Can thiệp sớm, trẻ có cơ may hòa nhập được

KHỔNG LOAN thực hiện 05/04/2010 08:04 GMT+7

TTCT - Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THANH BÌNH, khoa giáo dục đặc biệt Đại học Sư phạm TP.HCM, trả lời TTCT về những vấn đề cơ bản liên quan đến bệnh tự kỷ ở Việt Nam.

Phóng to
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - Gia Tiến

Nhật ký mẹ và con
Mở trường vì con
Thế giới của nước mắt và nụ cười

* Thưa bà, thế giới phát hiện chứng tự kỷ từ bao giờ? Ở Việt Nam, triệu chứng này lần đầu tiên được nói đến khi nào?

- Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển mà nguyên nhân gây ra đang còn nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là do cấu trúc và hoạt động bất thường của não bộ. Đây là một dạng rối loạn phát triển phức tạp, hiện chưa có thuốc chữa đặc hiệu, nhưng nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ có nhiều cơ may sống bình thường, học, hòa nhập được.

Trẻ mang hội chứng tự kỷ kém phát triển về ngôn ngữ, yếu kém trong các mối quan hệ xã hội, có những sở thích kỳ cục, cách ứng xử bất thường với trẻ em xung quanh, làm trẻ khó hòa nhập xã hội.

Chứng tự kỷ có thể đã có từ lâu, nhưng chỉ chính thức được bác sĩ tâm thần nhi khoa Leo Kanner, người Áo, phát hiện vào năm 1943. Năm 1944, bác sĩ nhi khoa người Đức Hans Asperger cũng phát hiện và mô tả những nét tương tự ở người bệnh.

Hai ông vốn không biết nhau nhưng đều đặt tên cho chứng này là Autism, từ tiếng Hi Lạp, nghĩa là “tự chỉ”, nói về cái tôi.

Trên thế giới, từ những năm 1980 người ta đã nói nhiều đến chứng tự kỷ, nhưng ở Việt Nam khoảng những năm 2000 trở lại người ta mới nói nhiều đến chứng này.

Số trẻ em với hội chứng tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng, chủ yếu do cách đoán bệnh ngày nay khác xưa. Trước đây, người ta thường ghép hội chứng tự kỷ với chậm phát triển hoặc tâm thần nói chung. Ngày nay, việc xác định hội chứng tự kỷ đã mang nét riêng, đặc trưng, chuyên biệt hơn.

* Tại sao gần đây ở Việt Nam lại nói nhiều đến căn bệnh này như vậy?

- Cùng với các phương tiện truyền thông phát triển, hiểu biết của các bậc cha mẹ tăng lên, ngày càng có nhiều người biết đến các biểu hiện bất thường trong phát triển của con mình để liên hệ với các cơ quan có chức năng chẩn đoán và hỗ trợ con họ.

Sự gia tăng dân số, bùng nổ thông tin, ý thức của cha mẹ tốt hơn cũng làm trẻ tự kỷ được biết đến nhiều hơn.

* Điều kiện chữa trị đối với căn bệnh này ở Việt Nam ra sao?

- Ở Việt Nam, hiện có nhiều trường, lớp, nhóm trẻ của Nhà nước và tư nhân chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.

Nhưng lĩnh vực này còn khá mới mẻ lại chưa có sự tổ chức đồng bộ và phù hợp nên không phải mọi trẻ đều được can thiệp đúng lúc, đúng cách. N

hiều phụ huynh còn ngơ ngác, chưa biết giúp con như thế nào, tìm thầy, tìm trường ở đâu. Nhiều phụ huynh sốt ruột, thúc giục tiến trình can thiệp cho nhanh mà không hiểu rằng mỗi trẻ tự kỷ mỗi khác, không trẻ nào giống trẻ nào, do đó phương pháp và thời gian trị liệu không hoàn toàn giống nhau.

Hơn nữa, chỉ can thiệp ở trường hay ở các trung tâm can thiệp sớm vẫn chưa đủ.

Ông bà, cha mẹ, những người chăm sóc trẻ tự kỷ cần được tập huấn cách phát hiện và trợ giúp con mình, hợp tác chặt chẽ với giáo viên, các cơ sở chăm sóc con mình thì mới phát huy được các mặt mạnh của trẻ.

* Đã có trung tâm, cơ sở điều trị chính thức nào ở Việt Nam chưa? Nếu cần tìm kiếm thì liên hệ ở đâu?

- Ở TP.HCM có đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2, ở Hà Nội có Bệnh viện Nhi T.Ư có thực hiện việc chẩn đoán và hỗ trợ trẻ tự kỷ. Có thể liên hệ với phòng can thiệp sớm của khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Chẩn đoán bằng các bộ công cụ chuẩn, do người được đào tạo thực hiện rất quan trọng để đưa ra một kế hoạch hỗ trợ đúng.

Vì sao căn bệnh này xuất hiện ở trẻ em?

- Thật ra chứng tự kỷ không phải chỉ có ở trẻ em, mà cả ở người lớn. Tuy nhiên, những triệu chứng tự kỷ thường xuất hiện khi các em được khoảng 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi và không phải luôn được cha mẹ, người thân của bé nhận ra hoặc cho là quan trọng.

Nếu cha mẹ thấy con có các biểu hiện sau thì nên cho con đến thăm khám:

* Trẻ tránh tiếp xúc bằng mắt. Bình thường trẻ thích được trò chuyện, đáp lại nựng nịu của người thân. Trẻ tự kỷ có thể nằm chơi im lặng cả ngày, không thay đổi tư thế, không giơ tay đòi bế, vẻ mặt thờ ơ, không đòi theo cha mẹ, không lo lắng khi mẹ sắp rời mình đi chỗ khác, không sợ người lạ; hoặc ngược lại quấy khóc, la hét vô cớ, khó ăn, khó ngủ. Có những trẻ đang phát triển quan hệ mẹ con bình thường thì mất quan hệ xã hội này.

* Phản ứng dữ dội với những thay đổi trong sinh hoạt, ví dụ phải đi học đúng đường đã đi, phải vào nhà đúng một cửa.

* Chậm phát triển vận động...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận