Chỉ là cái biển báo thôi mà...

TÔN NỮ TƯỜNG VY 23/12/2015 21:12 GMT+7

TTCT - Nếu thử làm một so sánh giữa những câu trên biển báo: “Có ai đó luôn yêu bạn. Hãy lái xe cẩn thận” hay “Hãy để mọi người cùng về nhà an toàn” với “An toàn là bạn, tai nạn là thù”... bạn sẽ thích cái nào hơn?

Poster vận động không xả rác ở Nhật-T.N.T.V.
Poster vận động không xả rác ở Nhật-T.N.T.V.

Trong một lần đi Nhật, điều đầu tiên tôi để ý và thích ở các khu tàu điện ngầm là các poster nhắc nhở cách ứng xử nơi công cộng.

Đầu tiên, tôi ấn tượng vì họ dùng phong cách vẽ truyện tranh vốn rất quen thuộc và dễ tiếp thu. Thứ nữa là cách truyền đạt cho thấy cách sống của người Nhật là thế nào, chứ không chỉ đơn thuần là cấm đoán hay mệnh lệnh.

Poster bên trái thu hút tôi ngay vì nói lên tinh thần cộng đồng: hành động hút thuốc lá nơi công cộng và vứt rác không đúng nơi quy định bị cả xã hội lên án, từ đàn ông, phụ nữ, tới người già, em bé.

Ngay một đứa trẻ cũng được dạy phân biệt đúng sai và đấu tranh cho cái đúng, dám nói lên ý kiến phê bình của mình. Khi biết ai đó làm việc gì có hại cho bản thân và cộng đồng, nếu ai cũng nghĩ “thôi nói làm gì mắc công nó ghét” hay sợ rước vạ vào thân và lờ luôn thì cộng đồng ấy sẽ không khá lên được.

Hơn nữa, họ chỉ chú ý đến cái tàn thuốc bị vứt trên đường và phê phán hành vi đấy chứ không chỉ trỏ vào người đã gây ra hành động mà công kích cá nhân. Như vậy, sức mạnh của lý trí và ý thức rõ ràng về đạo đức căn bản giúp người ta biết nên làm gì để làm sạch xã hội.

Poster thứ hai nói đại loại một giấc ngủ ở đây có thể khiến bạn tạm thời quên đi mệt mỏi, nhưng gối đầu vào vai người khác thế này thì thật không phải. Tôi không ngờ người Nhật cũng chú ý đến những thứ rất nhỏ và tế nhị như thế này.

Họ công nhận áp lực làm việc “nặng đô” thường thấy ở Nhật có thể làm anh chàng nhân viên công sở mệt quá ngủ gật đi mất, nhưng cũng tinh tế nhắc nhở rằng nó đang khiến người khác khó xử. Không làm phiền ai, đó là tự trọng.

Một poster ở ga tàu-T.N.T.V.
Một poster ở ga tàu-T.N.T.V.

Nó làm tôi nhớ đến biển báo “Có ai đó luôn yêu bạn. Hãy lái xe cẩn thận” (1) hay “Hãy để mọi người cùng về nhà an toàn” (2). Những dạng như thế là “biển báo thông minh cảm xúc”, biến lời cảnh báo, mệnh lệnh khô khan thành những thông điệp tác động sâu đến suy nghĩ, cảm xúc riêng tư của người lái.

Tôi đi cẩn thận không phải vì bị cấm, bị ai phê bình hay biết có công an bắn tốc độ, mà vì tôi thật sự không muốn cha mẹ, vợ con của tôi hay của ai phải khóc. Nếu nghĩ như vậy thì sẽ tự động cẩn thận mọi lúc. Còn không thì sinh ra đối phó, luồn lách. Ai bảo không có biển cấm, không có công an hay không có ai thấy.

Tôi cho rằng dùng từ tích cực vẫn có tác động tốt hơn. Nếu tài xế cứ lái xe là thấy “An toàn là bạn, tai nạn là thù” mãi thì dù vẫn hiểu ý nhưng tự động não vẫn cứ chỉ ghim các từ “tai nạn”, “thù” mà thôi. Do là từ biểu cảm mạnh, lại nằm ở cuối câu nên chúng sẽ được lưu vào trí nhớ sớm nhất và dai dẳng nhất.

Nhưng cũng ý đó mà nói khác đi, với hai câu tôi nêu ở trên thì họ sẽ nhớ hai từ “cẩn thận”, “an toàn” và hành vi sẽ theo xu hướng này nhiều hơn.■

(1): “Someone loves you, drive with care”.

(2): “Let’s all get home safely”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận