Chiến tranh hỗn hợp

DANH ĐỨC 05/03/2023 02:06 GMT+7

TTCT - Ngày 24-2 vừa rồi, cuộc chiến Nga - Ukraine tròn một năm. Ukraine vẫn tồn tại không chỉ nhờ vào quân đội, mà do đã thực sự huy động được toàn dân trong cuộc "chiến tranh hỗn hợp" đầu tiên của thế kỷ 21, gồm những

Thứ sáu (24-2) tuần này, cuộc chiến Nga - Ukraine tròn một năm. Ukraine vẫn tồn tại không chỉ nhờ vào quân đội, mà do đã thực sự huy động được toàn dân trong cuộc "chiến tranh hỗn hợp" đầu tiên của thế kỷ 21, gồm những hình thái chiến tranh chưa từng thấy trong một thế giới đã thay đổi rất nhiều.

Ảnh: Kyiv Post

Ảnh: Kyiv Post

Cuộc chiến Ukraine bắt đầu lúc 3h40 sáng 24-2-2022. Những giao tranh đầu tiên diễn ra gần làng Milove trong tỉnh Lugansk trên biên giới với Nga. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi chiến tranh nổ ra, Viktor Zhora, cục phó Cục Truyền thông đặc biệt của Nhà nước Ukraine, tuyên bố: "Ukraine đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh hỗn hợp [hybrid war]".

BBC 24-2-2022 trích lời ông Zhora: "Cuộc xung đột trên mạng với Nga là chưa từng có… với các cuộc tấn công mạng liên tục nhằm vào chính phủ và mạng lưới cơ sở hạ tầng, tới từng cá nhân quan chức nhà nước cũng là mục tiêu, bên cạnh cuộc chiến quy ước", kèm theo nhận xét: "Điều này xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử". Đó cũng là lời cảnh giác cho mọi quốc gia để nhận ra rằng chuẩn bị đối phó chiến tranh không chỉ là mua sắm tàu ngầm, máy bay.

Đánh phá mọi mặt

Từ mấy chục năm qua, từ ngữ "chế áp điện tử", rồi "tác chiến điện tử" (electronic warfare, EW) biểu thị phương cách tác chiến "cao cấp", đòi hỏi đầu tư phần cứng (hardware) siêu hiện đại nhằm làm tê liệt hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng các phương tiện điện tử của đối phương, tỉ như chế áp tín hiệu thông tin liên lạc hay tín hiệu radar, chế áp tầm xa với công suất lớn, kiểm soát phổ tần số điện từ…

Bên nào dòm thấy và nghe thấy đối phương từ xa hơn, cao hơn, rộng hơn, sớm hơn, chính xác hơn sẽ giành được lợi thế rất lớn. Tác chiến điện tử nổ ra trên 6 chiến trường chính: trên không, trên bộ, trên biển, vũ trụ, không gian mạng và trường điện từ. Một thí dụ gần gũi của EW: chục năm qua, Việt Nam vẫn đeo đuổi cơ hội mua máy bay tuần thám P-3 Orion từ Mỹ, vốn đã chuyển qua sử dụng dòng mới P-8 Poseidon, để tự trang bị nhằm thực hiện các nhiệm vụ giám sát và trinh sát, tác chiến chống ngầm (ASW), chống hạm, tình báo…

Cuộc chiến Ukraine cho thấy không gian chiến sự từ giờ trở đi chắc chắn không còn khu biệt trong lĩnh vực quân sự nữa, mà sẽ bao trùm gần như mọi mặt đời sống xã hội, nhất là nhằm vào chính phủ, cá nhân những nhà lãnh đạo và mạng lưới cơ sở hạ tầng mọi mặt. Có thể hình dung quy mô cuộc chiến hỗn hợp qua mô tả của BBC, cũng từ tin về cuộc họp báo nói trên: "Chỉ trong một tuần lễ, Ukraine đã chứng kiến các cuộc tấn công mạng chưa từng có nhằm vào cả Bộ Quốc phòng và hai ngân hàng lớn PrivatBank và JSC Oschadbank. Khách hàng cá nhân và toàn bộ hệ thống ngân hàng trực tuyến bị ảnh hưởng. Điều này trùng hợp với báo cáo từ tiền tuyến ở miền đông Ukraine về đụng độ gia tăng giữa phiến quân do Nga huấn luyện từ Lugansk và Donesk và lực lượng quân đội Ukraine".

Tính chất "chiến tranh hỗn hợp" không thể rõ ràng hơn, khi ngay cả ngân hàng thương mại, những tổ chức hoàn toàn dân sự, giờ cũng có thể trở thành mục tiêu. Dù không phải là bom đạn trực tiếp, nhưng thiệt hại không vì thế mà không nghiêm trọng, với cả đối tượng bị tấn công lẫn xã hội Ukraine nói chung.

Trong thực tế Ukraine

Trong chiến tranh hỗn hợp, đánh phá bắt đầu không chỉ từ khi nổ súng mà ngay từ trước đó. Có thể lấy ví dụ cuộc tỉ thí năng lượng EU - Nga: nếu Nga ầm ĩ tố cáo Mỹ đánh bom đường ống dẫn khí đốt Nord Stream thì phương Tây cũng tố các tuyến cáp liên lạc dưới đáy biển của họ bị Nga tấn công hay đe dọa. Sau khi có tin nổ đường ống Nord Stream, đài Pháp BFMTV 4-10-22 đã nhanh chóng trấn an dân Pháp rằng các đường cáp ngầm dưới biển được giám sát chặt chẽ bởi hải quân và vệ tinh tình báo Pháp, và ngay cả có bị tấn công thì trong vòng chưa đầy 48 giờ các tuyến cáp này sẽ có thể được sửa chữa khôi phục. Cũng có thể dẫn ra các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây hay lệnh cấm vận dầu khí EU của Nga, vốn thực ra là một phần của cuộc chiến. Rồi chiến tranh thông tin thể hiện rõ qua cả phương tiện thông tin đại chúng chủ lưu của hai phía, lẫn mạng xã hội, và thậm chí là các trang web tin giả.

Phúc trình "Răn đe và leo thang trong cạnh tranh với Nga" của Rand Corporation công bố hôm 20-2-2022, tức 4 ngày trước chiến tranh, nhìn nhận từ góc nhìn của Nga: "Hoạt động tâm lý chiến và thông tin mạng được Nga coi là một mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng. Giới chức và sĩ quan quân đội cấp cao Nga liên tục nhấn mạnh việc Hoa Kỳ và phương Tây sử dụng mạng xã hội và các hình thức truyền thông toàn cầu khác để hỗ trợ các nhóm đối lập hoặc thao túng các cộng đồng mục tiêu nổi dậy chống lại lãnh đạo quốc gia".

Đối đầu với đối phương mạnh hơn nhiều trong một cuộc chiến tranh hỗn hợp, không khó hiểu khi Ukraine phải huy động nguồn lực của toàn bộ xã hội. Ngay từ sớm, Christopher Morris, giảng viên Đại học Portsmouth, đã quan sát và viết trên The Conversation 13-6-2022: "Ngoài việc phải đối phó với các lực lượng quy ước của Ukraine, Nga có thể sẽ gặp khó khăn trong việc bình định lãnh thổ mà nước này đã chiếm giữ cho đến nay. Sự phản kháng liên tục ở các khu vực bị chiếm đóng - cả bạo lực và bất bạo động - thách thức câu chuyện cũng như chiến lược của Nga".

Cứ thế, Ukraine tiếp tục tồn tại nhờ vũ khí phương Tây chi viện và tiền bạc của Mỹ và EU. Song cũng không thể phủ nhận là dân chúng Ukraine, trong đó ở tuyến đầu là thanh niên, không muốn mất nước. Kết quả là sau một năm, cuộc chiến tưởng là chóng vánh hóa ra vẫn chưa ngã ngũ: một bên mãi không thắng được, bên kia mãi không chịu thua. ■

Nga đã phản ứng mạnh với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Chiều thứ ba (21-2) vừa qua, trong thông điệp liên bang 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tả oán rất sát thực tế: "Họ cố gắng phá vỡ mối quan hệ kinh tế với các công ty Nga và tước đoạt các kênh liên lạc của hệ thống tài chính để đóng cửa nền kinh tế của chúng ta, cô lập chúng ta khỏi các thị trường xuất khẩu và do đó làm giảm doanh thu của chúng ta. Họ cũng đánh cắp dự trữ ngoại hối của chúng ta, cố gắng hạ giá đồng rúp và đẩy lạm phát lên những đỉnh cao hủy diệt".
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận