Chọn tiện lợi hay chọn an toàn?

TỊNH ANH 24/09/2017 17:09 GMT+7

TTCT - Công nghệ nhận diện gương mặt được cho là “chìa khóa mở cửa mọi thứ trong thế giới số” và được các nhà sản xuất hào hứng mang đến cho người dùng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó là “trò chơi đường nào cũng thua”.

minh họa
 

 

Câu chuyện công nghệ “trông mặt là biết được ai” vốn đang thời thượng lại càng “hot” hơn khi Apple tung ra iPhone X không có nút home vật lý và mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt thông qua FaceID.

Trước khi Apple giới thiệu các mẫu iPhone mới nhất hôm 12-9, trang Mashable ngày 28-8 đã dẫn lời “nửa tá chuyên gia” quan ngại rằng “việc chạy đua phát triển công nghệ nhận diện gương mặt không chỉ đặt ra vô số lo ngại về quyền riêng tư mà còn có thể làm thiết bị của chúng ta kém bảo mật hơn”.

Cách AI ghi nhận lập bản đồ gương mặt
Cách AI ghi nhận lập bản đồ gương mặt

 

Ứng dụng - có rất nhiều ứng dụng

Khi Samsung giới thiệu tính năng mở khóa bằng nhận diện gương mặt người dùng cho Galaxy S8 hồi tháng 3, tất cả những gì người ta có thể nhớ là câu chuyện tính năng “đinh” của hãng điện thoại Hàn Quốc đã bị bẻ khóa dễ dàng với tấm ảnh chụp và một vài thủ thuật nhỏ.

Kẻ đến sau - Apple lại thu hút được nhiều chú ý hơn, bởi cho đến cuối tuần qua (16-9), chưa ai công bố “lừa” được FaceID.

Phó chủ tịch cao cấp về marketing toàn cầu của hãng, Phil Schiller cho rằng: “Đây là cách mà chúng ta mở khóa smartphone của mình và bảo vệ các thông tin nhạy cảm trong tương lai”.

Theo The Economist ngày 9-9, JetBlue Airways và nhiều hãng hàng không Mỹ khác đã bắt đầu ứng dụng so mặt hành khách với ảnh trên hộ chiếu để thay thẻ lên máy bay.

Ngân hàng Lloyds Bank (Anh) và nhiều ngân hàng cho phép khách hàng đăng nhập tài khoản bằng gương mặt thay vì mật khẩu. Tại Ấn Độ, Uber buộc tài xế phải chụp selfie trước khi vào ca để ngăn tình trạng mạo danh.

Theo International Business Times, một nhóm nhà nghiên cứu cũng đang phát triển công nghệ nhận dạng gương mặt bằng AI để phát hiện tội phạm, người biểu tình hay bất kỳ ai ngay cả khi họ ngụy trang bằng cách che mặt bằng khẩu trang, mũ, kính râm hay các phụ kiện khác.
Các tờ báo và trang mạng chuyên về công nghệ uy tín khi cần liệt kê ví dụ về sự phổ biến của công nghệ nhận diện gương mặt đều hướng về Trung Quốc - nơi người ta có thể dùng mặt mình để mua thức ăn, đi tàu điện, còn chính quyền thì tận dụng công nghệ để truy quét tội phạm. 

FaceID (có thể xóa ông đang thuyết trình để làm hình nền)
FaceID (có thể xóa ông đang thuyết trình để làm hình nền)

 

"Được mê" ở Trung Quốc

Theo tạp chí MIT Technology Review, nền tảng nhận diện gương mặt lớn nhất hiện nay là Face++, được hơn 300.000 lập trình viên ở 150 quốc gia dùng để phát triển ứng dụng nhận diện không chỉ gương mặt mà còn hình ảnh, ký tự. Face++ là sản phẩm của Megvii, công ty có trụ sở Bắc Kinh do ba sinh viên ĐH Thanh Hoa thành lập năm 2011. Megvii hiện được định giá gần 1 tỉ USD.

“Công nghệ nhận dạng gương mặt đang làm chuyển biến nhiều mặt trong đời sống ở Trung Quốc” - MIT Technology Review nhận định.

Tạp chí này dẫn chứng các ứng dụng sử dụng Face++ như nhân viên Công ty Alibaba, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc, mỗi sáng đến chỗ làm thì “quét” gương mặt để chấm công thay vì dùng thẻ từ, hay một trạm xe lửa ở tây Bắc Kinh so sánh mặt hành khách (đã có vé) với ảnh trên chứng minh nhân dân, nếu khớp thì mở cửa cho lên tàu.

Ngày 1-9, Ant Financial, công ty tài chính thuộc Alibaba, loan báo bắt đầu thử nghiệm dịch vụ “cười để trả tiền” tại một cửa hàng gà rán KFC ở Hàng Châu.

Đúng như tên gọi, dịch vụ này cho phép thực khách chọn món trên màn hình cảm ứng ở cửa hàng, sau đó chọn tính năng “quét gương mặt” để thanh toán.

Ant Financial khẳng định hệ thống nhận diện được chính xác người dùng dù họ hóa trang hoặc đứng lẫn trong nhiều người khác.

Ngoài thương mại và giáo dục, công nghệ nhận diện gương mặt cũng là vũ khí đắc lực để chính quyền đại lục kiểm soát tội phạm.

Hệ thống tàu điện ngầm ở Hàng Châu tích hợp tính năng nhận diện gương mặt vào camera an ninh để kịp thời phát hiện tội phạm trà trộn trong đám đông hành khách.

Mới đây cảnh sát ở Thanh Đảo cũng đã bắt giữ 19 người vì dương tính với ma túy tại một lễ hội bia nhờ quét và nhận diện hơn 2 triệu người tham dự và so với ảnh chụp lưu trong hồ sơ những người từng bị bắt trước đó, theo Quartz.

Sau khi FaceID xuất hiện, không còn cảm giác an toàn khi ngủ nữa?
Ngay sau khi iPhone X ra mắt, dân mạng đã có ngay loạt “ảnh chế” về tính năng FaceID. Một trong những tấm ảnh được chia sẻ nhiều nhất là cảnh người đàn ông quấn khăn kín mặt, chỉ chừa đôi mắt khi ngủ, với chiếc iPhone X kế bên, hẳn là để phòng không ai “mượn mặt” nhằm mở khóa khi đang say giấc. Người khác lại tếu táo nghĩ đến cảnh bỗng dưng tăng cân sau mùa Giáng sinh và FaceID không thèm nhận ra, hoặc cảnh báo những nàng nghiện trang điểm có khi không mở được điện thoại vì mặt mộc và mặt makidê khác nhau một trời một vực.

 

Con mắt soi mói

Nếu công nghệ nhận diện gương mặt được áp dụng rộng khắp, sự tiện dụng trước mắt là dễ nhận thấy: ta có thể làm mọi thứ mà không cần phải mang theo tiền, các loại thẻ, vé, thậm chí cả điện thoại, chỉ cần thứ luôn mang theo bên người là gương mặt của chính ta.

Nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó. “Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi chiếc điện thoại đều lưu trữ “phiên bản số” cực kỳ chi tiết về gương mặt của ta?

Liệu nó có an toàn hơn mật khẩu chữ và số thông thường? Và điều gì sẽ xảy ra nếu tin tặc, hay chính phủ, tiếp cận được dữ liệu đó?” - Mashable ngày 28-8 đặt câu hỏi, mà mỗi câu trả lời chính là cái giá của công nghệ đương thời “nhìn mặt và làm mọi thứ”.

Không ai muốn có con mắt dõi theo mình mọi lúc mọi nơi. Nhưng với smartphone có nhận diện gương mặt, mà cụ thể là iPhone X, ta lại tình nguyện mang con mắt soi mói đó bên mình gần như 24/24 giờ.

Một trong những điểm đặc biệt của FaceID, theo Apple, là nó luôn hoạt động, sẵn sàng quét gương mặt người dùng và nhận diện, không cần phải bấm thêm một nút bất kỳ nào.

“Tính năng “luôn sẵn sàng” đó có nghĩa là “luôn luôn thu thập thông tin” và thông tin đó có thể lọt vào tay người khác ngoài dự kiến của khổ chủ” - Adam Schwartz, chuyên gia pháp lý của Tổ chức phi lợi nhuận Electronic Frontier Foundation, nói với Mashable.

Schwartz cho rằng thông tin về gương mặt người dùng đặt ra vấn đề về quyền riêng tư nghiêm trọng nhất so với bất kỳ thông tin sinh trắc học nào. Chúng có thể lọt vào tay hacker, nhân viên của hãng làm ra thiết bị, thậm chí cảnh sát khi cần điều tra.

“Trước khi kích hoạt để điện thoại luôn sẵn sàng quét gương mặt, người dùng cần nghĩ xa và thấu đáo hơn về các nguy cơ tiềm ẩn đến quyền riêng tư” - Schwartz khuyên.

Lấy chính gương mặt làm mật khẩu để mở khóa điện thoại, xác nhận thanh toán điện tử, đăng nhập tài khoản ngân hàng sẽ giúp người dùng không lo quên mật khẩu.

Nhưng mặt trái của đồng xu chính là ta không thể đổi mật khẩu nếu lỡ bị lộ (ai cũng chỉ có một gương mặt mà thôi) và mật khẩu này không bao giờ giấu được, cứ bày ra trước mắt thiên hạ mỗi ngày, trừ khi ta ẩn cư không bao giờ bước chân đi đâu.

Chưa kể đa số người dùng smartphone hiện nay đều có tài khoản mạng xã hội, mà trên đó thì đầy ảnh selfie.

“Dùng chân dung của chính mình làm mã bảo mật chẳng khác nào viết mật khẩu vào tờ giấy, dán lên trán và đi vòng quanh cho thiên hạ biết” - tác giả Andy Greenberg ví von khi bàn về điểm yếu của FaceID trên Wired ngày 12-9.

Cảnh báo này là có căn cứ khi các nhà nghiên cứu ở ĐH North Carolina hồi năm ngoái đã cho in gương mặt 3D từ ảnh chân dung lấy từ Facebook, sau đó dùng nó đánh lừa được 5 hệ thống nhận diện gương mặt khác nhau, với tỉ lệ thành công 55-85%.

Năm 2015, cây bút Dan Moren của Popular Science cũng lừa được hệ thống đăng nhập bằng gương mặt của Alibaba bằng cách cho camera xem đoạn phim ghi hình chính ông đang nháy mắt.

Khi đồng ý sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt, ta đã chấp nhận “nhân bản” dữ liệu cá nhân quan trọng này nhiều lần và giao nó cho nhà băng, cửa hiệu, ga tàu xe, hay ngân hàng thông tin của chính phủ. Dữ liệu càng được nhiều đầu mối nắm giữ thì nguy cơ bị đánh cắp càng cao.

Một tình huống cũng được giới phân tích mang ra mổ xẻ: ta có còn giấu được mật khẩu riêng tư của mình khi đó là gương mặt?

Chẳng hạn tại nhiều nước, cảnh sát có thể buộc nghi can phải cung cấp mật khẩu mở điện thoại để phục vụ điều tra. Ở Mỹ có Tu chính án số 5 về quyền im lặng, cho phép nghi can từ chối yêu cầu trên. Song với gương mặt thì lại là câu chuyện khác.

Apple khẳng định để FaceID hoạt động, người dùng cần nhìn thẳng vào màn hình. “Nếu cảnh sát trói gô quý vị lại và buộc quý vị phải hợp tác (bằng cách nhìn vào camera) thì sao?” - Wired đặt vấn đề.■

Các thuật toán nhận diện gương mặt sơ khai chỉ đơn giản là so ảnh gốc đã lưu trong dữ liệu với hình ảnh thật để xác minh.

FaceID của Apple sử dụng hệ thống TrueDepth, gồm các cảm biến, camera và máy phát tia hồng ngoại.

Khi người dùng nhìn vào màn hình, camera sẽ chụp ảnh, trong khi máy chiếu lập một mạng lưới gồm 30.000 điểm sáng vô hình bao trùm lên gương mặt và ghi nhận các cử động (xoay đầu) để tạo bản đồ 3-D.

Phần ảnh và bản đồ này sẽ được đưa qua hệ thống trí tuệ nhân tạo để chuyển thành dữ liệu mã hóa (chứ không còn là hình ảnh nữa) để hệ thống ghi nhận.

Mỗi lần người dùng mở khóa điện thoại qua FaceID, hệ thống lại ghi nhận tốt và chính xác hơn và có thể nhận ra ngay cả khi người dùng đổi kiểu tóc, mang kính hay đội mũ. Apple khẳng định tỉ lệ lỗi là một phần triệu và cam kết dữ liệu về gương mặt của người dùng chỉ lưu trên thiết bị chứ không chuyển về máy chủ của hãng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận