Chính trị, sắc tộc và thế lực mới của Netflix

LÊ HỒNG LÂM 29/12/2018 18:12 GMT+7

TTCT - Những bộ phim phản ánh thời cuộc, đặt ra những vấn đề nóng bỏng về chính trị, sắc tộc dưới thời đại Trump hay là những hồi ức riêng tư nhưng có giá trị phổ quát… vẫn là những tác phẩm điện ảnh nổi bật nhất của điện ảnh thế giới năm 2018.

Cảnh trong phim Roma. Nguồn: IMDB
Cảnh trong phim Roma. Nguồn: IMDB

 

Đọng lại sâu đậm nhất, có lẽ là Roma - kiệt tác phim đen trắng của đạo diễn người Mexico Alfonso Cuaron - với giải Sư tử vàng tại Venice, được 232 nhà phê bình phim khắp thế giới xếp số 1 trong 50 phim hay nhất của năm 2018, được Hiệp hội phê bình phim của New York và Los Angeles bình chọn là phim hay nhất của năm, giành 3 đề cử Quả cầu vàng, được xem là ứng cử viên quan trọng của cả giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất lẫn phim hay nhất của Oscar 2019.

Điều đặc biệt: đây là bộ phim được phát trực tiếp trên nền tảng xem phim trực tuyến Netflix, một thế lực mới không thể chối cãi trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Điện ảnh dưới thời Trump

Xét về doanh thu từ phòng vé, điện ảnh Hollywood có một năm tăng trưởng sau hai năm tụt giảm liên tục. Bất chấp sự cạnh tranh số lượng người xem từ Netflix hay các dịch vụ xem phim trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ, khán giả đến rạp không bị suy giảm nếu có những tác phẩm thực sự làm hài lòng họ.

Doanh thu phòng vé từ khu vực Bắc Mỹ năm nay dự kiến đạt mức 11,8 tỉ USD từ 775 bộ phim đã phát hành, xác lập kỷ lục doanh thu cao nhất mọi thời đại tại khu vực này.

Có được chiến tích này, phải kể đến những thành công của các bom tấn như Black Panther, Avengers: Infinity War, Incredibles 2 hay Mission Impossible 6..., những thương hiệu giải trí tiền tỉ đảm bảo được chất lượng qua mỗi tập phim và mang tính giải trí cao.

Với những nhà phê bình, nhà báo, các thành viên của Viện Hàn lâm điện ảnh, điều họ quan tâm hơn là những tác phẩm điện ảnh đầy tính nghệ thuật, thể hiện được cái nhìn về thời cuộc hay đặt ra những vấn đề mang tính xã hội đương đại.

Những bộ phim như vậy thường không đạt doanh thu cao tại phòng vé, nhưng luôn được nói đến nhiều nhất trong các mùa giải thưởng điện ảnh cuối năm.

Vice (Phó tổng thống), bộ phim tiểu sử về phó tổng thống Mỹ Dick Cheney (Christian Bale đóng) của đạo diễn Adam McKay ra mắt dịp Giáng sinh năm nay đã vươn lên dẫn đầu với 6 đề cử tại giải Quả cầu vàng (kết quả công bố tháng 1-2019). Dù không hẳn đã được lòng toàn bộ giới phê bình nhưng đây là một bộ phim châm biếm sắc sảo nền chính trị nước Mỹ, đặc biệt là dưới thời đại của Tổng thống Trump.

Vice của McKay bắt đầu với hình ảnh thời trẻ của Cheney, anh chàng sinh viên trẻ tuổi bất trị, bị đuổi khỏi trường đại học danh tiếng Yale và đốt thời gian vô bổ bằng những cuộc tranh cãi trong quán bar.

Cuộc đời của Cheney chỉ thay đổi khi được Lynne (Amy Adams đóng) - người vợ sắc sảo - tác động mạnh mẽ. Cheney trở lại trường đại học, sau đó đến Washington DC để bắt đầu với công việc thực tập sinh cho Donald Rumsfeld và làm việc dưới quyền Richard Nixon.

Bộ phim dành phần lớn thời lượng nói về giai đoạn Dick Cheney giữ chức bộ trưởng quốc phòng và chỉ đạo cuộc chiến tranh đầu tiên tại Iraq dưới thời của tổng thống George H.W. Bush. Rất nhiều chi tiết trong Vice mà khán giả có thể liên hệ với những vấn đề trong thời đại của Trump hiện nay, như biến đổi khí hậu, gian lận trong bầu cử hay đổ tiền để vận động tranh cử...

BlackKKlansman, một bộ phim đặc sắc khác của đạo diễn da màu Spike Lee từng được trao giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) tại LHP Cannes từ hồi tháng 5 cũng là một tác phẩm mượn xưa mà nói chuyện nay. BlackKKlansman khơi lại đề tài phân biệt chủng tộc cực đoan của đảng “3K” (Ku Klux Klan) để nói về những vấn đề tồn tại dai dẳng trong xã hội Mỹ hiện nay.

Spike Lee mang đến cho BlackKKlansman một nguồn năng lượng đặc biệt. Ông biến một chủ đề nghiêm túc, thậm chí nặng nề thành một tác phẩm hài hước và giễu nhại chính trị chua cay, đặc biệt là khi xây dựng hình ảnh những thành viên đảng 3K vừa cực đoan vừa hoang tưởng với giọng điệu sặc mùi kỳ thị, những thứ mà giờ đây ta nghe thấy nhan nhản: “có gen của giống loài thượng đẳng”, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, “Người Mỹ là số 1”...

Rất nhiều bộ phim nổi bật khác của điện ảnh năm nay cũng mang màu sắc chính trị và sắc tộc rõ nét. Ngay cả bộ phim siêu anh hùng của “vũ trụ điện ảnh Marvel” (MCU) ăn khách nhất tại Bắc Mỹ năm nay như Black Panther hay Green Book cũng thế.

Green Book là hành trình của tình bạn đặc biệt giữa một nghệ sĩ piano da đen và người lái xe da trắng trong những năm 1960 khi họ lưu diễn tại khu vực miền Nam nước Mỹ - vùng đất kỳ thị sắc tộc nổi tiếng.

Ngay cả một bộ phim độc lập kinh phí thấp như First Reformed của đạo diễn kỳ cựu Paul Schrader cũng theo dòng chủ đề này, đặt ra những vấn đề nhức nhối về đức tin của con người trong một thời đại thiếu vắng niềm tin, khủng hoảng nặng nề về môi trường sống.

Thậm chí, một bộ phim hài lãng mạn như Crazy Rich Asians, hiện tượng tại phòng vé Bắc Mỹ năm nay (thậm chí được đề cử Quả cầu vàng cho hạng mục Phim hài/nhạc kịch hay nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Constance Wu, một nữ diễn viên gốc Á - điều chưa từng có trong tiền lệ của giải thưởng này), mang tính giải trí thuần túy, cũng đặt ra những vấn đề về cách biệt giàu nghèo, về sắc tộc, màu da và những định kiến của con người...

Cảnh trong phim Green Book. Nguồn: IMDB
Cảnh trong phim Green Book. Nguồn: IMDB

 

Trùm mới Netflix

Bỏ ra tới 13 tỉ USD, Netflix, dịch vụ xem phim trực tuyến, đã sản xuất các chương trình gốc phát sóng trên kênh này và thu hút lượng người xem khổng lồ khắp thế giới với mức tăng đáng nể. Netflix gần như đã thay thế hoàn toàn dịch vụ thuê DVD cách đây khoảng 2 thập niên để trở thành một thế lực giải trí mới trong thời đại công nghệ số hiện nay.

The Economist cho biết năm nay, Netflix đã đầu tư tới 12-13 tỉ USD cho các chương trình nguyên bản, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2017 (khoảng 8 tỉ USD). Netflix cũng vượt mặt các thương hiệu giải trí lâu đời khác như HBO (đầu tư khoảng 2,5 tỉ USD cho các series phim gốc). Tại cuộc đua Quả cầu vàng năm nay, Netflix vươn lên dẫn đầu với 8 đề cử.

Không chỉ sản xuất các series truyền hình tạo được tiếng vang lớn, Netflix cũng đầu tư lớn cho mảng sản xuất phim điện ảnh. Năm 2018, Netflix sản xuất tới 82 bộ phim dài chỉ để phát sóng trên kênh này, cao hơn rất nhiều so với các ông lớn khác như Warner Brothers (23 phim) hay Disney (10 phim).

Kế hoạch của họ là tới năm 2022 sẽ chi tới 22,5 tỉ USD cho các chương trình nội dung độc quyền, một con số khổng lồ khiến các đối thủ khác đều phải chào thua.

Một khảo sát với 2.500 khán giả trưởng thành tại Mỹ cho kết quả: 27% khán giả sử dụng Netflix để xem phim hoặc các chương trình giải trí, cao hơn so với 20% khán giả xem truyền hình cáp, 18% khán giả xem truyền hình truyền thống và 11% xem YouTube.

Sự tăng trưởng vượt bậc của Netflix một phần do thói quen giải trí của khán giả đã thay đổi trong thời đại công nghệ số, nhưng quan trọng hơn là chất lượng vượt trội của thương hiệu xem phim trực tuyến này.

Netflix bỏ ra tới 125 triệu USD, mức kỷ lục để đầu tư cho bộ phim gangster The Irishman của đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese với một dàn sao lớn như Robert DeNiro, Al Pacino, Joe Pesci để phát sóng độc quyền trong năm 2019.

Hay gần hơn là mua bản quyền của Roma, kiệt tác đen trắng của đạo diễn Mexico Alfonso Cuaron, chỉ để phát sóng toàn cầu trên kênh trực tuyến này. Tác phẩm này có thể “làm nên chuyện lớn” khi được dự báo đề cử các hạng mục quan trọng nhất tại Oscar sắp tới. ■

Nổi tiếng thế giới nhờ bộ phim Y tu mamá también (2001), thành danh ở Hollywood nhờ một loạt phim thành công như Harry Potter and the Prisoner of Azkaban (2004), Children of Men (2006) hay Gravity (2013, mang về 7 giải Oscar), vị đạo diễn của “làn sóng mới” Mexico Alfonso Cuaron quay trở lại quê hương để thực hiện Roma. Đây là một tác phẩm hồi ức mang màu sắc riêng tư mà ông dành tặng cho quê hương, đặc biệt là cho người giúp việc của gia đình ông trong những năm 1970 tại Mexico.

Alfonso Cuaron chọn hai màu đen trắng để kể chuyện nhưng lại sử dụng máy quay phim kỹ thuật số để mang lại sự nhạy cảm cho hình ảnh. “Tôi muốn Roma giống như một bộ phim từ quá khứ, nhưng không phải là một tác phẩm hoài cổ” - ông nói. Và để tác phẩm mang tính riêng tư, với nghệ thuật kể chuyện thuần khiết nhất, ông vừa biên kịch, đạo diễn, dựng phim và kiêm luôn cả vai trò quay phim. Roma vô cùng đơn giản, chỉ mất khoảng 10 phút để tóm tắt câu chuyện này, nhưng tác phẩm dài 2 giờ 15 phút với lối kể chuyện từ tốn, chậm rãi và triệt tiêu kịch tính này đã thực sự tạo một cú nổ về mặt cảm xúc đối với khán giả.

Hồi ức sống động và nỗi thương nhớ của đạo diễn về quá khứ, về những biến động của chính trị, thời cuộc và cả số phận đã tác động đến người thân và gia đình đã khiến bộ phim trở thành một tác phẩm mang tính chính trị, có những thông điệp phổ quát mà khán giả từ bất cứ nền văn hóa nào cũng có thể cảm nhận được một cách sâu sắc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận