Chỉ có chúng ta nghĩ khác đi...

MINH PHƯỚC 23/02/2014 08:02 GMT+7

TTCT - Việc sách điện tử ngày càng phát triển thị phần trên thế giới là thực tế ai cũng biết. Nếu bạn là người yêu sách giấy và được yêu cầu biện hộ cho sách giấy thì bạn sẽ nghĩ ra được bao nhiêu lý do? Có lẽ là về cái thú được cầm một quyển sách, hoặc kỷ niệm đối với sách cũ.

Phần lớn chúng ta chỉ nói được như vậy.

Từ nhan đề đầy quyết đoán Đừng mơ từ bỏ sách giấy (*), chúng ta đã có thể mường tượng một bản biện hộ không khoan nhượng dành cho không gian sách in vốn đang dần bị thu hẹp trước các thiết bị đọc sách điện tử sáng loáng. Nhưng vì đây là cuộc nói chuyện của hai học giả lừng danh Jean-Claude Carrière và Umberto Eco nên nó sẽ không dừng lại ở những gì dễ đoán. Nó phong phú, táo bạo, truyền cảm hứng hơn rất nhiều.

Sách in không giết chết nhà thờ, như Victor Hugo đã nói. Và sách in cũng giống như bánh xe hay cái thìa, một khi đã phát minh thì người ta không bỏ được nữa, cũng không cải tiến cho nó tốt hơn được nữa. Chẳng nên quá lo lắng vì sách in biến mất, và cũng không thể quá yên tâm trước tính tiện lợi của sách điện tử.

Văn hóa có cách sàng lọc riêng và chẳng thứ gì dễ dàng mai một. Carrière và Eco là hai nhà sưu tập có tiếng, sở hữu những tủ sách khổng lồ hàng chục ngàn cuốn, và ngoài việc cung cấp tri thức hay niềm vui được tìm kiếm và sở hữu, đối với họ sách in còn là những vật phẩm văn hóa, bảo trì những thái độ văn hóa mà đôi khi phải nhìn rất sâu người ta mới nhận ra được.

Bộ óc bách khoa thư của hai nhà văn này tràn ngập những câu chuyện về thi ca, tôn giáo, thời Trung cổ, triết học, hội họa, điện ảnh, và dĩ nhiên, sách. Sách tồn tại trong nền văn minh để lưu giữ những con chữ. Từ những cuộn giấy cói, giấy da, đến các ấn bản ra đời từ chiếc máy in của Gutenberg, sự phát triển của quá trình làm ra và lưu truyền một cuốn sách luôn đi cùng với cách đọc và cách nghĩ của con người.

Qua lịch sử của sách, chúng ta có thể tái hiện lịch sử của nền văn minh. Sách, sách không chỉ là vật chứa đựng, nơi tập hợp, mà còn là “góc rộng” mà từ đó người ta có thể quan sát tất cả và kể lại tất cả, có thể thậm chí là quyết định tất cả. Bởi vậy, việc con chữ xuất hiện trên màn hình thay vì in trên giấy nói cho cùng không phải là nguy cơ của sách giấy.

Nếu sách giấy đang mai một thì đó không chỉ là sự mai một của một hình thức lưu trữ, mà chủ yếu là vì chúng ta đang nhìn khác đi, nghĩ khác đi.

Eco và Carrière đều sử dụng máy vi tính để viết, họ không xa lạ với công nghệ, bởi vậy họ biết quá rõ về “tính tương đối của các kỳ tích kỹ thuật”, mà đôi khi chúng ta quên mất. Các công cụ hỗ trợ hiện đại vốn nhanh chóng trở nên lạc hậu. Ngày nay còn ai nhớ tới những dữ liệu mình từng ghi vào đĩa mềm?

Rồi sắp tới có thể đĩa DVD sẽ biến mất, chắc chắn là trước sách giấy. Sự phê phán của Eco đối với Internet xuất phát từ ác cảm mang tính bản thể với việc con người để công nghệ thay đổi quá nhiều thứ trong lối tư duy của mình. Mỗi công nghệ mới đều đòi hỏi hệ phản xạ mới và những nỗ lực mới, đặc biệt là trong khoảng thời gian ngày càng ngắn hơn, nó thích ứng với cuộc sống vội vã, đẩy nhanh tiến trình phổ biến những thứ ngu ngốc và vô nghĩa.

Thêm vào đó nó khiến con người có thể tiếp cận với bất cứ thông tin gì, khiến “nhớ” và “quên” trở thành vấn đề. Sự sàng lọc của mỗi nền văn hóa không còn như trước nữa.

Đừng mơ từ bỏ sách giấy là một chuyến du hành với vô vàn vấn đề, hài hước và sắc sảo, đôi khi rất cực đoan và khiêu khích. Một cuốn sách mỏng, nhưng nhiều chi tiết đến mức khó tin và cung cấp đủ ý tưởng để người đọc suy ngẫm suốt nhiều năm.

Để không bỏ qua những chi tiết ấy tốt hơn nên đọc nó trên giấy, như những người sống trong thế giới của sách giấy với một niềm thủy chung kỳ bí. Đơn giản, vì “chúng ta vẫn có thể đọc sách in vào ban đêm, hoặc vào buổi tối dưới ánh nến, khi tất cả di sản nghe nhìn đã biến mất”.

Jean-Claude Carrière (sinh năm 1931) là nhà văn, nhà viết kịch, biên kịch điện ảnh người Pháp, ông viết khoảng 80 kịch bản phim, 30 cuốn sách, trong đó có kịch bản Cái trống thiếc, Đời nhẹ khôn kham...

Umberto Eco (sinh năm 1932) là chuyên gia nghiên cứu về thời Trung cổ, nhà ký hiệu học, triết gia, nhà phê bình văn học và tiểu thuyết gia người Ý. Ông được biết tới với các tác phẩm Tên của đóa hồng, Con lắc của Foucult, Lịch sử cái đẹp...

Jean-Philippe Tonnac là nhà báo và tác giả của nhiều tiểu luận, ông thực hiện nhiều cuốn sách đối thoại về khoa học, văn hóa và tôn giáo.

(*): Đừng mơ từ bỏ sách giấy. Jean-Claude Carrière, Umberto Eco; Jean-Philippe Tonnac dẫn dắt, Hoàng Mai Anh dịch, Nhà xuất bản Thế Giới và Công ty Sao Bắc Media, 2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận