn chưa có được một mái ấm theo đúng nghĩa.

“Tuổi này người ta đã được hưởng phước con cháu. Vợ chồng chú bạc phước có năm đứa con thì đứa nào cũng nghèo nên từng tuổi này đau bệnh vẫn phải bươn chải kiếm sống cháu ạ!”.

Ông kể chuyện hôm trước đi bán ở trường học có cháu học sinh đến mua túi bắp 5.000 đồng, đưa tờ 10.000 đồng bảo: “Cháu lì xì cho ông”. Ông bảo thằng bé làm ông cảm động nên cứ nhớ hoài. Rồi ông móc túi áo khoe chiếc điện thoại nhỏ màu xanh bảo: “Cái này là của chú đi ôtô bảo tặng chú để có cần thì xài. Toàn tình cảm của những người không quen nhưng quý lắm cháu ạ!”.

Cái chân đi nạng là câu chuyện buồn thời chiến tranh. Ông bảo mình mắc tội với quê hương nên không muốn rời đi. Ông biết phận mình nên không dám trách, chỉ biết ráng sống những ngày còn lại cho trọn vẹn với quê hương, đất nước.

Ông khoe hai vợ chồng vừa đi làm hồ sơ xin hiến xác ở Bệnh viện Đại học Y dược. Rồi giọng ông bỗng trầm buồn: “Chú muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa trong quãng đời còn lại của mình với quê hương. Nhưng thật lòng với cháu rằng trước mắt cũng là để đỡ tốn tiền... mua bảo hiểm!”. Ông bảo dạo này bán buôn khó khăn quá. Mỗi ngày rong ruổi đi về cả mấy mươi cây số, vất vả vậy mà có hôm chỉ kiếm đủ tiền đổ xăng. Ông ước có ai thuê mình một công việc làm vừa sức...

Tôi chạy đi rồi mà còn nghe mấy lời của “chú bắp rang bơ” với theo: “Cháu biết có chỗ nào cần người đi giao báo thì xin giúp giùm chú, chú cảm ơn nhe...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận