Cây sung cây ngái

TRẦN HUIỀN ÂN 06/03/2013 03:03 GMT+7

TTCT - Trải qua không biết bao nhiêu đời, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, người dân quê ở đâu cũng vậy, họ tự chế tạo các loại dụng cụ dùng trong việc trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch nông sản trên ruộng đồng, thổ soi, vườn tược... như cái cày, cái bừa, cái quải, cái cuốc, cái rựa, cái liềm, cái gùi, cái thúng... vân vân và vân vân...

Phóng to
Ảnh: Huỳnh Ngọc thạch (ảnh dự thi Xuân trong tôi 2013)

Đúng ra thì một số nông cụ không phải hoàn toàn do họ tự chế tạo. Những nông cụ này có hai phần, một phần gọi là lưỡi như lưỡi cày, lưỡi cuốc, lưỡi rựa, lưỡi liềm..., gọi là răng như răng bừa, răng cuốc chỉa..., gọi là khâu như khâu rựa, khâu liềm... bằng kim khí, phải nhờ thợ rèn hoặc mua ở chợ. Họ chỉ tự chế tạo phần làm bằng cây rừng và dây rừng, như bắp cày, mỏ cày, trạnh cày, bảng bừa, gọng bừa, cán rựa, cán cuốc... và những dụng cụ bằng cách đan đát như cái gùi, cái nong, cái thúng, cái rổ...

Vật liệu để đan đát thì đã rõ, dùng cây tre, dây mây nước, dây mây rắt, dây mò tró, dây kim cang... Cây chà rang đan đáy gùi và làm nan công, cây thô làm chân gùi... thật chắc. Đó là có sự lựa chọn. Nhưng nếu hỏi người nhà quê dùng cây gì để đóng cày, đóng bừa, họ sẽ nói: “Cây gì cũng được, chỉ trừ cây sung, cây ngái”. Câu nói hàm ý cây sung, cây ngái là loài thực vật vô tích sự, chẳng giúp được gì cho việc làm nông, làm củi bếp cũng không ra sao. Thật tội nghiệp cho anh em nó!

Cây sung, cây ngái thường mọc nơi ẩm ướt, gần đầu nguồn, ngọn suối, nhưng không chịu ngâm mình dưới nước, có lẽ do cơ thể nó đã chứa sẵn nhiều nước. Thân cây cao khoảng vài ba mét đến năm bảy mét, mười mét. Nó có thể vươn lên hơn nữa, nếu không để cho nhánh lớn nhánh nhỏ chỉa bên này chọc bên nọ. Cũng có một số cây sống lâu lên lão làng, thành cổ thụ, bề hoành hơn một vòng tay ôm.

Trái sung ra từng chùm, dày kín cả cành, dáng tròn, lúc còn non màu xanh nhạt, khi già lớn bằng ngón chân cái, ngoài vỏ pha một chút màu lục, khi chín pha thêm màu cam, màu đỏ. Chỉ lũ chim gầm ghì, chim xanh... đến với cây sung, chúng thích trái sung cũng như trái mét, trái sòi... vừa ăn vừa vỗ cánh chuyền đáp, trò chuyện với nhau thành tiếng “hun hút... hun hút...” một cách vui vẻ thân tình. Con người thì chẳng ai bận tâm đến, trái sung lần lượt rụng xuống, mềm bẫy, bể vỡ, để lộ bên trong những điểm đen lấm chấm, quyến rũ lũ bồ mắt bu đầy, rồi rữa nát.

Vậy mà, đối với hạng lười biếng, thiên hạ bảo nằm ngửa ra há miệng chờ sung rụng, có khi còn thêm đoạn “vĩ thanh”: trái sung đâu không thấy, thấy phân chim!

Con người vốn tham thanh chuộng lạ, ai cũng thích món ngon, cơm trắng cá tươi, sơn hào hải vị. Phải đến một lúc nào đó, người ta mới nhận ra: Ai ơi, chớ phụ môn khoai. Những năm thân dậu lấy ai bạn cùng! Có “những năm thân dậu” mùa màng mất sạch, từ khoai mài khoai ngang đến củ nần ngoài rừng đã đào hết, người ta tìm đến cây sung, cây ngái. Không phải nằm dưới gốc đợi chờ, mà hái trái đem về, chia sẻ cho nhau. Trái sung chát ngầm, lạt phèo, cực chẳng đã... ăn để có chút gì vào bụng.

Đôi khi người ta hạ cây sung cổ thụ, cưa xả thành ván, dồi bộ phản. Thân nó mềm nên dễ bào láng, dùng lâu cũng lên nước bóng, so với gỗ bằng lăng, gỗ mít, gỗ gõ... nó nhẹ lắm, dễ dàng khuân vác dời đổi. Tất nhiên bộ ván sung không chen chân được vào nơi giàu sang, nó chỉ là bạn của nhà nghèo, với nhà trung bình thì nó ở vị trí “phản chái”, tức là bộ ván kê nơi gian bên. Và cũng như mọi “bộ phản” khác, bị đưa vào câu đố bằng một nghĩa không hay: “Ngã lưng cho thế gian nhờ. Vừa êm vừa mát lại vừa bất trung”.

Thế nhưng, ở thành thị, không biết ai nghĩ ra cái chuyện “tá âm”. Ngày trước chỉ nghe nói trong Nam bộ chưng cỗ trái cây “cầu vừa đủ xài”. Nay thì, đầu năm ngày tết, khai trương cửa hàng, về nhà mới... thiên hạ đua nhau bày biện trái sung, chùm quả càng sum sê càng đẹp, càng tốt. Ngụ ý rằng sẽ được sung túc, dồi dào, no đủ quanh năm. Nhờ vậy, trái sung mới có dịp sánh vai với hoa vạn thọ ngự nơi thờ kính trang nghiêm.

Nhưng với bản chất mềm yếu, nó vẫn không được dùng làm nông cụ, sợ rằng chưa được mấy đường cày đã gãy đôi gãy ba. Cho nên, hỏi chuyện cái cày cái bừa, người dân quê cứ bảo: Cây gì làm cũng được, chỉ trừ cây sung, cây ngái. Phải chăng đó là sự định đặt của số phận?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận