​Chọn

PHÙNG HI 25/02/2015 19:02 GMT+7

Tôi có ý nghĩ khôi hài, hôm nào hẹn tá người tình kia cùng lúc có mặt trước sân nhà. Tôi hô hai hàng dọc tập hợp, lập ra hai tiểu đội. Mỗi tiểu đội sáu người chia thành hai tổ tam tam, chắc xảy ra đánh lộn như chơi. Cứ nghĩ đến đó tôi cười to thành tiếng một mình.Con trai đi học, tôi thì cô đơn còn căn nhà quá trống trải.

Minh họa: Bích Khoa

Anh làm cùng cơ quan. Anh giản dị hiền lành, nhiều tài vặt chứ không phải tài làm ra tiền ngoài lương. Thích anh nhất biết đàn biết hát, tức hát nghe được, gây được cảm xúc. Anh không đặt vấn đề gì với tôi cả, anh chỉ quan tâm lo lắng cho mẹ con tôi thôi. Anh hay chuyện trò với thằng bé con tôi khi tôi dắt nó đến cơ quan. Chồng tôi ngày trước cũng ân cần như anh vậy nhưng cưới xong là hết, hết thì chia tay. Tôi vừa chờ anh nói yêu tôi, vừa sợ anh nói yêu tôi.

Mỗi khi nghĩ đến anh, tôi đặt giả thiết anh nói yêu tôi, tôi lạnh xương sống. Vợ anh nhai xương tôi cái chắc. Cơ quan lấy cớ chuyển công tác tôi cũng cái chắc luôn. Tôi biết cánh chị em trong cơ quan nhìn tôi cảnh giác: “Nó làm bộ hiền lành chứ nó đớp chồng mình mấy hồi”.

Tôi không nên liều mạng chọn anh.

***

Anh là thư ký tòa soạn tờ báo địa phương, trẻ, đẹp trai, chỉ tiếc hơi nhỏ con. Anh tỉnh khô nói với tôi: “Anh muốn lập phòng nhì, chúng mình xúc tiến em nhé”. Tôi phì cười vì ngôn ngữ anh nói có mùi báo chí, bệnh nghề nghiệp đây.

Chồng tôi chỉ mỗi tội đi làm về hay la cà rượu bia, vậy tôi chán không yêu nữa. Tôi không cần nhắc nhở than thở gì chồng tôi cả. Hết yêu thì ly dị, thế thôi. Ai cũng bảo tôi lạnh lùng như nước đá. Không hiểu anh tìm hiểu tôi kỹ chưa mà có vẻ anh say tôi lắm. Tôi chỉ vừa mến mến anh, tôi không thích đàn ông nhỏ con. Anh gọi điện cho tôi sáng trưa chiều tối. Hai ba ngày anh kiếm chuyện đi công tác ghé chỗ tôi.

Tôi có nên chọn đại anh?

***

Anh là nhà văn có chút tiếng tăm. Nhà văn đây là kiểu gọi cho sang. Văn anh làm dáng, đọc chán phèo, không hiểu sao anh có tiếng nhỉ? Anh hào hoa, ga lăng, đẹp trai, chuyện trò với lời lẽ bay bổng, “nhà dăng” mà. Sau một chuyến đi xa dài ngày về anh vồ vập gặp tôi, run run nói: “Chúng mình yêu nhau đi”. Nếu ly dị, anh nuôi đứa con lớn cùng trang lứa thằng con tôi. Tôi sợ đến lúc “con anh con em nó đánh con chúng ta” thì chết mất.

Tôi dị ứng với chữ nghĩa của anh, văn của anh có vẻ nịnh, nó không thật, nó điệu đà và dùng nhiều dấu ba chấm, dấu chấm than, dấu gạch nối. Chưa nghe anh khen ai cùng làm cái nghề như anh. Anh lại giống chồng tôi quá gầy. Kỳ lạ, mùi cơ thể anh cũng giống chồng cũ hay là những người gầy có mùi giống nhau vì nhát tắm.

Tôi không dám chọn anh.

***

Anh là chủ tịch hội chim cá cảnh tỉnh, người thấp đậm tràn trề sinh lực. Anh có viết lách tí đỉnh xung quanh việc anh làm mà tôi cho dở hơi. Tôi gặp anh nhân lần tờ báo địa phương tổng kết công tác cộng tác viên năm cũ và nêu phương hướng nhiệm vụ năm mới.

Anh nghe lóng ai nói tôi đang làm mẹ đơn thân, tuổi ba mươi hừng hực yêu đương vì “vắng chồng” lâu ngày. Anh tiếp cận bàn ăn có tôi ngồi, tấn công dồn dập. Em trẻ đẹp quá, em có tài quá, em mạnh mẽ quá... và sau cùng là em đáng yêu quá. Sau bữa đó anh nhắn tin cho tôi, anh giới thiệu tôi trên Facebook của anh, viền xung quanh hình tôi nào chim nào cá đủ sắc màu. Anh “xa xôi” rằng ở nước Anh 37% đám cưới mỗi năm là cưới lần hai.

Anh đến nhà tôi mang theo lồng chim nhốt hai con chim trĩ đỏ rực, tặng cho thằng nhóc con tôi. Ôi nhà neo đơn quá, anh xắn tay áo giúp tôi đủ thứ chuyện từ điện nước đến cái giường lung lay của tôi. Quý anh quá nhưng không lẽ chọn anh, trông anh cục mịch thế nào.

***

Anh là thầy giáo dạy toán một trường cấp ba, khô khan như ngói, bạn của anh trai tôi thời trung học. Không hiểu anh lấy đâu sự lãng mạn để thương nổi tôi, vậy mà anh đến thăm tôi hoài.

Anh học cũng thường, chuột chạy cùng sào vô sư phạm. Nếu giỏi hơn chắc gì anh chịu làm thầy giáo. Thế nhưng nghe nói bây giờ anh dạy toán hay lắm, bà con ai cũng khen. Anh dạy thêm, tốp này ra tốp khác vào, tiền vô như nước. Lẽ ra anh phải oách tước nhưng ngược lại trông anh hiền, khờ, thảm thảm. Anh vẫn chưa ra khỏi cái bóng mờ hồi học phổ thông không được giỏi của mình.

Anh lục cục nói không nghe rõ, là anh yêu tôi, yêu từ lúc anh đến nhà chơi với anh tôi. Anh bảo tôi đừng bận tâm, anh yêu tôi và hôm nay nói ra được mãn nguyện rồi. Anh làm tôi thật sự xúc động. Một bà góa tuổi ba mươi còn mau nước mắt lắm.

Tôi có nên chọn anh để đi đến cuối phần đời còn lại? Trái tim tôi nó bảo dừng, coi chừng bất hạnh đó, thầy giáo không hợp với tính tình ngươi.

***

Anh là tay nhà báo tự do, mạnh mẽ và ồn ào, nghèo kiết và hay gây sự. Lương bổng không, mỗi tháng trung bình viết ba bài báo, xào qua nấu lại gửi đăng tới hơn mười chỗ vẫn không đủ tiền để nhậu nói gì nuôi con. Anh bảo con có vợ nuôi rồi. Tôi bảo đời chi sướng dữ, anh cười hê hê.

Tôi rất khoái anh, tôi rất vui khi gặp anh. Anh đi rồi, vẫn còn những phát ngôn đọng lại, hễ nhớ tới là tôi cười một mình. Tôi nói nếu tôi làm đám cưới lần hai với anh, anh có nuôi nổi thằng con tôi không? Anh giơ hai tay lên trời tưởng anh nói đầu hàng nhưng không phải, anh nói: “Anh sẽ dẹp ngay chuyện viết báo để đi làm phụ hồ”.

Nói giỡn chơi chứ tin anh sao được. Chọn anh để đến lúc anh nhại giọng Huế bảo: “Con mi mi nuôi chứ con gì tau tau nuôi” thì chết cha tôi.

***

Anh, một họa sĩ bất đắc chí. Anh làm quen tôi khá sỗ sàng trong dịp hội nghị tuyên truyền phòng chống AIDS: “Chào cô em, cô em làm mẹ đơn thân?”. Anh cao áng chừng mét chín, như người khổng lồ trước tôi, tưởng anh có thể bồng tôi như cha bồng con nhỏ. Tôi thích cảnh tượng ấy.

Một lần trưng bày tranh ké với người bạn ở Sài Gòn, anh bán được bức tranh vẽ cây xương rồng có dáng vọng phu đến 500 đô, anh có biệt danh “họa sĩ xương rồng” từ đó. Anh nói điều ấy rủi chứ không may. Anh bảo họa sĩ vẽ phong cảnh, vẽ tranh có người làm mẫu giống như viết văn ở mức tả thực, anh phải làm trên mức ấy. Ấn tượng, trừu tượng, huyền ảo chi đó đến độ anh hài hước nói: “Nhiều khi tui cũng không hiểu tranh tui, bệt màu đến hoa mắt. Vậy ý nghĩa của bức tranh là hoa mắt”.

Anh mời tôi uống cà phê nhưng tôi trả tiền. Tôi thương anh nghèo. Anh bảo anh thương tôi cô đơn. Tôi cười bí hiểm: “Ôi dào, em chưa bao giờ thấy cô đơn đâu”.

Không, tôi không chọn anh. Nghĩ cái bao tử trước rồi mới đến yêu chứ.

***

Anh là chủ tịch hội văn nghệ tỉnh, anh bảo chức của anh ngang ngửa với một giám đốc sở. Thì đúng rồi, anh đang phó sở văn hóa thể thao không lên trưởng được nên bị đì sang đây. Anh chỉ là một nhạc sĩ làng nhàng không tên tuổi, mới tập tành đánh guitar cách đây vài năm rồi giở chứng soạn nhạc. Anh diễn tả tượng hình và tượng thanh trong một lần họp giới văn nghệ cấp tỉnh: “Văn thơ thì phải chắt lọc từng chữ, cô đọng tới mức mỗi chữ gõ vô kêu boong boong thì mới gửi đến hội, lúc đó chúng tôi sẽ cho đăng ngay”.

Từ khi tôi ly dị chồng, mỗi khi hội có việc tiếp tân, anh alô tôi tới. Anh giới thiệu với mọi người tôi là nàng thơ của hội. Anh nói nhỏ vô tai tôi: “Chơi bời cho nó sướng cuộc đời đi em”. Vì thân thiết với anh nên có phần suồng sã, tôi bảo: “Anh nhát như cáy mà bày đặt, bạn em bảo nó viết có gì đâu, hơi đụng tí tới quan chức nọ kia anh không dám đăng. Thậm chí có người nghe đến cái tên, gửi bài là anh gạt sang bên”. Anh đỏ mặt cãi: “Làm gì có chuyện đó em, bọn văn nghệ sĩ nó phức tạp lắm”. Mặt anh nhăn riết, đau khổ.

Anh ghi danh tôi vào hội, anh làm thơ đứng tên tôi, anh đưa tôi vô danh sách đi tham quan, đi dự trại sáng tác. Vui thiệt.

Tôi không muốn cắt mối quan hệ này với anh. Nhưng chọn anh thì không.

***

Anh là nhà thơ nhưng nổi tiếng hay rượu, thích khề khà chứ uống không được nhiều. Thơ anh là thơ nhân dịp, thơ sự kiện. Hướng ra biển đảo anh có thơ, phòng chống bão lụt anh có thơ, kỷ niệm nhà giáo anh có thơ...

Anh tỏ ra hay là ráng làm bộ điềm đạm, sâu sắc mỗi khi đến nhà tôi. Anh triết lý chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Anh hay dẫn thành ngữ Hán ví dụ như: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Nhưng thời bây giờ khác chứ em, mình sửa lại phu tử tòng tân phu đi. Tôi không cưỡng được mình là tôi khinh những tay chữ nghĩa kiểu như thế.

Anh làm giàu bằng nghề trồng cây cảnh nhưng anh làm sang hay hèn đi bằng làm thơ. Nhà tôi đầy cây cảnh của anh đem tới tặng. Nhìn cũng vui mắt nhưng tưới nước mệt quá, bỏ chết sợ mất lòng anh. Anh bảo chỉ cần một tuần tôi tiếp chuyện anh một lần để anh tiếp năng lượng. Tôi bảo quá nhiều, một tháng một lần thì được. Thơ tình yêu anh làm tặng tôi chắc đến thế kỷ 22 mới hợp nhãn hoặc đưa cho hội nhà văn của người ngoài trái đất may ra họ xài.

***

Anh là phó chủ tịch huyện phụ trách khối văn xã, sếp của tôi. Người anh mập tròn như con số không. Anh thường tự hào mình học tới đệ tứ (lớp 9) của nền giáo dục miền Nam trước năm 1975. Học trước bảy lăm cũng năm bảy loại, anh học trường tư thục, suốt ngày ở rạp phim cùng Địch Long, Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long. Anh học sau ba tôi một lớp, ba tôi biết rành về anh. Cái thằng dốt có chốt, ba tôi nói thế.

Anh hay bắt bẻ câu chữ để làm oai. Anh sừng sộ cấp dưới chỉ mỗi chuyện họ bỏ dấu huyền sai vị trí. Anh rất mê cái món quy định thể thức trình bày văn bản, báo cáo. Anh nhấn nhá chỗ này phải gạch chân, chỗ kia thụt vào, chỗ nọ cỡ chữ phải nhỏ lại. Chưa bao giờ văn bản cấp dưới đưa lên lần một được anh đồng ý.

Tôi gọi anh bằng chú, anh la tôi, bộ em muốn anh già lắm hả rồi anh bẹo má tôi. Suốt ngày anh dò dè bên tôi, người sực nức nước hoa nhưng miệng thì hôi. Nếu được ở Tây tôi kiện anh ngay tội quấy rối tình dục. Không, ở Việt vẫn có cách trị anh. Tôi nói rồi, cỡ anh không là cái đinh gì cũng không đủ khả năng hại tôi. Tôi nói nhỏ vô tai anh: “Tôi coi anh hạng bèo, chả ra gì đâu, dẹp cái chuyện tán tỉnh đi”. Mặt anh tím rịm, cười giả lả: “Cái con nhỏ này, hư”.

***

Anh buôn bán vật liệu xây dựng ở đầu phố, nguyên là lái xe cho giám đốc một nông trường thời bao cấp nhưng tự tin lắm. Giàu có làm người ta tự tin chứ không hẳn do hiểu biết, do học vấn.

Gặp tôi anh nói: “Cô em, kiếm người tình ôm ấp chứ”. Trời, chẳng thấy tôi bà góa rồi bỗ bã sao?

Anh đến nhà tôi, đi từ trước ra sau, bảo cần xây thêm cái này cần sửa chỗ kia, anh giúp cho. Nghe đồn anh bán vật liệu giá hàng chục triệu nhưng anh tính tới đơn vị năm trăm đồng, sổ sách chi li. Khách vội mua bao ximăng, anh lục tìm sổ nắn nót ghi vô cái đã rồi mới khiêng ximăng lên xe máy cho người ta. Anh bảo ghi ngay chứ sợ quên, phải quản lý hàng ra hàng vào.

Tôi đi vắng, anh cho người tới xây cái cổng cho nhà tôi, gạch cát đổ ầm ầm. Anh bảo người đẹp phải kín cổng cao tường mới được. Anh có xây cho tôi cái nhà đúc tôi cũng không chọn anh. Báo hại, tôi vừa năn nỉ anh nhận tiền xây cổng vừa gồng mình trích tiền lương trả cả năm mới xong. Chọn anh ư,
còn khuya.

***

Anh là chồng người bạn thân thiết của tôi. Anh ăn đứt chồng cũ tôi nhiều mặt, tôi thích anh lắm, tôi nghĩ bạn tôi hạnh phúc khi có anh.

Tôi vừa ly dị chồng, anh đến thăm tôi mà không có bạn tôi đi cùng. Anh bảo tôi đừng sợ, mọi chuyện còn có anh. Anh khen tôi là một phụ nữ tuyệt vời, bạn anh cũng có những chàng trai tuyệt vời, anh sẽ giới thiệu cho tôi “đi
bước nữa”.

Anh biết tôi thích anh, và tôi đã ngã vào lòng anh khóc tức tưởi cho duyên tình đổ vỡ. Tôi khóc là để thêm gia vị cho yêu đương.

Tôi không cần anh nói gì, hứa hẹn gì nhưng anh cứ than về vợ anh - bạn tôi. Anh nói: “Anh không sống chung với Huệ được nữa”. Anh cứ tưởng nói thế làm tôi vui nhưng mỗi lần vậy lòng tôi đau thắt.

Tôi nhận ra anh hèn, tôi không thể chọn anh.

***

Tôi, bà góa tuổi ba mươi có con học đến lớp ba nhưng người đời, đàn bà và cả đàn ông, vì ghét và ghen tỵ họ kêu tôi con nhỏ: “Cái con nhỏ đó nó quặp cả tá thằng”. Thì đó, tôi liệt kê đủ tá rồi đó, muốn nữa không tôi kê luôn cho đủ ram?

Tôi như món hàng vừa túi tiền, tưởng dễ dùng nên đông người tranh mua. Thực tình tôi coi chồng các bà chị cũng xoàng như tay chồng cũ tôi vậy, chỉ khác tôi đã bỏ còn các chị thì chưa, vẫn giữ riết.

Tôi có ý nghĩ khôi hài, hôm nào hẹn tá người tình kia cùng lúc có mặt trước sân nhà. Tôi hô hai hàng dọc tập hợp, lập ra hai tiểu đội. Mỗi tiểu đội sáu người chia thành hai tổ tam tam, chắc xảy ra đánh lộn như chơi. Cứ nghĩ đến đó tôi cười to thành tiếng một mình.

Con trai đi học, tôi thì cô đơn còn căn nhà quá trống trải.            

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận