Chim nhựa trong lồng

TTCT - Vào một sáng đẹp trời nhưng không mặt trời. Không khí như đang thấm nước. Ngồi nơi hiên nhà mình, lão Tiếp loay hoay treo vào lồng sắt tám con chim nhựa màu xanh lân tinh.

“Tám con cũng gọi là bầy - lão nói nhỏ, giọng ngân nga như hát cho mình nghe trong một trạng thái vui thú không cưỡng được - Tuy chúng bằng nhựa nhưng phải gọi là “chim”, không gọi là “nhựa” được”.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Treo bầy chim nhựa vào lồng sắt xong, lão cẩn thận móc lồng chim lên nhành mai đại lão sát hiên nhà. Nhành mai oằn xuống như cần câu, trông rất nghệ thuật. Lão khoan khoái qua lại ngắm nghía. Rồi lão vỗ tay bốp bốp, lập tức bầy chim nhựa trong lồng hót ríu ra ríu rít. Tiếng hót nhỏ nhắn, hiền hậu, chen chúc chật ních trong khóm mai. Lão cười, tay gãi gãi sống mũi. Xem ra cũng thích mắt và thích tai thật.

Vợ lão đi chợ về, tay xách giỏ đầy những rau mồng tơi, thấy trò trẻ con ấy, bà cụ gắt gỏng:

“Đó là bọn chim của thằng cháu Tổng bỏ quên. Ông gói cất lại cho nó không? Đợt sau về, nó đòi... Ông lấy gì đưa nó?”.

“Tôi nhốt vào lồng cũng là cất. Nó chưa đòi, mình cứ nuôi cho đẹp”. Lão Tiếp trả lời vui vẻ. Như để khoe với vợ, lão lại vỗ tay bốp bốp, bầy chim trong lồng lại hót ríu ra ríu rít.

Trông ngứa mắt, bà cụ quay nhìn chỗ khác, lại gắt gỏng:

“Chim nhựa mà nhốt trong lồng? Ông làm trò hề người ta cười cho. Gói chúng cất đi cho khỏi bạc màu”.

“Tôi già, chẳng sợ ai cười cả. Mà người ta có cười tôi, tôi càng vui. Bà đâu biết tôi bỏ chúng vào lồng là có ý cả đấy”. Vừa nói lão vừa vỗ tay bốp bốp cho bầy chim hót vang.

“Ông bỏ chúng vào lồng là có ý gì?”. Bà cụ lại gắt gỏng hỏi.

“Tránh mèo ăn”. Lão trả lời chắc nịch.

Nghe thế, vợ lão trố mắt nhìn lão. Ánh mắt bình thường đục ngầu của bà cụ đột nhiên le lói tia sáng, rồi liền đó tắt ngúm. Bà cụ lắc đầu và im lặng. Cái lóe sáng trong đôi mắt đã mờ, cộng với động thái lắc đầu như cùng nói lên rằng gặp phải một người điên điên hãy nên cao chạy xa bay. Bà liền đi nhanh xuống bếp.

Còn một mình, lão Tiếp đến ngồi vào bàn rót nước trà uống, mắt vẫn không rời lồng chim. Một cơn gió thốc ngang, bầy chim nhựa trong lồng bị đung đưa, chúng lại hót ríu ra ríu rít. Lão Tiếp lại mỉm cười và thật sự thích thú trong lòng. Lão xoa tay, lẩm bẩm: “Đồ chơi trẻ nít lúc nào cũng ngộ nghĩnh, rất thích hợp tuổi già”.

Nói xong, lão nhíu mày, nhớ lại hình ảnh cáu gắt của bà vợ, lão vội lẩm bẩm sửa lại: “Ta nói sai rồi. Phải nói như thế này: Đồ chơi trẻ nít lúc nào cũng ngộ nghĩnh, rất thích hợp cho lão ông nhưng lại khó chịu với lão bà”.

Lúc này, cụ Soạn láng giềng bước vào. Cụ lúc nào cũng tươm tất, quần trắng áo trắng, chân dép lào xanh, tay lăm lăm chiếc roi đề phòng chó dữ. Khi nhìn thấy chiếc lồng có quá nhiều chim không bay nhảy, cụ đến gần xem kỹ. Vẻ thích thú hiện lên khuôn mặt, cụ gật gù, nói với lão Tiếp:

“Chim đẹp lắm. Mỏ đỏ, ức trắng, chân vàng, mắt nâu, lưng, cánh lại xanh tươi tắn. Đúng loại chim quý. Chúng tên gì nhỉ? Đố trời mà biết! Loại chim này tôi chưa thấy bao giờ. Ồ, anh nên mua một ít sâu nhựa và cào cào nhựa, cả trái cây nhựa, để cho chúng ăn chớ? Còn nước uống đâu? Mình già rồi, đã biết cái đói là điều tệ hại nhất trong cuộc sống, vậy nuôi con gì cũng nhất quyết không bỏ đói - cụ Soạn đi vòng quanh nhìn thật kỹ bầy chim trong chiếc lồng lần nữa, nói tiếp - Tại sao anh lại không đậy chặt cửa lồng lại? Bỏ cửa trống hoác thế này, mèo sẽ vào xơi ráo bầy chim đấy”.

Vừa nói, cụ Soạn vừa thò tay cài chặt nắp cửa lồng chim lại. Xong, cụ đi đến bàn trà ngồi đối diện với lão Tiếp.

Nghe cụ Soạn nói thế, lão Tiếp giật mình. Lão nhìn chăm vào cụ Soạn. Ôi, những ý nghĩ đó đều trùng hợp với ý nghĩ của lão. Lão đon đả rót trà mời cụ Soạn:

“Cảm ơn anh. Cảm ơn anh. Anh góp ý như thế tôi sẽ nghe lời. Chúng biết hót rất hay đấy”.

Nói dứt lời, lão đến gần lồng, vỗ tay bốp bốp. Bị sóng âm thanh của tràng vỗ tay tác động, bầy chim đồng loạt hót ríu ra ríu rít.

Cụ Soạn thích thú cười ha hả:

“Nghe chúng hót, uống chén trà càng thêm ý vị. Bầy chim này anh mua hay ai tặng anh?”.

“Của thằng cháu nội bỏ quên. Đã đựng trong chiếc hộp giấy rồi, nhưng khi đi lại quên mang theo. Việc này hóa ra lại hay anh ạ. Nay, nhìn bầy chim, tôi cũng đỡ nhớ nó”.

“Ừ, thế phải giữ cho kỹ. Tối nên đem vào nhà. Thời buổi này trộm vặt nhiều lắm”.

Một cơn gió mạnh lại thốc đến, bầy chim đong đưa và kêu ríu ra ríu rít. Lão Tiếp và cụ Soạn cùng nhìn nhau một chặp, rồi cười với nhau rất ý vị. Lũ chim này cũng ngộ nghĩnh nhỉ. Hay quá đi chứ.

Cụ Soạn hớp miếng nước trà, chép chép miệng nói:

“Bọn chim này giỏi thật, gió thổi chúng cũng hót, vỗ tay chúng cũng hót”.

Lão Tiếp vui vẻ giải thích:

“Chắc là chúng có cục pin rất nhỏ trong bụng”.

Cụ Soạn mắt sáng lên:

“Như vậy là chúng ăn pin. Anh nhớ mua pin bỏ vào nhé. Úi chà, bọn chim này hiện đại quá”.

Lúc này, bầu trời đã chuyển sang màu chì, báo hiệu một cơn mưa sắp đến. Ngoài sân, chuồn chuồn đột ngột bay đến rất nhiều. Cụ Soạn liền đi ra giữa sân xem trời. Lão Tiếp nhìn ra thấy chuồn chuồn bay rối ren, đan kín cả người cụ Soạn. Lão cũng muốn mình được như thế. Lão cũng đứng dậy đi ngay ra sân.

Bầu trời đang thấp dần xuống và gió bắt đầu rông. Không khí đẫm hơi nước làm lão khỏe người. Một cơn gió mạnh lại thốc tới. Nơi hiên nhà, bầy chim nhựa lại ríu ra ríu rít trong lồng.

Đám chuồn chuồn vẫn bay vần vũ xung quanh hai cụ. Cụ Soạn xòe cả hai bàn tay chộp chúng nhưng chẳng được con nào. Chúng xoẹt nhanh quá. Chúng lao vun vút đủ mọi hướng, rối ren cả mắt.

Lão Tiếp thích chí cười sặc sặc, nói với cụ Soạn:

“Anh mà bắt được chúng, cứ để trên lưng tôi mà nướng nhé”.

Cụ Soạn cũng cười sặc sặc:

“Có ai ăn chuồn chuồn đâu mà phải nướng trên lưng anh”.

“Tại sao không ăn?”.

“Chuồn chuồn tanh lắm. Chúng tanh hơn cả ruồi” - cụ Soạn trả lời.

“Đúng vậy”.

Lão Tiếp vừa nhất trí nói, vừa gật mạnh đầu. Trán lão đập trúng một chú chuồn chuồn bay ngang làm nó lảo đảo xoẹt vào vành môi lão, trước khi vút lên bay tiếp. Gió thổi từng đợt khá mạnh. Chân trời hướng tây đã trống cao dần. Đây là một dấu hiệu trời có thể không mưa được.

Trời ở làng Thạch Thổ lạ lắm. Dường như đấy là một ông trời riêng. Mưa đến rất nhanh. Ngừng mưa cũng nhanh không kém. Và, dọa mưa lại càng nhanh hơn nữa. Mưa, nắng ở đây đều mang tính chất nghịch ngợm để làm khổ nông dân.

Lão Tiếp chùi trán và ngửi thử mấy ngón tay mình. Không có mùi tanh của chuồn chuồn. Lão cười thích thú và nghĩ rằng cái gật đầu của mình chưa đủ mạnh để làm chết nó. Nếu con chuồn chuồn vỡ ra, trán lão sẽ bị tanh tưởi. Lão nhớ hồi nhỏ, ông nội đã giã chuồn chuồn rồi cạo nhớt thớt trộn vào cho lão uống. Lão vừa hớp vào, chưa nuốt, lập tức nôn ọe tới mật vàng mật xanh. Đó là bài thuốc trị chứng bội thực rất thần kỳ.

Số là bữa cơm chiều đạm bạc dọn ra giữa sân, cả nhà còn mắc việc chưa ăn, một mình lão ngồi xếp bằng, ngon miệng xơi ráo cả nồi cơm. Bụng căng như cái trống, lão đứng dậy không nổi, mắt trợn ngược, nước bọt phèo ra mép, mồm thở hơi ra, mặt mũi xanh như đít nhái. Lão đã bị bội thực. Lúc ấy trời cũng sắp mưa như thế này. Chuồn chuồn cũng nhiều như thế này. Và ông nội lão đã bào chế bài thuốc ấy cho lão uống.

Lão rùng mình khi nhớ lại sự việc của ngày cũ. Đúng là chuồn chuồn tanh thật. Tanh hơn cả ruồi.

Hai cụ vẫn đứng giữa sân, giữa bầy chuồn chuồn bay rối ren đan kín. Chúng không sợ con người. Dường như chúng đang trổ tài vút sát người hai cụ để đùa giỡn cho thỏa thích. Chúng vút lên, chúng nhào xuống, chúng xoẹt ngang, xoẹt dọc cùng lúc cả trăm con mà không hề va chạm nhau.

Cụ Soạn nói:

“Cả xóm này chỉ có tôi và anh được diễm phúc đứng giữa đám chuồn chuồn này. Thật tuyệt vời vì trời không mưa. Chân trời đằng tây đã trống hoác. Gió cứ từng cơn thốc mạnh thế này sẽ phá mây tan cả. Bọn chuồn chuồn biết không mưa nên chúng tranh thủ đùa giỡn đấy. Chà, bọn chim trong lồng cũng thi nhau hót ríu ra ríu rít. Mặt trời trốn biệt. Thật là một buổi sáng mù lòa nhưng lại đẹp đệ nhất trong đời”.

Lão Tiếp nói:

“Đúng là trời không thể mưa được. Bầu trời đã cao dần. Chuồn chuồn cũng tản dần. Ồ, sao chúng biến nhanh thế nhỉ? Đố anh biết chuồn chuồn ở đâu bay ra nhiều như vậy? Và bây giờ chúng trốn ở đâu anh biết không?”.

Cụ Soạn giơ thẳng hai cánh tay lên trời, dấu hiệu của sự đầu hàng, và cụ lắc đầu:

“Chịu thua, tôi không biết. Thế anh biết à?”.

Lão Tiếp cũng giơ thẳng hai cánh tay lên trời, cũng lắc đầu:

“Tôi không biết nên mới hỏi anh. Anh không biết, tôi cũng chịu thua - lão tặc lưỡi, nói tiếp - Thật tài tình, chúng trốn ở đâu nhỉ. Giờ kiếm một con làm thuốc trị bội thực cũng chẳng có”.

Lúc này, bầy chuồn chuồn đã bay đi đâu mất hết. Bầu trời trở lại sáng một màu xám. Vẫn không có mặt trời ló ra. Không khí vẫn mát rượi. Lão Tiếp và cụ Soạn đi vào hiên. Khi đi ngang, lão Tiếp thò tay đẩy chao chiếc lồng chim. Bầy chim trong lồng lại kêu ríu ra ríu rít.

Ngồi vào bàn trà, cụ Soạn nói, giọng trầm ngâm:

“Trời sắp mưa, lại không mưa. Như thế có nghĩa là trời “phỉnh” mưa”.

Lão Tiếp gật đầu:

“Rất chí lý. Nhưng như thế cũng có nghĩa là trời “phỉnh” nắng”.

“Ồ, anh bổ sung thêm thật toàn bích. Đúng vậy. Nếu mưa là ân huệ, lại có nghĩa là ân huệ có đây nhưng lại không cho”. Cụ Soạn phân tích tiếp.

“Rất chí lý - lão Tiếp lại bổ sung - Nhưng nếu mưa là tai họa, lại cũng có nghĩa là có tai họa đây nhưng tha cho”.

“Ồ, anh bổ sung thật toàn bích. Anh giỏi bổ sung quá - cụ Soạn suy nghĩ một chặp, nói tiếp - Tai họa hay ân huệ, đó luôn là bí mật treo lơ lửng trên đầu chúng ta”.

Lúc này, ông Sùng vác cuốc đi ngang cổng, thấy hai cụ ngồi uống nước trà nơi hiên liền tạt vào. Ông dựng chiếc cuốc ngay dưới gốc mai. Khi thấy lồng chim treo trên cành, ông đi vòng quanh quan sát rất kỹ. Ông cau mày. Ông gật đầu. Ông lắc đầu. Ông chích ngón tay trỏ vào lồng chim, nhịp nhịp rất khẽ vào nan sắt.

Cụ Soạn và lão Tiếp cùng cau mày khó chịu vì sự có mặt của ông Sùng. Ông Sùng trạc bốn mươi lăm, mắt híp, không nhìn thấy tròng, khuôn mặt thịt là thịt. Đi lại trong xóm, lúc nào ông cũng vác cuốc, mặc dù không cuốc cái gì cả. Dường như cái cuốc là vũ khí phòng thân của ông. Ngay đến chó cũng không dám xáp vào ông. Xáp vào, ông cuốc vỡ đầu.

Xem kỹ lồng chim xong, đi chậm rãi đến bàn trà, ông Sùng hỏi lão Tiếp:

“Tại sao chim không bay được lại còn đem nhốt vào trong lồng? Thế là có ngụ ý gì?”.

“Chẳng ngụ ý gì cả. Tôi sợ mèo ăn”. Lão Tiếp trả lời.

Ông Sùng cười sặc sặc, càng lúc tràng cười càng to tiếng. Âm thanh tràng cười như có vô số mũi nhọn nhịp nhịp vào tâm trí của hai cụ. Dứt đột ngột tràng cười khó chịu ấy, ông Sùng lại hỏi:

“Mèo ăn chim nhựa được à?”.

Lão Tiếp bình thản giải thích:

“Mèo có thể tưởng chim nhựa là chim thật nên sẽ vồ. Dĩ nhiên là nhựa nó không ăn được nên càng tức giận mà xé xác. Thế nên, không những tôi nhốt chúng trong lồng mà tôi còn cẩn thận cài chặt cửa lồng để tránh mèo vồ”.

Nghe thế, ông Sùng nín thinh. Cụ Soạn liền cười cười, nhìn xoáy vào ông Sùng. Cái nhìn xoáy ấy cộng với cái cười cười ấy đã đồng loạt toát lên một câu nói hùng hồn không lời: “Sao? Trả lời như thế được chứ? Hừ, bọn tao không dốt như mày nghĩ đâu nhé”.

Ông Sùng lại đột ngột cười toáng lên. Lần này tràng âm thanh của cái cười ấy cứ như được giật giật, rồi lại thả ra. Đó là tràng cười vừa tìm thấy một giải pháp trả đũa hắc ám. Nó luôn gây lo ngại cho người nghe, nhưng dường như nó có ma lực buộc người ta phải chịu đựng.

Cười xong, ông chậm rãi nói:

“Các ông quả thật đã nghĩ rất xa. Xin chúc mừng”.

Cụ Soạn nói:

“Không dám. Anh quá khen”.

Lão Tiếp cũng nói:

“Xin gửi lại anh. Tôi không dám nhận lời khen ấy”.

Lão Tiếp chủ nhà vẫn không rót trà mời ông Sùng. Tách trà vẫn còn úp trong chiếc khay trên mặt bàn. Chiếc ghế áp sát vào cạnh bàn cũng vẫn không được kéo ra mời ngồi. Ông Sùng vẫn đứng cạnh bàn nước. Lúc này, mày ông cau lại, có vẻ đang suy nghĩ lung lắm. Không khí dần dần căng thẳng.

Đột ngột, ông Sùng cười cười không thành tiếng, giọng êm như nhung:

“Nhà tôi có một con mèo mướp. Quý ông có thể cho nó bám bên ngoài chiếc lồng chim này được không?”.

Câu nói như có khí lạnh chạy dọc sống lưng lão Tiếp. Quả là một đề nghị lão không thể nào ngờ tới. Một đề nghị rất khả ố. Lão tức lộn ruột. Cơn giận vỗ cánh đập phần phật trong người lão. Mặt lão biến sắc. Cụ Soạn khi nghe thế cũng biến sắc mặt. Đôi môi già nua của cụ bỗng run run.

Lão Tiếp cố nhẫn, liền hỏi:

“Con mèo của ông bám vào bên ngoài lồng để làm chi vậy?”.

Ông Sùng đáp rắn rỏi:

“Để xem bọn chim nhựa có sợ hay không?”.

Nghe thế, cụ Soạn cố cười:

“Hóa ra như vậy. Mục đích để dọa nạt - cụ liền quay người, khuyên lão Tiếp - Anh cứ cho con mèo ấy bám ké bên ngoài chiếc lồng của anh. Rồi anh kéo xuống chặt đầu nó là xong”.

Lão Tiếp chưa kịp phản ứng, ông Sùng liền nói:

“Vậy cũng được. Thế nhé, việc ai nấy làm. Sẽ có con mèo bám vào chiếc lồng”.

Nói xong, ông Sùng đi nhanh ra gốc mai, vớ chiếc cuốc vút một vòng trong không gian, suýt cuốc vào lồng chim, rồi vác lên vai, xăm xăm đi ra cổng. Đi một mạch, không ngoái lại.

Lão Tiếp mím môi, quai hàm bạnh ra, mắt long lên, nói với cụ Soạn:

“Tôi mà chưa già, tôi đánh vỡ đầu thằng chó chết này. Thứ người không thể chịu nổi”.

Cụ Soạn bình tĩnh hơn:

“Tôi mà có được nửa phép - chỉ nửa phép trong bảy mươi hai phép của Tề Thiên Đại Thánh, thằng Sùng này sẽ không còn cơ hội để đi về nhà nó. Nó chết liền sau khi ra khỏi cái nhà này. Chính lưỡi cuốc của nó sẽ cuốc vào đầu nó. Nhưng anh cứ yên trí. Nó sẽ không thể nào khiến con mèo của nó bám vào chiếc lồng này được”.

“Ôi, chuyện này quan trọng không phải chỗ đó. Mà chuyện này quan trọng ở chỗ nó dám dọa tôi. Vấn đề ở chỗ đến mấy con chim nhựa xinh đẹp như thế này nó vẫn không tha. Nó là cái thằng ác độc đến cả chân lông kẽ tóc - lão Tiếp cau mày nhìn ra cổng - Tôi sẽ có cách”.

“Cách gì?”. Cụ Soạn hỏi.

Lão Tiếp cười tươi rói. Dường như cái gánh nặng bực tức được bỏ xuống:

“Thiên cơ bất khả lậu. Không thể nói với anh được. Nào, tôi thay bình trà mới uống cho ngon”.

Cụ Soạn nghe thế liền cười. Cụ biết rõ con người lão Tiếp. Khi lão nói “tôi sẽ có cách” là chẳng có “cách” gì cả. Thế nên cái viện cớ “thiên cơ bất khả lậu” là hoàn toàn hợp lý và chính xác.

“Thôi, hãy cứ uống trà rồi tính sau”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận