![]() |
Ngành chăn nuôi của VN còn phụ thuộc nước ngoài về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - Ảnh: H.Đăng |
Đầu tư bạc tỉ để làm... thuê!
Từ đầu tháng 6-2007 đến nay, các công ty sản xuất TACN đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán thêm 2.500-3.000 đồng/bao loại 25kg. Đây là lần thứ... 8 kể từ đầu năm đến nay các nhà sản xuất TACN tăng giá bán sản phẩm, với tỉ lệ tăng 20-33%, khiến hàng loạt nhà chăn nuôi rơi vào cảnh điêu đứng.
Anh Đạo - chủ một trang trại chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi (TP.HCM) - cho biết từ đầu năm đến nay thức ăn cho bò đã tăng giá hơn 33%, từ 62.000 đồng/bao lên 80.500 đồng/bao.
Trong khi người chăn nuôi bò sữa “cầm cự” được nhờ giá bán sữa tăng thì các hộ chăn nuôi gia cầm đang điêu đứng do giá TACN tăng hằng ngày. Chị Hy - chủ một trang trại chăn nuôi gà qui mô 90.000 con tại Thống Nhất, Đồng Nai - cho biết từ đầu năm đến nay giá các loại TACN đã tăng từ 27.500-33.000 đồng/bao 25kg. Tuy nhiên, mức tăng giá của các loại TACN gia cầm vẫn còn “mềm” hơn so với sản phẩm cùng loại phục vụ chăn nuôi gia súc (chủ yếu là heo), tăng từ 40.000 -50.000 đồng/bao!
Giá tăng liên tục đã đẩy người chăn nuôi luôn đối mặt với sự thua lỗ. Vì thế, nhiều người chăn nuôi gia cầm đã chuyển sang làm... thuê, tức là nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn. “Bỏ ra hàng trăm triệu đồng, có khi hàng tỉ đồng để đầu tư chuồng trại, ai cũng muốn làm chủ chứ đâu ai nghĩ có ngày phải làm thuê cho các công ty. Nhưng với giá TACN tăng vùn vụt như hiện nay, nếu tự chăn nuôi có khi mất cả chì lẫn chài” - anh Hùng, hộ chăn nuôi ở Long Thành (Đồng Nai), nói.
Chuyển từ “cơm tiệm” sang “cơm nhà” Nhiều hộ chăn nuôi cho biết đang tìm lối ra bằng cách tự tổ chức pha trộn TACN. Theo ông Đặng Văn Cử - một hộ chăn nuôi heo tại Vĩnh Cửu, Đồng Nai, thay vì mua 100% sản phẩm TACN hỗn hợp, gia đình ông chỉ mua một phần thức ăn đậm đặc, đồng thời mua các nguyên liệu giàu năng lượng sản xuất trong nước như bắp, cám gạo... về pha trộn. Ông Cử tính toán: với việc “tự biên tự diễn”, giá thành chăn nuôi heo của gia đình ông chỉ vào khoảng 17.000-18.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.500-2.000 đồng/kg so với việc sử dụng hoàn toàn thức ăn hỗn hợp. “Thay vì cho gia súc, gia cầm ăn “cơm tiệm” - sản phẩm TACN hỗn hợp, tụi tui cho ăn “cơm nhà” - TACN do tự pha trộn...” - ông Bình, một nhà chăn nuôi gia cầm kỳ cựu tại Đồng Nai, nói. |
“Hạn chế lớn nhất của ngành sản xuất TACN hiện nay là quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, khi giá nguyên liệu thế giới tăng, giá sản phẩm trong nước cũng phải tăng theo...” - giám đốc một công ty sản xuất TACN giải thích.
Theo số liệu khảo sát của Cục Chăn nuôi VN, nguồn nguyên liệu trong nước hiện chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu, 30% còn lại phải nhập khẩu. Trong đó, ngay cả những nguyên liệu có thể sản xuất trong nước như bắp phải nhập khẩu bình quân 500.000-600.000 tấn/năm.
Trong năm 2006, VN phải nhập khẩu hơn 750 triệu USD nguyên liệu bắp phục vụ sản xuất TACN. “Đây là điều hết sức vô lý, nguyên nhân là do chúng ta không chú trọng đầu tư cho cây trồng này” - ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội TACN, nói.
Theo ông Lịch, trong khi năng suất bắp tại các nước khá cao, năng suất tại Mỹ khoảng 9-11 tấn bắp/ha, năng suất bắp tại VN chỉ khoảng 3,6 tấn/ha. Do vậy, dù tổng diện tích sản xuất bắp của cả nước hơn 1,1 triệu ha, nhưng VN vẫn phải đổ hàng trăm triệu USD để nhập sản phẩm này mỗi năm.
Một trong những nguyên nhân, theo ông Lịch, là do hệ thống thủy lợi tại các vùng chuyên canh bắp cho đến nay vẫn không được đầu tư, người sản xuất chủ yếu nhờ vào nước... trời!
VN còn phải nhập khoảng 400 triệu USD đậu nành (khô dầu đỗ tương) và hơn 100 triệu USD bột cá mỗi năm. “VN là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, với bờ biển dài hơn 3.000km cùng đội tàu đánh bắt hàng ngàn chiếc nhưng lại cũng phải đi nhập bột cá tận... Peru” - ông Lịch nói. Theo ông Lịch, VN không có thế mạnh về sản xuất đậu nành hàng hóa nhưng hoàn toàn đủ khả năng cung cấp nguyên liệu bột cá cho ngành sản xuất TACN, với điều kiện ngành thủy sản chú trọng hơn đối với lĩnh vực này.
“Một nước sản xuất nông nghiệp như VN mà phải nhập hàng loạt nông sản về làm nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi, làm sao giá thành chăn nuôi không tăng lên được. Ngành nông nghiệp lẽ ra cần có những chính sách hợp lý để loại bỏ những nghịch lý này” - một chuyên gia nông nghiệp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận