Chính trường Mỹ: Ai diều hâu hơn với Trung Quốc?

QUÂN ANH 28/05/2023 05:57 GMT+7

TTCT - Trong lần hiếm hoi, cả ba bộ trưởng chủ chốt của Nhà Trắng vào hôm 16-5 cùng xuất hiện ở Ủy ban Ngân sách Thượng viện để trình bày chính sách đối phó với Trung Quốc về đối ngoại, quân sự lẫn kinh tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cùng cảnh báo rằng bất cứ cắt giảm ngân sách nào cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.

Chính quyền Biden đang đề xuất 842 tỉ USD ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa tới, tăng 3,2% so với năm 2022 và tăng 13% so với năm 2021. 

Nhưng đề xuất này nhanh chóng bị dội gáo nước lạnh khi Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của phe Cộng hòa chỉ trích ngân sách như vậy là không đủ đối phó với Trung Quốc, đặc biệt là đầu tư cho hải quân và các binh chủng khác. Theo ông Graham, ngân sách này cho thấy chính sách yếu của Biden với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Austin thì nói chính sách này không yếu, và nhấn mạnh: "Ngân sách của chúng ta bao gồm phần tăng 40% so với đề xuất năm ngoái cho sáng kiến răn đe Thái Bình Dương, lên mức 9,1 tỉ USD - cao nhất từ trước tới giờ". 

Ông kêu gọi Quốc hội phê chuẩn ngân sách ngay. "Cách tốt nhất để Quốc hội đảm bảo được lợi thế chiến lược của chúng ta là phê chuẩn ngay ngân sách này", ông nói. "Không tiền bạc nào có thể mua lại được thời gian chúng ta mất đi".

Tranh cãi ở ủy ban là bằng chứng về làn sóng đang ngày càng rõ ở Washington: phe nào cũng muốn tỏ ra cứng rắn hơn trong chính sách với Bắc Kinh - điều được dự đoán sẽ còn nóng nữa trong năm bầu cử 2024.

Sự diều hâu của chính quyền Biden

Đầu tháng 3, các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ có lần thống nhất hiếm hoi khi ra mắt Ủy ban về Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Ủy ban này ra mắt trong bối cảnh lo ngại về các hoạt động tình báo của Bắc Kinh, căng thẳng liên quan tới Đài Loan và quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine.

Ảnh: Foreign Policy

Ảnh: Foreign Policy

Michael Beckley, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung Quốc tại ĐH Tufts, đánh giá thông điệp rất rõ ràng từ các nghị sĩ là kỷ nguyên hợp tác với Trung Quốc từ năm 1972 tới nay đã kết thúc. 

Các thành viên ủy ban thống nhất rằng giờ Mỹ cần một chính sách cạnh tranh rõ ràng và trực diện hơn với Trung Quốc, bao gồm "tách rời một cách chọn lọc" một số lĩnh vực công nghệ và kinh tế, đồng thời thiết lập chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Đông Á, ngăn cản Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng.

Động thái cứng rắn này ở Mỹ xuất phát từ những chuyển biến nội bộ của Trung Quốc cũng như đánh giá về đe dọa từ bên ngoài. Đề xuất của ủy ban cũng muốn thay đổi về dài hạn, chứ không chỉ trong tương lai gần: chính sách của Mỹ trong 10 năm tới sẽ định hình quan hệ Mỹ - Trung của cả thế kỷ này. 

Hạ nghị sĩ Mike Gallagher bên phe Cộng hòa, nói trong phát biểu mở đầu: "Đây là cuộc chiến sống còn để định hình cuộc sống sẽ ra sao trong thế kỷ 21 - những quyền tự do căn bản nhất là tâm điểm".

Như phát biểu của ông Gallagher, các vấn đề giữa Mỹ - Trung không chỉ là bất đồng về lợi ích. Ủy ban nhìn nhận đây là cuộc chiến giữa hai cách nhìn rất khác nhau về xã hội. 

Ủy ban này được thiết kế giống Ủy ban điều tra vụ bạo loạn 6-1-2021 - sẽ truyền hình trực tiếp vào giờ vàng một số buổi điều trần với những tuyên bố chấn động. Ý tưởng là để những vấn đề quan trọng như vậy thành công, dư luận Mỹ cần được hướng dẫn, đầu tư và vận động.

Tương tự, Tổng thống Joe Biden cũng giải thích rằng chính sách của ông là cuộc chiến lớn giữa hệ thống dân chủ với mô hình Trung Quốc. Thậm chí trong một số trường hợp, cách tiếp cận của ông Biden được coi là còn diều hâu hơn so với các đời tổng thống khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, và Ngoại trưởng Antony Blinken trong phiên điều trần. Ảnh: goskagit.com

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, và Ngoại trưởng Antony Blinken trong phiên điều trần. Ảnh: goskagit.com

Định hình lại chính sách trên ba mặt

Về Đài Loan, phiên điều trần ở Ủy ban Ngân sách Thượng viện cho thấy Mỹ cần huy động lực lượng cho khả năng chiến tranh nóng với Trung Quốc ở Đài Loan. Cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMasters nói tại phiên điều trần rằng hai năm tới là giai đoạn đặc biệt "nguy hiểm". 

Ông cho rằng năng lực răn đe của Mỹ để ngăn Bắc Kinh tấn công Đài Loan hiện không còn đủ. Trong khi đó việc bán vũ khí cho Đài Loan vẫn đang chậm, và như cuộc chiến Ukraine thể hiện: rất cần đưa vũ khí tới thực địa trước khi cuộc chiến bắt đầu.

Về cạnh tranh kinh tế, ủy ban nghe bằng chứng từ Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ chỉ ra Trung Quốc đã tác động để có lợi thế về thương mại thế nào thông qua trợ cấp không công bằng và hoạt động gián điệp. Để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế Mỹ, ủy ban đề xuất mở rộng kiểm soát xuất khẩu hoặc cải cách thuế để hàng hóa Mỹ cạnh tranh hơn. 

Mỹ cũng đang cân nhắc "tách rời chiến lược" về kinh tế với Trung Quốc bằng cách khuyến khích doanh nghiệp Mỹ dừng đầu tư và hoạt động ở nước này, đồng thời hạn chế các tập đoàn Trung Quốc hoạt động ở Mỹ - như việc cấm mạng xã hội TikTok.

Về nhân quyền, ủy ban nêu rõ thông điệp nhân quyền nên là trọng điểm hàng đầu trong chính sách Trung Quốc của Mỹ. Phiên điều trần nhấn mạnh cuộc đối đầu này không chỉ là khác biệt về kinh tế và an ninh, mà còn là khác biệt về các giá trị.

Phản ứng của Trung Quốc với phiên điều trần là có thể đoán trước. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao nước này phản đối tâm lý "chiến tranh lạnh" của Washington. Truyền thông Trung Quốc cũng đưa ra thông điệp là chính sách chống Trung Quốc bị thúc đẩy bởi các nhóm lợi ích đặc biệt, nhất là các tập đoàn quốc phòng và người Đài Loan hải ngoại.

Ảnh: Financial Times

Ảnh: Financial Times

Mở rộng của chính sách George Kennan

Trong bối cảnh như vậy, nhiều người nhắc tới chính sách ngăn chặn (containment), được nhà ngoại giao kỳ cựu George Kennan đưa ra năm 1947. Chính sách này có hai cấu phần: ngăn chặn sự mở rộng của Liên Xô; và tập hợp lực lượng các nước phương Tây dân chủ. Kennan chống lại việc sử dụng vũ lực. Quan điểm của ông là với sự kiên trì và khéo léo, về lâu dài Liên Xô sẽ thất bại.

Chính sách hiện nay của Mỹ được coi là ngăn chặn mở rộng. Phần ngăn chặn là các chính sách như cấm xuất khẩu chip tiên tiến thế hệ mới sang Trung Quốc. Còn tập hợp lực lượng là nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố quan hệ với các nước xung quanh Trung Quốc. 

Nhật Bản hiện đã dịch chuyển mạnh sang quan điểm quân sự và tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng - điều được cho là khiến Trung Quốc lo lắng nhất. Mỹ còn thúc đẩy liên kết quân sự với Philippines và Ấn Độ, cũng như thỏa thuận Aukus về tàu ngầm hạt nhân với Úc và Anh, chưa kể chuyển giao vũ khí cho Đài Loan.

Edward Luce của Financial Times kết luận: "Mỹ đang cam kết bằng mọi giá (trừ chiến tranh) để ngăn sự vươn lên của Trung Quốc". ■

Chưa rõ ràng về chính sách

Trong một bài viết trên Foreign Policy tháng 5-2023, Craig Singleton, học giả tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (có xu hướng cứng rắn), cho rằng hiện chính quyền Biden chưa có chính sách thống nhất với Trung Quốc, trong nhiều trường hợp các chính sách này thậm chí mâu thuẫn nhau.

Cho tới nay, ông Biden chưa có bài phát biểu nào vạch ra tầm nhìn về quan hệ Mỹ - Trung. Hiện thông điệp này vẫn do các quan chức khác nhau (ngoại trưởng, bộ trưởng thương mại, tài chính, quốc phòng...) đưa ra, với tầm nhìn dựa trên lợi ích của mỗi bộ. "Kết quả là một quá trình làm chính sách hỗn loạn với những tuyên bố trái ngược nhau", ông Singleton nói.

Ngoại trưởng Blinken thường nói về môi trường "công bằng" và "bình đẳng" trong cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung, trong khi Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan hay nhắc tới kiểm soát xuất khẩu công nghệ để duy trì "thế dẫn trước càng lớn càng tốt" so với Bắc Kinh.

Hai mục tiêu này rất khác nhau: quan điểm đầu là cạnh tranh mở, quan điểm sau là ngăn chặn. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thì lại bày tỏ lo ngại an ninh đang được ưu tiên hơn kinh tế trong quan hệ song phương. Theo bà, các hạn chế không tạo cho Mỹ "lợi thế cạnh tranh về mặt kinh tế", trong khi Bộ trưởng Thương mại Raimondo có quan điểm ngược lại.

Khó có ví dụ nào rõ ràng hơn về tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" của chính quyền Biden trong chính sách với Trung Quốc hơn vụ xử lý khí cầu do thám ầm ĩ hồi tháng 1 vừa rồi. Những thông điệp khác nhau cho thấy rõ sự thiếu kỷ luật phát ngôn.

Ngoại trưởng Blinken chỉ trích Trung Quốc "xâm phạm chủ quyền", trong khi các quan chức chính quyền khác thì nói sự việc "không nghiêm trọng". Sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ lại quay ra cản các cơ quan khác định trừng phạt Trung Quốc liên quan tới vấn đề nhân quyền và hạn chế xuất khẩu!

Theo Singleton, điểm yếu chí tử trong chính sách không thống nhất của chính quyền Biden là Washington đang đánh giá sai tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh. Ông Biden dường như vẫn đang nghĩ Trung Quốc sẽ chấp nhận cùng tồn tại trong dài hạn, trong khi Bắc Kinh đang tư duy rất khác về trật tự thế giới mới, theo ông Singleton.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận