Cần phương thuốc đúng

TTCT- Cái khó khăn của bảo hiểm y tế BHYT hiện nay là làm sao để có thể quản lý được việc lạm dụng các kỹ thuật, tìm ra những dấu hiệu trục lợi bảo hiểm từ các thầy thuốc và bệnh nhân.

Thầy thuốc cần thời gian cho bệnh nhân, thay vì "ngập lụt" với thủ tục hành chính

 

Tại các nước tiên tiến, các chỉ định kỹ thuật và phác đồ điều trị thường được BHYT tham khảo trên hướng dẫn điều trị của các hội chuyên ngành. Vì sao tôi đề cao hội chuyên ngành?

Vì ở đó có đội ngũ thầy thuốc đủ uy tín để đưa ra những khuyến cáo chuyên môn dựa trên các chứng cứ khoa học, có tính khách quan và được cập nhật thường xuyên.

Những hướng dẫn điều trị có thể mang tính định chế tham khảo, làm cơ sở cho BHYT đối chiếu với những hồ sơ thực tế. Các hướng dẫn điều trị này cũng đạt được tính đồng thuận cao trong giới y học, do vậy sẽ hạn chế tối đa sự “lệch pha” giữa thầy thuốc và BHYT.

Có ý kiến đặt vấn đề về tính pháp lý khi tham khảo ý kiến chuyên  môn của hội. Tôi nghĩ chúng ta chỉ nên xét ở khía cạnh khoa học dựa trên uy tín nghề nghiệp của những chuyên gia đầu ngành của hội. Họ làm việc không vì động cơ cá nhân, không tư lợi nên sẽ không vì lý do gì để tự hủy hoại uy tín của mình. Tôi cho rằng bỏ qua vai trò của các hội chuyên ngành là một điều đáng tiếc.

BHYT hiện nay hơi ngả theo hướng kiểm soát nặng tính hành chính, chưa đi vào thực chất quản lý, lại không đào sâu nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại.

Chẳng hạn trong hồ sơ hiện nay, họ đòi hỏi bác sĩ phải ghi cụ thể những chỉ định. Tại sao tất cả không vi tính hóa, trên phiếu ghi in ra bác sĩ chỉ cần đánh dấu vào là đủ? Hậu quả là nhân viên y tế phải dành quá nhiều thời gian cho công việc hành chính, giấy tờ.

Mất rất nhiều thời gian chỉ dành cho việc kiểm tra hồ sơ, giấy tờ bảo hiểm, đối chiếu từng li từng tí để phần ghi của bác sĩ và y tá phải trùng khớp từng chữ, phải giống với quy định... nếu không chính xác có thể sẽ bị xuất toán.

Nỗi sợ xuất toán (tức là phải đền tiền) làm nhiều người không còn đủ thời gian cho chuyên môn. Phải giảm bớt thủ tục hành chính để đội ngũ thầy thuốc chúng tôi có thời gian phục vụ bệnh nhân. Quản lý là cần thiết nhưng phải khoa học, không nên đi vào điều vụn vặt.

Câu chuyện ứng dụng công nghệ để quản lý hồ sơ bệnh nhân là một vấn đề cần được cải thiện ngay. Nếu công tác lưu trữ hồ sơ được số hóa và kết nối tốt giữa ngành y tế và BHYT, lợi ích chung cho bệnh nhân, thầy thuốc và BHYT sẽ rất lớn.

Tại sao một bệnh nhân có BHYT có thể đến khám nhiều cơ sở khác nhau, lãnh cả nghìn viên thuốc sau nhiều lần khám liên tiếp mà không ai phát hiện ngay lập tức?

Nếu hệ thống quản lý dữ liệu tốt, hoàn toàn có thể truy xuất hồ sơ bệnh nhân dễ dàng và cảnh báo tình trạng trục lợi bảo hiểm sẽ sớm được đưa ra. Việc quản lý tốt hồ sơ bệnh nhân sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho bệnh viện, bệnh nhân và BHYT.

Hiện nay các bệnh viện đều có lưu trữ hồ sơ bệnh nhân, nhưng “bộ nhớ ngân hàng lưu trữ” này, tạm gọi như vậy, rất giới hạn, không bao lâu thì phải xóa hồ sơ cũ để lưu hồ sơ bệnh nhân mới. Việc lưu trữ tốt sẽ cho ngành y tế thống kê chính xác và có cơ sở tốt để làm công tác nghiên cứu.

Ai cũng thấy tính hiệu quả của hệ thống lưu trữ dữ liệu, nhưng ai sẽ đầu tư cho công việc này? Tôi không nghĩ bệnh viện đủ tiền đầu tư cho hệ thống lưu trữ lớn. Việc đầu tư mang tính lâu dài và chiến lược này ai sẽ làm?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận