Chính biến mang tên "cách mạng 30 tháng 6"

NGUYỄN NGỌC HÙNG 26/07/2013 09:07 GMT+7

TTCT - Việc Tổng thống Mohamed Morsi - một lãnh tụ của Tổ chức Anh em Hồi giáo (AEHG) - bị phế truất có tác động rất lớn của “Cách mạng 30 tháng 6” - một phong trào quần chúng được những lực lượng chính trị dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo.

Phóng to
Một người ủng hộ Tổng thống Morsi bị thương trong cuộc đụng độ với cảnh sát sáng 16-7 - Ảnh: Reuters

“Cách mạng 30 tháng 6” quy tụ những tổ chức chủ yếu như: Mặt trận cứu quốc với thành viên gồm hơn 30 đảng chính trị theo khuynh hướng tự do; Phong trào “Nổi loạn” (Tamarrod) gồm nhiều tổ chức thanh niên tự phát đã tham gia “Cách mạng 25 tháng 1” lật đổ Mubarak; Viện đại học al-Azha’r danh giá nhất của thế giới Hồi giáo; Hội đồng lãnh đạo Thiên Chúa giáo Ai Cập với số lượng tín đồ chiếm khoảng 1/10 dân số.

Phong trào “Cách mạng 30 tháng 6” còn quy tụ được những tổ chức Hồi giáo lớn vốn là đồng minh chiến lược của AEHG trong cơ chế chính quyền Ai Cập thời hậu Mubarak. Đó là Đảng Nour (Ánh sáng) - đảng chính trị của phong trào Hồi giáo nguyên gốc Salfiya, “đồng minh số 1” của AEHG suốt một năm qua. Đảng này chiếm tới 25% số ghế trong quốc hội (đã bị giải tán) được bầu hồi tháng 11-2011.

Tổ chức Jamaa Islamiya - một phong trào Hồi giáo có truyền thống cực đoan đã gây ra vụ ám sát kinh hoàng giết chết tổng thống Anwar Sadat năm 1981 - cũng gia nhập lực lượng “Cách mạng 30 tháng 6”.

Cương vị phó tổng thống phụ trách đối ngoại giúp ông ElBaradei có vai trò chính thức trong chính quyền lâm thời, đồng thời vẫn phát huy thế mạnh trong vận động quốc tế ủng hộ Ai Cập sau chính biến.

Một thế lực quan trọng nữa là hệ thống truyền thông - báo chí rất đông đảo tại Ai Cập, vốn được hưởng quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm cá nhân rộng rãi vào loại hàng đầu trong thế giới Ả Rập. Sau khi lên cầm quyền vào cuối tháng 6-2011, ông Morsi đã cố gắng đưa những người “gần gũi” với AEHG vào lãnh đạo các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí của nhà nước.

Nhưng việc hầu như toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng này đồng loạt tỏ thái độ ủng hộ cuộc chính biến ngày 3-7 và hầu hết kênh truyền thông của AEHG bị tẩy chay, không thể phát sóng chứng tỏ chính sách “Hồi giáo hóa truyền thông” không thu phục được lòng người.

Lực lượng chính trị - xã hội - quần chúng - truyền thông đông đảo ấy được tổ chức và lãnh đạo bởi những người mà cả thế giới đều biết đến danh tính và kinh nghiệm chính trị của họ. Người đại diện “Cách mạng 30 tháng 6” là tiến sĩ Mohamed ElBaradei, từng nhiều năm làm tổng thư ký của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và được giải thưởng Nobel hòa bình trong thời gian ở cương vị ấy. Một nhân vật nổi bật nữa là tiến sĩ Amr Moussa, từng giữ ghế tổng thư ký của Liên đoàn Ả Rập - tổ chức quy tụ tất cả các quốc gia của thế giới Ả Rập.

Những thông tin trên đây cho thấy so sánh lực lượng trên chính trường và xã hội Ai Cập khi xảy ra cuộc chính biến ngày 3-7 nghiêng hẳn về phía các lực lượng chống lại chính quyền AEHG do ông Morsi làm đại diện. Điều này giải thích vì sao các lực lượng đối lập với AEHG có thể huy động được hàng triệu người đổ ra quảng trường Tahrir ngày 30-6 đòi lật đổ ông Morsi.

Không thể phủ nhận vai trò quyết định của quân đội Ai Cập, do đại tướng Fattah el-Sisi làm bộ trưởng quốc phòng, trong chính biến ngày 3-7 loại bỏ ông Morsi và đưa ông Adli Mansour lên làm tổng thống lâm thời. Thế giới cũng chứng kiến toàn bộ lãnh đạo của AEHG, kể cả ông Morsi, đã bị “vô hiệu hóa” nhanh gọn ra sao.

Sự nhanh gọn này cho thấy quân đội không chỉ được đông đảo các lực lượng chính trị - quần chúng ủng hộ, mà còn có sự đồng tâm nhất trí của các cơ chế vũ trang khác như an ninh, cảnh sát thuộc Bộ Nội vụ và Vệ binh cộng hòa chịu trách nhiệm bảo vệ dinh tổng thống.

Vì sao ông ElBaradei chỉ làm phó tổng thống?

Diễn biến trên chính trường Ai Cập kể từ sau khi ông Mubarak bị lật đổ hồi đầu tháng 2-2011 đến nay cho thấy vai trò trọng yếu của ông Mohamed ElBaradei.

Quyết định không ra tranh cử tổng thống hồi tháng 4-2012 giúp ông ElBaradei vừa tránh được tâm lý của đông đảo người dân Ai Cập khi ấy không ưa những ai “dính líu đến chế độ Mubarak và phương Tây”, vừa được công chúng ghi nhận là không tham vọng quyền lực.

Nhờ uy tín này mà ông có thể tập hợp được đông đảo giới tinh hoa và có học tại Ai Cập trong Mặt trận cứu quốc chống lại chính quyền AEHG và sau đó trở thành đại diện cho tất cả các lực lượng “Cách mạng 30 tháng 6”.

Sau khi quân đội tuyên bố loại bỏ ông Morsi, ông ElBaradei được nhiều bên tiến cử trở thành người đứng đầu đất nước hay chính phủ trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng điều này không xảy ra.

Việc chủ tịch tòa án hiến pháp được đưa lên làm tổng thống lâm thời là một quyết định khôn ngoan của phe chính biến nhằm giảm nhẹ “màu sắc quân sự” của sự kiện nghiêm trọng này. Quyết định này cũng mang tính hợp hiến bởi Hiến pháp Ai Cập quy định trong trường hợp khuyết tổng thống thì chủ tịch tòa án hiến pháp mặc nhiên là tổng thống lâm thời.

Ông ElBaradei cũng được coi là một ứng viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng lâm thời, nhưng cựu tổng thư ký IAEA đã rất thận trọng. Ông không muốn tạo cớ để “đẩy” Đảng Nour trở lại phe của AEHG, bởi đảng Hồi giáo này đưa ra điều kiện thủ tướng lâm thời phải là một người trung lập, trong khi ông ElBaradei là lãnh tụ Mặt trận cứu quốc.

Cương vị phó tổng thống phụ trách đối ngoại mà ông ElBaradei được bổ nhiệm hiện nay là một lựa chọn tối ưu, giúp ông có vai trò chính thức trong chính quyền lâm thời, đồng thời vẫn phát huy tối đa thế mạnh của mình để vận động quốc tế ủng hộ Ai Cập sau cuộc chính biến.

Phản kháng quyết liệt của AEHG

Làn sóng biểu tình “biển người nằm lỳ” do phe Hồi giáo tổ chức tại một vài quảng trường lớn thuộc thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác kéo dài suốt từ ngày 4-7 đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Các lãnh tụ của AEHG tuyên bố sẽ biểu tình như thế cho đến khi nào “tổng thống hợp pháp” được khôi phục.

AEHG ra sức kích động tâm lý phản kháng ở trong và ngoài Ai Cập sau sự kiện được họ gọi là “vụ thảm sát tại trụ sở Vệ binh cộng hòa” ngày 5-7, nơi xảy ra xung đột đổ máu giữa quần chúng của AEHG với lực lượng vũ trang bảo vệ mục tiêu này, khiến hơn 50 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Ngày thứ sáu đầu tiên của tháng lễ Ramadan - trùng ngày 12-7 - được giới lãnh đạo AEHG xem là cơ hội để tập hợp đông đảo nhất các tín đồ ủng hộ họ. Các lãnh đạo AEHG đã bác bỏ khả năng tham gia chính phủ lâm thời của chính quyền mới, từ chối đối thoại do tổng thống lâm thời Mansour đưa ra khi “tổng thống hợp pháp” Morsi chưa được phục chức.

AEHG tỏ rõ quyết tâm tìm mọi cách để khôi phục vị thế cầm quyền của họ tại Ai Cập. Tổ chức này cùng các đồng minh của họ ở trong và ngoài Ai Cập có sức mạnh đức tin, lực lượng quần chúng và vật chất không thể xem thường. Ai Cập rất khó trở lại yên bình và ổn định trong thời gian có thể xác định được.

Nhưng thực tế diễn ra ngày 12-7 cho thấy AEHG không thể tập hợp được đông đảo quần chúng biểu tình như họ kỳ vọng. Với tương quan lực lượng trên thực địa hiện thời, chưa thấy xuất hiện những yếu tố có thể làm đảo chiều làn gió xã hội dân chủ cưỡng lại tham vọng Hồi giáo hóa mà AEHG theo đuổi trong một năm qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận