Chiến tranh ơi, tôi là người bệnh...

HỒNG VÂN 18/04/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Chiến sự, nay đã bước sang tháng thứ 2, tại Ukraine một lần nữa làm rõ những tác động bất lợi của chiến tranh. Nó cũng là lời nhắc nhở quan trọng rằng các cuộc chiến trước đây và hiện nay trên khắp thế giới đã gây thiệt hại và sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

Không chỉ là tính mạng của người lớn tham gia chiến tranh, mà mạng sống của trẻ em và thế hệ sau nữa cũng bị đe doạ. Tác động của chiến tranh với trẻ em là tàn khốc và lâu dài. Do đó, không quá lời nếu nói rằng chiến tranh là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng kéo dài nhiều năm.

Bom đạn không tha bệnh viện

Ở Ukraine, có gần 1.000 cơ sở y tề ở gần các khu vực có xung đột. Trong số các bệnh viện vẫn đang hoạt động, nhiều bệnh viện đang thiếu vật tư và thiết bị y tế cần thiết.

Cuộc chiến đang khiến nhiều người không thể được chẩn đoán và điều trị bệnh như mong muốn, đặc biệt là khi họ phải đi sơ tán hoặc khi bệnh viện nằm ở khu vực bị bắn phá ác liệt. Những người mắc các bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài như tiểu đường và ung thư khó có thể duy trì việc điều trị. Tất cả làm nên một "thảm họa sức khỏe cộng đồng" mà các cơ sở y tế ở Ukraine đang nỗ lực ngăn chặn, theo báo New York Times.

Anh Sherembei, 45 tuổi, có HIV từ 24 năm trước là một trong 250.000 người ở Ukraine cần thuốc kháng virus liên tục nhưng việc tiếp cận loại thuốc này trở nên rất khó khăn. Không chỉ HIV, Ukraine còn có một lượng lớn bệnh nhân lao kháng thuốc - một dạng bệnh mà hầu hết các loại thuốc điều trị đều không có tác dụng. “Năm ngoái, chúng tôi làm việc để phân biệt các đột biến lao khác nhau. Bây giờ, chúng tôi phải cố gắng phân biệt đâu là pháo kích trên không, đâu là đột kích bằng các khí tài quân sự khác” - Iana Terleeva, người đứng đầu chương trình lao của Bộ Y tế Ukraine, cho biết.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức khác đã triển khai các nhóm nhân viên y tế gửi vật tư, vắc xin và thuốc đến Ukraine và các nước láng giềng, nơi hơn 4,2 triệu người Ukraine đã sang tị nạn. Dù vậy, những viện trợ này có thể không đến được những nơi cần thiết nhất do chiến tranh.

Trong một cuộc họp về Ukraine của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Cuộc chiến đang gây ra những hậu quả tàn khốc với sức khỏe của người dân. Điều đó sẽ kéo dài trong nhiều năm hoặc nhiều thập niên”.

Chia sẻ quan điểm này, Michel Kazatchkine - cựu đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Đông Âu - cho biết: "Chúng ta nên chuẩn bị cho các khủng hoảng y tế lớn liên quan đến các bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính mà tôi cho là sẽ trầm trọng và lâu dài trong khu vực”.

 
 Người dân địa phương đi ngang một tòa chung cư bị hư hại trong cuộc xung đột Ukraine - Nga ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine vào ngày 4-4. Ảnh: REUTERS

COVID-19 rình rập ở các trại tị nạn

Hơn 4,2 triệu người Ukraine phải sơ tán đến các nước láng giềng và hàng triệu người khác phải di tản trong nước. Rời bỏ nhà cửa, họ thường phải chấp nhận điều kiện sống ở khu đông đúc, mất vệ sinh, thiếu thốn.

Theo số liệu của Đại học Oxford, mới có 36% người Ukraine được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19. Chris Beyrer, chuyên gia tại Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết các loại vắc xin sử dụng ở Ukraine có thể kém hiệu quả hơn với biến thể Omicron. Cả hai điều này có nghĩa là nhiều người đã tiêm vắc xin COVID-19 có thể vẫn sẽ bị nhiễm và có những người sẽ bị COVID-19 nặng.

Chưa cần bàn đến những trại tị nạn đông đúc, COVID-19 có thể dễ dàng lây lan ở những môi trường đông đúc như xe buýt hay tàu hỏa đông người trên đường đi tị nạn. Nguy cơ còn ở chỗ tại điểm đến; những nước chấp nhận người tị nạn Ukraine như Áo, Đức, Cộng hòa Czech, Slovakia… cũng đang trải qua một đợt gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới, chủ yếu do biến thể phụ của biến thể Omicron là BA.2 gây ra.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) châu Âu cảnh báo lượng người Ukraine ngày càng tăng tại các trại tị nạn có thể dẫn đến "nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm cao hơn”. Điều kiện sống đông đúc, vệ sinh kém là môi trường cho bệnh tả, tiêu chảy, viêm phổi, lao và dĩ nhiên là COVID-19.

Để giảm nguy cơ bùng phát COVID-19 ở những người tị nạn, CDC châu Âu khuyến nghị các nước triển khai tiêm vắc xin và tiêm tăng cường cho người tị nạn đủ điều kiện tiêm chủng, xét nghiệm COVID-19 và chăm sóc thích hợp cho những người có triệu chứng giống COVID-19.

 
 Một y tá dọn dẹp đống đổ nát sau pháo kích tại Bệnh viện Đa khoa Wukro (vùng Tigray, Ethiopia) vào ngày 28-2-2021. Ảnh: AFP

Đâu chỉ có Ukraine

Ethiopia là quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi, với 115 triệu người và 15 khu vực hành chính. Xung đột nổ ra vào cuối năm 2020 giữa chính quyền trung ương và Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray. Từ đó, nội chiến tiếp diễn và chiến sự lan rộng ra các vùng Afar và Amhara.

Có rất ít dữ liệu về hậu quả sức khỏe tâm thần tiềm tàng của cuộc chiến ở Ethiopia. Các nhà nghiên cứu đã áp dụng ước tính của WHO cho dân số ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, Afar và Amhara, và phát hiện có ít nhất 28.560 người gặp tình trạng nghiêm trọng của rối loạn sức khỏe tâm thần cần được can thiệp ngay. Trong số này có 12.566 trẻ em và 14.565 phụ nữ.

Tuy nhiên, việc điều trị cho những người này lại hầu như không thể. Chiến tranh đã làm hơn 40 bệnh viện, 453 trung tâm y tế, 1.850 trạm y tế ở Amhara cùng 1 bệnh viện, 17 trung tâm y tế và 42 trạm y tế ở Afar bị hư hại hoặc bị cướp bóc, hôi của.

Xung đột kéo dài đã gây ra nhiều vấn đề ở Ethiopia: nhiều người dân phải bỏ nhà cửa đi tìm nơi lánh nạn, tình trạng vô gia cư, mất mát tài chính, gián đoạn các thực hành văn hóa, tâm linh quan trọng của hàng triệu người sống ở Amhara và Afar.

Trong bối cảnh đó, phụ nữ và trẻ em gánh chịu hậu quả của xung đột trực tiếp do bạo lực hoặc gián tiếp do các hậu quả sức khỏe khác nhau. Họ gặp những nghịch cảnh đau đớn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần là các hành vi bạo lực và hành hung như cưỡng hiếp và hiếp dâm tập thể. Bạo lực tình dục có thể làm tan vỡ gia đình, khiến trẻ em không được quan tâm, chăm sóc, bị tổn thương suốt thời thơ ấu và đến tuổi trưởng thành.

Tất cả những vấn đề này làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần của từng cá nhân phải sống trong các vùng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, và rồi ảnh hưởng gián tiếp đến gia đình và bạn bè của họ.

Các cơ sở tôn giáo đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ tinh thần, duy trì khả năng phục hồi của cộng đồng đã bị phá hủy hoặc cướp phá ở Ethiopia. Song đây chỉ là giải pháp tình thế. Các chuyên gia cho rằng gánh nặng của rối loạn tâm thần cùng những hậu quả ngắn hạn và dài hạn của chúng trong các cộng đồng, ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến sự ở Ethiopia cần được ưu tiên trong thời hậu chiến.

Theo đó, nâng cao nhận thức, giáo dục tâm lý, đào tạo kỹ năng, phục hồi chức năng và điều trị tâm lý được coi là những biện pháp can thiệp hiệu quả sau chiến tranh. Những can thiệp này có thể được cung cấp tại gia đình, trường học, cộng đồng, các cơ sở tôn giáo và y tế.

Nguồn nhân lực là các nhân viên y tế, lãnh đạo, giáo viên, thủ lĩnh tôn giáo. Cần tập huấn và trang bị cho họ kiến thức và năng lực để chăm sóc người bị chấn thương tâm lý với sự hỗ trợ từ xã hội, cộng đồng, tôn giáo…■

Trẻ em trong chiến cuộc

Ước tính có gần 1/4 trẻ em trên thế giới sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang hoặc thảm họa. Theo tạp chí y khoa Lancet, chiến tranh có những hậu quả về sức khỏe cộng đồng cả trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng đến con người ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời từ sơ sinh đến trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ em bị ảnh hưởng sâu sắc nhất do chiến tranh vì tầm quan trọng hàng đầu của những năm đầu đời với trẻ.

Trẻ tiếp xúc với chiến tranh có nguy cơ tử vong cao hơn từ lúc còn nhỏ hoặc trở thành trẻ mồ côi. Tiếp xúc với những căng thẳng độc hại của chiến tranh có thể làm trẻ phát triển nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần, như rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD), trầm cảm, lo âu, các hành vi có vấn đề, tự sát hay tự hại… Những vấn đề này thường khó giải quyết do sự khan hiếm nguồn lực về sức khỏe tâm thần ở các vùng chiến sự.

Mặc dù bằng chứng hiện tại về tác động lâu dài của chiến tranh với trẻ em vẫn còn hạn chế, nghiên cứu cho thấy trẻ em tiếp xúc với chiến tranh có thể bị cướp đi quyền được giáo dục và sự phát triển lành mạnh ở thời thơ ấu. Sự phát triển thời thơ ấu và chất lượng giáo dục mầm non có thể ảnh hưởng đến một số thành tựu sau này trong cuộc sống, từ sức khỏe tinh thần và thể chất lúc trưởng thành cho đến trình độ học vấn và thu nhập.

Cuộc chiến có thể làm tê liệt xã hội trong nhiều năm sau đó và cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ do các chương trình giáo dục mầm non bị cắt đứt, trẻ tiếp tục tiếp xúc căng thẳng độc hại trong thời gian dài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận