Chốn thương trường, kẻ ra người vào

NGUYỄN VŨ 29/09/2022 07:23 GMT+7

TTCT - Số phận hai công ty này cũng đặc biệt như hai người sáng lập của nó: Một người rời bỏ thương trường, bỏ luôn gia sản tỉ đô ở tuổi 83; người kia trở thành tỉ phú ở tuổi 30 sau chỉ vài năm khởi nghiệp.

Chốn thương trường, kẻ ra người vào - Ảnh 1.

Trang web của Patagonia

Cổ đông là Trái Đất

Mở trang web của Công ty Patagonia lên, bạn sẽ thấy một thông điệp kỳ lạ: "Cổ đông duy nhất của chúng tôi hiện nay là Trái đất". Đó là bởi tỉ phú Yvon Chouinard, người sáng lập Patagonia, vừa mới quyết định hiến tặng toàn bộ công ty trị giá chừng 3 tỉ USD cho sứ mệnh cứu lấy Trái đất này!

Hiến tặng tài sản không phải là chuyện hiếm nhưng đa số sẽ bán công ty rồi lấy tiền thu được đem làm từ thiện. Thay vào đó, vợ chồng Chouinard và hai người con đã trưởng thành chuyển hầu như toàn bộ cổ phần của họ trong Patagonia, một hãng thời trang chuyên bán quần áo dã ngoại, cho một quỹ tín thác phi lợi nhuận mang tên Holdfast Collective. 

Hiện nay lợi nhuận của Patagonia lên đến 100 triệu USD mỗi năm - khoản tiền này sẽ được quỹ tín thác chuyển cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Để bảo đảm quỹ Holdfast luôn sử dụng tiền lãi của Patagonia vào đúng mục đích, gia đình Chouinard chia cổ phần của công ty thành hai phần: 98% cổ phần không có quyền bỏ phiếu sẽ được chuyển cho quỹ Holdfast; 2% còn lại là những cổ phần có quyền biểu quyết sẽ được trao cho quỹ tín thác khác mang tên Patagonia Purpose Trust để bảo đảm tài sản của công ty được sử dụng đúng vào mục đích đã cam kết. 

Điểm đặc biệt là Chouinard tự lấy tiền túi ra để đóng thuế cho việc chuyển nhượng tài sản, chừng 17,5 triệu USD. Từ đây gia đình họ sẽ không còn nhận xu nào từ lợi nhuận Patagonia làm ra.

Yvon Chouinard, năm nay đã 83 tuổi, là một tỉ phú "bất đắc dĩ". Ông mặc toàn đồ cũ, lái chiếc Subaru cũ mèm, không xài máy tính xách tay hay điện thoại di động. Lúc còn trẻ ông là nhà leo núi, sống ngay trên xe hơi, ăn toàn đồ hộp. 

Ông thành lập Công ty Patagonia vào năm 1973 nhằm sản xuất các loại quần áo cho người leo núi, với những tiêu chí phản ánh lý tưởng của ông như xài bông vải hữu cơ, khuyến khích khách hàng "bớt mua đồ của hãng". 

Ông từng cho đăng quảng cáo trên báo nhân ngày mua sắm Black Friday với thông điệp "Đừng mua chiếc áo khoác này". Trong nhiều thập niên, công ty của ông hiến tặng mỗi năm 1% doanh thu cho các tổ chức môi trường. Mỗi năm Patagonia bán được chừng 1 tỉ USD quần áo mặc ngoài trời.

Dù không mong muốn, doanh thu của Patagonia cứ tăng đều đặn, tài sản của Chouinard cứ thế tích lũy dần, tạo ra một tình huống khó xử cho ông. Ông từng nói với báo chí: "Tờ Forbes liệt kê tên tôi vào danh sách những tỉ phú, làm tôi nổi khùng lên được. Vì trong tài khoản ngân hàng của tôi làm gì có 1 tỉ USD. Tôi đâu lái xe sang Lexus". 

Danh sách tỉ phú của Forbes và hai năm đại dịch đã thúc đẩy Chouinard có biện pháp giải quyết tình trạng "tỉ phú bất đắc dĩ" của mình. Giữa năm 2020, ông bàn với ban giám đốc Patagonia phải tìm cách nào đó để cho đi tài sản của ông, bằng không ông sẽ bán hết đem tiền làm từ thiện.

Cách dễ nhất là bán công ty hay đưa công ty lên niêm yết trên sàn chứng khoán lấy tiền tài trợ cho các dự án bảo vệ thiên nhiên. Người bạn thân của ông, Doug Tompkins, nhà sáng lập hãng thời trang North Face, đã đi theo con đường này. Nhưng ông e ngại một công ty niêm yết sẽ chịu áp lực của cổ đông, sẽ không ưu tiên cho công nhân, nhân viên và sẽ cản trở nỗ lực tài trợ trong tương lai. 

Bán công ty cho chủ mới chưa chắc các giá trị của công ty được duy trì; nhân viên chưa chắc giữ được việc làm. Một cách khác là trao công ty cho hai người con trai nhưng khổ nỗi họ không chịu nhận; quan điểm của hai người con cũng giống ông - họ không muốn là tỉ phú thừa kế vì theo họ, mỗi tỉ phú là hiện thân của một thất bại trong chính sách kinh tế.

Cách họ chọn như nói ở đầu bài chưa hẳn là trọn vẹn vì nhiều chuyên gia tài chính cho rằng một khi gia đình Chouinard không còn đóng vai trò chủ sở hữu, Patagonia có thể mất phương hướng. 

Ted Clark, giám đốc Trung tâm kinh doanh gia đình thuộc Đại học Northeastern, nhận định: "Điều làm cho chủ nghĩa tư bản thành công là động lực làm giàu. Nếu lấy đi phần thưởng tài chính thì một công ty gia đình sẽ chẳng còn mối quan tâm nào nữa, ngoại trừ sự hồi tưởng về một thời vang bóng".

Dù sao đó là câu chuyện tương lai; nay gia đình Chouinard có thể thoải mái khi không còn bị xem là tỉ phú nữa.

Chốn thương trường, kẻ ra người vào - Ảnh 2.

Ảnh: Globle Telegraph

Lớn nhanh hơn Phù Đổng

Cách đây 4 năm, Dylan Field sống trong căn hộ 1 phòng ngủ ở San Francisco, sáng ghé mua tách cà phê 1 USD trước khi vào làm việc. Lúc đó cậu sinh viên bỏ học ra lập nghiệp hầu như là người vô danh tiểu tốt, chỉ đứng trong góc phòng uống nước tại các hội nghị hay các sự kiện công nghệ lớn.

Thế mà Hãng Adobe vừa ngã giá đúng 20 tỉ USD để mua công ty phần mềm thiết kế còn non trẻ của cậu. Tốc độ phát triển của Figma, do Field đồng sáng lập cùng người bạn học tại Đại học Brown, làm ai nấy đều kinh ngạc, kể cả trong môi trường lớn nhanh như thổi của Thung lũng Silicon. 

Đầu năm 2018, công ty được định giá 115 triệu USD nhưng đến năm ngoái trong vòng gọi vốn mới nhất, giá trị của Figma đã tăng vọt lên 10 tỉ USD. Nay đối thủ Adobe với những phần mềm phổ biến như Photoshop, Illustrator… chịu bỏ ra 20 tỉ USD để mua lại và chưa biết sau đó Figma có mức giá mới ngang đâu. Nếu thương vụ của Adobe suôn sẻ, Dylan Field sẽ trở thành một tỉ phú ở độ tuổi 30.

Tuy thế, theo tường thuật của tờ Wall Street Journal, Field xem chừng không quá sững sờ vì bước chuyển biến của cuộc đời. Cậu nói với báo chí rằng nếu ngày mai thương vụ bị hủy bỏ, cậu thấy cũng bình thường. Adobe mua Figma như một cách tiêu diệt đối thủ cạnh tranh trong làng phần mềm thiết kế đồ họa; họ sợ rơi vào số phận như Nokia trong làng điện thoại di động hay Kodak trong nghề làm máy ảnh. 

Mua Figma, Adobe hy vọng sẽ phát triển vào những ngách thị trường dù nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng, nhất là những nhà thiết kế có thói quen làm việc theo nhóm. Nhưng thị trường đánh giá Adobe đã trả một giá quá cao, ngay sau khi thương vụ được công bố, giá cổ phiếu của Adobe sụt ngay 17%.

Chốn thương trường, kẻ ra người vào - Ảnh 3.

Dylan Field

Dylan Field là một học sinh không có gì xuất sắc cho đến khi cậu tham gia đội làm robot ở trường trung học. Cậu bị Trường Berkeley từ chối nên vào học tại Brown. Đến năm 3, cậu phát hiện một dạng học bổng do nhà tỉ phú Peter Thiel tài trợ. 

Học bổng này cấp cho người nhận 100.000 USD với điều kiện phải bỏ học ra khởi nghiệp với một ý tưởng mới lạ. Field chào một phần mềm cậu mới biên soạn, dùng để điều khiển các máy bay không người lái giám sát giao thông, phát hiện lái xe nào bất cẩn. Cậu được nhận tài trợ nhưng công ty làm phần mềm cho drone thất bại. Figma là công ty khởi nghiệp thứ nhì của cậu.

Năm ngoái người bạn đồng sáng lập từ bỏ Figma vì kiệt sức, muốn khởi nghiệp ở một lãnh vực khác. Figma chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng để lên sàn chứng khoán thì Adobe ngỏ lời dạm hỏi. 

Tuy Field sẽ trở thành tỉ phú nhưng hưởng lợi nhiều nhất chính là các quỹ đầu tư mạo hiểm, sẵn sàng rót vốn cho Figma ngay từ đầu. Giả dụ họ bỏ ra 100 triệu USD để sở hữu 50% cổ phần, nay khoản vốn đầu tư này sẽ tăng vọt lên 10 tỉ USD. Dù sao họ cũng là những nhà đầu tư có tầm nhìn tốt, biết được xu hướng làm việc trộn lẫn giữa công sở và nhà riêng nên chịu đầu tư vào Figma ngay khi nó chưa có triển vọng gì sáng sủa. 

Còn Field vẫn sẽ điều hành Figma như bây giờ nhưng với tư cách là người làm công ăn lương cho Adobe. ■

Cái mới lạ của Figma so với các phần mềm nổi tiếng của Hãng Adobe là một nền tảng thiết kế đồ họa nhưng cho phép nhiều người cùng nhau hợp tác. Phải mất 4 năm từ khi hai người bạn nảy sinh ý tưởng đến khi họ có sản phẩm đầu tiên tung ra thị trường. Đại dịch Covid-19 giúp Figma phát triển nhanh chóng khi nhiều người làm việc từ xa, cần một nền tảng họ có thể cùng sáng tạo với đồng nghiệp cách nhau hàng chục cây số hay ở hai thành phố khác nhau. Một trong những điểm mạnh của Figma là các công cụ thiết kế của nó có thể chạy trên các nền tảng khác nhau, bất kể người dùng đang sử dụng máy tính xách tay hay điện thoại di động.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận