Chiến trường vô vọng

ĐỨC HOÀNG 22/02/2014 04:02 GMT+7

TTCT - Ở một thành phố duyên hải miền Bắc, giữa trung tâm thành phố có một cái quán tên là Chiến Trường, bán thịt chó.

Minh họa: Trịnh Tú

Cái biển cũ vẫn ghi tên quán là Chiến Trường, xuống dòng, đổi font, Thịt Chó. Nhưng làm biển mới, trong một giây phút ngẫu hứng sáng tạo thần kỳ, chủ quán đã viết một lèo cùng font dàn hàng ngang: “Chiến Trường Thịt Chó thui rơm”.

Cái tên ấn tượng, ai đi qua nhìn thấy cũng sẽ nhớ. Chữ “Chiến Trường” gợi ra cả một cuộc bể dâu, bắt đầu từ tiếng ẳng đầu tiên khi mấy tay trộm chó đi qua ngoắc cái dây vào cổ họng con chó, qua bao nhiêu tiếng rên rỉ thống thiết và bao nhiêu hành động bạo liệt nữa, để chuẩn bị cho trận đấu sinh tử cuối cùng, khi con chó lúc này đã được thái lát bày ra đĩa trở thành tiền đề để con người bước vào một chiến trường không khoan nhượng: chiến trường thịt chó.

Chiến trường ấy là nơi không còn bạn, không còn thù, ranh giới của tình người trở nên mong manh, tất cả phải triệt hạ lẫn nhau để tìm người cuối cùng trụ lại, kẻ chiến thắng vinh quang.

Hãy tưởng tượng: Quan Vân Trường vung đại chai 750ml lên, đi một đường quanh bàn, gió lạnh rít lên trên những cọng sả. Đầu bên kia bàn, Triệu Tử Long mặt không biến sắc, đưa chén nhẹ nhàng tiếp chiêu, chưởng kình bị dìm xuống, lông bạc trên từng chiếc lá mơ run rẩy. Chưởng qua chưởng lại, Lý Liên Kiệt tung trảo túm lấy cốc to tham chiến: “Để em uống riêng với anh Quan Vũ cốc này”.

Không thời gian ngừng lại, chỉ có tiếng rượu chảy từ miệng chai, róc rách. Thỉnh thoảng, nếu không thể phân định thắng bại bằng rượu, Quan Vũ sẽ vung lên đao thật, hào sảng chém thẳng vào mặt đối phương, chuyện này rất nhiều trên báo.

Đó là thứ chiến trường khiến cho các đấu trường Hunger Games, DOA và Battle Royale của người Nhật và người Mỹ trở nên tầm thường. Phim ảnh và tiểu thuyết chỉ nói về những cuộc triệt hạ để sinh tồn, chứ không nói về những cuộc triệt hạ không để làm gì.

Và về cơ bản, vũng ói đẫm rượu thì vẫn tanh hơn vũng máu. Mà chiến trường thịt chó mới chỉ là một đấu trường của riêng thịt chó thôi. Mọi cuộc nhậu trên đất nước này đều là một chiến trường như thế.

Tại sao người ta lại muốn uống? Đó là một câu đố cổ xưa, và hình như con nhân sư vì không trả lời được câu này mà đã bị hóa đá. Tại sao họ lại muốn chứng tỏ rằng mình uống được nhiều? Đó là một vấn đề văn hóa, Van Gogh hình như vì không lý giải được đã tự cắt tai.

Tại sao họ tin rằng việc uống nhiều hơn người khác là biểu hiện của danh dự? Đó là một bài toán vĩ đại, Galois hình như đã định giải nếu ông chiến thắng trong cuộc đấu súng năm 1832. Galois không thắng, và loài người đến giờ cũng chỉ biết giải phương trình bậc 4 chứ không hiểu tại sao dân Việt Nam thích sát phạt nhau bên bàn rượu, nhất là trong một dịp vừa khéo như tết, nơi người ta nghĩ ra đủ thứ lý do để uống và ép uống.

Và mỗi năm, trong bức màn bí ẩn ấy, chúng ta uống hàng trăm triệu lít cồn trong những đấu trường như thế. Những đấu trường “trong sáng” nhất của nhân loại. Ở đó, không có một mục đích nào để chiến đấu, không có nhân cách nào được tồn tại, không có đầu, không có cuối, không có tương lai, quá khứ, không còn cả hiện tại, không có phương pháp và không còn tư duy - những đấu trường của tính Không. Tửu là Không, Không cũng là tửu.

Một số nam nhi cho rằng thật là hèn đớn nếu từ chối tham gia những cuộc chiến thượng đẳng như thế. Nhưng cuộc sống thỉnh thoảng cũng có những người đàn ông vượt qua được sự mặc cảm và chấp nhận uống Coca, trơ lỳ trước những lời mỉa mai bên bàn nhậu.

Dường như họ sợ rằng nếu mình uống nhiều quá sẽ phá vỡ đi ranh giới cuối cùng của sự dối trá: giống như uống thuốc ngủ quá liều sẽ ngủ ngàn thu, nhỡ may đến khi hết say lại không nói dối được nữa, cứ thành thật như lúc say thì không thể sống được trên đời này.

Họ chắc là cũng sợ trong những cuộc tranh luận về mục đích sống của nhân loại (vốn là một phần không thể thiếu của các đấu trường), họ sẽ tìm ra câu trả lời tối hậu của vũ trụ, thì khoa học cũng chẳng còn gì mà bàn. Từng đấy nhà khoa học thất nghiệp không ai mà chịu trách nhiệm được. Các cuộc nhậu thật sự rất vĩ đại và không phải ai cũng có can đảm để mà tham gia.

Nếu có thời gian, hãy bỏ thời gian và xem một đấu trường như thế. Vé vào cửa xem là một vài lời chê bôi mát mẻ về bản lĩnh đàn ông, nhưng xem rất vui, rất vô nghĩa. Nếu bạn nhớ lại rằng đời sống của bạn cái gì cũng có một ý nghĩa nào đó, dẫn về một vấn đề nào đó, gợi ra một sự bức bối nào đó, thì bạn mới hiểu rằng sự vô nghĩa nó đáng quý nhường nào.

Trong lúc thưởng thức sự vô nghĩa tuyệt vời ấy, nếu có thể uống một ít rượu thì cũng rất hay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận