09/04/2009 08:05 GMT+7

Cho con học chữ trước khi vào lớp 1: Có nguyên nhân từ phía nhà trường

Ths NGUYỄN TRỌNG AN (phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - thương binh & xã hội) 




Trải nghiệm
Ths NGUYỄN TRỌNG AN (phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - thương binh & xã hội) Trải nghiệm

TT - Hôm qua 8-4, các nhà giáo dục và những người làm công tác quản lý xã hội tiếp tục lên tiếng về tình trạng đua nhau cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Tuổi Trẻ ghi lại một số ý kiến.

lQvzvGtn.jpgPhóng to
Phụ huynh đón con học viết chữ trước khi vào lớp 1 tại một điểm dạy trên đường Bà Hạt, Q.10, TP.HCM (ảnh chụp 19g30 ngày 7-4) - Ảnh: Như Hùng

Đua nhau cho con học chữ trước khi vào lớp 1: Ai làm khổ ai?Do đâu phải học trước khi vào lớp 1?“Đua” vì... thời cuộc (!)Đừng ép trẻ “chín non”

Có nguyên nhân từ việc “chạy trường”

Quan điểm của tôi là với chương trình giáo dục tiểu học hiện nay, không cần thiết phải cho trẻ đi học sớm, trẻ vẫn có thể hòa nhập tốt. Không nên vì mong muốn của người lớn mà ép trẻ những việc quá sức. Với những trẻ bình thường, không phải cứ học trước chương trình sẽ giỏi.

Tuy nhiên, việc học trước lớp 1 ngoài nguyên nhân từ cha mẹ cũng phải nói đến nguyên nhân từ phía nhà trường. Thực tế việc giải quyết bài toán chất lượng, cũng như mạng lưới trường học đủ để đáp ứng nhu cầu trẻ vào lớp 1 chưa được thực hiện tốt. Tôi được biết nhiều cha mẹ cho con đi học trước để dự tuyển vào lớp 1 của những trường chất lượng cao, trường điểm. Đây là hiện tượng xã hội xuất phát từ chỗ không có nhiều trường có chất lượng được cha mẹ học sinh tin tưởng. Nếu các trường đều đảm bảo dạy tốt, giáo viên đủ trình độ bám sát đối tượng học sinh để có phương pháp dạy học linh hoạt thì cha mẹ học sinh sẽ yên tâm với việc học đúng tuổi.

Bà Đặng Huỳnh Mai (nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT)

GV lớp 1 phải dạy đúng chương trình

Đa số phụ huynh lo sợ một điều: không học chữ trước có theo kịp chương trình không? Phụ huynh rất lo con mình không biết chữ trước sẽ bị thiệt thòi. Tình trạng học chữ trước phổ biến ở các trường điểm, hầu hết các em học không bài bản, biết đọc kiểu đọc vẹt. Nhưng chương trình tiếng Việt dạy từ âm, ghép vần, vần thành tiếng, luyện viết đúng chữ... Những em biết chữ trước vào lớp sẽ chểnh mảng gây khó khăn cho giáo viên.

Phòng Giáo dục quận 5 có chủ trương cán bộ phòng hoặc hiệu trưởng các trường tiểu học sẽ tư vấn và giải đáp thắc mắc cho phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1. Phải trao đổi để phụ huynh yên tâm, không cần cho trẻ học trước khi vào lớp 1. Việc này chúng tôi đã thực hiện ở một số trường và năm nay sẽ thực hiện ở tất cả các trường vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5. Đồng thời, chúng tôi sẽ làm việc với giáo viên, giáo viên lớp 1 phải dạy theo đúng chương trình. Do vậy, phụ huynh cứ yên tâm cho trẻ vui chơi thoải mái trong hè, đầu tháng 8 sẽ có hai tuần cho trẻ làm quen trường, lớp, không khí học tập ở lớp 1.

Cô Võ Ngọc Thu (phó trưởng Phòng GD Q.5, TP.HCM)

Có thể gây hại

Nhiều bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tâm lý khuyến cáo không nên cho trẻ đi học sớm trước tuổi vì sẽ gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ. Bản thân tôi cũng đã theo dõi và nghiên cứu tác động của việc cho trẻ em đi học tiểu học sớm trước tuổi trong nhiều năm và nhận thấy những trẻ em còn đang tuổi mẫu giáo lớn (lớp lá) ở tuổi “chơi là chính” đã phải học chương trình của lứa tuổi lớn hơn, gây nên một sức ép về tâm lý có hại cho bản thân trẻ. Đối với một số trẻ thuộc dạng thần kinh yếu có thể gây sự rối loạn về sức khỏe tâm thần sau này.

Việc lựa chọn và quyết định độ tuổi vào học lớp 1 đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu. Ở VN cũng đã có một số nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này. Nhìn chung những kết quả nghiên cứu đều cho thấy việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ phải nương theo quy luật phát triển tâm sinh lý của mỗi lứa tuổi.

Tôi thấy hiện nay ngành GD-ĐT cũng đã quan tâm đến đối tượng trẻ em trước khi vào lớp 1. Chương trình mẫu giáo năm tuổi đặt ra những yêu cầu mang tính bắt buộc trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, chuẩn bị cả về mặt sức khỏe, tâm lý cần thiết và bước đầu làm quen với con số, chữ cái... Những bậc cha mẹ có con học mẫu giáo năm tuổi trong các trường mầm non nên yên tâm với sự chuẩn bị đúng “ngưỡng” này.

Ths NGUYỄN TRỌNG AN (phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - thương binh & xã hội)

Trải nghiệm của một người mẹ

Tôi có hai con, đứa lớn đang học lớp 2, đứa nhỏ còn những tháng cuối cùng của năm chồi lá. Trước đây tôi có lo lắng như các bậc phụ huynh khác khi bé con chuẩn bị vào lớp 1, vì mỗi chiều đi đón con thì cảnh tôi thường nhìn thấy là các trẻ cùng trang lứa con tôi đang cặm cụi viết chữ còn các bà mẹ gặp nhau chỉ “hội bàn tròn” một “vấn nạn” quen thuộc: “Bé con chị đã biết đọc, biết viết chưa?!”. Những lúc như thế tôi rất bình thản nói “chưa”.

Tôi muốn con học bình thường, ở trường mầm non dạy thế nào cứ để con tiếp thu thế nấy. Ngày họp cha mẹ đầu năm học lớp 1 của con, tôi thưa thẳng với cô giáo việc bé chưa biết gì. Cô cười và nhỏ nhẹ: “Chị yên tâm, rồi bé cũng sẽ theo kịp các bạn thôi mà”.

Mỗi ngày một chữ, bé con của tôi vô tư lúc nhớ lúc quên. Mỗi ngày một dãy số đếm từ 1-10 rồi đến 20..., bé cứ lẩm nha lẩm nhẩm vậy mà rất thích thú bày trò làm toán đố vui với mẹ. Mỗi cuối tuần trong vở báo bài của con tôi đọc lại cho con nghe dòng chữ nhắn gửi thắm đỏ của cô giáo: “Con chăm viết chữ cho sạch đẹp hơn nhé”, hay “học tốt nhưng cần tập trung hơn”. Khi bé con cộng sai, viết xấu, đọc chậm... tôi luôn cổ vũ tinh thần con bằng những lời “thú nhận”: “Ngày xưa khi bằng tuổi con bây giờ mẹ viết chữ không đẹp bằng con, mẹ đọc cũng không hay bằng con. Đôi lúc mẹ còn bị cô phạt quay mặt vào tường vì làm phép cộng sai nữa. Con học như thế là rất tốt, hãy cố lên”. Cuối năm học bé lên lớp 2 bình thường như các bạn. Dĩ nhiên bé đã biết đọc, biết viết rất tốt. Điều quan trọng là con tôi thấy việc đi học là một niềm vui.

Theo tôi nghĩ, trẻ con ở lứa tuổi này chỉ cần biết thế để lớn lên một cách hồn nhiên. Cho nên kinh nghiệm thực tiễn của tôi là con gái nhỏ đang ngấp nghé lớp 1 vẫn sẽ bước theo lối của anh bé. Tất nhiên, điều tôi mong mỏi nhất là bé sẽ học được với một cô giáo dịu dàng đầy tâm huyết như cô giáo dạy lớp 1 của anh trai nó năm nào. Theo tôi, muốn con hay chữ không phải cứ học trước là tốt.

Hiền Đức

Ths NGUYỄN TRỌNG AN (phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - thương binh & xã hội) Trải nghiệm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên