27/03/2013 07:08 GMT+7

Chẳng có gì lạ trên thị trường vũ khí!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Chuyện mua máy bay, tàu ngầm, tàu bò... là chuyện rất thường tình. Nước nào cũng mua sắm cả. Từ thời đế quốc La Mã đã lưu truyền câu châm ngôn “Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”. Vấn đề là mua nhiều hay ít, để làm gì, hướng vào đâu, hoặc mua trong lúc dân tình trong nước đó no đói ra sao...

Trung Quốc chi nhiều tỉ USD mua tàu ngầm, máy bay NgaNga bác tin Trung Quốc mua tàu ngầm

Ngược lại, nước nào muốn phát triển công nghiệp quốc phòng cũng đều phải hướng tới xuất khẩu, chứ không thể tự sản, tự tiêu, cho dù là Mỹ, Nga..., thậm chí Singapore: phải ký được lia lịa hợp đồng xuất khẩu, thậm chí khi chiếc máy bay đó còn chưa “ra lò” như chiếc F-35, mà để triển khai, Mỹ đã huy động vốn những hơn 4,3 tỉ USD từ các đồng minh của mình từ đời nào...! Thành ra, việc Nga có bán vũ khí cho cả nước này, nước kia và nước nọ... cũng không có gì lạ lùng.

Thật ra, tin tức về việc Trung Quốc mua máy bay chiến đấu Su-35 không mới mẻ hay bí ẩn gì. Trong thị trường vũ khí quốc tế, vốn là một thị trường tự do, chuyện nước nào mua bán gì với nước nào, hãng nào, đầy rẫy.

Ngày 14-12 năm ngoái, Hãng tin “Hàng không quốc tế” AIN loan báo “Trung Quốc sắp ký mua 24 chiếc máy bay chiến đấu một chỗ ngồi Su-35, trị giá 1,5 tỉ USD...”. Theo AIN, thương thuyết đã diễn ra từ nhiều năm qua và phía Nga đòi phía Trung Quốc phải mua tối thiểu 48 chiếc chứ không chỉ mua vài chiếc “làm mẫu”! Cuối cùng thì thỏa thuận mua 24 chiếc đã đạt được nhân chuyến thăm Bắc Kinh lần đầu của tân Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào cuối tháng 11 năm ngoái. Thỏa thuận này sẽ được chính thức ký kết vào năm tới, và giao hàng bắt đầu từ năm 2015.

Đến ngày 22-2-2013, AIN lại loan tin tại triển lãm quốc phòng quốc tế IDEX 2013 tổ chức ở Abu Dhabi, trưởng đoàn Nga là ông Vyacheslav Dzirkaln, cục phó Cục Hợp tác kỹ thuật - quân sự liên bang Nga, đã cho các nhà báo biết vào tháng 1 trước đó Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ký một thỏa thuận liên chính phủ với Trung Quốc về việc bán máy bay Su-35. Cục phó Dzirkaln nhấn mạnh rằng sẽ “chỉ bán thành phẩm chứ không cấp giấy phép chuyển nhượng sản xuất”. AIN tóm tắt: “Đây là hợp đồng mua máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc sau hợp đồng mua 24 chiếc Su-30 MK2 ký kết năm 2004, nâng tổng số máy bay Su-27 và Su-30 lên đến 283 chiếc”.

Cả hai tin trên đã được chính Đài Tiếng nói nước Nga (Việt ngữ) xác nhận hôm 12-3. Đài này đưa tin: “Trung Quốc sẽ nhận chiến đấu cơ Su-35 đã được lắp ráp hoàn chỉnh. Hợp đồng cung cấp chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc mà hiện nay đang tiến hành công tác chuẩn bị ký kết sẽ là hợp đồng cung cấp chứ không phải hợp đồng cấp phép... Theo Phó thủ tướng Dmitry Rogozin, trong hai tuần tới, các đại diện của lãnh đạo Trung Quốc sẽ đến Nga và sẽ thỏa thuận về thời hạn ký kết hợp đồng trong các cuộc đàm phán. Vào cuối năm 2012, Rosoboronexport và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ký thỏa thuận sơ bộ để cung cấp cho Bắc Kinh 24 máy bay chiến đấu Su-35... Giá trị ước tính của thỏa thuận này khoảng 1,5 tỉ USD”.

Sở dĩ từ năm 2004 đến nay, hai phía mới thỏa thuận thêm được hợp đồng mới này là do sự cố phía Trung Quốc đã tự tiện “sao chép” và biến máy bay Su-27SK của Nga thành máy bay chiến đấu J-11 “nội địa”, khiến phía Nga bực dọc cảnh giác!

Thật ra, tin của Defense News trích lược Itar-Tass chỉ bác bỏ tin của Đài truyền hình Trung Quốc CCTV. Theo đó, trong chuyến công du Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình, hai bên đã bàn bạc chuyện mua bán vũ khí hoặc hợp tác kỹ thuật quân sự.

Thị trường vũ khí là một cái chợ, bán cho ai cũng được, mua của ai cũng được. Miễn là đừng mua cùng loại vũ khí và đừng mua sau rốt!

Trung Quốc xác nhận mua vũ khí của Nga

Cổng thông tin chính phủ Trung Quốc (china.org.cn) ngày 26-3 xác nhận Trung Quốc đã đồng ý mua 24 máy bay Su-35 và bốn tàu ngầm lớp Lada của Nga. Các hợp đồng mua bán này nằm trong khuôn khổ những hợp đồng mua bán vũ khí mà Trung Quốc và Nga đã ký kết không lâu trước chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga hôm 24-3.

Vụ mua bán này đã khiến truyền thông và các nước trong khu vực quan tâm. Phía Trung Quốc cho rằng phản ứng trên là không cần thiết bởi vụ mua bán này không nhằm trực tiếp vào bất cứ nước thứ ba nào.

MỸ AN

Tàu chiến Trung Quốc xâm phạm quần đảo Trường Sa

Ngày 26-3, lần đầu tiên Tân Hoa xã công bố hình ảnh và tin tức của bốn tàu chiến Trung Quốc (Tĩnh Cương Sơn, Lan Châu, Ngọc Lâm và Hoành Thủy) đang tuần tra trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ ngày 23 đến 25-3 vừa qua.

Dẫn lời chỉ huy Tưởng Vị Nhiệt, Tân Hoa xã ngang ngược nêu rõ các tàu chiến này trên đường tập trận ở biển Đông đã kết hợp tuần tra “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển, an toàn giao thông cũng như ngành ngư nghiệp” của Trung Quốc cùng thị sát ở quần đảo Trường Sa. Ngày 24-3, bốn tàu chiến này đã cho hải quân đổ bộ lên đảo đá Chữ Thập và đảo đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa để thị sát các cuộc huấn luyện chuẩn bị chiến đấu, hậu cần và các thao tác chuẩn bị bảo vệ đảo của binh lính Trung Quốc.

Với động thái này, rõ ràng các tàu chiến Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

MỸ LOAN

hGxQ2MfY.jpgPhóng to
Bốn tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa ngày 24-3 - Ảnh: xinhuanet.cn
DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên