​Chợ Hà Nội - Tìm trong ký ức

ĐỖ PHẤN 22/02/2015 19:02 GMT+7

Hà Nội ngày xưa từng được gọi là đất Kẻ Chợ. Đúng nghĩa ra cả thành phố là một cái chợ khổng lồ. Nay thì phần lớn chợ đã biến hình thành nhiều thứ không còn giống với chợ nữa. Chẳng vui mà cũng không buồn. Chỉ nao nao nhớ!

Tranh: Đỗ Phấn

Hà Nội những năm đầu tiếp quản 1954 vẫn chỉ là những con phố loanh quanh ở bốn khu phố nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Ngoại thành được tính từ các cửa ô Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, cuối đường Trương Định, cầu Long Biên và Ô Cầu Giấy.

Những ngôi chợ ngoại thành

Ngoại thành Hà Nội dĩ nhiên là làng. Những ngôi chợ cũng chỉ có tầm vóc chợ làng mà thôi. Không kể những ngôi chợ bên kia sông Hồng hoàn toàn mang dáng vẻ của chợ quê thì những ngôi chợ phía Đuôi Cá, Trương Định thuộc quận Hoàng Mai bây giờ, những ngôi chợ trong vùng Yên Hòa - Cầu Giấy, chợ trong Thanh Xuân và chợ dưới Giáp Bát cũng là những ngôi chợ làng.

Chợ làng gần như không có thể thức kiến trúc cố định. Thường chỉ là những dãy lều lán tiêu điều tạm bợ hỏng đâu buộc đấy. Nhưng người đi chợ bán hàng cũng có cách phân chia chỗ ngồi tương đối ổn định. Không bao giờ có chuyện hàng rau ngồi lẫn vào hàng gạo.

Chợ làng có đủ những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống thường nhật của cư dân bản địa còn gắn liền với đất đai canh tác. Thể nào cũng phải có một vài lò rèn sản xuất và sửa chữa cày cuốc, dao kéo. Một vài hàng bán vải vóc, áo quần. Vài dãy hàng bán gạo, muối, rau, thịt. Một góc chợ dành cho xe thồ bán hoa quả. Một hai bàn máy khâu nhận may vá sửa chữa áo quần. Vài gánh hàng xén bán thập cẩm kim chỉ, đá lửa, bóng đèn dầu, chun quần đùi, thuốc chuột, cước và lưỡi câu...

Một khu vực không thể thiếu của chợ ngoại thành là dãy hàng ăn uống tưng bừng khói bếp. Bánh cuốn, bánh đúc, bún, phở, tiết canh lòng lợn, rượu trắng. Mặt xanh mặt đỏ hàn huyên cho đến tận lúc vãn chợ. Nhiều bợm rượu lăn kềnh ra ngủ ngay trên phản bán thịt, chõng bán rau cho đến chiều tối mới loạng quạng mò về.

Ở mạn Cổ Nhuế về sáng còn có thêm chợ bán phân người. “Hàng hóa” được người dân vùng ấy vào nội thành khai thác từ nửa đêm. Mang về bán ở chợ lúc hai ba giờ sáng. Đèn măngsông, đèn pin, đèn bão xôn xao chia chác cân đong đo đếm. Có ca dao vỉa hè rằng Thanh niên C Nhuế xin th/ Chưa đy hai st chưa v quê hương! Chợ này cũng chỉ tồn tại một thời gian không dài lắm. Đại khái từ hồi chiến tranh phá hoại của Mỹ cho đến hết thời bao cấp thì giải tán.

Chợ làng phần lớn người đi chợ biết rất rõ về nhau. Hiếm khi có người lạ đến chợ làng. Tuyệt không có kẻ cắp. Chỉ thỉnh thoảng vài đám ăn mày ở xa đến ngồi trước cổng chợ. Ăn xin chuyên nghiệp khá lịch sự trình bày nỉ non: Ly ông đi qua ly bà đi li. Bt đi điếu thuc miếng giu cho con xin năm xu mt hào.

Ở chợ làng không bao giờ người ta nói thách quá cao. Nói thách trong bán buôn chợ búa là một nét sinh hoạt đặc biệt không với mục đích lừa người mua. Người bán hàng tin rằng phải nói thách thì mới buôn may bán đắt. Và người mua cũng luôn mặc cả không phải với mục đích mua được của rẻ. Họ cũng tin rằng phải mặc cả như thế thì mới mong mua được đúng giá.

Chợ làng ngoại thành yên ả như thế cho đến khi cơn lốc đô thị hóa cuốn phăng đi tất cả. Một vài huyện ngoại thành đã trở thành quận nội thành. Siêu thị và chợ xây theo quy hoạch tầm vóc lớn hơn. Chợ ngoại thành giờ đây có hình ảnh quen thuộc là những gian nhà một tầng kéo dài lợp mái tôn rộng thênh thang. Bên ngoài thường có một khu đất rộng để bán những món hàng tươi sống cồng kềnh. Một bãi gửi xe mênh mông khiến khách đi chợ tìm được chiếc xe máy của mình cũng vô cùng vất vả. Một khu chợ như thế dùng cho dân số vài làng trước đây gộp lại. Và cái yên ả, thanh bình trật tự cũng không còn nữa. Hàng hóa thật giả trà trộn vào chợ. Cân điêu đếm thiếu chộp giật, bán mua chao chát hơn nhiều. Đôi khi có cả trộm cắp tìm vào “tác nghiệp”.

“Ở chợ làng không bao giờ người ta nói thách quá cao. Nói thách trong bán buôn chợ búa là một nét sinh hoạt đặc biệt không với mục đích lừa người mua. Người bán hàng tin rằng phải nói thách thì mới buôn may bán đắt”.

Chợ trong nội thành

Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu cho xây dựng chợ Đồng Xuân. Một hình thái mua bán tập trung ngăn nắp có quy mô lớn. Chợ được xây dựng theo kết cấu vì kèo thép tán đinh như cầu Long Biên do chính bàn tay những người thợ làm cầu ở phố Lò Rèn thi công. Kết cấu vì kèo thép là kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới lúc bấy giờ chứ không chỉ ở Việt Nam. Những gian chợ rộng rãi mênh mông và cao ráo. Lũ trẻ đến chợ thường mê mẩn ngước mắt lên nhìn những khung thép tán đinh rivê vô cùng phức tạp kỳ vĩ.

Chợ Đồng Xuân có phần kéo dài ra phía đê sông Hồng gọi là chợ Bắc Qua. Về sau người ta gọi gộp lại là chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Bên chợ Đồng Xuân bán hàng khô, quần áo vải vóc, hàng mỹ nghệ, kim khí gia dụng.

Ảnh: Đỗ Phấn

Khoảng giữa chợ Đồng Xuân và Bắc Qua là nơi lũ trẻ thích thú nhất. Ở đấy bày bán chim, cây, cá cảnh. Thú vật nuôi và hoang dã rất nhiều. Trẻ con Hà Nội coi đó như một vườn bách thú thu nhỏ ngay gần nhà mình. Gần như tuần nào cũng phải nhảy tàu điện lên thăm một lần. Mèo nhỏ, chó con, thỏ trắng, chuột lang tha hồ bế ẵm. Cá chọi giương vây óng ánh sắc màu, cá thần tiên thướt tha bộ râu dài đủng đỉnh trong bể kính. Con mã giáp rực rỡ đốm sao bảy sắc. Con hồng tử kỳ trong veo như miếng thạch hồng hoắng huýt bơi. Con cá kiếm chu sa mắt đỏ như hai hòn than nhỏ xíu... Cả một thế giới thủy cung thần tiên xem suốt ngày không chán mắt.

Hàng bán chim rộn rã tiếng họa mi, chích chòe, khướu. Những con chim khuyên lông vàng rượi như chuối bóc nhảy nhót không ngừng. Con yểng khề khà bắt chước giọng người rao bán lạc rang. Con sáo mỏ ngà cất giọng âm vang như từ trên vách đá vọng xuống. Con dẻ cùi lướt thướt chiếc đuôi dài sặc sỡ. Con vẹt xanh đeo chiếc xích bạc đứng im lìm trên cành gỗ lũa như pho tượng sống. Và chim yến, chim sơn ca cất giọng hót từng tràng dài bất tận.

Đã gọi là chợ ở phố thì không thể thiếu một thành phần. Đó là kẻ cắp. Chợ Đồng Xuân rộ lên nạn kẻ cắp vào quãng những năm 1970, 1980. Thật ra chỉ là ăn cắp vặt ví tiền, kính, bút máy. Đã có thành ngữ mới ra đời lúc này là “Đông như kẻ cắp chợ Đồng Xuân” hoặc “Một mét vuông có bốn thằng ăn cắp”. Nhưng người Hà Nội quen với việc này đến nỗi có ai đó kêu lên rằng chợ Đồng Xuân lắm kẻ cắp thì lập tức đoán ngay ra người phát ngôn vừa mới ở tỉnh bạn về.

Chợ Bắc Qua thơm nồng khói bếp. Những hàng bún chả, bánh cuốn, phở trộn náo nhiệt dưới mái chợ lợp lá thấp lè tè. Hàng rau, hàng thịt, hàng gạo họp phía gần cuối chợ. Bên phía Hàng Khoai là khu chợ bán đồ đan lát mây tre. Thúng mủng, giần sàng, nong nia, bồ tre lớn nhỏ đủ sắc màu. Lồng gà, quang gánh, điếu cày, ống giang chẻ lạt, những chiếc đó, chiếc lờ buộc túm tụm treo trên cao như những lồng đèn vui mắt.

Chợ Đồng Xuân - Bắc Qua được tu sửa xây dựng gộp lại vào quãng năm 1990. Có ngăn nắp, quy củ hơn nhưng không còn nhộn nhịp như trước nữa. Và trận hỏa hoạn năm 1994 đã xóa đi tất cả. Mọi cố gắng phục dựng ngôi chợ cũ chỉ còn giữ lại được kiến trúc mặt tiền như bây giờ. Toàn bộ vì kèo thép tán đinh đã phải thay bằng vì kèo thép hình hàn điện. Không còn ai để ý đến cái kết cấu thép vô hồn ấy nữa.

Rất may chợ Đồng Xuân ngày nay là khu chợ lớn duy nhất ở Hà Nội vẫn còn giữ được nề nếp buôn bán cũ dù mặt hàng đã có rất nhiều đổi khác. Nếu ai đó muốn quan sát kỹ lưỡng vẻ đẹp thuần chất của con gái Hà Nội thì vẫn có thể bắt gặp ở đây nhiều gương mặt như thế. Họ vẫn giữ được tác phong bán hàng lịch thiệp. Không quá vồn vã và chẳng mấy khi chao chát. Hàng hóa bán buôn hoàn toàn tín chấp mà không cần phải thế chấp tiền bạc.

Đặc biệt đã lâu lắm rồi không còn bóng dáng kẻ móc túi nào xuất hiện ở chợ nữa. Một góc Hà Nội nhỏ bé ấy thôi cũng làm an lòng biết bao nhiêu người Hà Nội xưa cũ.

Ở phía nam thành phố có một ngôi chợ quy mô không kém gì chợ Đồng Xuân - chợ Mơ nằm ở cuối phố Bạch Mai. Chợ Mơ cũng bán những mặt hàng như chợ Đồng Xuân nhưng hàng hóa lương thực, thực phẩm nhiều hơn hẳn. Dãy hàng ăn đông đảo những món dân dã quê mùa. Bún ốc, bún riêu của những người làng Pháp Vân mang lên. Bánh cuốn Thanh Trì phía ngoài đê mang vào. Đặc biệt nhất có đậu phụ thì không đâu sánh bằng. Đậu Mơ quét nước nghệ nướng sơ qua thơm lừng ngậy béo. Bợm rượu chỉ cần một bìa đậu nướng chấm muối ớt là cả lít hết bay.

Cũng giống như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Mơ nay chỉ còn trong ký ức. Ba ngôi chợ nổi tiếng này đã biến thành trung tâm thương mại vắng vẻ đến nao lòng. Chợ Hàng Bè cũng dọn dẹp quá nửa, trả lại con phố với những gia đình bán đồ ăn chín và mắm tép.

“Hà Nội ngày xưa từng được gọi là đất Kẻ Chợ. Đúng nghĩa ra cả thành phố là một cái chợ khổng lồ. Nay thì phần lớn chợ đã biến hình thành nhiều thứ không còn giống với chợ nữa”.

 

Chợ Hôm nằm trên phố Huế được xây dựng lại với hình dáng kiến trúc khá kỳ dị. Vải vóc, quần áo, giày dép chiếm trọn vẹn khu chợ chính. Thực phẩm tươi sống chuyển sang lối vào cổng phụ. Chợ vắng vẻ hơn nhiều so với vài chục năm trước mặc dù dân số Hà Nội đã tăng lên hàng chục lần trong ngần ấy thời gian. Chợ Bưởi xây mấy tầng trên nền đất cũ quét màu sơn xanh vỏ bưởi trông rất ái ngại. Những hàng bán cây, hoa, chó mèo cảnh kéo nhau lên mặt đường Hoàng Hoa Thám họp chợ. Đây là ngôi chợ duy nhất ở Hà Nội còn họp theo phiên ngày 4, ngày 9 âm lịch.

Chợ Hôm ngày nay. Ảnh: Đỗ Phấn

Hà Nội ngày xưa từng được gọi là đất Kẻ Chợ. Đúng nghĩa ra cả thành phố là một cái chợ khổng lồ. Nay thì phần lớn chợ đã biến hình thành nhiều thứ không còn giống với chợ nữa. Chẳng vui mà cũng không buồn. Chỉ nao nao nhớ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận