Chinh phục “sống lưng khủng long”

ĐINH THỊ HỒNG NGỌC 25/04/2018 01:04 GMT+7

TTCT - “Sao lại mất một ngày hành xác đi thăm cái cột đá vô tri vô giác để làm gì? Tiết kiệm được tiền thì đi nghỉ mát với cả nhà có phải sướng gấp vạn lần không?”. Mẹ tôi la lên như vậy khi biết tôi trở về từ Bình Liêu với mái tóc rối bết và đôi giày đen trắng phớ loang lổ vì đất bụi.

Con đường tạo nên huyền thoại Bình Liêu
Con đường tạo nên huyền thoại Bình Liêu

 

Chỉ có bản thân tôi mới hiểu cái cột đá mà mình viếng thăm không phải vô tri giác, mà là hiện thân cho biết bao con người đã ngã xuống gìn giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, là dấu mốc cho cả một đoạn đường dài vượt lên những sợ hãi, yếu đuối bản năng trong chính bản thân tôi.

Vùng đất đẹp ma mị

Tôi biết về Bình Liêu qua lời giới thiệu của một người bạn quê Quảng Ninh. Nhắc tới Quảng Ninh, người ta hay nhớ về Hạ Long, về Bãi Cháy, về Cô Tô chứ ít người biết đến Bình Liêu. Đây là một huyện miền núi nghèo giáp biên giới Việt - Trung và chỉ mới nổi lên vài năm gần đây trong cộng đồng du lịch bụi.

Nghe cái tên Bình Liêu người ta đã thấy đầy phiêu lưu, vậy mà trên đường đi tôi mới biết huyện này còn nhiều xã với cái tên nghe ma mị và huyền bí hơn nữa: Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại. Bình Liêu cũng là nơi cư trú của các dân tộc ít người như Tày, Dao, Sán Chỉ và Hoa.

Nằm cách Hà Nội chừng 280km, nơi đây có rất nhiều địa điểm thú vị để khám phá, có thể kể đến thác Khe Vằn, Khe Tiền, bản Sông Moóc hay đỉnh núi Cao Xiêm, Cao Ly - nóc nhà đầy huyền bí của Quảng Ninh. Nhưng nổi tiếng và thu hút nhất có lẽ là cung đường tuần biên tuyệt đẹp cắt ngang qua cửa khẩu Hoành Mô, dẫn lên các cột mốc biên giới, đặc biệt là mốc 1305 cùng với “sống lưng khủng long” mà người ta hay gọi vui là bản “dupe” của sống lưng khủng long tại Tà Xùa.

Chúng tôi lên Bình Liêu vào đợt lạnh nhất của mùa đông miền Bắc với dự định chinh phục mốc 1305 huyền thoại. Đi thẳng quốc lộ 18 đến ngã ba Tiên Yên rẽ vào 18C, chạy xe chừng một tiếng nữa thì gặp chốt biên phòng tại cửa khẩu Hoành Mô. Hỏi lính gác tại đây chúng tôi được chỉ lối rẽ vào đường tuần tra biên giới. Từ đây chúng tôi như lạc vào một thế giới riêng huyền bí chỉ có hai người.

Đường tuần biên uốn lượn quanh co với những khúc cua tương đối dốc. Lác đác trên quãng đường đầu chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà nép mình vào vách núi, thấp thoáng sắc đỏ sặc sỡ của những dải váy áo trang phục truyền thống người Dao.

Càng lên cao từng lớp núi lại càng hiện lên đồ sộ và hùng vĩ, không còn thấy bóng người. Cái hoang vu và tĩnh lặng của núi rừng cứ như một thỏi nam châm kỳ lạ hút hai đứa chúng tôi đi mãi vào thung lũng bốn bề chỉ thấy màu xanh thẳm sâu cùng những vách đá phủ rêu sừng sững.

Sống lưng khủng long. Ảnh: binhlieu.com

Cột đá không vô tri vô giác...

Hành trình tìm mốc tương đối khó khăn. Trên cung đường tuần tra này, người ta có thể bắt gặp vô số cột mốc “ngây thơ và đơn giản”. Chúng tôi chạy xe gần 30km, hai lần dừng lại hí hửng mừng thầm tưởng đã tìm được đến nơi nhưng hóa ra vẫn không phải. Chúng tôi lên được cột số 1304 và 1303 trước khi vòng xe lại tìm thấy một con đường mòn đang thi công gần km20, gạch đá ngổn ngang với tấm biển ghi số 1305 nằm chỏng chơ trên đất.

Đường lên chỉ có bậc thang một đoạn ngắn, leo hết đoạn đó tôi đã cảm thấy mệt nhoài, phần còn lại là đường đất, dốc và trơn trượt. Đoạn có nhiều đá dễ lên hơn một chút, còn đoạn đường đất thì quả thật là khó khăn đối với một đứa sợ độ cao như tôi. Phải đi theo kiểu “mặt cắm xuống đất, mông chổng lên trời”, chính xác như vậy mới đi được. Trượt, bám rồi lại trượt, bám. Lên được một đoạn nữa tôi cảm thấy như từng tế bào nhát chết trên cơ thể đang quyết liệt biểu tình đòi đình công.

Đến giờ tôi vẫn không quên được cái cảm giác ngồi thu lu trên vách núi, nhìn lên cao vòi vọi không biết mốc ở chỗ nào, nhìn ra xung quanh thì bao la trời đất giữa lồng lộng từng cơn gió lạnh tái tê. Hãy chọn đi cùng với một người bạn đường dũng cảm, kiên trì và bền bỉ, bởi vì nếu như không vận động thể lực thường xuyên, bạn rất có thể sẽ ngồi khóc và bỏ cuộc bất cứ lúc nào.

Cột mốc 1305 đúng như mẹ tôi nói cũng chỉ là một cái cột đá, cũng bình dị và đơn sơ như bao cột mốc biên cương khác. Nhưng không ai biết được những cột đá đó đã âm thầm ghi tên bao nhiêu linh hồn vô hình nằm trong lòng núi hoang vu lạnh lẽo, bao nhiêu mồ hôi vất vả của những người công nhân kéo máy làm đường từ chân núi đi lên...

Tôi đưa mắt ra xa nhìn ngắm màn sương mỏng bồng bềnh trôi dưới thấp đương tan ra trong ánh nắng hanh hao của mặt trời vừa ló sau lưng núi. Cả một vùng sơn cước bừng lên trong cái nắng hiếm hoi đầu chiều đông buốt giá.

Tôi nhìn thấy rõ con đường tuần biên đẹp tuyệt như một dải lụa trắng mảnh mai uốn lượn ẩn hiện giữa núi non điệp trùng bạt ngàn xanh. Nếu cặp đôi nào có cơ hội lên đây, nhất là sau khi cùng nhau trải qua một hành trình đầy vất vả, đừng quên trao nhau một nụ hôn ngọt ngào, đằm thắm trong khung cảnh biên cương Đông Bắc nên thơ đến nao lòng này nhé!

Bình Liêu đẹp như tranh. -Ảnh: binhlieu.com
Bình Liêu đẹp như tranh. -Ảnh: binhlieu.com

 

Và, chút Suy Ngẫm

Bình Liêu đang ngày càng đầu tư phát triển du lịch. Đây là một tin vui nhưng đồng thời cũng khiến tôi thấy suy tư. Tôi thầm nghĩ du lịch phát triển để đem lại cho con người sự thoải mái và thuận tiện, nhưng liệu sự thoải mái và thuận tiện quá có còn giúp cho du khách có được trải nghiệm một cách tự nhiên và chân thực? Liệu rồi một vài năm nữa quay lại đây, tôi có còn được trườn - bò - lết lát trên con đường mòn lên núi, có còn cái cảm giác tò mò kích thích khi tự mình khai phá tìm ra những cột mốc đầy bí ẩn?

Bỗng dưng tôi lại sợ Bình Liêu sẽ trở nên giống như Sa Pa, Mộc Châu hay Tà Xùa, sẽ bị thương mại hóa và chen cứng dấu chân của du khách thập phương. Sự đông đúc quá mức là một trong những lý do khiến những địa điểm du lịch mất dần đi bản sắc và sức hấp dẫn riêng.

Có nên chăng chúng ta cần giới hạn sức chứa cho những địa điểm này bằng cách giới hạn số lượng các nhà nghỉ, khách sạn, homestay hay số lượng xe tại các bãi đỗ ở mức đảm bảo duy trì không gian và cảnh quan đặc trưng của vùng miền, để đảm bảo du khách có một trải nghiệm du lịch chất lượng nhất?

Đó luôn là một bài toán khó đối với ngành du lịch, nhưng với tư cách của một kẻ lữ hành không chuyên, tôi vẫn luôn mong vấn đề này sẽ được giải quyết để những địa điểm như Bình Liêu luôn giữ được nét hoang sơ hấp dẫn và độc đáo của riêng mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận