07/12/2007 05:00 GMT+7

Cắt cơn "đánh trống ngực"

BS TRẦN MẠNH HÀ
BS TRẦN MẠNH HÀ

TT - Lúc 19g ngày 29-11, khoa cấp cứu tiếp nhận một bệnh nhân nữ 19 tuổi, nhà ở Q.2, TP.HCM. Em vào viện trong tình trạng tỉnh, gọi hỏi biết, mệt nhiều, bứt rứt, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập rất nhanh 180 lần/phút.

zlytsM4O.jpgPhóng to

Vị trí đặt ống thông trong buồng tim

Em có tiền sử bị bệnh nhịp nhanh kịch phát trên thất - hội chứng tiền kích thích từ năm 7 tuổi, mỗi năm thường lên cơn nhịp nhanh từ 4-6 lần. Em rất buồn về bệnh của mình, mỗi lần lên cơn là vào viện nằm 7-10 ngày.

Vào viện rồi ra viện như vậy đều ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của em. Nghe em kể bệnh có thể lên cơn bất kỳ lúc nào như đang nghỉ ngơi, đang ngồi học, đang vui chơi. Mỗi lần như vậy gia đình đều hết sức động viên em, giúp em chữa bệnh và vượt qua mặc cảm với bạn bè. Các bác sĩ xác định đây là loạn nhịp nhanh thường gặp, cần xử trí khẩn cấp để cắt cơn nhịp nhanh nhằm tránh biến chứng tim mạch xảy ra. Sau 30 phút cấp cứu tích cực, em đã được cắt cơn nhịp nhanh và nhịp tim của em trở về bình thường 85 lần/phút. Em được chuyển khoa nội để điều trị tiếp.

Tại đây, em được các bác sĩ tư vấn phương pháp mới có thể điều trị khỏi bệnh này, đó là khảo sát điện sinh lý buồng tim và cắt đốt đường phụ qua catheter (ống thông) bằng năng lượng sóng có tần số radio. Đây là phương pháp tối ưu điều trị loạn nhịp tim, kinh tế, hiệu quả triệt để, được sử dụng rộng rãi, an toàn, tỉ lệ thành công cao (trên 90%), tỉ lệ tái phát thấp.

Nhịp nhanh kịch phát trên thất gặp ở mọi lứa tuổi, nữ nhiều hơn nam, bệnh thường không có nguyên nhân. Nếu có nguyên nhân có thể do thiếu máu cơ tim, bệnh tim hậu thấp, viêm màng ngoài tim, sa van hai lá, hội chứng tiền kích thích, bệnh Ebstein. Đặc điểm bệnh có nhịp tim nhanh đều đập từ 150-250 lần/phút. Đây là bệnh chiếm tỉ lệ cao nhất trong bệnh lý loạn nhịp nhanh, thường gặp tại khoa cấp cứu và phòng khám.

Đối với người mắc bệnh lý này, khi thấy dấu hiệu nhịp tim đập rất nhanh, mệt, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, buồn nôn cần vào viện ngay để cắt cơn nhằm tránh triệu chứng nặng dần có thể xảy ra như ngất lịm, co giật, hạ huyết áp. Nếu chủ quan để kéo dài có thể gây thiếu máu cục bộ cơ tim và suy tim.

BS TRẦN MẠNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên