Châu Á - Thái Bình Dương: Vị thế riêng của nước Úc

DUY LINH 23/07/2022 10:35 GMT+7

TTCT - Tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong đang di chuyển như con thoi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương kể từ khi nhậm chức hôm 23-5. Chính phủ mới mà bà Wong đang phụng sự muốn thiết lập lại sợi dây liên kết với các nước trong khu vực, mà chuyến đi đến Đông Nam Á hai tuần rồi là một chỉ dấu rõ ràng.

Châu Á - Thái Bình Dương: Vị thế riêng của nước Úc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong vui vẻ ăn sáng tại cố hương Malaysia trong chuyến thăm vào cuối tháng 6-2022. Ảnh: Twitter Senator Penny Wong

Trong bài phát biểu chính sách quan trọng ở Singapore hôm 6-7, bà Wong đã nói tất cả những điều mà ASEAN muốn nghe: vai trò trung tâm của ASEAN, cách khu vực sẽ trở thành trọng tâm chiến lược với tương lai của Úc và việc Úc sẽ tìm cách đảm bảo an ninh cho chính mình cùng với châu Á, chứ không chỉ hưởng lợi từ châu Á.

Mỗi nơi bà Wong đặt chân đến, từ Việt Nam đến Malaysia (26 đến 30-6), Singapore (6 và 7-7) và gần đây nhất là Indonesia (đến lần thứ hai để dự Hội nghị ngoại trưởng G20 ngày 7 và 8-7), thông điệp của bà gần như giống nhau. 

Đó là câu chuyện về cội nguồn châu Á. Bà có cha là người Malaysia gốc Hoa, trải qua thời thơ ấu ở bang Sabah (Malaysia), trước khi chuyển đến Úc năm 8 tuổi, nên rất hiểu Đông Nam Á; đi kèm là một thông điệp chính trị: nước Úc đã thay đổi và là một phần của châu Á.

Sức mạnh mềm kiểu Úc

"Cứ hai người Úc thì một người sinh ra ở nước ngoài hoặc có cha mẹ sinh ra ở nước ngoài, nên đây là một trải nghiệm kiểu Úc", bà Wong nói khi trở về cố hương. 

Trong bài phát biểu sau đó tại Singapore, bà nhấn mạnh sự quan tâm của Canberra xuất phát từ thực tế đa văn hóa và đa chủng tộc của quốc gia này.

"Hơn 1 triệu trong 25 triệu người Úc tuyên bố có gốc gác Đông Nam Á. Tôi không phải thành viên lập pháp duy nhất sinh ở Malaysia. Các nghị sĩ mới bầu của Úc có gốc Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Sri Lanka, Afghanistan và các nơi khác", bà Wong chia sẻ và cho rằng những dữ kiện đó nói lên phần nào chính sách đối ngoại của Úc - điều mà bà mô tả là tấm gương phản chiếu chính sách đối nội.

Trong ba chuyến công du Đông Nam Á trong vòng 1 tháng (lần đầu đến Indonesia khi tháp tùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese cuối tháng 5-2022), bà Wong đã nhiều lần nói tới nguồn gốc Đông Nam Á của mình. Trang tiểu sử của bà cũng liệt kê chi tiết quá trình từ lúc sinh ra đến khi trở thành lãnh đạo phe đối lập tại thượng viện, và nay là ngoại trưởng Úc.

Bà tỏ ra rất thoải mái trong nền văn hóa địa phương và thể hiện sự tôn trọng rất mực - một bài học vỡ lòng của các nhà ngoại giao để tranh thủ tình cảm của dân bản xứ. 

Tại Việt Nam, bà thưởng thức món phở gà vào buổi sáng Hà Nội, trong khi ở Indonesia, bà gửi đi một thông điệp qua đoạn video nói tiếng Bahasa Indonesia - thứ tiếng có nhiều người nói nhất trong khu vực.

Trong chuyến thăm Malaysia, bà Wong chủ đích ghé Kota Kinabalu trên đảo Borneo, về lại nơi bà đã trải qua thời thơ ấu. Nữ ngoại trưởng Úc cũng đi ăn sáng tại một quán địa phương với em trai, người vẫn sống ở Kota Kinabalu, và sau đó đến thăm mộ bà ngoại.

Những hành động đó không chỉ để "lấy điểm" với dân bản địa, mà còn là thông điệp bà Wong và chính quyền mới ở Úc muốn nói với khu vực, rằng Úc là một phần của khu vực và là nơi tiếp nhận rất nhiều người gốc Đông Nam Á đang đảm nhận những chức vụ cấp cao nhất trong chính quyền, và người không phải da trắng vẫn có thể thành công ở Úc, kể cả một người gốc Hoa như bà Wong, dù quan hệ Úc - Trung Quốc đang căng thẳng chưa từng thấy.

Trở lực Trung Quốc

Câu hỏi đặt ra là liệu Úc có thực sự lấy được lòng tin của Đông Nam Á hay không? Những màn xã giao tuy đẹp và ấn tượng, nhưng sẽ là không đủ nếu thiếu những chính sách mang lại lợi ích thực tế.

Trong khi với dân chúng, hình ảnh nước Úc gần gũi và một người gốc Đông Nam Á thành công như bà Wong tạo được nhiều thiện cảm, thì trong giới tinh hoa, vẫn có những người tin rằng Úc quá giống một "tay chân" của "sen đầm" Mỹ. 

Những cơ chế mà Canberra đã đạt được trong chính quyền trước như AUKUS (hợp tác đóng tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân) hay Đối thoại An ninh bốn bên (QUAD) vẫn thường được dùng làm dẫn chứng cho các hoạt động tập hợp lực lượng của Úc gắn chặt với Mỹ - quốc gia có nhiều hệ quy chiếu giống họ, dù ở xa tít mù khơi.

Khác biệt giữa Úc và Đông Nam Á bắt nguồn từ nhận thức khác nhau về mối đe dọa. Với Canberra, sức mạnh kinh tế - quân sự của Trung Quốc, và việc họ sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó để cưỡng ép nước khác, là mối đe dọa lớn nhất với an ninh khu vực. 

Trong khi nhiều thành viên ASEAN có xu hướng coi cạnh tranh Mỹ - Trung, chứ không phải một bên cụ thể, là động lực cơ bản gây ra bất ổn.

"Trạng thái cân bằng chiến lược" là giải pháp của Úc trước nỗi lo của Đông Nam Á. Như bà Wong mô tả tại Singapore, đó là trạng thái mà các quốc gia không bị ép buộc, được quyết định những quan hệ liên kết và đối tác với nước khác. 

Bài phát biểu là chỉ dấu về cách chính phủ mới ở Úc đang điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp hơn tại Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Tiến sĩ Lê Thu Hường, nhà nghiên cứu chính sách của Trung tâm châu Á - Mỹ thuộc Đại học Tây Úc ở Perth, nhận định việc Úc dành nhiều quan tâm hơn cho Đông Nam Á một phần là do sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. 

"Úc muốn chống lại điều đó, mang tới cho các nước trong khu vực một giải pháp thay thế" - tiến sĩ Hường nhận xét với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, nhưng lưu ý Úc cần thiết lập liên kết chặt chẽ với các nước láng giềng để thực sự làm được như vậy.

Với một số nhà quan sát Đông Nam Á, cuộc gặp của bà Wong với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 8-7 bên lề hội nghị G20 ở Indonesia là một động thái tích cực, dù không có kết quả thực chất nào được công bố. 

Cả hai bên cũng tuyên bố đây chỉ là khởi đầu, và dù có những tranh cãi qua lại sau đó, cuộc gặp là tín hiệu cho thấy Canberra và Bắc Kinh đều không muốn những khác biệt đi quá xa.

Sẽ có đặc phái viên ASEAN?

Theo đề xuất của một số chuyên gia, Úc cần bổ nhiệm một đặc phái viên cấp cao chuyên trách ASEAN để thiết lập quan hệ mang tính xây dựng với các nước và quản lý sự khác biệt, để nắm bắt rõ hơn những mối quan tâm riêng của các quốc gia tầm trung tại Đông Nam Á.

Chính phủ của Thủ tướng Albanese đã đáp ứng đề xuất đó khi cam kết sẽ chỉ định một đặc phái viên để xóa bỏ các khâu trung gian, quan liêu cản trở quan hệ song phương. Ít nhất hai nguồn tin ngoại giao xác nhận việc chỉ định đặc phái viên là một cam kết mà chính phủ Công đảng Úc sẽ tiến hành, có thể sớm nhất trong "vài tuần tới".

Tiến sĩ Hường nhận định các chuyến công du đầu tiên của bà Wong chủ yếu ở Đông Nam Á và diễn ra chỉ trong vài tuần sau khi nhậm chức là một chỉ dấu tốt. 

"Nó theo đúng những cam kết của bà ấy từ khi còn là bộ trưởng ngoại giao trong nội các đối lập, đó là dành nhiều sự quan tâm hơn đến Đông Nam Á. Việc chính phủ Công đảng muốn có đặc phái viên Đông Nam Á là một dấu hiệu khác cho thấy Úc đang ngày càng chú ý đến khu vực này", bà Hường nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

"Việt Nam nhận thức về Úc rất rõ, rằng đó là một cường quốc trung dung nhân hậu, một đối tác chiến lược tích cực. Nếu Canberra tiếp tục giữ quỹ đạo như hiện tại là cung cấp hàng hóa công cộng, gắn kết với tư cách một đối tác và thường xuyên hiện diện trong khu vực, tôi tin sự đóng góp của Úc vẫn là điều tích cực" - bà Hường bình luận trước câu hỏi liệu các nước Đông Nam Á có đón nhận cách tiếp cận mới của Úc và phản ứng của các nước lớn khác xung quanh sẽ như thế nào.■

"Chúng tôi sẽ không định hướng quan hệ của Úc với ASEAN hay các nước Đông Nam Á thông qua lăng kính Trung Quốc" - bà Penny Wong trả lời vào ngày 6-7, khi được hỏi liệu sự phản đối của Bắc Kinh có là trở lực trong quan hệ Úc - Đông Nam Á.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận