Câu chuyện Viện hàn lâm

TTCT - Vậy là Việt Nam chính thức có Viện hàn lâm Khoa học xã hội với 31 viện nghiên cứu trực thuộc và trên 600 chuyên gia từ bậc tiến sĩ trở lên.

Đây là cơ quan ngang cấp bộ do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm người lãnh đạo, đã ra nghị định thành lập từ cuối năm ngoái và chính thức có hiệu lực từ ngày 22-2 vừa qua.

Đường dài trước mặt

Về mặt tổ chức, cơ quan này phát triển từ cơ cấu của Viện Khoa học xã hội, mà viện trưởng vốn là ủy viên Trung ương Đảng, được sáp nhập thêm các đơn vị khoa học nhỏ lẻ vốn trước vẫn đứng riêng hoặc trực thuộc nhiều cơ quan chủ quản khác nhau. 

Có thể thấy tên của 31 đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc là định nghĩa đầy đủ nhất của Việt Nam về khoa học xã hội, bao gồm cả kinh tế, triết học, văn - sử cho đến khoa học phát triển vùng và các viện nghiên cứu các khu vực trên thế giới. 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào vị trí văn phòng của các viện trực thuộc và cơ cấu nhân sự thì đa số đều nằm ở Hà Nội, lý giải tại sao sự ra đời của một cơ quan khoa học quan trọng như vậy hầu như không được dư luận ở các địa phương nhắc tới. 

Ngay trong quyết định thành lập đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ hoạt động theo đơn đặt hàng của Đảng và Nhà nước: “Cung cấp luận cứ trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Với khung làm việc như vậy, mong đợi Viện hàn lâm của Việt Nam sẽ có được những công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế đem lại cho đất nước cả chục giải Nobel như tổ chức khoa học giống như vậy ở Đức là Viện Max Planck hẳn còn rất xa xôi.

Cách đây 5 năm trong một cuộc họp tại Phủ chủ tịch có mặt GS Phan Huy Lê và lãnh đạo đơn vị tiền thân là Viện Khoa học xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng đề nghị hãy tổ chức hội thảo quốc tế về Việt Nam học thường xuyên hơn nữa để tăng cường trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu Việt Nam, nhưng các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa thể nào tổ chức thường xuyên hơn là bốn năm một lần.

Xét về thực lực thì các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam cũng phải phấn đấu rất nhiều mới hi vọng bắt kịp các nước trong khu vực, chẳng hạn với nước láng giềng Thái Lan, chưa nói gì đến trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á ở Đại học Quốc gia Singapore, hay xa hơn là Hàn Quốc hay Nhật Bản, Ấn Độ.

Trong khi đó, một trường đại học ở tỉnh lẻ của Thái Lan thôi đã đủ tầm danh tiếng để mời ít nhất là các nhà khoa học trong khu vực đến dự hội thảo hằng năm và trao đổi nghiên cứu trên tiến sĩ (post-doc). Đây chỉ là đơn cử cho một vài điểm mốc mà Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phải lần lượt vượt qua.

 Viện hàn lâm khoa học Ba Lan

Được thành lập từ năm 1952, là cơ quan khoa học quốc gia, “phục vụ phát triển và hội nhập, quảng bá khoa học, đồng thời đóng góp giúp phát triển giáo dục và làm giàu văn hóa dân tộc”.

Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan vừa là nơi tập trung các viện sĩ khoa học theo mô hình Viện hàn lâm Khoa học Pháp, đồng thời cũng là các cơ quan nghiên cứu theo đơn đặt hàng của chính phủ và các cấp chính quyền địa phương tùy thuộc vào nguồn tài trợ. Viện được chia thành các viện nhỏ theo chuyên ngành như triết và xã hội học, sinh học, toán - lý - hóa, các ngành kỹ thuật, nông nghiệp - rừng và thú y, y khoa, địa chất và mỏ. Các trung tâm nghiên cứu của viện được phát triển đều trên các vùng của đất nước, bên trong cơ cấu tổ chức của các viện có văn phòng dành cho các hiệp hội nghiên cứu, ví dụ như Hội các nhà xã hội học Ba Lan nằm trong Viện Triết và xã hội học.

Lấp khoảng trống nghiên cứu khoa học xã hội

Một trong số những viễn kiến được nêu thành nhiệm vụ cho viện là “phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của cả nước, ngành, vùng, địa phương và doanh nghiệp,” góp phần “phổ biến tri thức khoa học, nâng cao trình độ dân trí”. Đây là nguồn vốn tối cần thiết để bảo đảm giúp Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.

Kiến thức khoa học là một thành phần của vốn văn hóa, được định nghĩa như là tập hợp những thành tựu tri thức mà một dân tộc chắt lọc được theo thời gian và truyền lại cho thế hệ sau. Từ ngày mở cửa đến nay, rất nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam đã ra nước ngoài học và tình trạng thiếu vắng sinh viên trong các ngành triết và xã hội học vẫn tiếp tục xảy ra.

Ngay cả kinh tế là một ngành vốn xuất thân từ triết và tiếp tục được nhiều nước xếp vào ngành khoa học xã hội thì sinh viên Việt Nam trong ngành này hầu như thua kém các bạn đồng lứa trên thế giới về kiến thức nền tảng trong tâm lý xã hội, ngoại trừ một số thông tin vụn vặt từ bộ môn tiếp thị - marketing.

Nếu bậc học phổ thông ở các nước đã trang bị đầy đủ cho các em kiến thức về mối quan hệ gia đình - xã hội - quốc gia và kỹ năng cơ bản để đọc và viết báo, làm phim, hay hiểu biết về chính trị cơ bản để ứng dụng trong môi trường văn phòng và địa phương, thì học sinh Việt Nam ra nước ngoài thường thua kém các bạn cùng tuổi về những chuyện này.

Ngày nay khi Việt Nam đã thông thương hoàn toàn với các nước trong khu vực thì không chỉ các em học sinh muốn đi du học mà tất cả người Việt ở trong nước đều phải được trang bị những kiến thức xã hội cơ bản đó, để đủ sức đề kháng trước những cú sốc văn hóa ngoại nhập như làn sóng Hàn hay chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây. 

Đây mới thật sự là đề bài khó cho các nhà khoa học Việt Nam trong các ngành xã hội và nhân văn, mà đầu tiên hết là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đi theo con đường này ta sẽ thấy thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa của viện hàn lâm của một nước, đó là phải duy trì và phát triển một tư tưởng khoa học dân tộc. Các triết gia xã hội học hàng đầu của Ba Lan luôn nhắc đến một ngành khoa học xã hội dù là mang tính phổ quát trên toàn thế giới nhưng luôn đậm đà bản sắc nguồn cội Ba Lan, mang tính đặc thù và hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề của Ba Lan. 

Trong lĩnh vực sử học chẳng hạn, hàng chục năm qua vẫn chưa tìm được ai có công trình nghiên cứu lịch sử tư tưởng dân tộc. Đây cũng sẽ là nhiệm vụ lớn cho Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Thêm một điều nữa, khoa học Việt Nam ngoài tính Đảng và tính dân tộc, ngoài mục tiêu vị nhân sinh thì cũng nên chú ý đến nhu cầu vị khoa học. Trong nghị định của Chính phủ chưa thấy có quy chế phong hàm viện sĩ cho các nhà khoa học xứng đáng cả ở trong nước lẫn nước ngoài, như Viện hàn lâm Khoa học Pháp. Ngoài ra, cũng chưa thấy có quy định về nhiệm vụ đỡ đầu trong học thuật của viện cho rất nhiều tổ chức quy tụ các nhà nghiên cứu khác.

 Sự hiện diện của khoa học xã hội Việt Nam trên trường quốc tế

Phân tích các ấn phẩm khoa học xã hội của Việt Nam trên các tập san quốc tế từ năm 1996-2010 (số liệu thu thập từ Scopus - cơ sở dữ liệu về ấn phẩm khoa học toàn cầu) cho thấy Việt Nam công bố được 354 công trình nghiên cứu liên quan đến khoa học xã hội. 

Phần lớn những công trình này tập trung vào các lĩnh vực địa lý học (chiếm 21% trên tổng số), phát triển học (16%), y tế (12%), xã hội học (11%).

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng có sự hiện diện nhưng tương đối khiêm tốn hơn, như nhân chủng học (5%), chính trị học (5%), dân số học (4%). Riêng ngành khảo cổ học suốt 15 năm chỉ công bố được 7 bài (1,4%). Năm 1996, Việt Nam chỉ công bố được 10 công trình, đến năm 2010 số công trình tăng lên 50. 

Trong cùng thời gian này, Malaysia công bố được 1.836 bài, cao hơn Thái Lan (1.437) và Philippines (789 bài).

Gần 90% những công trình nghiên cứu về khoa học xã hội là do hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Tỉ lệ này khá cao khi so sánh với tỉ lệ 40% của các nước trong vùng. Trong số 200 quốc gia có công bố về khoa học xã hội, Việt Nam đứng hạng 69. Hạng này thấp nhất trong vùng Đông Nam Á, so với Thái Lan (hạng 43), Malaysia (41) và Philippines (50).

Tuy số ấn phẩm ít hơn, nhưng chất lượng của các công trình khoa học xã hội Việt Nam tương đối cao hơn các nước trong vùng. Trong thời gian 1996-2010, mỗi công trình của Việt Nam được trích dẫn 6,87 lần, cao nhất so với Thái Lan (5,09), Philippines (4,58) và Malaysia (3,18). Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng (qua chỉ số H) thì các công trình của Việt Nam chỉ ở mức trung bình trong vùng (Việt Nam 17, Philippines 16, Thái Lan 25 và Malaysia 20).

Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN(ĐH New South Wales, Úc)

Hiệp hội nghiên cứu khoa học mang tên Max Planck

Được coi là viện hàn lâm khoa học của Đức, thành lập từ năm 1948, và nay mỗi năm đóng góp cho kho tàng khoa học thế giới tổng cộng khoảng 13.000 bài viết mà tính ra có ít nhất 17 công trình đã được công nhận giải Nobel. Tất cả 80 viện nghiên cứu thành viên của hiệp hội chỉ tập trung vào các ngành khoa học mới và mũi nhọn, dừng tài trợ và nghiên cứu khi ngành học đã trở thành phổ biến trong các trường đại học của Đức.

Kết hợp với các trường đại học, hiệp hội cũng mở chương trình đào tạo sau tiến sĩ để thu hoạch các nghiên cứu chuyên sâu của tiến sĩ trẻ đến từ 85 quốc gia trên thế giới. Tính chất quốc tế của viện thể hiện qua con số 1/3 các giám đốc viện và 1/2 nghiên cứu sinh là người nước ngoài. Tỉ lệ này trong số nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học là 80%. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận