Câu chuyện bó đũa?

HẢI MINH 29/08/2017 20:08 GMT+7

TTCT- Trung Quốc đang toan tính, và tiến hành trên thực tế, việc thương lượng song phương với từng nước có tranh chấp ở khu vực Biển Đông.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang nhắm tới một thỏa thuận song phương với Trung Quốc, nhưng trong rất nhiều hoài nghi và chỉ trích. -Ảnh: canadianinquirer.com
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang nhắm tới một thỏa thuận song phương với Trung Quốc, nhưng trong rất nhiều hoài nghi và chỉ trích. -Ảnh: canadianinquirer.com

 

Những chuyển động giữa Bắc Kinh với Manila gần đây có thể được lấy ra làm ví dụ về “tư thế nước lớn” cũng như lợi ích khi có một mối quan hệ có vẻ là hữu hảo với siêu cường số 1 châu Á. Nhưng còn gì đằng sau những tuyên bố đẹp đẽ và mọi việc có vẻ dễ vậy không?

Chỉ sau hơn một năm nắm quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte, mọi hiềm khích trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, bao gồm cả phiên tòa trọng tài gây nhiều tiếng vang tại The Hague do người tiền nhiệm của ông Duterte - Benigno Aquino III - khởi xướng, giờ tưởng như đã là dĩ vãng rất xa.

Mới tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng của ông Duterte, Delfin Lorenzana, hồ hởi tuyên bố một modus vivendi (tạm ước “chung sống”), trong đó Trung Quốc “cam kết không chiếm đóng thêm các thực thể mới” ở Biển Đông.

Tuy nhiên, trên thực địa tình hình có thể hoàn toàn khác, và nhiều nhà bình luận cảnh báo về những rủi ro không nhỏ trong việc tìm kiếm một thỏa thuận song phương với Bắc Kinh.

Philippines xoay trục trong chia rẽ

Trong khi Trung Quốc đã đồng ý về bộ khung cho một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mới tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các đối tác tại Manila vào giữa tháng 8 vừa rồi, quá trình thương lượng đã kéo rất dài, suốt từ năm 2002 với một “Tuyên bố về bộ quy tắc” (DOC) không ràng buộc.

Chiến thuật câu giờ của Bắc Kinh đã phát huy tác dụng: sau 15 năm, hiện trạng của các thực thể tranh chấp và cán cân lực lượng Biển Đông đã thay đổi hoàn toàn.

Ngay cả với ưu thế áp đảo như thế, vẫn có lý do để nghi ngờ rằng Trung Quốc vẫn chưa muốn chấp thuận một bộ quy tắc ràng buộc pháp lý.

Cũng trong tuần qua, Bộ trưởng ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano còn công bố ý định “gác tranh chấp, cùng khai thác” giữa hai phía, một chiêu bài cũng đã cũ của Bắc Kinh, thông qua Thỏa thuận cùng phát triển (Joint Development Agreement, tức JDA) ở những vùng lãnh hải chồng lấn, bao gồm vùng biển được cho là nhiều dầu mỏ và khí đốt ở đảo phía tây Philippines Palawan.

Dù đã rào đón là thỏa thuận này phải tuân theo luật pháp Philippines, ông Cayetano rõ ràng không có trong tay nhiều công cụ để tác động như người đồng cấp Vương Nghị.

Nếu chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận thương mại (với Trung Quốc) tốt hơn so với ở Malampaya ngay tại vùng tranh chấp, thì làm sao bất cứ người Philippines nào có thể tranh luận với điều đó?” - ông Cayetano nói về những hi vọng của ông vào JDA.

Tuy nhiên, không phải mọi người Philippines đều thấy thuyết phục. Gary Alejano, nghị sĩ đối lập và cựu sĩ quan quân đội, cảnh báo về việc “Trung Quốc tiếp tục tập hợp lượng lớn tàu hải quân và tàu hải giám...”, điều mà ông nói là “mối đe dọa với lợi ích của chúng ta ở Biển Tây Philippines”.

Hồi tháng 3, vị dân biểu này đã đề nghị quốc hội Philippines luận tội ông Duterte vì nhiều lý do, trong đó có việc “thất bại trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ở biển Tây Philippines”, nhưng đề xuất của ông Alejano đã bị Ủy ban Tư pháp Hạ viện Philippines bác vào tháng 5.

Báo chí Philippines cũng đã phản ứng không thuận chiều với điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền.

Ngày 21-8, tờ The Philippine Star đăng một bài xã luận dài của Jarius Bondoc với cái tít nêu lên một thực trạng đau lòng: “Trung Quốc hiện đang tuần tra vùng biển, vùng trời của Philippines”.

Tác giả nói trên thực địa, Trung Quốc lúc này “kiểm soát việc ra vào khu vực bãi cạn Scarborough, chỉ cách đảo Luzon của Philippines 193km. Các tàu bán vũ trang của Trung Quốc đánh bắt cá sâu trong vùng đặc quyền kinh tế. 

Các tàu chiến ở gần Zambales và Mindoro thuộc Biển Tây Philippines. Các máy bay thường xuyên ngăn trở các chuyến bay của Philippines tới đảo Pag-asa (đảo Thị Tứ)... Các tàu nghiên cứu hải dương thăm dò khu vực đáy biển ở tây Philippines... Tất cả đều vi phạm pháp luật quốc tế”.

Dẫn lời chuyên gia về luật biển - tiến sĩ Jay Batongbacal, bài báo liệt kê tỉ mỉ 13 hành động cụ thể của Trung Quốc áp đặt tuyên bố chủ quyền, thay đổi hiện trạng hoặc triển khai đội tàu cá quy mô lớn, máy bay chiến đấu, máy bay thăm dò, tàu thăm dò... ở khu vực tranh chấp.

Kiểm soát sự tiếp cận đồng nghĩa với việc kiểm soát vùng biển - ông Batongbacal, viện trưởng Viện Luật biển và các vấn đề hải dương, nói - Điều chúng ta thấy ở đây là Trung Quốc ngày càng kiểm soát sự tiếp cận với nhiều điểm trên biển, trong khi Philippines ngày càng từ bỏ.

Chúng ta không còn được thăm dò dầu khí ở vùng biển của mình, trong khi hoạt động đó của Trung Quốc đã mở rộng. Chúng ta đã làm không đủ để bảo vệ lợi ích của mình. Và đổi lấy gì? Đổi lấy quan hệ tốt đẹp hơn? Đổi lấy lời hứa là các khoản vay và vũ khí?”.

Sự thay đổi thái độ của Philippines dưới chính quyền mới của ông Duterte cho tới giờ là khá nhất quán, bắt đầu từ chuyến thăm của ông sang Trung Quốc tháng 10-2016, bốn tháng sau khi nhậm chức.

Quan hệ bớt mặn nồng với Mỹ và lo ngại về “ảnh hưởng từ bên ngoài” có thể biến khu vực thành “một cuộc chơi địa chính trị” của các nước lớn, như lời tân Bộ trưởng ngoại giao Cayetano, là những triển khai thực tế khi Philippines “xoay trục”.

Trong chuyến thăm đầu tiên của ông Cayetano tới Trung Quốc với tư cách bộ trưởng ngoại giao (nhưng đã là chuyến thứ ba cùng với chính phủ Duterte) vào tháng 7-2017, Bắc Kinh đã chuyển cho Manila số vũ khí giá trị 50 triệu nhân dân tệ (7,4 triệu USD) hỗ trợ cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan ở Marawi. Cayetano nói sự hỗ trợ đó cho thấy “mối tin cậy về chính trị” giữa hai nước.

Trước đó, vào tháng 5-2017, Tân Hoa xã đã hồ hởi thông báo về một cơ chế tư vấn song phương hai lần mỗi năm (biannual bilateral consultation mechanism, hay BCM) về Biển Đông.

Theo đó, các quan chức của bộ ngoại giao và ngành ngư nghiệp sẽ gặp nhau mỗi sáu tháng. Cũng chính từ các cuộc gặp cấp cao, Trung Quốc đã đồng ý không ngăn cản ngư dân Philippines vào bãi cạn Scarborough (mà Philippines tuyên bố chủ quyền đầy đủ!) và không bồi đắp vùng tranh chấp này.

Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã gọi sự thay đổi này trong quan hệ song phương là “một cú quay đầu tuyệt đẹp” trong cuộc họp báo sau khi gặp đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Sta. Romana.

Lịch sử và tương lai

Về mặt lịch sử, chiến lược đề xuất “cùng khai thác” này của Trung Quốc đã được sử dụng gần nửa thế kỷ với nhiều nước khác nhau mà họ có tranh chấp chủ quyền.

Lần đầu tiên khái niệm này được nhắc đến trong một văn kiện chính thức là ngày 25-10-1978, trong chuyến thăm Nhật Bản của thủ tướng Trung Quốc lúc đó Đặng Tiểu Bình.

Khi trao đổi với thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda về tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Đặng đã nói vấn đề có thể “gác lại cho các thế hệ sau giải quyết” và “lấy quyền lợi chung của hai nước làm ưu tiên”.

Sau nửa thế kỷ, thực tế cho thấy việc khai thác chung vẫn rất hạn chế, trong khi tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vẫn là điểm nóng then chốt trong quan hệ song phương.

Với chính Philippines, tháng 6-1986, ông Đặng đề nghị với phó tổng thống Philippines Salvador Laurel rằng Bắc Kinh và Manila nên gác tranh chấp: “Không nên để vấn đề này cản trở tình hữu nghị của Trung Quốc với Philippines và các nước khác”.

Hai năm sau, cũng ông Đặng nói với tổng thống Philippines Corazon Aquino (cha ông Benigno): “Xét quan hệ hữu nghị, chúng ta có thể tạm gác vấn đề này và tiếp cận theo hướng khai thác chung”.

Thật ra, chiến thuật “gác tranh chấp, cùng khai thác” và những ẩn ý đằng sau đã được tuyên bố khá rõ trên trang web của Bộ Ngoại giao nước này.

Theo đó, bốn yếu tố để Trung Quốc “gác tranh chấp, cùng khai thác” là:

(1) chủ quyền những vùng lãnh thổ liên quan thuộc Trung Quốc;

(2) khi điều kiện chưa chín muồi cho một giải pháp toàn diện với tranh chấp lãnh thổ, thảo luận về vấn đề chủ quyền có thể hoãn lại để gác tranh chấp. Gác tranh chấp không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền. Chỉ là gác lại tranh chấp ở thời điểm hiện tại;

(3) các vùng lãnh thổ tranh chấp có thể được khai thác chung;

(4) mục đích của khai thác chung là thúc đẩy sự hiểu biết giữa hai bên thông qua hợp tác và tạo ra các điều kiện để dần giải quyết dứt điểm sở hữu lãnh thổ.

Tóm lại, Trung Quốc gần như nắm toàn quyền chủ động trong chiến lược khai thác chung này, về xác định vùng khai thác chung, thời gian, địa điểm, đối tác, thời hạn..., tức tất cả các yếu tố then chốt để việc “khai thác chung” thành hay bại.

Trung Quốc đã không dưới một lần đe dọa các nỗ lực khai thác khí đốt hay dầu khí của những nước khác ở khu vực Biển Đông. Năm 2011, các tàu chiến của Trung Quốc đã xua một tàu thăm dò của công ty Anh Forum Energy khỏi vùng biển tàu này đang hoạt động theo một hợp đồng với Philippines.

Với việc khu khí đốt Malampaya của Philippines, hiện do một tổ hợp các công ty, gồm Tập đoàn Mỹ Chevron, khai thác từ năm 2002, dự kiến sẽ cạn trữ lượng vào năm 2024, Manila đang rất cần những nguồn nhiên liệu mới trong phạm vi của họ để phục vụ nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh.

Ở tầm chiến lược hơn, trên trang The Diplomat, nhà phân tích Prashanth Parameswaran chỉ ra ba rủi ro tiềm tàng trong một thỏa thuận song phương với Trung Quốc.

Thứ nhất, Parameswaran chỉ ra những cam kết và thỏa thuận trong quá khứ từng bị câu giờ quá lâu hoặc bị vi phạm sau đó của Trung Quốc, như DOC, COC, lời hứa không quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, hay ngừng bồi lấp... Với chính Philippines, một thỏa thuận tương đương JDA từng được ký năm 2005, để rồi cũng chẳng đi tới đâu.

Thứ hai, nếu có thỏa thuận khai thác chung, thì các vấn đề cả nguyên tắc lẫn kỹ thuật trong đó sẽ rất phức tạp, nếu không muốn nói là không thể thương lượng được.

Philippines có thể đạt được một số lợi ích cục bộ như việc tiếp cận của ngư dân ở bãi cạn Scarborough hay tuyên bố của Trung Quốc không lấp biển ở đó, nhưng Manila “có thể phải nhượng bộ lớn hơn nhiều, bao gồm quên đi một phán quyết quốc tế đã có hiệu lực và chấp nhận sự đồng thuận yếu hơn về Biển Đông với tư cách chủ tịch ASEAN”, theo phân tích của Parameswaran.

Cuối cùng, ông chỉ ra rủi ro của bài toán bó đũa, khi nhiều nước Đông Nam Á khác cũng sẽ muốn làm theo Philippines và tách ra “ăn mảnh” thay vì nói chuyện với Bắc Kinh như một tập thể.

Ngay cả với tư cách là một khối đơn nhất, ASEAN vẫn ở thế yếu so với Trung Quốc, vậy thì khó có hi vọng những cuộc thương lượng song phương với Bắc Kinh có thể sòng phẳng cho từng nước riêng lẻ.

Trung Quốc, vốn được thống nhất dưới thời Tần sau khi chiến lược “liên hoành” - suy nghĩ thực dụng cho bản thân trong ngắn hạn và hợp tác với cường quốc mạnh nhất - đã đánh bại “hợp tung” - một liên minh chống Tần, hẳn hiểu rõ hơn ai hết về việc bẻ gãy từng chiếc đũa dễ hơn cả bó đũa ra sao.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận