Cảnh báo từ Fukushima

HỮU NGHỊ 21/03/2011 21:03 GMT+7

TTCT - Các sự số liên tục ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật đã khiến không ít chính phủ phải xem xét lại chính sách năng lượng của mình. Dù lựa chọn nào đi nữa, mẫu số chung vẫn là bài toán an toàn.

Sóng thần, động đất, sự cố hạt nhân..., nước Nhật đang trải qua cơn khủng hoảng nặng nhất trong lịch sử khởi phát từ vụ động đất 9 độ Richter ngày 11-3. Thiệt hại tính mạng và tài sản chưa thể tổng kết được. Trong nỗi đau, đất nước này đang nỗ lực phát huy tinh thần Nhật từng giúp họ tái thiết đất nước thành công sau những thảm họa tương tự trong lịch sử.

Phóng to
Một em bé được đo phóng xạ tại Nihonmatsu, tỉnh Fukushima ngày 15-3. Chính phủ Nhật đã yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế hỗ trợ theo dõi tác động của phóng xạ và đã sơ tán dân chúng khỏi bán kính 20km quanh Nhà máy Fukushima Daiichi - Ảnh: Reuters

Mỹ: Rùng mình xem lại tính an toàn

Sự cố hạt nhân ở Nhật đã chạm mạnh đến chính sách năng lượng sạch mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hôm chủ nhật 13-3, trong chương trình phỏng vấn “Face The Nation” của CBS News, nghị sĩ Joseph Lieberman đã “đâm trí mạng” vào chương trình hạt nhân đang chớm tái khởi động ở Mỹ bằng phát biểu: “Tôi từng ủng hộ năng lượng hạt nhân do lẽ đó là kỹ thuật của chúng ta và là năng lượng sạch. Song giờ đây hơn bao giờ hết, tôi nghĩ chúng ta phải dừng gấp lại”.

Tiếng nói của vị chủ tịch tiểu ban an ninh nội địa thượng viện này nhất định có ảnh hưởng, do lẽ an toàn hạt nhân nằm trong khái niệm an ninh quốc gia. Phát biểu này “chạm” nặng do lẽ chính quyền Obama vừa mới cấp cho Bộ Năng lượng Mỹ 18,5 tỉ USD ngân sách gọi là “đảm bảo tín dụng” nhằm thúc đẩy phát triển hạt nhân (1).

Thật ra, con số 18,5 tỉ USD mà AFP hôm 14-3 đưa ra là con số đã có sẵn, chứ con số Tổng thống Obama mới hôm 8-3 vừa đề nghị thông qua là gấp đôi! Ông Obama yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua một ngân sách bổ sung trị giá 36 tỉ USD cho năm nay và năm tới, nhằm giúp xây dựng thêm 10-12 lò phản ứng hạt nhân. Hiện ở Mỹ đang xây lắp bốn lò phản ứng hạt nhân bằng tiền đảm bảo tín dụng từ ngân sách liên bang. Lò đầu tiên sẽ hoạt động vào năm 2017.

Tờ USA Today ngày 14-3 đăng xã luận nêu thực tế rất đáng ngại ở Mỹ: Năm ngoái khi thủ đô của Haiti bị một vụ động đất hất tung, người Mỹ ít nhất cũng còn có thể tự trấn an rằng nhà cửa của họ vững và an toàn hơn ở Haiti. Vụ động đất ở Nhật nay phát đi thông điệp ngược lại. Ủy ban an toàn địa chấn bang Utah gần đây đưa ra kết luận trên một mẫu khảo sát gồm 128 trường học, có đến 60% không đạt tiêu chuẩn liên bang.

Một nghiên cứu ở bang Oregon năm 2007 cho thấy có đến 1.000 ngôi trường, tức khoảng 46% số trường trong bang, có nguy cơ cao, thậm chí rất cao sẽ sụp đổ khi có động đất.

Anh, Đức rút "bài học Nhật Bản", Đài Loan lo ngại

Tại London, Bộ trưởng Năng lượng Anh Chris Huhne tuyên bố: “Chúng tôi nghiêm túc xem xét sự cố này, cho dù ở Anh không có lý do gì để lo ngại một địa chấn cỡ đó. Tôi đã gọi cho chánh thanh tra hạt nhân, tiến sĩ Mike Weightman, yêu cầu ông báo cáo toàn diện tình hình ở Nhật cùng các bài học cần phải học”.

Ở Đức, hôm thứ bảy tuần trước, 50.000 người đã xuống đường đứng nối tay thành một chuỗi dài 45km từ Nhà máy điện Neckarwestheim đến thành phố Stuttgart để yêu cầu Chính phủ Đức dứt khoát đoạn tuyệt năng lượng hạt nhân. Thông điệp này được đưa ra lúc Thủ tướng Đức Angela Merkel đang họp khẩn với các bộ trưởng then chốt, do lẽ bà Merkel đã gia hạn hoạt động cho một số nhà máy điện hạt nhân (2).

Đài Loan đang đặc biệt lo ngại tính an toàn của ba nhà máy điện hạt nhân cùng sáu lò phản ứng ở Jinshan, Kuosheng và Maanshan, có tuổi từ 25-33 năm. Câu hỏi đang đặt ra là liệu kết cấu già nua của các nhà máy này có chịu đựng được động đất hay không.

Rút kinh nghiệm sự cố ở Nhà máy Fukushima Daiichi do hệ thống giải nhiệt các lò phản ứng bị ngưng hoạt động, Công ty Điện lực Đài Loan đã cam đoan rằng các nhà máy này đều có hệ thống điện dự phòng cho hệ thống giải nhiệt của các lò phản ứng. Tuy nhiên, các dân biểu quốc hội cũng khuyến cáo dừng xây cất nhà máy điện hạt nhân thứ tư, đồng thời nên hướng đến các nguồn điện năng khác như điện mặt trời (mà Đài Loan đang sản xuất ê hề). Công ty Điện lực Đài Loan trấn an rằng ở nhà máy thứ tư này, nhiên liệu chưa được nạp vào trong lò (3).

Hôm thứ hai 14-3, nhật báo The Manila Times của Philippines đưa tin Nhà máy điện hạt nhân Bataan do Hãng Westinghouse (Mỹ) xây xong năm 1996 tại nước này nhưng chưa hoạt động vì nhiều lý do sẽ bị chuyển “công năng”. Theo báo này, dân biểu Bernadette Herrera-Dy yêu cầu tiểu ban năng lượng hạ viện xếp lại dự án nhà máy điện hạt nhân, do lẽ “cho đến nay những người hậu thuẫn dự án này vẫn lấy các nhà máy điện hạt nhân của Nhật ra làm khuôn mẫu cho tính an toàn và kinh tế của năng lượng hạt nhân”.

Theo nữ dân biểu này, biến cải Nhà máy điện hạt nhân Bataan thành nhà máy điện khí chính là phương cách tái sử dụng một cách an toàn nhất và ít tốn kém nhất.

Điện hạt nhân vẫn khả dụng

Ngày thứ ba 15-3, nhật báo The Korea Herald loan tin Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak hôm thứ hai (14-3) đã dự lễ động thổ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trị giá nhiều tỉ USD tại UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).

Báo này kết luận: “Sau vụ động đất ở Nhật, các phong trào môi trường chống lại việc xây nhà máy điện hạt nhân ở đây và ở các nước sẽ tăng cường độ phản đối. Song loài người vẫn bị buộc phải sử dụng năng lượng hạt nhân khi nhiên liệu hóa thạch (dầu, khí...) cạn đi. Giải pháp duy nhất là tăng tối đa những đề phòng, cộng với giáo dục công chúng biết sống sao cho an toàn với những nguồn năng lượng nguy hiểm ấy”.

Liên quan đến nội dung này, có tin Úc đã đàm phán sơ bộ xong việc bán uranium cho UAE, qua trung gian của Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd. Úc hiện cung cấp 20% lượng uranium cho thế giới, kể cả cho Nhật Bản.

Nhật báo The Strait Times của Singapore ngày 15-3 cùng quan điểm với The Korea Herald: “Năng lượng hạt nhân, tuy nhiên, có lẽ cũng sẽ tồn tại qua tai họa này. Do lẽ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ phải chấm dứt. Sẽ có thêm nhiều quốc gia đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân. Suy nghĩ về vấn đề này đã thay đổi từ nhiều năm qua, từ một sự đối kháng “giáo điều” dựa trên cơ sở là bài toán an toàn, chuyển sang một tuyến suy nghĩ khả dụng hơn nhằm giúp việc sản xuất năng lượng hạt nhân trở nên an toàn hơn”.

(1) US lawmakers urge go slow on nuclear energy, by Magan Crane (AFP)
(2) Nuclear safety worries spread to Europe, The Guardian, Saturday 12 March 2011
(3)
http://www.asianewsnet.net

__________

Bà Hiroko Yamashita đã lớn tuổi, chỉ ở một mình, lại đang đau đớn. Khi trận động đất 9 độ Richter xảy ra, một giá sách rất cao và nặng đã đổ vào người bà, làm bà khuỵu xuống và đau nhức mắt cá chân. Vài giờ sau nhân viên y tế đến, nhưng “mẹ tôi vẫn cho đó là chuyện bình thường” - con rể bà nhớ lại. Bà liên tục xin lỗi con cái và mọi người xung quanh vì làm phiền họ, rồi cứ hỏi đi hỏi lại xem còn ai cần được chăm sóc trước bà nữa.

Rất ngại làm phiền người khác

Trận động đất mạnh nhất trong lịch sử của nước Nhật dường như không ảnh hưởng tới tính cách người dân nước này: luôn thể hiện sự quan tâm tới người khác ngay cả khi họ rơi vào những tình huống kém may mắn nhất. Khó thấy người Nhật nghĩ tới việc làm phiền người khác bằng cách thể hiện sự lo lắng của mình.

Trên một chuyến bay dài tới Tokyo, một doanh nhân tuổi ngũ tuần cứ hỏi liên tục người bạn đồng hành ngồi kế bên về các dự định của anh ở Tokyo: Anh sẽ ở đâu? Vì sao lại chọn chỗ này? Có ai đón anh ở sân bay chưa?... Nhưng chỉ đến khi chuyến bay dài chín giờ sắp hết, người đàn ông được hỏi mới thú nhận là mình sẽ đi về phía bắc, hướng sóng thần vừa tấn công để tìm tin tức người thân.

Yêu cầu người giúp đỡ mình đôi khi dẫn tới việc bị coi là khác biệt ở Nhật Bản. Ở quốc gia mà người dân phải dùng tới mặt nạ phòng độc để bảo vệ an toàn cho mình, có những người kiên quyết không để lộ nỗi lo lắng của họ ra ngoài, nhất là những người đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

“Tôi đang cố gắng thật sự để không cho người khác thấy mình sợ thế nào” - Masaki Tajima, tiếp tân tại khách sạn Utsunomiya, bắc Tokyo, cho biết. Tại một cửa hàng bán gas ở Koriyama, cách 200km về phía bắc Tokyo, một số khách hàng lo lắng khi thấy sắp hết hàng. Kenji Sato, nhân viên với 12 năm kinh nghiệm, liên tục xin lỗi khách hàng: “Xin lỗi, không còn gas nữa, rất xin lỗi”.

Tính quy củ và trật tự xã hội

Những nơi khác của nước Nhật, quy củ, trật tự trong xã hội và sự bình tĩnh của người Nhật đã được duy trì ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Ở Tokyo và những vùng ngoại ô, động đất khiến hệ thống giao thông công cộng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng khi có tàu đến, người dân vẫn xếp hàng trật tự lên tàu như bất kỳ ngày bình thường nào. Lên đến tàu mọi người đều ngồi yên lặng, nhìn vào điện thoại di động với hi vọng có được tín hiệu viễn thông.

“Thật là kém văn minh nếu cứ xô đẩy và vượt lên người khác bằng cách đó. Mà làm thế thì có tác dụng gì?” - anh Kojo Saeseki, người đang giúp vợ bước lên con tàu đông đúc ở ngoại ô thành phố, cho biết.

Khi Chính phủ Nhật thông báo sẽ cắt điện luân phiên để bảo tồn năng lượng, các hộ kinh doanh và người dân tự nguyện tắt đèn và các thiết bị điện. “Dù làm được chuyện nhỏ mà có ích thì cũng tốt” - Yuichi Morita, nhân viên xây dựng, nói. Chuỗi siêu thị 7 - Eleven và Lawson sử dụng đèn chiếu sáng bên ngoài ở mức thấp nhất, rất nhỏ, chỉ đủ để khách hàng biết họ đang mở cửa.

“Tôi nói với cha tôi. Ông không nói gì, đứng lên, đi khắp nhà và rút tất cả ổ cắm điện mà chúng tôi không dùng ra. Bình thường ông không để ý lắm, để đèn và tivi mở ngay cả khi không dùng. Nhưng sự yên lặng của ông đã khiến tôi xúc động” - một người tên Yokoyama viết trên Twitter.

Nhà văn Lesley Downer, tác giả quyển The last concubine nổi tiếng, cho biết người Nhật không bộc lộ suy nghĩ của mình nhiều để không bị mất mặt, hoặc làm người khác mất mặt. Với họ, thể hiện sự tức giận là thô lỗ, kém văn minh. Ông Lesley vẫn nhớ cảnh tai nạn giao thông ở Nhật, tất cả những người liên quan đều cúi đầu, mỉm cười và xin lỗi nhau. Đến nay thế giới không hề thấy có hình ảnh nào về chuyện la hét, mất trật tự ở phía bắc Nhật Bản - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất dù hàng hóa đang dần trở nên khan hiếm, nước thiếu, điện thiếu, dịch vụ y tế thiếu trầm trọng.

Trên tờ Daily Telegraph, Ed West nhận định tinh thần đoàn kết đặc biệt mạnh ở Nhật Bản: “Khi khó khăn, siêu thị giảm giá, các máy bán hàng tặng nước uống miễn phí để người dân sống sót. Nhưng ấn tượng nhất là không hề có cướp bóc ở đây”. Dù tình trạng ngày càng tồi tệ hơn, dường như cách hành xử của người dân ngày càng tốt hơn.

Ông Gregory Pflugfelder, giám đốc Trung tâm văn hóa Nhật Donald Keene ở ĐH Columbia, đánh giá: “Người Nhật có sự hiểu biết rất rõ về trách nhiệm, có tinh thần sống vì cộng đồng của mỗi người”.

Trong lịch sử, các thành phố ở Nhật bị phá hủy liên tục vì chiến tranh, hỏa hoạn và động đất. Mỗi lần như vậy người Nhật đều tái thiết đất nước lớn hơn, tốt hơn.

Vai trò của chính quyền mạnh

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, chính quyền Nhật đã điều động 100.000 lính tới giải cứu và hỗ trợ các nạn nhân thảm họa. Gần 400.000 người đã được di tản tới hơn 2.000 trung tâm khẩn cấp.

Theo thông tin từ Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo Liên Hiệp Quốc (UNOCHA), các bệnh viện tại Nhật đều đối phó không mấy khó khăn với tình trạng bệnh nhân tăng vọt. Tổng cộng 145/170 bệnh viện phản ứng khẩn cấp ở Nhật đang hoạt động hiệu quả. Hoạt động điều phối cứu trợ được thực hiện qua nhóm phản ứng khẩn cấp liên bộ, ngành do Văn phòng thủ tướng điều hành.

Sự khác biệt giữa thảm họa động đất - sóng thần Nhật với trận động đất 7 độ Richter tại Haiti năm ngoái là cực lớn. Ở Haiti chính quyền chẳng hề điều động binh sĩ. Cảnh sát và lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế cũng phản ứng rất chậm chạp. Không hề có kế hoạch di tản hay khu vực di trú khẩn cấp, kể cả nhiều tuần sau động đất. Người dân tự tìm chỗ trú ẩn và các cơ quan quốc tế chật vật nhiều tuần lễ để cung cấp lều và vải. Việc thiếu một chính quyền mạnh ở Haiti khiến thảm họa trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Ngay trước động đất, Thủ tướng Nhật Naoto Kan đang vật lộn giữ chiếc ghế của mình, do tỉ lệ ủng hộ của người dân xuống còn dưới 20%. Vào đúng ngày động đất, ông buộc phải đưa ra tuyên bố sẽ không từ chức vì vụ bê bối liên quan tới khoản tiền tài trợ của người nước ngoài đang sống ở Nhật. Khi động đất xảy ra, ông đã đọc lời kêu gọi đất nước vững niềm tin, đoàn kết và kiên cường. Đó là những phẩm chất đã đưa nước Nhật vượt qua những khó khăn và đau khổ sau Thế chiến thứ hai.

Ông nói với đồng bào: “Nhật Bản đang đối mặt với thảm họa tồi tệ nhất trong 65 năm qua, kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Tất cả chúng ta đang đối mặt với những thử thách để xem chúng ta có thể vượt qua được hay không. Tôi tin là chúng ta có thể”.

__________

Siêu sóng thần hôm thứ sáu tuần trước 11-3 đã bắt đầu khi nào, diễn tiến ra sao? Và còn đe dọa như thế nào?

Phóng to
Bản đồ sóng thần chiều 11-3

Một ngày trước đã cảnh báo địa chấn 6,6 độ Shindo!

Sáng thứ năm 10-3-2011, lúc 6g28 (giờ Nhật), Cơ quan khí tượng Nhật (JMA) phát đi bản tin đầu tiên: địa chấn xảy ra lúc 6g24 tại khu vực Sanriku Oki, ở độ sâu khoảng 10km, cường độ 6,6 độ Shindo, tương đương 9 độ Richter (1). Bốn phút sau, JMA phát tiếp thông tin sóng thần số 2 như sau:

Không có tổn hại do sóng thần tại một số bờ biển khác, dù mực nước biển có thể thay đổi không đáng kể. Ở một nước mà địa chấn lớn nhỏ là “chuyện cơm bữa”, cơn địa chấn sáng sớm thứ năm 10-3 với ghi nhận “không có tổn hại do sóng thần” kèm theo được xem “không là gì”. Thành ra một giờ sau, JMA đã ngưng mọi cảnh báo sóng thần liên quan.

Cần nhắc lại rằng 11g45 ngày thứ tư trước đó, cũng tại vùng biển Sanriku Oki và ở độ sâu 10km đã xảy ra một cơn địa chấn cường độ 7,2 độ. Đến 14g50, không thấy có gì nguy hiểm, JMA ngưng cảnh báo sóng thần liên quan đến cơn địa chấn này.

Vùng biển Sanriku Oki, ngoài khơi tỉnh Iwate chính là vùng biển khởi thủy vụ động đất lịch sử ngày 2-3-1933 có cường độ 8,4 độ Richter với sóng thần dọc theo bờ biển Honshu khiến 3.064 người chết!

Khu vực dự kiến sóng thần/Vị trí sóng

Sóng lớn lúc

Dự kiến thời điểm sóng thần vô tới bờ

Fukushima

06:50 10-3

Iwaki-shi Onahama

06:08 10-3

07:10 10-3

Soma

06:00 10-3

07:30 10-3

Tỉnh táo phân tích cảnh báo sóng thần

Có thể thấy rằng ít nhất trong hơn hai ngày trước thảm họa, khu vực phía đông bắc Nhật Bản đã mấy lần rung chuyển với cường độ có lúc đến 7,2 độ tại cùng khu vực Sanriku Oki và ở cùng độ sâu khoảng 10km, song lần này có kèm theo sóng lớn hơn 3m trên một quãng bờ biển (màu đỏ trên bản đồ), bao gồm khu vực địa chấn hai hôm trước, nên lúc 14g49 JMA phát đi cảnh báo sóng thần lớn!

Sống ở một xứ mà địa chấn trên 6 hay 7 độ là “chuyện cơm bữa”, quả là phải có thái độ ứng xử đã được rèn luyện và định hình bên cạnh bản năng sinh tồn. Rèn luyện nhất chắc chắn là các chuyên gia địa chấn và sóng thần ở JMA để họ có thể cực kỳ tỉnh táo phân tích các dữ kiện đo lường được rồi đưa ra các dự báo hay cảnh báo khẩn cấp, và kết thúc cảnh báo, ngày này sang ngày khác.

Chỉ trong vòng bốn phút sau địa chấn “khủng” ban đầu, họ đã phát đi cảnh báo sóng thần số 1 kèm theo danh sách các địa điểm sóng thần có thể ập vào, lúc nào và chiều cao ước lượng, cùng với chi tiết cơn địa chấn hôm ấy.

Nếu như ở tỉnh Iwate phải đành chịu bó tay vì sóng thần đã vào bờ rồi thì ở các tỉnh Miyagi và Fukushima (nơi có nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố) còn có được 10 phút so với giờ thông báo để có thể di tản. Còn các khu vực khác như Kujukuri và Sotobo (tỉnh Chiba) hay quần đảo Izu, dân chúng có được nửa giờ. Thủ đô Tokyo, cách tâm chấn 373km, chỉ có được 80 giây báo trước. Ngược lại, các địa điểm xa như Philippines có được đến hơn bốn giờ, ở California (Mỹ) có những 12 giờ... để chuẩn bị.

Nhanh cấp thời là điều kiện tiên quyết cho mọi cơ chế cảnh báo khẩn cấp. Và cảnh báo đó tự động được phát qua mọi phương tiện thông tin, các nhà máy điện, khí đốt... tự động khóa van. Tính sống còn của JMA trong cảnh báo là tính quyết đoán đó chứ không ở chỗ cơ quan được trang bị đến cả ngàn bộ cảm ứng địa chấn lắp đặt khắp nước có khả năng cảnh báo địa chấn chỉ trong vòng 10 giây (2).

Sóng thần rượt dài dài

Từ “tsunami” của Nhật (tsu là “cảng” và nami là “sóng”) là từ mà các ngư dân Nhật gọi những đợt sóng lớn bất thường ập vô bờ. Tuy động đất và sóng thần có liên quan với nhau, song một vụ động đất không nhất thiết phải gây ra sóng thần. Tất cả tùy thuộc nơi tốc độ, diện tích, chu kỳ... của con sóng, địa hình đáy biển... Cũng không phải sóng cao sẽ tạo ra sức tàn phá lớn, mà là thời gian nước dâng cao và khối lượng nước di chuyển lúc đó.

Sức tàn phá của vụ động đất - sóng thần lần này tương đương 340 megaton (khoảng 24.000 quả bom ném xuống Hiroshima năm 1945). Sau vụ động đất chính còn có hai vụ khác sau đó cường độ 7,1 và 6,8 độ Richter, 12 vụ khác cường độ ≥6 độ. Các dư chấn có thể tiếp tục trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần sau đó.

Tất nhiên, với sức mạnh lớn như thế, cơn sóng thần không dừng ở châu Á. Tổng cộng có đến 17 nước khác chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tại California, một người đàn ông đã bị sóng biển cuốn trôi gần cửa sông Klamath vào chiều 11-3. Trong cảng Santa Cruz, cách 45km về phía nam thành phố San Jose, nơi cộng đồng Việt kiều Bắc Cali sinh sống, nhiều tàu và kho đã bị va đập vì sóng lớn.

Một số ít người Việt từ cuối tuần đã tạm lánh đến thành phố Las Vegas ở sâu trong nội địa, khi có tin có thể xảy ra động đất và sóng thần đổ vào khu vực gần San Diego ở Nam Cali trong các ngày 14 và 15-3. Biết làm sao được khi vụ động đất năm 1989 tàn phá Los Angeles ở Nam Cali đã “hằn dấu” cuộc sống và sóng thần ở giữa đại dương có thể di chuyển với tốc độ của một máy bay phản lực.

(1) JMA không sử dụng thang Richter mà sử dụng thang Shindo riêng của mình, từ năm 1898 được chia làm bảy bậc, thấp nhất là 0, cao nhất là 7, để đo độ rung động đất
(2) “80 Seconds of Warning for Tokyo”,
http://www.technologyreview.com/computing/35090/?p1=A1

__________

Trận động đất 9 độ Richter ngoài khơi đông bắc Nhật Bản hôm 11-3 đã tạo ra đợt sóng thần cao đến 10m. Người Nhật đã quen đối phó với các tình huống động đất nên thiệt hại nhân mạng lần này chủ yếu là do sóng thần, với số người chết hơn 10.000 người và hàng chục ngàn người mất tích, theo công bố của cảnh sát Nhật ngày 13-3.

Đài truyền hình NHK những ngày qua liên tục phát hình hành trình của cơn sóng dữ ập vào các thành phố ven biển do người dân ghi lại từ camera của mình trong lúc chạy sơ tán đến các vùng đất cao. Sóng thần đi qua, còn lại là cảnh hoang tàn. Mặt đất ngổn ngang tàu bè, xe cộ và mảnh vụn nhà cửa. So với đợt sóng thần cuối năm 2004 ở vùng biển Ấn Độ Dương, lần này người ta chứng kiến rõ hơn hình ảnh cơn thịnh nộ của thiên nhiên ở chính đất nước đặt tên cho nó: tsunami.

Phóng to

Cơn sóng dữ chồm lên đường phố ở Miyako, tỉnh Iwate ngay sau khi có động đất 9 độ Richter sáng 11-3 - Ảnh: Reuters

Phóng to
Các nhân viên thuộc lực lượng tự phòng vệ Nhật Bản tìm kiếm nạn nhân thảm họa tại thành phố Higashimatsushima, tỉnh Miyagi ngày 14-3 - Ảnh: Reuters
Phóng to
Người dân đi dọc con đường ngập nước ở thành phố Ishimaki, tỉnh Miyagi sau cơn động đất và sóng thần - Ảnh: Reuters
Phóng to
Một phụ nữ được đưa ra từ đống đổ nát ở thành phố Natori, tỉnh Miyagi - Ảnh: Asahi Shimbun
Phóng to
Một người dân ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate được trực thăng quân sự cứu khỏi đống đổ nát hôm 12-3 - Ảnh: Asahi Shimbun
Phóng to
Một tòa nhà tại làng Tanohata, tỉnh Iwate còn trơ lại khung sắt và những vật dụng, mảnh vỡ do sóng thần “gửi” vào - Ảnh: Reuters
Phóng to
Những giọt xăng trở nên quý hiếm sau bốn ngày sóng thần quét qua Kesennuma, tỉnh Miyagi - Ảnh: Reuters
Phóng to
Hai cặp vợ chồng già chúc mừng nhau khi gặp lại sau cơn sóng thần ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate ngày 15-3 - Ảnh: Reuters

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận