Chiến sự thời Internet

TƯỜNG ANH 13/03/2022 02:00 GMT+7

TTCT - Một tài khoản Facebook Việt càm ràm “tốn hết 5 phút cảm xúc” vì một tin sai trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Tin về “sự hy sinh anh dũng” của 13 quân nhân Ukraine trên đảo Rắn lan nhanh chóng mặt. Cho đến khi Bộ Quốc phòng Nga tung tấm ảnh, không phải 13 mà tới 82 binh sĩ Ukraine trên đảo nhận lương khô và nước uống sau khi đầu hàng, nhiều người dùng mới biết mình bị lừa. 

Tin này đầu tiên phát đi từ chính Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky - người truy tặng danh hiệu anh hùng cho 13 lính biên phòng “đã bị quân Nga giết vì không chịu đầu hàng”. 

Cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 26-2 phản pháo: “Có 16 canô toan tấn công những tàu Nga chở các binh sĩ Ukraine này trên đường từ đảo Rắn về cảng Sevastopol, mà trong trường hợp thành công, Nga sẽ bị buộc tội giết tù binh. Kết quả là 6 canô bị tiêu diệt, không ai trong số 82 quân nhân bị thương”. 

 
 Vụ "tử thủ đảo Rắn" đã trở thành một trong những bê bối tin giả đầu tiên và điển hình của cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Reuters/AP

Ác liệt giả - thật

Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa Global Research thống kê: Chỉ 48 giờ sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, hàng chục câu chuyện, hình ảnh, tường thuật và video clip đã được lan truyền như được trích từ cuộc giao tranh ở Ukraine, một tỉ lệ rất lớn trong số đó là giả mạo và được thiết kế có chủ ý để kích động phản ứng.

Global Research đơn cử một loạt tin giả, như “Bóng ma Kiev” (biệt danh đặt cho “một phi công Ukraine”, được cho là “đã bắn rơi 6 máy bay phản lực Nga trong vòng chưa đầy hai ngày”, nhưng khi kiểm chứng thì “chẳng có bóng ma nào”, như Newsweek xác nhận). 

Hay hình ảnh Tổng thống Zelensky thị sát chiến trường lan truyền trên mạng ngày 26-2 với lời khen “ông là một người dũng cảm, sát cánh chiến đấu cùng nhân dân mình”, nhưng khi kiểm tra thì đó là tấm ảnh chụp một chuyến đi gần một năm về trước.

Hoặc đoạn video về “trạm phát điện Lugansk phát nổ sau khi bị trúng tên lửa Nga” ngày 24-2 nhận tới 100.000 lượt xem hóa ra lại là vụ nổ ở nhà máy hóa chất Thiên Tân (Trung Quốc) hồi năm 2015. 

Một kênh truyền hình Tây Ban Nha còn mắc lừa khi phát một đoạn phim cho thấy “quân Ukraine bắn rơi máy bay Nga”, mà thật ra đó là từ video game ARMA3!

Tin giả tràn ngập và như quái thú trong cổ tích, chặt đầu này thì có đầu khác mọc lên. 

Nhà báo - người dẫn chương trình truyền hình, phát thanh Nga Vladimir Solovyov trên “kênh Solovyov” - có số người theo dõi cao nhất trong các kênh Telegram cá nhân ở Nga hiện nay (gần 500.000) - kể: “Tôi thử vào một kênh Telegram “thù địch” và nhận thấy cứ 5 phút họ lại quăng lên một clip video hay hình ảnh về “xe tăng Nga bị cháy”, và bất cứ tiếng nổ hay phát súng nào cũng là do “quân Nga bắn vào thường dân”, và ngày nào cũng phát hiện “vài nhóm phá hoại của Nga””. 

Ông cám cảnh: “Như [nhà văn Mỹ] Robert Sheckley đã nói: “Điều khó chịu nhất là trong cuộc chiến thông tin, kẻ nói ra sự thật luôn thua cuộc. Anh ta bị giới hạn bởi sự thật, trong khi kẻ nói dối có thể đưa bất cứ thứ gì. Điều này đang xảy ra ngay lúc này…”.

Trận chiến truyền thông

Từ 25-2, người dùng Facebook Nga có lúc không thể truy cập hoặc tốc độ rất chậm trên mạng xã hội này. Đó là một khía cạnh nữa của chiến trường thời Internet. 

Lần này do chính Matxcơva phản đòn: Cơ quan quản lý và giám sát thông tin Nga (Roskomnadzor) đã hạn chế một phần quyền truy cập vào Facebook tại Nga, do từ 24-2 Facebook đã chặn tài khoản của các phương tiện truyền thông Nga trên nền tảng của họ.

Đến 5-3, Facebook và Twitter chính thức bị chặn ở Nga do vi phạm “các nguyên tắc chính về thông tin tự do và quyền truy cập không bị cản trở của người dùng Nga vào các phương tiện truyền thông Nga trên các nền tảng Internet nước ngoài” (cụ thể là tài khoản của kênh Zvezda TV và các hãng thông tấn RIA Novosti, Sputnik, Russia Today, các cổng tin tức Gazeta.ru và Lenta.ru).

Ngày 28-2, kênh Telegram của tổng biên tập RT Margarita Simonyan thông báo: Trang phát hiện tin giả warfake.rf của RT đã bị phá hủy, không thể phục hồi bởi chính công ty chủ Đức. 

Lý do: “vi phạm một số quy tắc lưu trữ (nhưng không nói thêm cụ thể)”. Simonyan kết luận: “Chúng tôi tin rằng lý do chặn trang web hoàn toàn có tính chính trị và điều này là do Keyweb được đăng ký tại Đức”. (RT sau đó đã hồi phục được trang này).

Không chỉ đối ngoại, trận chiến truyền thông đối nội của Matxcơva cũng nóng bỏng. Roskomnadzor đã gửi thông báo về việc “đưa tin không chính xác” tới 10 hãng truyền thông - trong số đó có Đài phát thanh Ekho Moskvy, kênh truyền hình Dozhd, các cổng thông tin InoSMI, Krym.Reali, Mediazona và các báo The New Times, Svobodnaya Pressa, Novaya Gazeta… 

Lý do: Các phương tiện truyền thông này đã đăng thông tin về việc “quân đội Nga pháo kích vào các thành phố Ukraine” và “cái chết của thường dân Ukraine” cùng những thông tin trong đó “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga được gọi là “cuộc tấn công”, “xâm lược”… 

Nếu các ấn phẩm không gỡ bỏ các tin trên, Roskomnadzor dọa sẽ chặn và phạt. (Cổng thông tin đối lập Nga phát từ Latvia đã mỉa mai gọi bước đi này là “cấm gọi chiến tranh là chiến tranh”).

Cuối cùng, ngày 4-3 Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một đạo luật về trách nhiệm hình sự đối với hành vi loan tin giả về quân đội Nga, mức phạt tới 1,5 triệu rúp hoặc lên đến ba năm tù. 

Đồng thời, nếu “phát tán thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng” thì có thể bị tuyên tới 15 năm tù. Kết quả là một số hãng tin, tờ báo Nga phải đục bỏ một số nội dung có thể gây phiền hà cho họ; riêng Đài phát thanh Ekho Moskvy và kênh truyền hình Dozhd bị đình bản. 

Những hãng tin nước ngoài như Bloomberg, CNN, BBC cũng dừng hoạt động. Tổng biên tập John Mickletwait của Bloomberg cho biết: “Thay đổi này của Bộ luật hình sự dường như được thiết kế để đánh đồng bất kỳ phóng viên độc lập nào, khiến không thể duy trì hoạt động báo chí bình thường”.

“Nhà máy tin giả”

Ngày 28-2, Nga đã tấn công tên lửa vào Trung tâm các chiến dịch đặc biệt số 72 ở Kiev. Đây là một đơn vị của lực lượng hoạt động đặc biệt Ukraine mà phía Nga cho là đã “sản xuất hầu hết các tin giả liên quan đến chiến dịch của Nga ở Ukraine”. 

Các nhà phân tích Nga đã “giải phẫu” một số bài tập sản xuất tin giả trên các phòng chat mà họ thâm nhập được trên tờ Vzglyad:

“Hàng trăm “tình nguyện viên thông tin” được giao “nhiệm vụ sáng tạo creo”. Một trong những bài tập đó vào 26-2 là: “Chúng tôi cần creo, CA (đối tượng mục tiêu): các bà mẹ Nga. Trọng tâm: chiến đấu vô nghĩa. Những thanh niên sinh 2001, 2002, không biết đi về đâu, rất có thể sẽ không trở về nhà. Nhiệm vụ đề nghị: Có thể sử dụng hình ảnh bắt tù binh Nga, sẽ tác động tốt lên các bà mẹ”.

Những bà mẹ Nga là đối tượng mục tiêu được nhắm tới nhiều nhất. Phân tích một tin giả: “Hãy xem con trai tôi viết gì đây. Tôi đọc và khóc cả đêm”. Tiếp đó là tin nhắn của đứa con trai đang đi nghĩa vụ và quyết định đào ngũ, nhưng từ lính nghĩa vụ lại viết nhầm sang tiếng Ukraine - “prizovnik” - thay vì tiếng Nga là “prizyvnik”. (Phía Nga nhiều lần khẳng định trong chiến dịch quân sự Ukraine không có lính nghĩa vụ tham gia mà chỉ có sĩ quan chuyên nghiệp và quân nhân theo hợp đồng).

Một hướng tuyên truyền khác của Ukraine nhắm vào Belarus. Nhiệm vụ đề xuất đổ “creo” vào các thành phố nằm trong phạm vi 100km từ biên giới Ukraine - Belarus, do lo ngại khả năng Belarus tham chiến. Trên phòng chat thông báo đây là yêu cầu trực tiếp từ Phó thủ tướng Ukraine Mikhail Fedorov - một doanh nhân công nghệ thông tin.

Với lính Chechnya tham chiến bên phía Nga, chiến thuật là đe dọa các… trang trại lợn: “Lệnh của Bộ Quốc phòng Ukraine” - tất nhiên là giả - được tung ra, giao phải “chôn những kẻ thù đã bị tiêu diệt, những người đã tuyên xưng đức tin Hồi giáo, trong các trại nuôi heo”, và “những kẻ thù nào tuyên bố đức tin Hồi giáo, khi bị bắt, sẽ được câu lưu và thẩm vấn riêng tại các trại lợn”.

Cả một kho lưu trữ các “creo” sẵn có trong các phòng chat tương ứng. Cho bất kỳ CA nào: với người Nga, Belarus, phương Tây, Ukraine - kho lưu trữ rất lớn với các meme phù hợp hoặc có thể tìm thấy một video kịch tính cho bất kỳ nhiệm vụ nào.

Báo Nga Vzglyad tiết lộ: “Một trong những cơ quan tổ chức tâm lý chiến quan trọng ở Ukraine là các “Trung tâm các chiến dịch thông tin tâm lý (TsIPSO). Sau cuộc đảo chính năm 2014, các cơ quan tình báo phương Tây đã nắm toàn quyền kiểm soát việc xây dựng và hoạt động của cả các lực lượng vũ trang Ukraine cùng các cơ quan đặc nhiệm. Việc xây dựng và hoạt động của TsIPSO được thực hiện dưới sự giám sát trực tiếp của các giám tuyển đến từ Vương quốc Anh: các sĩ quan của Lữ đoàn 77 thuộc Lực lượng Tác chiến đặc biệt của Anh, chuyên về tác chiến điện tử và tâm lý!”.■

Tuyên truyền phát huy tác dụng mạnh mẽ nhất vào những thời điểm mà tin tức truyền đi nhanh chóng và mọi người cảm thấy xúc động, và khi ở trạng thái cảm xúc thì con người ít có khả năng suy nghĩ chín chắn hơn. Global Rersearch nhắc: “Nếu bạn thấy thứ gì đó được thiết kế để kích động phản ứng cảm xúc, đừng bao giờ bị cuốn theo câu chuyện. Hãy luôn kiềm chế bản thân, giữ bình tĩnh và đặt những câu hỏi hợp lý”, đặc biệt không được quên nguyên tắc “Trong chiến tranh, hai phía đều tuyên truyền!””.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận